Sự giàu đẹp của tiếng Việt Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt. Từ đó, các em có ý thức trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Sự giàu đẹp của tiếng Việt Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Đặng Thai Mai: 1902 - 1948.

- Quê: Làng Lương Điền - xã Thạch Xuân - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An.

- Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng của Việt Nam.

- Ông được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

1.2. Tác phẩm

- Đoạn trích phần đầu của bài nghiên cứu Tiếng Việt, Một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc.

- Kiểu văn bản: Nghị luận chứng minh.

- Bố cục:

+ Mở bài: Người Vịêt Nam ... các thời kỳ lịch sử: Nêu luận đề và luận điểm chủ đạo.

+ Thân bài: Tiếng Việt trong … văn nghệ: chứng minh luận điểm.

+ Kết bài: Còn lại: Sơ bộ kết luận về sức sống của tiếng Việt.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nêu vấn đề nghị luận

- Tác giả Đặng Thai Mai đã mở đầu bài viết bằng cách đưa ra những dẫn chứng cụ thể và dẫn dắt  chúng ta vào ngay vấn đề cần nghị luận bằng hai câu biểu cảm "Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó".

-> Nhìn chung ngữ pháp của những câu mở đầu được tác giả thể hiện rất rõ, câu thứ nhất cấu tạo bình thường. Câu sau rút gọn, ẩn chủ ngữ theo kiểu câu "tách trạng ngữ thành câu riêng". Kiểu câu không bình thường này, kết hợp hai từ biểu cảm tự hào, tin tưởng thể hiện rõ tình yêu, thái độ trân trọng của tác giả đối với tiếng nói Việt Nam.

- Từ đó, tác giả lôi cuốn người đọc vào vấn đề "Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay".

-> Câu văn thứ ba vừa toát ra tình cảm mến yêu, trân trọng, vừa bày tỏ sự suy nghĩ sâu sắc mang tính khoa học về giá trị của tiếng nói Việt Nam.

- Trước tiên nhắc đến sự giàu đẹp của tiếng Việt thì tác giả đã nhấn mạnh những tính từ để nói về tiếng Việt đó chính là tính từ "giàu" và "đẹp". Sau đó giải thích khái quát nghĩa của hai nét đẹp và hay của tiếng Việt: "... Một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu (tức là nói về từ vựng), tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu (tức là nói về cú pháp), có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam - tức là đánh giá vai trò, hiệu quả, tác dụng trong cuộc sống của tiếng Việt".

-> Đặng Thai Mai đã viết nên đoạn văn giới thiệu vấn đề rất đặc sắc và mạch lạc, cụ thể đoạn văn được viết với mạch văn trôi chảy, dồn dập, nếu đọc nhanh, đọc lướt, chúng ta khó nắm bắt các luận điểm, các ý tưởng của người viết. Văn phong khoa học là như thế, vần ngắn gọn, ý hàm súc.

2.2. Giải quyết vấn đề

- Về mặt ngữ âm:

+ Nhận xét của người nước ngoài: Tiếng việt giàu chất nhạc.

+ Hệ thống nguyên âm và phụ âm phong phú.

+ Giàu thanh điệu: 2 thanh bằng, 4 thanh trắc.

- Về mặt từ ngữ: dồi dào giá trị thơ, nhạc, hoạ.

- Về ngữ pháp: uyển chuyển, cân đối nhịp nhàng trong cách diễn đạt.

- Tác giả kết hợp giải thích và chứng minh.

- Tiếng Việt hay và nó đáp ứng được rất tốt, rất hiệu quả và thoả mãn yêu cầu giao lưu tình cảm, ý nghĩ giữa người với người trong xã hội.

- Tiếng Việt có khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt.

- Tác giả đã chứng minh được vẻ đẹp của tiếng Việt nhưng chưa dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục khẳng định tiếng Việt là thứ tiếng hay. Rồi ông minh hoạ bằng vài nét khái quát: tiếng Việt có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ, về hình thức diễn đạt, ngữ pháp đang dần dần uyển chuyển hơn, chính xác hơn, không ngừng đặt ra những từ mới, cách nói mới, đồng thời Việt hoá những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng... Dồn dập những dẫn chứng, vừa mang tính khoa học vừa đẫm chất thực tế. Điều đó giúp chúng ta vừa nâng cao hiểu biết về lý thuyết vừa thúc đẩy chúng ta liên hệ thực tế, để cảm thông, chia sẻ với tác giả niềm say mê trong khám phá khoa học và tình yêu tiếng mẹ đẻ Việt Nam.

=> Tác giả đã có chỉ ra được rằng trong tiếng Việt thì cấu tạo từ ngữ không ít đi mà ngược lại mỗi ngày một càng tăng lên, tạo ra những từ mới, những cách nói mới. Diễn đạt ngày càng uyển chuyển, chính xác hơn.

2.3. Kết thúc vấn đề

- Bằng lời khẳng định sức sống mạnh mẽ và lâu bền của Tiếng Việt.

- Chúng ta có thể nhận thấy chính sự giàu đẹp của tiếng Việt đã thúc đẩy được sự sáng tạo đặc sắc về văn thơ của các văn nghệ sĩ, các văn nghệ sĩ sáng tạo ra biết bao áng văn chương tuyệt tác và cũng nhờ sự sáng tạo và tình yêu tiếng nói Việt Nam của các tác giả mà tiếng Việt càng ngày càng giàu, càng đẹp hơn, sức sống càng ngày càng dồi dào hơn.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của Tiếng Việt với phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo - là biểu hiện hùng hồn sức sống dân tộc.

- Về nghệ thuật:

+ Kết hợp giải thích, chứng minh và bình luận.

+ Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng bao quát, sử dụng biện pháp mở rộng câu hiệu quả.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn cảm nhận về văn bản "Sự giàu đẹp của Tiếng Việt".

Gợi ý trả lời:

Là người Việt Nam chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khi giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày như để suy nghĩ, nói năng, giao tiếp. Nhưng đã mấy ai biết tiếng nói Việt Nam có những đặc điểm, những giá trị gì và sức sống của nó ra sao. Trong thơ và âm nhạc đã có vài ba người ca ngợi vẻ đẹp, nét độc đáo của tiếng Việt. Song muốn hiểu sâu để cảm nhận một cách thích thú vẻ đẹp, sự độc đáo của tiếng nói dân tộc Việt Nam, ta hãy đi tìm các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn chương. Một trong những người ấy là Giáo sư Đặng Thai Mai, tác giả bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt. Bài nghị luận ấy ngắn gọn mà sâu sắc đã giải thích và chứng minh một cách thuyết phục nét đặc trưng cơ bản của tiếng nói Việt Nam chúng ta: "Giàu và đẹp".

Câu 2: Em có nhận xét gì về nghệ thuật của văn bản "Sự giàu đẹp của Tiếng Việt"?

Gợi ý trả lời:

- Trong văn bản "Sự giàu đẹp của tiếng Việt" tác giả Đặng Thai Mai đã chứng minh được sự giàu đẹp của tiếng Việt bằng một hệ thống dẫn chứng khá phong phú và toàn diện, chính xác, giàu sức thuyết phục.

- Cách giải thích và chứng minh ngắn gọn, rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Văn bản đã cho ta thấy vốn tri thức phong phú, niềm tự hào, tin tưởng và tình yêu của tác giả đối với tiếng Việt - thứ tiếng thiêng liêng, yêu mến của dân tộc Việt Nam.

- Bài văn sử dụng phương thức nghị luận, chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt.

- Tác giả Đặng Thai Mai đã sử dụng cách chứng minh trực tiếp và gián tiếp để làm rõ cái hay, cái đẹp của tiếng Việt.

- Tác giả không chỉ trực tiếp phân tích, bình luận và giải thích để làm rõ sự phong phú, giàu đẹp của tiếng Việt mà đồng thời còn đưa ra các ý kiến, nhận định, các lời bình luận của người nước ngoài về tiếng Việt để tạo ra sự khách quan và tăng sức thuyết phục cho bài văn.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được sự giàu đẹp của tiếng Việt qua sự phân tích, chứng minh trong bài nghị luận giàu sức thuyết phục của Đặng Thai Mai.

- Nắm được những điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận của bài văn.

- Tìm hiểu, phân tích một văn bản nghị luận hình thành kỹ năng viết văn bản nghị luận.

- Có thức thức trân trọng, giữa gìn và phát huy sự trong sáng giàu đẹp của tiếng việt.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM