Ý nghĩa văn chương Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây nhằm giúp các em hiểu được quan niệm của tác giả Hoài Thanh về nguồn gốc, quan niệm, nhiệm vụ và công dụng của văn chương đối với cuộc sống của con người. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ý nghĩa văn chương Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Hoài Thanh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có tham gia phong trào Đông Du chống Pháp của Phan Bội Châu. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên (1909 - 1982).

- Quê: Nghi Trung - Nghi Lộc - Nghệ An.

- Lúc nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh rồi theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học, tham gia phong trào yêu nước của học sinh của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.

- Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật.

- Là một nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Việt Nam.

- Được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hoá nghệ thuật (2000).

b. Tác phẩm: 

- Tác phẩm nổi tiếng: Thi Nhân Việt Nam (1942).

- Văn bản có thể chia thành hai phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến "muôn vật, muôn loài" -> Công dụng của văn chương.

+ Phần 2: Còn lại -> Công dụng của văn chương.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương

- Tác giả đã mở đầu văn bản bằng cách nêu lên nguồn gốc của văn chương, tác giả Hoài Thanh đã kể một câu chuyện để nêu lên nguồn gốc, cụ thể câu chuyện kể về thi sĩ ấn Độ khóc nức nở khi thấy con chim bị thương rơi xuống cạnh chân mình => vào đề bất ngờ, tự nhiên, hấp dẫn, xúc động. Kể chuyện để dẫn dắt luận đề theo lối quy nạp.

- Tác giả không trực tiếp nêu vấn đề ý nghĩa của văn chương mà bắt đầu đi từ nguồn gốc cốt yếu của nó.

- Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật muôn loài.

- Mặc dù tác giả Hoài Thanh đã nêu lên một cách cụ thể và rõ ràng về nguồn gốc của văn chương nhưng văn chương vẫn còn rất nhiều nguồn gốc khác, chúng ta có thể thấy những quan điểm khác nhau như văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người hoặc văn chương là nghệ thuật của ngôn từ cuộc sống lao động của con người hoặc văn chương là nghệ thuật của ngôn từ...

=> Các quan niệm này tuy khác nhau nhưng không loại trừ nhau. Ngược lại, chúng bổ sung cho nhau về mặt ý nghĩa.

2.2. Công dụng của văn chương

- Văn chương sáng tạo ra sự sống:

+ Có thể nhận thấy văn chương mang đến cho con người những âm thanh sống động, hình ảnh vô cùng sinh động và hài hòa, đồng thời văn chương còn đưa ra những ý tưởng mà cuộc sống hiện tại chưa có, hoặc chưa đủ mức cần có để mọi người phấn đấu, xây dựng, biến chúng thành hiện thực tốt đẹp trong tương lai.

+ Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm cũng sống động, hoạt động, linh hoạt, phức tạp với những đặc điểm riêng không hoàn toàn giống với cuộc đời thực.

- Gây cho người đọc có tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có -> khiến cho cuộc đời ta thâm trầm và rộng rãi hơn.

- Biết thưởng thức, nhìn nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, thiên nhiên, cuộc sống -> Văn chương làm cho tình cảm của người đọc trở nên phong phú, sâu sắc, tốt đẹp hơn.

- Thế giới, cuộc đời thật nghèo nàn và buồn chán, thực dụng khi không còn nhà văn, không còn văn chương.

=> Tác giả đã đưa ra những lập luận thuyết phục nhằm chứng minh văn chương có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tình yêu đối với văn chương của Hoài Thanh. Qua đây tác giả cũng đã khẳng định được sức sống, sức hấp dẫn muôn đời của văn chương đối với con người.

- Về nghệ thuật:

+ Cách lập luận chặt chẽ, khoa học kết hợp với những cảm xúc tinh tế.

+ Ngôn ngữ khoa học, thuyết phục được người đọc, người nghe.

4. Luyện tập

Câu 1: Tác giả đã giải thích nguồn gốc của văn chương như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Trong văn bản tác giả Hoài Thanh đã đưa ra những lập luận chặt chẽ, bằng chứng xác thực nhằm giải thích cho người đọc nắm được nguồn gốc của văn chương bắt đầu bằng một giai thoại hoang đường. Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình.

- Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim cùng hòa một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Ý nghĩa văn chương".

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Ý nghĩa văn chương" của Hoài Thanh giúp chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của văn chương trong đời sống hiện nay của con người. Cuộc đời không thể thiếu văn chương. Văn chương sáng tạo ra cái đẹp, làm cho ta thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hoài Thanh đã dùng hình ảnh gợi cảm để diễn tả ý đó: “từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay”.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được quan niệm của Hoài Thanh về nguồn gốc cốt yếu, nhiệm vụ và công dụng của văn chương trong lịch sử loài người.

- Hiểu được phần nào phong cách văn nghị luận của nhà phê bình kiệt xuất Hoài Thanh.

- Phân tích một văn bản nghị luận.

- Có thái độ yêu quý, trân trọng các tác phẩm văn chương và thấy được giá trị của văn chương đối với đời sống.

Ngày:19/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM