Luyện tập lập luận giải thích Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận lập luận giải thích. Hy vọng rằng đây sẽ là bài học hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện tập lập luận giải thích Ngữ văn 7

1. Nội dung bài học

- Giải thích làm cho hiểu rõ những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực.

- Giải thích trong văn nghị luận làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

- Người ta thường giải thích bằng các cách: nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc theo dõi… vấn đề được giải thích.

- Bài văn giải thích phải có mạch lạc, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều không ai hiểu để giải thích những điều người ta chưa hiểu

- Muốn làm được bài văn giải thích phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.

2. Luyện tập

Câu 1: Lập dàn ý cho cho bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau".

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Hiện nay trong xã hội có rất nhiều đối tượng chỉ biết lợi ích của bản thân, không xem đến lợi ích của người khác.

- Phê phán lối sống đó, dân gian có câu: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

b. Thân bài:

- Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:

+ Nghĩa hiển ngôn:

  • Vế 1: Ăn cỗ đi trước: sẽ được xếp ngồi chỗ tốt, ăn nhiều món ngon.
  • Vế 2: lội nước đi sau: để tránh được chỗ nguy hiểm mà người đi trước đã gặp phải.

+ Nghĩa hàm ngôn:

  • Khi hưởng thụ thì có mặt trước để giành quyền lợi về mình càng nhiều càng tốt.
  • Khi cảm thấy có sự bất trắc, không thuận lợi cho bản thân thì né tránh, đùn đẩy phần vất vả, hiểm nguy cho người khác.

- Bình luận: Có thể bình luận câu tục ngữ trên theo hướng như sau:

+ Câu tục ngữ ý nói con người luôn đẩy khó khăn về người khác, giành những điều có lợi cho bản thân mình.

+ Là quan điểm sống thực dụng của những kẻ cơ hội, ích kỉ.

+ Quan điểm sống đúng đắn nhất.

+ Là quan điểm Bác Hồ đã dạy: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.

+ Coi làm việc, cống hiến cho gia đình, xã hội là niềm vui, là hạnh phúc của bản thân.

+ Biết gắn quyền lợi cá nhân với quyền lợi của cộng đồng.

+ Nếu ai cũng có quan điểm sống đúng đắn như trên thì những thái độ sống ích kỉ, tiêu cực sẽ bị đẩy lùi; xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

c. Kết bài:

- Chúng ta cần phải có thái độ sống tích cực hơn, biết nghĩ đến mọi người xung quanh hơn.

- Khẳng định quan điểm "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" là quan điểm sống cá nhân, ích kỉ.

- Thái độ của chúng ta là phê phán, lên án.

Câu 2: Em hãy viết bài văn lập luận giải thích với chủ đề tự chọn.

Gợi ý trả lời:

Chọn viết bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”:

Mỗi một câu tục ngữ đều ẩn chứa trong đó một bài học mà người xưa đúc kết để lại, truyền dạy cho con cháu. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là kinh nghiệm từ cuộc sống của ông cha ta. Nó thể hiện mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách con người.

“Mực” có màu đen, là tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Tay khi bị dính mực thì sẽ dính màu đen của mực. Vậy nên “gần mực thì đen” tức là khi ta tiếp xúc với những điều xấu thì sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm theo. Đối ngược với mực, “đèn” lại là một vật phát ra ánh sáng khiến cho mọi thứ xung quanh trở nên rõ ràng hơn. Vậy nên, “đèn” trưng cho những điều tốt đẹp. “Gần đèn thì sáng” ý muốn nói đến việc ta được sống trong môi trường lành mạnh thì cuộc sống sẽ được ảnh hưởng nhiều về mặt tích cực. Như vậy, cả câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lời nhắc nhở cho chúng ta phải biết lựa chọn những cái tốt, cái phù hợp với bản thân để phát triển.

Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn "đèn" để người khác được soi tỏ. Đừng sa đà vào những điều xấu xa sẽ bị "lấm bẩn" trở thành một vệt mực xấu xí, bao người xa lánh. Mỗi chúng ta cũng cần tôi rèn ý chí kiên cường trước mọi hoàn cảnh khó khăn, để dù trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn biết vươn lên, biết tránh những điều xấu, bảo vệ được nhân cách đạo đức của mình.

Ngoài xã hội, khi tiếp xúc gần gũi với môi trường không tốt đẹp, con người dễ dàng tập nhiễm những thói hư tật xấu và dần dần đánh mất bản chất lương thiện của mình. Cụ thể ở môi trường học tập, quanh ta có biết bao nhiêu bạn xấu thường xuyên trốn học, quậy phá, học yếu làm phiền lòng thầy cô. Nếu ta cứ lân la gắn bó với những bạn ấu ấy thì sớm muộn gì ta cũng bị ảnh hưởng lây.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi môi trường xấu xa. Vẫn có những cánh sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng, dù xung quanh hôi hám sen vẫn nở đẹp và tỏa ngát hương thơm. Thực tế vẫn có những người sống trong môi trường không tốt đẹp, không thuận lợi mà vẫn giữ mình không sa ngã. Môi trường càng xấu xa thì phẩm chất của con người càng tuyệt vời đáng khâm phục. Anh Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đọan lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là một lời khuyên thiết thực và bổ ích. Em cũng rút ra từ đó bài học bổ ích cho bản thân là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong để có được một quan điểm sống lành mạnh, đúng đắn. Hãy tránh xa bóng tối của những cám dỗ xấu xa; chọn bạn tốt mà chơi để học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vững hơn cách làm một bài văn giải thích.

- Viết được đoạn văn lập luận giải thích.

- Có ý thức trau dồi tri thức, bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức bản thân thông qua những bài văn giải thích.

Ngày:26/12/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM