Kiểm tra phần văn Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có thể hệ thống hóa được những kiến thức về phần văn đã được học trong chương trình Ngữ văn 7. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Kiểm tra phần văn Ngữ văn 7

1. Nội dung bài học

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của những bài thơ trữ tình trung đại đã học trong chương trình Ngữ văn 7.

- Sưu tầm được một số bài ca dao có ý nghĩa đặc sắc theo sự hướng dẫn của thầy/ cô giáo.

- Nắm được ý nghĩa của những bài tục ngữ đã học trong chương trình Ngữ văn 7.

- Viết được bài văn nghị luận về một tác phẩm tự chọn theo sự hướng dẫn của thầy/ cô giáo.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn nghị luận về một tác phẩm trữ tình trung đại đã học.

Gợi ý trả lời:

Chọn viết bài văn nghị luận về tác phẩm "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" của Lí Bạch:

Lý Bạch không chỉ được biết đến với tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn mà ông còn được biết đến với tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu quê hương đất nước. Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh đã thể hiện tình cảm sâu nặng của nhà thơ đối với quê hương của mình.

Hai câu thơ đầu miêu tả khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, huyền ảo:

"Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương"

Thời gian đã về khuya, cả không gian tĩnh lặng, tràn ngập ánh trăng, ánh sáng của trăng len lỏi vào cả căn phòng đặc biệt là nơi tác giả nằm ngủ. Hai chữ “minh” và “quang” đều nói về ánh sáng, bổ sung cho nhau làm cho sáng càng thêm sáng. Không gian yên ắng, tĩnh lặng, cái yên lặng không chỉ được thể hiện ở nhan đề bài thơ “tĩnh” mà còn được gợi lên từ không gian chỉ có màu sắc - tràn ngập ánh trăng, không hề xuất hiện âm thanh - sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Trong không gian tĩnh lặng, vừa hư vừa thực đã khiến tác giả liên tưởng: “ngỡ mặt đất phủ sương”. Ánh trăng sáng dường như mang màu trắng nhẹ, không gian trở nên huyền ảo, ánh trăng mà cứ ngỡ sương phủ. Từ nhận biết bằng thị giác (nhìn ánh trăng) đến sự cảm nhận bằng xúc giác (sương thu). Hai chữ “nghi thị” (ngỡ là) cho thấy khung cảnh đã được cảm nhận qua cảm xúc chủ quan của tác giả.

Vầng trăng trở nên như cõi thiên thai. Sương khói của ánh trăng làm cho câu thơ ngập trong không khí mơ màng, hư hư thực thực. Cả trăng và thi nhân đã giao hoà, giao cảm quyện làm một. Phải thật tĩnh lặng mới nghe được tiếng trò chuyện thầm thì của trăng và thi nhân. Một sự quan hệ qua lại như đền đáp ân huệ mà thiên nhiên ban tặng cho thi nhân cũng như lòng ngưỡng mộ của thi nhân với trăng. Rất tự nhiên, nhẹ nhàng thi nhân hướng về nàng tiên trong đêm sâu.

"Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương"

Tư thế nhìn trăng là một tư thế rất tự nhiên của thi nhân, trong giây phút ấy tác giả gửi trọn hồn mình cho trăng phút chốc tâm tư bỗng trĩu nặng rồi dồn nén vội quên đi cả vũ trụ đất trời đang mời gọi. Đê đầu nhớ về quê cũ yêu thương. Đêm nay trăng sáng nơi quê người, trong quán trọ trên bước đường lữ thứ, tâm hồn nhà thơ sau không khắc khoải bồn chồn. Ánh trăng đêm nay hay chính ánh trăng ngày nào trên núi Nga Mi hiện về. Bỗng chốc lòng tác giả nặng xuống với: quá khứ, hiện tại, tương lai đang trỗi dậy trong lòng.

Như vậy có thể thấy toàn bộ bài thơ cảnh và tình luôn song hành với nhau gắn bó với nhau. Đối với Lý Bạch thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành vừa có thể cùng ông vui chơi nhưng cũng có khi nó lại người bạn tri kỉ để ông giãi bày tâm sự của mình. Tâm hồn ông luôn tha thiết với thiên nhiên và chính tấm lòng ấy đã gợi cho ông những cái nhìn khá độc đáo về thiên nhiên.

Có thể nói thơ Lý Bạch đều thể hiện một tình yêu quê hương,đất nước chân thành. Trong đó bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh có thể được coi là một bài thơ viết về tình yêu quê hương hay nhất,tác giả rất tinh tế lấy ngoại cảnh thiên nhiên để biểu hiện nỗi nhớ quê của mình. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, nhớ quê dường như nó là một tâm trạng chung của những người phải xa quê.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy sưu tầm 5 bài ca dao hay về chủ đề than thân.

Gợi ý trả lời:

(1) "Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?".

(2) "Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai".

(3) "Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ởi nếm thử mà xem,

Nếm rồi mới biết rằng em ngọt bùi".

(4) "Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày".

(5) "Thân em như hạt mưa sa,

Hạt xuống giếng ngọc, hạt ra ruộng cày".

Câu 3: Em hãy sưu tầm một số câu tục ngữ hay có nội dung phản ánh kinh nghiệm của nhân dân ta về các hiện tượng mưa, nắng, bão, lụt.

Gợi ý trả lời:

(1) "Chuồn chuồn bay thấp mưa ngập bờ ao,

Chuồn chuồn bay cao mưa rào lại tạnh".

(2) "Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy,

Cơn đằng nam, vừa làm vừa ăn".

(3) "Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa".

(4) "Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang

Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút".

(5) "Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa".

(6) "Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì mưa".

(7) "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên".

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Củng cố những kiến thức đã học về phần văn.

- Biết cách sưu tầm một số bài ca dao, tục ngữ hay.

- Có ý thức học tập bộ môn.

- Trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân.

Ngày:16/01/2021 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM