Hướng dẫn làm món canh ngó môn nấu tôm

Món canh ngó môn nấu tôm là một món ăn không quá khó nấu nhưng vị ngọt của tôm hòa quyện cùng vị thơm bùi đặc trưng của ngó môn đã tạo nên một sức hấp dẫn khó cưỡng cho vị giác. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết cách nấu món canh này nhé!

Hướng dẫn làm món canh ngó môn nấu tôm

Ngó môn hay còn gọi là ngó khoai/bồng khoai là phần thân mọc dài ra ở phía gốc của cây khoai nước hay môn nước. Có thân dài, thon, kích thước lớn bằng ngón tay người, cung cấp hàm lượng chất sơ và nước cao. Ngó môn là phần được xem là ít ngứa nhất của cây môn nước, được sử dụng nhiều trong các món ăn như nấu canh, làm dưa chua, xào, gỏi,...

1. Nguyên liệu món canh ngó môn nấu tôm

  • 400g Ngó môn
  • 200g Tôm đất (thẻ/sú)
  • Hành lá, rau ngổ
  • Hành tím, tỏi
  • Mắm tôm
  • Gia vị: Hạt nêm, dầu ăn, nước mắm, muối

2. Các bước làm món canh ngó môn nấu tôm

2.1 Sơ chế nguyên liệu

Ngó môn sau khi mua về cạo sạch lớp vỏ xanh bên ngoài, cắt khúc ngắn và ngâm trong thau nước muối pha loãng để không bị thâm rồi để ráo. Tuy ít ngứa nhưng để an toàn bạn nên đeo găng tay cao su hoặc nilon để sơ chế ngó khoai nhé.

Tôm bóc vỏ, bỏ dầu, rút chỉ đen. 

Hành lá và rau ngổ đem rửa sạch rồi thái nhỏ, hành tím và tỏi bóc vỏ rồi băm nhuyễn.

Bắc một nồi nước lên bếp nấu sôi rồi cho ngó môn vào luộc sơ, sau đó vớt ra và cho ra tô. Khi luộc xong bạn cũng có thể dùng thìa hoặc cho vào cối giã cho ngó môn trước khi nấu canh sẽ mềm và nhanh chín hơn. (Tùy theo sở thích có thể để nguyên cọng nấu nhé)

Luộc ngó môn trước giúp hạn chế bị ngứa khi ăn và nấu cũng nhanh chín hơn.

2.2 Chế biến

Bước 1: Bật bếp rồi cho nồi lên bếp, nồi nóng cho ít dầu ăn cùng hành tím và tỏi băm nhuyễn rồi phi thơm. Tiếp đến cho tôm vào rồi xào lên cùng một chút nước mắm cho thơm và đảo đều.

Bước 2: Chế một lượng nước vừa ăn vào nồi tôm xào, đến khi sôi bạn nêm nếm thêm ít hạt nêm, muối và một chút mắm tôm cho vừa miệng. Nêm mắm tôm cho món ăn thơm hơn và đậm vị hơn, nếu bạn nào không ăn được mắm tôm thì không cho vào cũng không sao.

Bước 3: Đợi canh sôi lại, các bạn cho ngó môn vào nấu cùng rồi vặn lửa hơi nhỏ nấu canh trong khoảng 5-10 phút. Khi thấy ngó môn mềm thì tắt bếp và cho hành lá cùng rau ngổ vào.

Món canh ngó môn nấu tôm

Lưu ý: Để món canh bồng khoai không bị ngứa, theo kinh nghiệm dân gian thì khi chế biến cần phải chú ý:

  • Khi tước xơ của bồng khoai chỉ dùng tay để tước, không được dùng dao
  • Khi nấu bồng khoai không được dùng đũa tre để quấy.
Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM