Sinh học 8 Bài 16: Tuần hoàn máu và lưu thông bạch huyết

Trong bài học này các em được tìm hiểu về các thành phần tham gia vào tuần hoàn máu và lưu thông bạch huyết ở cơ thể người. Qua đó nhận thấy được vai trò quan trọng của mỗi thành phần trong quá trình lưu thông máu của cơ thể.

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tuần hoàn máu

- Hệ tuần hoàn gồm tim và hệ mạch

+ Tim: có 4 ngăn gồm 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất, nửa phải chứa máu đỏ thẫm, nửa trái chứa máu đỏ tươi, có chức năng co bóp tống máu tạo lực đẩy máu vào động mạch.
+ Hệ mạch: có chức năng dẫn máu từ tim đến các tế bào và từ tế bào về tim bao gồm:

  • Động mạch: xuất phát từ tim.
  • Tĩnh mạch: trở về tim.
  • Mao mạch: nối động mạch và tĩnh mạch.

Hình 16.1 Vòng tuần hoàn máu

- Vai trò của hệ tuần hoàn

+ Tim làm nhiệm vụ co bóp tạo lực để đẩy máu.
+ Hệ mạch: Dẫn máu từ tim đến các tế bào và từ các tế bào trở về tim.
+ Vòng tuần hoàn lớn: Từ tâm thất trái đến các cơ quan (trao đổi chất) trở về tâm nhĩ phải.
+ Vòng tuần hoàn nhỏ: Từ tâm thất phải đến phổi (trao đổi khí) rồi trở về tâm nhĩ trái.

Hình 16.2 Vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ

⇒ Máu lưu thông trong toàn bộ cơ thể là nhờ hệ tuần hoàn.

1.2. Lưu thông bạch huyết

Hệ bạch huyết gồm:

  • Mao mạch bạch huyết.
  • Mạch bạch huyết.
  • Hạch bạch huyết.
  • Ống bạch huyết.

Hình 16.3 Cấu tạo vòng tuần hoàn lớn

- Hệ bạch huyết được chia ra làm 2 phân hệ lớn và nhỏ:

  • Phân hệ nhỏ: thu bạch huyết ở nửa trên bên phải cơ thể sau đó về tĩnh mạch.
  • Phân hệ lớn: thu bạch huyết ở phần còn lại của cơ thể.

- Hệ bạch huyết có vai trò cùng với hệ tuần hoàn máu thực hiện chu trình luân chuyển môi trường trong cơ thể và tham gia bảo vệ cơ thể.

Hình 16.4 Hệ bạch huyết trong cơ thể người

2. Bài tập minh họa

Trình bày các thành phần cấu tạo của hệ bạch huyết. Nêu vai trò của hệ bạch huyết?

Hướng dẫn giải:

- Hệ bạch huyết gồm:

+ Phân hệ lớn và phân hệ nhỏ.
+ Mỗi phân hệ có các mao mạch bạch huyết, mạch bạch huyết, hạch bạch huyết, ống bạch huyết.

- Vai trò của hệ bạch huyết: Góp phần thực hiện chu trinh luân chuyển môi trường trong của cơ thể và tham gia bảo vệ cơ thể. Cụ thể:

+ Phân hệ nhỏ: Thu bạch huyết ở nửa trên bên phải cơ thể rồi đổ về tĩnh mạch dưới đòn phải.
+ Phân hệ lớn: Thu bạch huyết ở phần dưới và nửa trên bên trái cơ thể rồi đổ về tĩnh mạch dưới đòn trái. Tất cả sẽ hoà vào máu ở tĩnh mạch chủ trên, đổ về tìm. Hệ bạch huyết chỉ có tĩnh mạch mà không có động mạch.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hệ bạch huyết gồm những thành phần cấu tạo nào?

Câu 2: Hệ tuần hoàn máu gồm những thành phần cấu tạo nào?

Câu 3: Nêu tên vài cơ quan, bộ phận cơ thể và cho biết sự luân chuyển bạch huyết nơi đó nhờ phân hệ nào.

Câu 4: Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp

Hệ bạch huyết gồm ...(1)... Vai trò của hệ bạch huyết là ...(2)... thực hiện chu trình luân chuyển ...(3)... và tham gia bảo vệ cơ thể.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Hệ bạch huyết bao gồm:

A. ống bạch huyết, mạch bạch huyết

B. hạch bạch huyết, mao mạch bạch huyết

C. ống bạch huyết, hạch bạch huyết, mao mạch bạch huyết

D. ống bạch huyết, mạch bạch huyết, hạch bạch huyết, mao mạch bạch huyết.

Câu 2: Trong hệ bạch huyết của người, phân hệ nhỏ thu bạch huyết ở

A. nửa trên bên phải cơ thể.

B. nửa dưới bên phải cơ thể.

C. nửa trên bên trái và phần dưới cơ thể.

D. nửa dưới bên phải và phần trên cơ thể.

Câu 3: Trong hệ bạch huyết của người, phân hệ lớn không thu bạch huyết ở

A. nửa trên bên phải cơ thể.

B. nửa dưới bên phải cơ thể.

C. nửa trên bên trái và phần dưới cơ thể.

D. nửa dưới bên phải và phần trên cơ thể.

Câu 4: Sau khi luân chuyển trong hệ bạch huyết, dịch bạch huyết sẽ được đổ trực tiếp vào bộ phận nào của hệ tuần hoàn

A. Tĩnh mạch dưới đòn

B. Tĩnh mạch cảnh trong

C. Tĩnh mạch thận

D. Tĩnh mạch đùi

Câu 5: Thành phần nào dưới đây có ở cả máu và dịch bạch huyết ?

A. Huyết tương

B. Tiểu cầu

C. Bạch cầu

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 6: Vai trò đầy đủ của hệ bạch huyết là:

A. Sản xuất tế bào máu

B. Vận chuyển các chất trong cơ thể

C. Thực hiện chu trình luân chuyển môi trường trong cơ thể và tham gia bảo vệ cơ thể

D. Bảo vệ cơ thể

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được các thành phần cấu tạo của hệ tuần hoàn máu và vai trò của chúng.
  • Nêu được các thành phần của hệ bạch huyết và vai trò của hệ bạch huyết đối với cơ thể. 
Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM