Bệnh đau mắt đỏ - những thông tin cần biết

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Một trong những bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra các biến chứng như viêm, loét giác mạc … Đó là bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc. Hãy cùng với eLib tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

Bệnh đau mắt đỏ - những thông tin cần biết

1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng xảy ra viêm ở lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt là vào mùa hè, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, từ trẻ em, người lớn tới người già. Cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh viêm kết mạc, vì thế mỗi người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần.

2. Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ

  • Vi khuẩn
  • Virus
  • Dị ứng (bụi, lông động vật, hoá chất, phấn hoa …)

3. Các con đường lây nhiễm của bệnh

  • Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, rỉ mắt của người bệnh như bắt tay, cầm, nắm, chạm vào những vật dụng đã nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, đồ dùng cá nhân, khăn mặt, gối …).
  • Lây lan qua không khí.
  • Sử dụng nguồn nước đã bị nhiễm bẩn.

Trường hợp viêm kết mạc do dị ứng sẽ không bị lây truyền.

4. Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ

  • Ngứa, cộm xốn.
  • Đỏ mắt.
  • Đau mắt đỏ do DỊ ỨNG chảy nước mắt và ngứa rất nhiều kèm theo rỉ ở 2 khóe mắt, thuường kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên bệnh đau mắt đỏ do dị ứng xảy ra cả 2 mắt nhưng lại không lây lan.
  • Đau mắt đỏ do VI KHUẨN kèm theo đổ nhiều ghèn (rỉ) màu xanh, vàng dính ở 2 mi mắt vào buổi sáng, mắt ngứa, một vài trường hợp nặng có thể gây nên viêm loét giác mạc.
  • Trường hợp do VIRUS thường chảy nước mắt nhiều, bệnh nhân bị giảm thị lực và rất nhạy cảm với ánh sáng, nổi hạch ngay trước tai.

Đây là những triệu chứng chung, tuy nhiên có những trường hợp phối hợp các dấu hiệu, vì thế bệnh nhân không nên dựa vào những triệu chứng đó để chẩn đoán và tự điều trị.

5. Cách chăm sóc và điều trị khi bị đau mắt đỏ

Khi đau mắt đỏ, bạn không nên tự điều trị mà cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, chẩn đoán xem có thật sự do viêm kết mạc hay không vì có những trường hợp đau mắt đỏ do viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn …

- Tùy vào nguyên nhân cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp:

  • Viêm kết mạc do virus: bệnh tự khỏi sau vài ngày, cần chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: bác sĩ sẽ kê toa bao gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị.
  • Trường hợp do dị ứng sẽ được kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng.

Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên nghỉ học hoặc nghỉ làm vài ngày cho đến khi khỏi hẳn để tránh lây bệnh. Đối với những bệnh nhân đeo kính áp tròng khi bị đỏ mắt phải ngưng dùng ngay. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi vì sẽ làm bẩn lọ thuốc. Nên dùng khăn mềm, nhúng nước, để vào ngăn lạnh sau đó đắp lên mắt để giảm các triệu chứng phù nề.

Đặc biệt những bệnh nhân viêm kết mạc do vi khuẩn và virus cần giữ vệ sinh để đảm bảo không lây truyền bệnh cho người xung quanh của mình bằng cách rửa tay thường xuyên trước và sau khi chạm vào mắt, che mũi và miệng khi hắt hơi.

6. Biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, nó có khả năng lây lan rất nhanh. Do đó, bạn nên:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung các vật dụng với người bệnh ví dụ như bao gối, khăn tay, khăn chườm mắt …
  • Không sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường làm việc ô nhiễm, khói bụi …
  • Hạn chế đi bơi khi đang có dịch bệnh. Nếu có đi phải dùng kính bơi để tránh mắt tiếp xúc với nước hồ bơi. Đặc biệt những người dùng kính áp tròng cần tháo ra khi đi bơi để nước hồ bơi không len vào kính gây nên tình trạng viêm và đỏ mắt. Sau khi đi bơi nên rửa mắt bằng dung dịch NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để vệ sinh mắt.

Hy vọng với những thông tin trên đây về bệnh đau mắt đỏ sẽ giúp mọi người có những hiểu biết để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả!

Ngày:29/07/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM