Hướng dẫn viết lời mở đầu khóa luận tốt nghiệp ấn tượng nhất

Để có được một lời mở đầu luận văn tốt nghiệp hay, lôi cuốn người đọc. Bạn đã biết cách viết một lời mở đầu chất lượng chưa? Vậy thì tham khảo bài viết Hướng dẫn viết lời mở đầu luận văn tốt nghiệp ấn tượng nhất mà eLib chia sẽ dưới đây nhé!

Hướng dẫn viết lời mở đầu khóa luận tốt nghiệp ấn tượng nhất

1. Lời mở đầu là gì?

Lời mở đầu là lời giới thiệu cũng như nội dung chia sẻ đầu tiên của người viết đến độc giả. Nó đóng vai trò như một bản đồ hướng dẫn cho người đọc cũng như cung cấp các thông tin cần thiết của bài luận văn như tên đề tài, tác giả và lý do tác giả chọn đề tài.

2. Cách viết lời mở đầu luận văn tốt nghiệp

Nếu kết luận luận văn tốt nghiệp là phần tổng hợp sơ lược các kết quả nghiên cứu được, thì lời mở đầu luận văn là phần dẫn dắt nhằm giới thiệu đề tài nghiên cứu và nội dung sơ lược của luận văn.

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết cách viết lời mở đầu luận văn tốt nghiệp để bạn có thể ghi điểm tuyệt đối nhé!

2.1 Dẫn dắt vào bài luận bằng một câu đề

Theo một con số thống kê từ tác giả Karen Hertzberg: “Nếu bạn không thu hút được sự chú ý của người đọc trong vòng mười lăm giây, thì 55% số họ sẽ chuyển sang thứ khác. Ngay từ câu đầu tiên, tôi đã cho bạn biết lý do tại sao bài viết này lại quan trọng, đó là một cách mạnh mẽ để buộc ai đó đọc tiếp”.

Bởi vậy, bạn nên tạo ấn tượng ngay từ câu đầu tiên trong lời mở đầu. Hãy bắt đầu nó bằng:

- Một lời trích dẫn

- Một con số thống kê gây bất ngờ

- Một giai thoại 

- Đặt một câu hỏi

- Chia sẻ điều gì đó cá nhân

- …

Chúng sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của người đọc, và giúp cho họ thấy được rằng bạn đã rất đầu tư thời gian, công sức cho bài luận này.

2.2 Bổ sung thông tin cơ sở

Sau khi nêu một chủ đề rộng ở câu đề, bạn nên thu hẹp phạm vi bằng cách cung cấp thêm những thông tin có liên quan đến đề tài luận văn tốt nghiệp của bạn. Hãy trình bày những nội dung có liên quan nhất để thầy cô, bạn bè có thể hiểu được vấn đề mà bạn sắp bàn luận ở đây là gì.

Ví dụ như: Đề tài của bạn là “Phát triển dịch vụ logistics của Công ty Cổ phần Vinalines Logistics…” thì trong phần giới thiệu này, bạn nên cung cấp thông tin về phát triển kinh tế, thị trường dịch vụ,…

2.3 Trình bày luận điểm của luận văn

Phần cuối của lời mở đầu chính là lúc bạn trình bày luận điểm của bài luận văn tốt nghiệp. Một luận điểm được cho là tốt khi nó là một luận điểm cụ thể, có thể đưa ra những lý lẽ, minh chứng thuyết phục. Đủ hấp dẫn, họ sẽ tiếp tục xem bài luận văn tốt nghiệp của bạn một cách hứng thú.

Chú ý không nên lặp lại nguyên văn đề tài mà bạn nhận được. Thay vào đó, hãy viết lại nó theo cách riêng của bạn mà vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, tạo tiền đề cho phần trình bày tiếp theo.

Viết được một lời mở đầu luận văn tốt nghiệp hay sẽ tạo được sự lôi cuốn cho người đọc, khiến họ muốn cùng bạn tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề được đặt ra. Do đó, lời mở đầu đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục thầy cô tiếp tục đọc luận văn của bạn.

3. Mẫu lời mở đầu luận văn tốt nghiệp tham khảo

Mẫu 1: 

Đề tài: Phân tích và thu hồi các kim loại vàng bạc trong phế liệu của công nghiệp điện tử

LỜI MỞ ĐẦU

Cùng với nguyên tố platin, vàng, bạc là các kim loại quý hiếm nhờ tính bền vững, không bị phá hủy trong nhiều môi trường của nó, chúng giữ được màu sắc sáng bóng lâu dài, chính vì vậy từ  x­a xưa, chúng đã được loài người dùng làm đồ trang sức, mỹ nghệ, làm vật trao đổi có giá trị cao. Trong đời sống các quốc gia trên thế giới, dùng vàng, bạc bảo đảm tiền tệ quốc gia…

Ngày nay cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học kỹ thuật đòi hỏi tính bền vững, lâu dài nên ngoài việc sử dụng vàng bạc làm đồ trang sức, mỹ nghệ… thì vàng bạc còn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghệ hiện đại, nhất là những ngành có thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, độ tin cậy, độ bền vững, độ an toàn cao. Một trong số đó là ngành kỹ thuật điện, điện tử, vi điện tử, điện hóa…

Trong những năm gần đây với sự phát triển không ngừng và có tính nhảy vọt của các ngành điện tử, vì vậy hàng năm trên thế giới tiêu thụ một lượng vàng, bạc rất đáng kể cho kỷ thuật điện tử, vi điện tử làm cho trữ lượng vàng trên thế giới giảm đi, do đó việc thu hồi vàng, bạc từ phế liệu điện tử là việc làm cần thiết và được nhiều người quan tâm. Không phải vì tính thiết thực về kinh tế của nó mà còn với mục đích bảo vệ môi trường và chống lại sự lãng phí.

Trong phạm vi đề tài, vì điều kiện có hạn nên chúng tôi sử dụng một số phương pháp thích hợp để thu hồi vàng, bạc từ phế liệu điện tử nh­ư máy tính, tivi, đài radio…

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành như thông tin, điện tử, vi điện tử thì nhu cầu sử dụng vàng, bạc trong kỷ thuật sản xuất đang cao, nên sự thu hồi vàng, bạc từ phế liệu điện tử càng cần thiết, thiết thực.

Mẫu 2:

Đề tài: Thực trạng kế toán nguyên vật liệu tại Công ty Cổ phần Việt Trì Viglacera

LỜI MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Bất kỳ một quá trình sản xuất xã hội nào cũng đều có 3 yếu tố chủ yếu sau: Lao động - Đối tượng lao động - Tư liệu lao động. Nguyên vật liệu là một loại của đối tượng lao động.Trong các doanh nghiệp sản xuất, nguyên vật liệu là yếu tố không thể thiếu được của quá trình sản xuất kinh doanh.Chi phí nguyên vật liệu thường chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm và trong bộ phận dự trữ chủ yếu của quá trình sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, quản lý tốt khâu thu mua, dự trữ và sử dụng vật liệu là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải tổ chức tốt công tác kế toán nhất là kế toán nguyên vật liệu. Công tác kế toán nguyên vật liệu được thực hiện tốt sẽ cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin cho các nhà quản trị doanh nghiệp biết về tình hình sử dụng tài sản lưu động, đồng thời góp phần vào việc cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư cho quá trình sản xuất, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành định mức tiêu hao nguyên vật liệu, góp phần giảm những chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.Như vậy, công tác kế toán nói chung và kế toán nguyên vật liệu nói riêng giữ một vai trò quan trọng đối với hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ và phụ kiện vệ sinh.Do đặc điểm sản xuất với số lượng nguyên vật liệu lớn, công ty chưa có danh điểm cho từng nguyên vật liệu nên gây khó khăn cho việc hạch toán. Công tác kế toán nguyên vật liệu còn bộc lộ một số hạn chế, mất nhiều thời gian do đó việc hạch toán chi phí nguyên vật liệu còn chưa đảm bảo cho quá trình sản xuất ra phù hợp.

Xuất phát từ những lý do trên em đã chọn nghiên cứu đề tài: “Thực trạng kế toán nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera”.

2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

2.1. Mục tiêu chung

Vận dụng cơ sở lí luận để phản ánh và đánh giá thực trạng kế toán nguyên vật liệu  tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera.Từ đó, đưa  ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán nguyên vật liệu tại đơn vị.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về kế toán nguyên vật liệu trong doanh nghiệp sản xuất.

- Phản ánh và đánh giá thực trạng kế toán nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera

- Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Kế toán nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: Kế toán nguyên vật liệu.

- Về không gian: Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera. Địa chỉ: Phố Hồng Hà- Phường Tiên Cát- Thành phố Việt Trì- Tỉnh Phú Thọ

- Về thời gian: số liệu sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ năm 2011 –tháng 4/2014, tập trung vào tháng 2/2014

4. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu lý luận: Là hệ thống lý luận về phương pháp nghiên cứu, phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực.Tất cả những lý luận và nguyên lý có tác dụng hướng dẫn, gợi mở đều là những lý luận và nguyên lý có ý nghĩa phương pháp nghiên cứu lý luận.

- Phương pháp thống kê kinh tế: Là hệ thống các phương pháp từ quan sát, thu thập, xử lý, phân tích và đánh giá các thông tin.

- Phương pháp kế toán: Là công cụ quan trọng của kế toán trong việc thu nhập, xử lý, kiểm tra, phân tích thông tin về tình hình kinh tế tài chính của đơn vị cho các đối tượng sử dụng.

+ Phương pháp chứng từ kế toán: Là phương pháp kế toán được sử dụng để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và thực sự hoàn thành theo thời gian, địa điểm phát sinh hoạt động đó vào các chứng từ kế toán, phục vụ cho công tác kế toán, công tác quản lý.

+ Phương pháp tài khoản kế toán: Là phương pháp kế toán được sử dụng để phân loại đối tượng kế toán từ đối tượng chung tới đối tượng cụ thể để ghi chép, phản ánh, kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống tình hình hiện có và sự biến động của từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động kinh tế của đơn vị, phục vụ cho lãnh đạo trong quản lý kinh tế, tổ chức và lập báo cáo tài chính.

+ Phương pháp tính giá: Là phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để xác định giá thực tế của tài sản theo những nguyên tắc nhất định.

+ Phương pháp tổng hợp – cân đối kế toán: Là phương pháp kế toán được sử dụng để tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ vốn có của đối tượng nhằm cung cấp các chỉ tiêu kinh tế tài chính cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán phục vụ công tác quản lý các hoạt động kinh tế tài chính trong và ngoài đơn vị.

- Phương pháp chuyên gia: Là phương pháp tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các thầy cô giáo để tìm được định hướng đúng đắn trong việc khái quát, đánh giá và đưa ra kết luận cho vấn đề nghiên cứu.

5. Kết cấu của đề tài

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài gồm 2 chương:

 Chương 1: Cơ sở lý luận về kế toán nguyên vật liệu trong các doanh nghiệp sản xuất

 Chương 2: Thực trạng công tác kế toán nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần Việt Trì Viglacera

Mẫu 3: 

Đề tài: Kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra

LỜI MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Điều tra là một thể loại quan trọng, hấp dẫn bậc nhất của báo chí. Nảy sinh từ những “hoàn cảnh có vấn đề”, điều tra đi tìm hiểu, xem xét, tìm ra sự thật đằng sau những mâu thuẫn của hoàn cảnh, vấn đề, nhằm lý giải cho người đọc hiểu rõ bản chất, tính chất, các mối liên hệ của sự việc. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu sự thật này không hề dễ dàng. “Hoàn cảnh có vấn đề”trong điều tra thường là nhữnghiện tượng tiêu cực, là kết quả của hành vi thiếu trách nhiệm, tham lam, vụ lợi của một hoặc một nhóm người, thường được che giấu rất kĩ, không dễ gì phát hiện ra và gặp nhiều cản trở từ đối tượng có nguy cơ bị xâm hại lợi ích nếu sự thật bị phơi bày. Để đi tìm lời giải thuyết phục cho câu hỏi “Tại sao?”, nhà báo viết điều tra cần đến rất nhiều kỹ năng:quan sát, phân tích, khai thác số liệu, khai thác tâm lý nhân vật,… Nhưng trong rất nhiều trường hợp, số liệu không phơi bày ra trước mắt, nhân vật không tự nhiên xuất hiện…mà ẩn mình sau tầng bậc các mối quan hệ. Để có được chứng cứ xác thực, thuyết phục, nhà báo có thể phải nhập vai vào nhân vật.

Tuy nhiên, không phải nhà báo viết điều tra nào cũng có kỹ năng nhập vai tốt. Thực tế báo chí thế giới và Việt Nam cho thấy rằng, nhiều nhà báo điều tra đã trở nên nổi tiếng trong làng báo nhờ nhập vai thành công và cũng không ít người thân bại danh liệt, ra tù vào tội vì nhập vai sai nguyên tắc.

Nhìn lại lịch sử thủ pháp nghiệp vụ điều tra bằng cách nhập vai hay hóa thân nhân vật ở nền báo chí khá tự do như Mỹ, thì thấy hình thức này rất phổ biến vào những năm 70, 80 đặc biệt sau những bài phóng sự gây tiếng vang của một nữ phóng viên của tờ New York World (NYW). Nelly Bly, một phóng viên của tờ NYW đã ghi tên vào lịch sử báo chí thế giới với nghiệp vụ này. Để điều tra về sự đối xử tàn nhẫn đối với bệnh nhân ở trại tâm thần Women's Lunatic Asylum, Bly đã được sự đồng ý của ban biên tập NYW giả điên để được đưa vào nhà thương điên, từ đó bà được tận mắt chứng kiến những ngược đãi tại đây. Sau đó, dưới sự bảo đảm của NYW, Bly được đưa ra khỏi trại tâm thần này và có những bài viết phản ánh thực trạng của trại. Phóng sự của bà gây được tiếng vang và sau này trại tâm thần này có được sự quan tâm, đầu tư hơn về chi phí chăm sóc bệnh nhân. Việc hóa thân của Bly là vì “lợi ích công”, mỗi bước đi của bà đều có sự tham vấn và đồng ý của toàn báo và bà cũng không “lôi kéo” ai khác vào vụ việc mà chỉ một mình chứng kiến các hành vi hàng ngày và khéo léo tác nghiệp.

Trong vụ kiện của Siêu thị rau củ quả Food Lion, để phanh phui bê bối về vệ sinh an toàn thực phẩm, hai phóng viên của Đài ABC đã hóa thân nộp đơn làm nhân viên của siêu thị để điều tra đặt máy quay lén làm bằng chứng. Tòa báo bị kiện. Ở tòa sơ thẩm, Đài ABC bị tuyên thua kiện và bị buộc phải nộp phạt 5,5 triệu đô, sau này là 316.000 đô với lý do phóng viên của đài đã có dối trá trong hồ sơ xin việc, giả mạo làm “nhân viên” của siêu thị đã "xâm nhập trái phép" vào cở sở làm việc, vi phạm nội quy công ty, sự trung thành với công ty (là công nhân thì nhiệm vụ là phải làm việc chứ không phải quay phim phản ánh sự việc), đã cố tình lôi kéo, xúi giục các nhân viên khác trong công ty vi phạm nội quy an toàn vệ sinh thực phẩm để quay làm tư liệu- điều mà các nhân viên kia từ chối, và tội tiết lộ “bí mật công ty”. Tất nhiên, vụ việc được đưa lên tòa phúc thẩm và Đài ABC lại được tuyên thắng kiện vì “các lý do kỹ thuật” khác tức là mặc dù đài ABC đã sai nhưng Food Lion không thể chứng minh rằng họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những bài phóng sự của ABC mà thực tế chính những hành vi của Food Lion đã gây ra ảnh hưởng đó, chứ không phải việc công bố những hành động đó. Vậy nhưng, dù cuối cùng thì Đài ABC cũng được tuyên thắng thì vụ kiện đã làm mất của Đài này 7 năm ròng theo đuổi hầu tòa.

Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng xuất hiện nhiều bài phóng sự thực hiện theo hình thức hóa thân, nhập vai. Hẳn ai trong làng báo hoặc có quan tâm đến báo chí đều không thể quên vụ việc nhà báo Hoàng Khương, báo Tuổi trẻ.  Giữa năm 2011, để tìm chứng cứ cho loạt bài điều tra về nạn nhận mãi lộ của cảnh sát giao thông (CSGT) để “giải cứu”, bao che cho các xe vi phạm giao thông, Hoàng Khương đã “nhập vai quá đà”, dẫn tới bị liên đới với tội danh “đưa hối lộ”. Cuối năm 2011, nhà báo Hoàng Khương, một cây bút viết điều tra có tài, đầy tâm huyết đã bị tước thẻ nhà báo, bị kết án 4 năm tù.  Sự việc Hoàng Khương khiến dư luận vẫn chưa hết xót xa thì cuối năm 2012, phóng viên Nguyễn Hoài Nam, phóng viên báo Thanh niên lại mắc phải lỗi nghiệp vụ tương tự trong quá trình thực hiện bài điều tra “Nạn  bảo kê đường của cảnh sát cơ động – trật tự”. Anh bị điều tra phạm về hành vi “cố tình tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội”. Cuối năm 2014 sự việc mới có kết luận cuối cùng, tuy Hoài Nam không bị xử lý hình sự nhưng phải nhận sự kiểm điểm của Tòa soạn báo Thanh niên. Cho đến nay, khi Hoàng Khương đã được trả tự do hay Hoài Nam đã bị xử lý, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Từ đó, có thể thấy rằng những sai sót trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là rủi ro khi nhập vai có thể xảy ra đối với bất kỳ nhà báo nào. Tuy nhiên, bên cạnh những nguy cơ, vai trò và ý nghĩa của việc nhập vai trong điều tra lại không thể chối bỏ. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ năng nhập vai của các nhà báo viết điều tra là một việc cần thiết.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chưa có một khảo sát cụ thể nào, một thống kê chính xác nào về việc vận dụng kỹ năng nhập vai của các nhà báo Việt Nam. Không chỉ là đánh giá việc vận dụng kỹ năng này của các nhà báo (đã đúng cách hay chưa? thường theo những dạng nào?) mà còn có khả năng cảnh báo những nguy cơ của nó, thúc đẩy việc rèn luyện kỹ năng này cho mỗi nhà báo, đồng thời khuyến nghị với các cơ quan báo chí và các nhà quản lý báo chí về việc nâng cao nghiệp vụ này cho các nhà báo. Đó là lý do mà đề tài  “Kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra”  (Khảo sát Báo Lao động và Báo Tiền Phong từ ngày 01/10/2014  đến ngày 31/03/2015) ra đời.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Thực tế nghiên cứu cho thấy báo chí điều tra là một mảng rất thu hút không chỉ các nhà báo, các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới. Các công trình nghiên cứu về báo chí điều tra đều là những tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, là những kinh nghiệm, chia sẻ, đúc kết về mảng màu thú vị nhưng cũng rất gai góc này.

Trong hệ thống các tác phẩm nước ngoài về báo chí điều tra, có lẽ nổi bật hơn cả là cuốn “Báo chí điều tra” của nhà báo Nga A.A.Chertưchơnưi. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Nga năm 2002 và được NXB Thông tấn dịch, phát hành ở Việt Nam từ tháng 6/2013. Tác giả của cuốn sách là một nhà báo, nhà giáo giàu kinh nghiệm, đã từng thực hiện nhiều công trình khoa học về báo chí. Dựa vào kinh nghiệm của bản thân và những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác, với những dẫn chứng minh họa phong phú, tác giả đã để cập đến thể loại báo chí điều tra một cách sâu sắc và thuyết phục. Cuốn sách là một tài liệu quý cung cấp những tri thức tổng thể về  báo chí điều tra: Đặc điểm, phương pháp, các loại hình điều tra, hoạt động của nhà báo viết điều tra, cấu trúc bài báo điều tra. Cũng bởi tính toàn diện, khái quát nên nhập vai - một trong những kỹ năng quan trọng của nhà báo điều tra - mới chỉ được đề cập ít ỏi, tản mát qua các phần, chủ yếu qua các dẫn chứng trong phần phương pháp điều tra. Thậm chí chưa được gọi tên chính xác mà chỉ nhắc tới bằng những cụm từ “quan sát gián tiếp”, “quan sát không công khai”, “cải dạng”, “thử nghiệm”…chỉ nói lên được một phần tính chất của hoạt động nhập vai.

Hơn nữa đối tượng và phạm vi nghiên cứu của cuốn sách là đặc điểm của báo chí điều tra qua thực tế khảo sát tại Nga và một số nước trên thế giới. Có rất nhiều tri thức là những giá trị cốt lõi của báo chí điều tra trên toàn thế giới, nhưng cũng có những đặc điểm không phù hợp, không thể áp dụng ở Việt Nam. Bởi mặc dù 2 nước có mối quan hệ chặt thân thiết, báo chí Việt Namcũng có học hỏi, tiếp thu và chịu nhiều ảnh hưởng của báo chí Nga thì đặc điểm lịch sử, chế độ chính trị và quan điểm về pháp luật, đạo đức vẫn có nhiều khác biệt dẫn đến những sai khác trong đặc điểm báo chí nói chung và báo chí điều tra nói riêng.

Ở Việt Nam, thể loại điều tra được đề cập đến trong hầu hết các sách chuyên ngành về báo chí như cuốn “Tác phẩm báo chí”, “Lao động nhà báo”,… cho thấy tầm quan trọng và giá trị của thể loại này. Các công trình nghiên cứu về báo chí điều tra riêng biệt về báo chí điều tra cũng rất nhiều với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó kỹ năng nhập vai của nhà báo điều tra cũng đã được nhắc đến. Nhưng chưa có cuốn sách nào về kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra. Gần đây, đã xuất hiện những công trình khoa học ở quy mô nhỏ hơn coi kỹ năng nhập vai là một đối tượng nghiên cứu riêng biệt và có tiến hành nghiên cứu, khảo sát ở các ấn phẩm báo chí và các cơ quan báo chí.

Nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế có chủ đề về báo chí điều tra đã quan tâm đến kỹ năng nhập vai của nhà báo. Cụ thể:

Nằm trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu - Truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp”, Hội thảo “Báo chí điều tra và lợi ích công” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) và Đại sứ quán Anh tổ chức ngày 7/2/2012 đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của các  nhà báo về báo chí điều tra nói chung và kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra nói riêng.
 Tại Hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” do Hội Nhà báo Việt Nam và Khoa Báo chí –truyền thông trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 22/2/2012, nhiều tham luận đã đề cập đến khía cạnh tác nghiệp, trong đó nổi bật lên phần tham luận “Nghiệp vụ hóa thân, giả dạng, nhập vai trong điều tra” của Ths. Đỗ Minh Thùy.

Tác giả đặc biệt nghiên cứu việc nhập vai trong báo chí điều tra. Từ xuất phát điểm là vụ án của nhà báo Hoàng Khương, Ths. Đỗ Minh Thùy bước đầu tìm hiểu việc sử dụng nghiệp vụ hóa thân, nhập vai trong điều tra ở báo chí các nước trên thế giới (Mỹ, Úc, Anh) và ở Việt Nam qua những quy định và thực tế. Qua đó có sự so sánh, cho độc giả cái nhìn khái quát về kỹ năng này. Tuy nhiên, tham luận mới chỉ có tính gợi mở vấn đề, mang tính định tính, chứ chưa phải là những nghiên cứu cụ thể, số liệu chính xác, chưa có quan điểm rõ ràng, cũng chưa đặt vấn đề vào một không gian, thời gian cụ thể.

Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm Việt Nam và Quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra” diễn ra vào ngày 31/3/2014 tại Hà Nội với sự phối hợp tổ chức của Học Viện báo chí và Tuyên truyền, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển và Dự án báo chí trách nhiệm do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ.

Một trong những hoạt động nghiệp vụ được bàn luận nhiều nhất tại hội thảo là cách thức nhập vai. Có tới ¾ các bài tham luận được đặt tiêu đề: nhập vai trong báo chí điều tra. Mỗi bài tham luận là một cách đi, là kinh nghiệm quý báu được tích lũy của các cây bút kỳ cựu trong lĩnh vực điều tra đi cùng là những câu chuyện và video clip được chia sẻ một cách thú vị. Có thể thấy rõ tầm quan trọng của nhập vai trong báo chí điều tra. Tuy nhiên, những ý kiến cũng chỉ dừng lại ở mức thảo luận, bàn bạc.

Trên các blog, diễn đàn,… cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, thể hiện sự quan tâm về vấn đề này nhưng tất cả vẫn là những ý kiến chủ quan, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các nhà báo, chứ chưa phải là những nghiên cứu cụ thể trên cơ sở khảo sát tờ báo, tìm hiểu hoạt động lao động phóng viên. Vì thế chưa thực sự sâu sắc, khoa học.

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

3.1 Mục đích nghiên cứu

Đề tài mong muốn đem lại cái nhìn tổng quan về kỹ năng nhập vai của các nhà báo viết điều tra ở Việt Nam hiện nay được thể hiện qua các bài báo và qua những chia sẻ của các nhà báo. Từ đó, đánh giá thực trạng nhập vai của các nhà báo viết điều tra, bao gồm: các lĩnh vực điều thường sử dụng nhập vai; các dạng nhập vai điển hình; các nguyên tắc được đảm bảo đến đâu trong quá trình điều tra; ưu điểm và hạn chế của việc vận dụng kỹ năng này, nhất là đặt trong mối quan hệ đạo đức xã hội – đạo đức nghề báo – pháp luật; xu hướng sử dụng nhập vai trong báo chí điều tra. Đó cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo báo chí, các cơ quản báo chí, các cơ quan quản lý báo chí có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nhập vai cho các nhà báo, phóng viên.

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Nghiên cứu các văn bản, tài liệu liên quan đến báo chí điều tra, kỹ năng nhập vai trong điều tra báo chí làm cơ sở lý luận cho đề tài
Khảo sát các bài báo điều tra, điều tra có sử dụng nhập vai trên một số tờ báo để nhận xét thực trạng vận dụng kỹ năng nhập vai của các nhà báo viết điều tra
Tìm hiểu quá trình tác nghiệp của các nhà báo viết điều tra để  rút ra kinh nghiệm sử dụng và rèn luyện kỹ năng nhập vai
Đưa ra các khuyến nghị cao chất lượng, hiệu quả nhập vai trong quá trình điều tra góp phần tạo ra thay đổi tích cực trong tác nghiệp, đào tạo, quản lý báo chí

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là kỹ năng nhập vai của nhà báo viết điều tra

Khách thể nghiên cứu: Các bài báo điều tra; Các nhà báo điều tra

Phạm vi nghiên cứu: Thời gian nghiên cứu: 1/10/2014 – 31/3/2015

Không gian nghiên cứu: khảo sát trên các báo Tiền Phong, Lao Động.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1 Cơ sở lý luận

Dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận chủ nghĩa Mác, các vấn đề lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và các vấn đề lý luận về báo chí.
Dựa trên các tài liệu liên quan đề cập đến các vấn đề báo chí, truyền thông đại chúng nói chung và các loại hình báo in nói riêng, cụ thể là thể loại điều tra.

5.2 Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thống kê, phân tích, so sánh: Sử dụng trong quá trình khảo sát các bài báo điều tra trên các tờ báo kể trên.
Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn sâu các nhà báo viết điều tra để nghe họ chia sẻ về kỹ năng nhập vai khi điều tra: cách thức nhập vai, những kinh nghiệm, những kỷ niệm, qua đó rút ra bài học.

6. Ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn của khóa luận

Với phương pháp nghiên cứu khoa học, dựa trên cơ sở lý luận sâu sắc và thực tiến khảo sát, tổng hợp, đánh giá từ các sản phẩm báo chí điều tra, khóa luận hi vọng có thể đóng góp mang tính khoa học về lý luận đối với hoạt động nhập của nhà báo điều tra.

Tác giả cũng mong muốn khóa luận sẽ trở thành một tài liệu nghiên cứu cho những người muốn tìm hiểu hoạt động nhập vai của nhà báo điều tra, cung cấp những kinh nghiệm hữu ích khi nhà báo muốn “dấn thân” vào điều tra có sử dụng kỹ năng nhập vai.

7. Kết cấu khóa luận:

Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Khóa luận gồm 3 chương, 11 tiết, 62 trang, 3 biểu đồ minh họa.

Trên đây là bài viết tham khảo về Hướng dẫn viết lời mở đầu luận văn tốt nghiệp ấn tượng nhất, hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài luận văn tốt nghiệp của mình.

Ngày:19/01/2021 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM