Hướng dẫn trình bày khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành Luật

Khóa luận tốt nghiệp là công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên khi kết thúc chương trình đào tạo tại trường. Nội dung khóa luận phải giải quyết tốt các nhiệm vụ về mặt lý luận cũng như thực tiễn mà đề tài nghiên cứu đã đặt ra. Nhằm giúp các bạn hoàn thành tốt bài khóa luận của mình, eLib xin giới thiệu cách trình bày khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành Luật một cách chi tiết dưới đây. Mời các bạn cùng tham khảo!

Hướng dẫn trình bày khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành Luật

1. Cấu trúc khóa luận

Khóa luận tốt nghiệp bao gồm các bộ phận được sắp xếp theo trình tự như sau:

Trang bìa

Trang phụ bìa

Lời cam đoan

Danh mục từ viết tắt (nếu có)

Mục lục

Phần mở đầu

Phần nội dung

Kết luận

Danh mục tài liệu tham khảo

(Các) Phụ lục (nếu có)

2. Về yêu cầu đối với các bộ phận của khóa luận

2.1. Trang bìa

2.2. Trang phụ bìa

2.3. Lời cam đoan

Lời cam đoan phải có nội dung như sau: “Tôi cam đoan: Khóa luận tốt nghiệp này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của … (ghi học hàm, học vị và họ, tên giảng viên hướng dẫn), đảm bảo tính trung thực và tuân thủ các quy định về trích dẫn, chú thích tài liệu tham khảo. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về lời cam đoan này”.

Sinh viên phải ký tên vào lời cam đoan.

2.4. Danh mục chữ viết tắt

Lập bảng Danh mục chữ viết tắt (nếu có sử dụng chữ viết tắt) theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt của chữ viết tắt; chia thành 2 cột (column), cột bên trái ghi chữ viết tắt, cột bên phải ghi đầy đủ nội dung được viết tắt.

Ví dụ:

CHỮ VIẾT TẮT NỘI DUNG ĐƯỢC VIẾT TẮT
BLDS Bộ luật Dân sự
UBND Ủy ban nhân dân
... ...

2.5. Mục lục

Mục lục liệt kê Phần mở đầu (không liệt kê chi tiết các mục trong Phần mở đầu), tên chương, mục, tiểu mục, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo và số trang bắt đầu các bộ phận hoặc chương, mục, tiểu mục của khóa luận.

Tại Mục lục chỉ nêu tên các tiểu mục được đánh số đến 03 chữ số (ví dụ: 1.1.1; 2.1.1), mặc dù tại phần nội dung được phép đánh số tiểu mục đến 04 chữ số (xem: 2.7).

Tên chương, mục, tiểu mục nêu trong Mục lục phải thống nhất với tên chương, mục, tiểu mục trong phần nội dung khóa luận.

2.6. Phần mở đầu

Phần mở đầu cần trình bày các nội dung được sắp xếp theo thứ tự và đánh số như sau: 

Lý do chọn đề tài

Tình hình nghiên cứu đề tài

Mục đích nghiên cứu đề tài

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài

Phương pháp tiến hành nghiên cứu

Bố cục tổng quát của khóa luận

2.7. Phần nội dung

Khóa luận có ít nhất 02 chương, không hạn chế số chương tối đa. Số chương của một khóa luận cụ thể tuỳ thuộc vào đề tài theo đề cương đã thống nhất giữa sinh viên và giảng viên hướng dẫn.

Mỗi chương có ít nhất 02 mục, không hạn chế số mục tối đa của mỗi chương. Mỗi mục có thể không có tiểu mục hoặc có ít nhất 02 tiểu mục. Tiểu mục có thể được tiếp tục chia nhỏ, nhưng chỉ chia nhỏ và đánh số đến 04 chữ số (ví dụ: 1.2.1.1).

Kết thúc mỗi chương cần có kết luận chương. Chữ “Kết luận chương” được in đậm, viết hoa, nhưng không đánh số mục cho nội dung này.

Số thứ tự mục, tiểu mục và dưới tiểu mục được đánh số bằng chữ số Ả rập; trong đó chữ số đầu tiên chỉ số chương.

Ví dụ:

CHƯƠNG 1. …

1.1…

1.1.1…

1.1.2…

1.2…

1.2.1…

1.2.1.1 …

1.2.1.2 …

CHƯƠNG 2. ….

2.1…

2.1.1…

2.1.2…

2.1…

2.2.1…

2.2.1.1…

2.2.1.2…

…..

2.8. Kết luận

Kết luận phải khẳng định được những nội dung chính của khóa luận và kết quả đạt được, những đóng góp mới và đề xuất (nếu có). Phần kết luận cần ngắn gọn, không có lời bàn và bình luận thêm.

2.9. Phụ lục (nếu có)

Phần này bao gồm các bảng, biểu, các bản án, mẫu hợp đồng, mẫu phiếu khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả thống kê khảo sát có ý nghĩa và có liên quan đến nội dung của đề tài mà không tiện đưa vào phần nội dung của khóa luận.

3. Hình thức khóa luận

Khóa luận phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, sạch sẽ, không được tẩy xoá, có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị (nếu có).

Để đảm bảo tính thống nhất trong trình bày khóa luận và đảm bảo sự tuân thủ quy định về độ dài của khóa luận, sinh viên phải:

Viết khóa luận bằng phần mềm MS Word;

Sử dụng loại chữ (Font): Times New Roman;

Đặt cỡ chữ (Font size): 13 (thống nhất trong toàn bộ khóa luận)

Đặt phong cách chữ (Font style): bình thường (Regular)

Đặt tỉ lệ chữ (Scale): 100%

Đặt khoảng cách chữ (Spacing): bình thường (Normal)

Đặt khoảng cách giữa các dòng (Line spacing): 1.3 h) Đặt lề (Margins): Lề trên: 2,0 cm; Lề dưới: 2,5 cm; Lề trái: 3,5 cm; Lề phải: 2,0 cm

Đánh số trang ở giữa, phía dưới mỗi trang giấy, bắt đầu từ “Phần mở đầu” đến hết “Kết luận”. Không đánh số trang các trang phụ bìa, lời cam đoan, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.

Khóa luận được in (hoặc sao chụp) trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210 x 297 mm).

Khóa luận có độ dài từ 40 đến 50 trang; không tính trang phụ bìa, lời cam đoan, danh mục từ viết tắt, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục

4. Yêu cầu về viết tắt

 Không được sử dụng chữ viết tắt ở tên đề tài khóa luận và ở bất kỳ tên chương, mục, tiểu mục nào.

 Chỉ được sử dụng chữ viết tắt đã được liệt kê tại Danh mục chữ viết tắt. Trước khi sử dụng chữ viết tắt lần đầu trong khóa luận phải viết nguyên văn từ được viết tắt và đặt chữ viết tắt trong ngoặc đơn ngay sau đó (ví dụ: Ủy ban nhân dân (UBND)).

 Chỉ sử dụng chữ viết tắt đối với từ hoặc cụm từ được sử dụng nhiều lần trong khóa luận. Không viết tắt những cụm từ dài hay cả vế câu

5. Yêu cầu về trích dẫn và chú thích

Mọi nội dung lấy từ tài liệu khác mà không phải là quy định pháp luật đều phải được chú thích nguồn. Các tài liệu có nội dung được sử dụng trong khóa luận đều phải được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo. Chú thích nguồn phải đúng và đầy đủ các thông tin về tài liệu như trong Danh mục tài liệu tham khảo.

Nội dung lấy từ tài liệu khác có thể được trích dẫn bằng cách diễn đạt lại nội dung đó hoặc trích dẫn nguyên văn

Trích dẫn bằng cách diễn đạt lại nội dung phải đảm bảo đúng, đầy đủ và không làm sai lệch nội dung được trích dẫn.

Có thể trích dẫn nguyên văn một câu, nhiều câu hoặc chỉ một vế câu, nhưng trong mọi trường hợp phải đảm bảo nội dung được trích dẫn không bị cắt xén làm sai lệch ý nghĩa. Nội dung trích dẫn nguyên văn phải đặt trong ngoặc kép (“…”); trường hợp trích dẫn nguyên văn dài hơn ba (03) câu hoặc năm (05) dòng đánh máy thì nội dung trích dẫn nguyên văn không để trong ngoặc kép, mà phải tách thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 1,27 cm.

Nếu không có điều kiện tiếp cận được một tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo.

Đặt chú thích tự động (Insert Footnote), chế độ cuối trang (Bottom of page), đánh số liên tục (continuous) toàn khóa luận (Whole document).

Phải chú thích nội dung trích dẫn với đầy đủ thông tin về tài liệu có nội dung được trích dẫn và với cách viết như sau:

- Đối với sách tham khảo, chuyên khảo (được xuất bản bởi nhà xuất bản)

Họ tên tác giả hoặc các tác giả (năm xuất bản), Tên sách, Nhà xuất bản, số trang có nội dung được trích dẫn.

Ví dụ: Phạm Văn Võ (2012), Chế độ pháp lý về sở hữu và quyền tài sản đối với đất đai, Nhà xuất bản Lao động, tr. 159

- Đối với giáo trình

Cơ sở đào tạo (năm xuất bản), Tên giáo trình, Nhà xuất bản, số trang có nội dung được trích dẫn

Ví dụ: Trường đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2014), Giáo trình Luật đất đai, Nhà xuất bản Hồng Đức, tr. 150

- Đối với luận án, luận văn, khóa luận

Họ tên tác giả (năm bảo vệ), Tên luận án, luận văn, khóa luận, Loại công trình, Cở sở đào tạo, số trang được trích dẫn 

Ví dụ: Hà Thị Thanh Bình (2010), Khía cạnh pháp lý của vấn đề hạn chế thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Tp. Hồ Chí Minh, tr. 99

- Đối với đề tài nghiên cứu khoa học các cấp

Họ tên tác giả (tư cách tham gia) (năm nghiệm thu), Tên đề tài nghiên cứu khoa học, Cấp đề tài, Cơ quan chủ quản, số trang được trích dẫn

Ví dụ: Nguyễn Văn Vân (chủ nhiệm đề tài) (2010), Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là cá nhân trên thị trường chứng khoán trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính – tiền tệ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, mã số B 2007-10-8, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 70 

- Đối với các loại báo cáo

Họ tên tác giả hoặc Cơ quan chủ trì (năm công bố), Tên báo cáo, Nơi công bố, số trang được trích dẫn

Ví dụ: Cục quản lý cạnh tranh (2012), Báo cáo tập trung kinh tế Việt Nam năm 2012, Hà Nội, tr. 50

- Đối với bài báo khoa học (bài tạp chí)

Họ tên tác giả hoặc các tác giả (năm công bố), “Tên bài báo khoa học”, Tên tạp chí khoa học, số tạp chí, số trang có nội dung được trích dẫn

Ví dụ: Lưu Quốc Thái (2014), “Bàn về vấn đề huy động vốn theo hình thức “góp vốn đầu tư thỏa thuận phân chia sản phẩm là nhà ở trong kinh doanh bất động sản”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 5 (313)/2014, tr. …

- Đối với nội dung được trích dẫn từ trang thông tin điện tử (website)

Tên tác giả (nếu có), “Tên bài viết”, đường dẫn (URL), thời điểm truy cập (chỉ ghi ngày, tháng, năm)

Phương Linh, “HSBC: Kinh tế Việt Nam gây tiếng vang tại châu Á”, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/hsbc- kinh-te-viet-namgay-tieng-vang-tai-chau-a-3174111.html, truy cập ngày 27/3/2015

- Trường hợp cùng một tài liệu tham khảo nhưng được trích dẫn nhiều lần trong khóa luận, thì từ chú thích thứ hai trở đi ghi như sau:

Họ tên tác giả hoặc tên cơ quan phát hành, tlđd (số chú thích đầu tiên), số trang có nội dung được trích dẫn.

Ví dụ:

Cục quản lý cạnh tranh, tlđd (5), tr. 90

Phạm Văn Võ, tlđd (10), tr. 170

6. Yêu cầu về lập Danh mục tài liệu tham khảo

Danh mục tài liệu tham khảo được chia thành các mục sau: Văn bản quy phạm pháp luật và Tài liệu tham khảo

Yêu cầu đối với mục “A. Văn bản quy phạm pháp luật"

Tại đây chỉ liệt kê các văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Không liệt kê các văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật như thông báo, công văn của các cơ quan nhà nước.

Văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê theo trật tự như quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tên văn bản quy phạm pháp luật phải được ghi đúng, đầy đủ và theo trật tự như sau: Đối với đạo luật/bộ luật: Tên đạo luật/bộ luật – (số hiệu đạo luật/bộ luật) – ngày ban hành

Ví dụ: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng và giao dịch

 Yêu cầu đối với mục “B. Tài liệu tham khảo”

Trường hợp có tài liệu tham khảo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì xếp các tài liệu tham khảo thành nhóm theo từng ngôn ngữ, bắt đầu bằng nhóm tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt.

Giữ nguyên văn tên tài liệu bằng tiếng nước ngoài, kèm theo tên dịch đặt trong ngoặc đơn, ngoại trừ tên tài liệu bằng tiếng Anh không cần dịch.

Không tiếp tục phân nhóm tài liệu tham khảo theo loại tài liệu; ngoại trừ tài liệu tham khảo đọc, nghe, nhìn được bằng truy cập internet được lập thành nhóm riêng đặt dưới cùng trong mục “B. Tài liệu tham khảo” với tiêu đề viết nghiêng “Tài liệu từ internet”.

Tài liệu tham khảo trong từng nhóm theo ngôn ngữ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt (bổ sung thêm các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh mà bảng chữ cái tiếng Việt không có) tên tác giả, tên tác giả đầu tiên (nếu nhiều tác giả), chữ cái đầu tiên của tên cơ quan chủ trì hoặc phát hành. Tên tác giả Việt Nam là tên riêng, tên tác giả nước ngoài theo thông lệ từng nước.

Không ghi học hàm, học vị, chức vụ của tác giả trước tên tác giả.

Trật tự các thông tin về tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài như đối với trật tự các thông tin về tài liệu tham khảo tiếng Việt.

Đối với bài báo khoa học ghi số trang bắt đầu và số trang kết thúc bài viết được đăng trên tạp chí; đối với các tài liệu khác không ghi số trang.

7. Đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành Luật tham khảo

Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ở các trường đại học từ thực tiễn trường Đại học Vinh.

Thực trạng đăng ký và quản lý hộ tịch tại xã A huyện B

Mối quan hệ giáo dục pháp luật và đạo đức cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học từ thực tiễn trường Đại học Vinh

Thực trạng về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật của đội ngũ cán bộ tư pháp xã đối với cộng đồng trên địa bàn xã A Huyện B tỉnh Nghệ An trong giai đoạn vừa qua

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã thuộc chương trình 30A ở các huyện miền tây Tỉnh Nghệ An.

Công tác giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước – Thực tiễn thi hành trên địa bàn huyện A tỉnh B

Vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở trên địa bàn xã hoặc huyện A hiện nay.

Một số giải pháp bảo đảm an toàn giai thông trước cổng trường học trên địa bàn tỉnh thành phố Vinh  tỉnh Nghệ An.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân từ thực tiễn Hội đồng nhân dân thành phố Vinh – Nghệ An

Thực trạng và giải pháp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cho các xã trong giai đoạn hiện nay

Dân chủ ở cơ sở  từ thực tiễn xã A

Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn huyện A thực trạng và phương hướng hoàn thiện

Thực trạng tổ chức và hoạt động văn phòng công chứng trên địa bàn Tỉnh Nghệ An.

Thực trạng đăng ký và quản lý hộ tịch tại một số xã A miền núi phía tây tỉnh Nghệ An

Thực trạng chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn A

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động ban hành văn bản pháp luật từ thực tiễn Ủy ban nhân dân xã A Huyện B

Văn bản quy phạm pháp luật và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân xã A Huyện B

Đổi mới tổ chức và họat động của Tòa án nhân dân cấp huyện A. Thực trạng và kiến nghị.

Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Uỷ ban nhân dân địa phương trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN

Thực trạng hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri của Đại biểu Hội đồng nhân dân nơi anh (chị) cư trú.

Bầu cử trực tiếp - Một biện pháp phát huy nền dân chủ

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã thực trạng và giải pháp

Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử.Một phương thức xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa

....

Trên đây là bài viết tham khảo cách trình bày khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành Luật mà eLib đã tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm được cấu trúc và các yêu cầu quan trọng khi viết khóa luận tốt nghiệp. Hy vọng bài viết này có thể giúp ích được cho bạn để hoàn thành bài khóa luận của mình.

Ngày:15/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM