Hoá học 9 Bài 23: Thực hành: Tính chất hóa học của nhôm và sắt

Chúng ta đã học 2 nguyên tố kim loại tương đối điển hình và rất quan trọng trong đời sống, trong sản xuất đó là nhôm và sắt. Hôm nay bằng thực nghiệm, chúng ta sẽ kiểm chứng một số tính chất quan trọng của 2 nguyên tố này. Từ đó khắc sâu thêm kiến thức về tính chất hóa học của Nhôm và Sắt; Sử dụng dụng cụ và hoá chất để tiến hành an toàn, thành công các thí nghiệm trên; Quan sát, mô tả, giải thích hiện tượng thí nghiệm và viết được các phương trình hóa học.

Hoá học 9 Bài 23: Thực hành: Tính chất hóa học của nhôm và sắt

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục đích thí nghiệm

a. Kiến thức

Bằng thực nghiệm, kiểm chứng và khắc sâu kiến thức về tính chất hóa học của nhôm và sắt.

b. Kỹ năng

- Rèn luyện kỹ năng về thực hành hóa học, giải bài tập thực hành hóa học, kỹ năng làm thí nghiệm với lượng nhỏ hóa chất.

- Rèn luyện kỹ năng quan sát, mô tả, giải thích hiện tượng và viết được các phương trình hóa học của thí nghiệm.

1.2. Kỹ năng thí nghiệm

  • Lấy hóa chất lỏng bằng ống nhỏ giọt, không được để ống nhỏ giọt của lọ hóa chất này sang lọ hóa chất khác.
  • NaOH, H2SO4 là những hóa chất dễ ăn mòn da, giấy, vải nên khi tiến hành thí nghiệm phải hết sức chú ý, không để hóa chất dây vào người, ra bàn, quần áo và người xung quanh.
  • Mỗi thí nghiệm cần lấy đúng, đủ số lượng, loại hóa chất.
  • Khi nhỏ dung dịch vào ống nghiệm cần thao tác mọt cách từ từ, để quan sát hiện tượng được rõ ràng.
  • Thu hồi hóa chất, rửa ống nghiệm, vệ sinh phòng thí nghiệm sau khi kết thúc buổi thực hành.

1.3. Cơ sở lý thuyết

- Tính chất hóa học của nhôm:

  • Phản ứng của nhôm với phi kim

+ Phản ứng của nhôm với oxi: 4Al   +     3O  \(\xrightarrow{{{t^o}}}\)   2Al2O3

+ Phản ứng của nhôm với phi kim khác: 2Al  +  3Cl2  \(\xrightarrow{{{t^o}}}\)   2AlCl3

  • Phản ứng của nhôm với dung dịch axit: 2Al + 6HCl → 2AlCl3   + 3H2

Lưu ý: Nhôm không tác dụng với HNO3 đặc nguội và H2SO4 đặc nguội

  • Phản ứng của nhôm với dung dịch muối: 2Al + 3CuCl→ 2AlCl+ 3Cu

Do lớp oxit nhôm bị hòa tan trong kiềm nên nhôm phản ứng với dung dịch kiềm.

2Al + 2NaOH + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2

- Tính chất hóa học của sắt:

+ Tác dụng với phi kim

3Fe  +  2O2 \(\xrightarrow{{{t^o}}}\)  Fe3O4

2Fe +   3Cl2 \(\xrightarrow{{{t^o}}}\)   2FeCl3

+ Tác dụng với dd axit: Fe  +  2HCl  →  FeCl2  +  H2

c. Tác dụng với dd muối: Fe + CuSO→ FeSO4 + Cu

Kết luận: Sắt có những tính chất hoá học của kim loại 

2. Tiến hành thí nghiệm

2.1. Thí nghiệm 1: Tác dụng của nhôm với oxi

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ:  Đèn cồn, muỗng lấy hóa chất, bìa cứng.

- Hóa chất: Bột nhôm.

b. Các bước tiến hành

- Lấy một ít bột nhôm vào một tờ bìa.

- Rắc nhẹ bột nhom trên ngọn lửa đèn cồn.

- Quan sát hiện tượng, cho biết trạng thái màu sắc của các chất tạo thành.

c. Hiện tượng

- Bột nhôm cháy sáng tạo ra chất rắn màu trắng.

d. Giải thích

Vì xảy ra phản ứng nhôm tác dụng với oxi trong không khí

4Al   +     3O    2Al2O3

trắng      không màu        trắng

Trong phản ứng hóa học, nhôm đóng vai trò chất khử.

2.2. Thí nghiệm 2: Tác dụng của sắt với lưu huỳnh

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ: Muỗng lấy hóa chất, kẹp gỗ, bát sứ, ống nghiệm.

- Hóa chất: Bột sắt, bột lưu huỳnh.

b. Các bước tiến hành

- Lấy 1 thìa nhỏ hỗn hợp sắt và lưu huỳnh theo tỉ lệ: 7 : 4.

- Đun nóng ống nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn.

- Quan sát hiện tượng. Cho biết màu sắc của sắt, lưu huỳnh, hỗn hợp bột sắt và lưu huỳnh và của chất tạo thành sau phản ứng

c. Hiện tượng

- Khi đun hỗn hợp trên ngọn lửa đèn cồn, sắt tác dụng mạnh với lưu huỳnh, hỗn hợp cháy nóng đỏ, phản ứng tỏa nhiều nhiệt.

- Chất tạo thành có màu đen.

d. Giải thích

Vì xảy ra phản ứng sắt tác dụng với lưu huỳnh, hỗn hợp cháy nóng đỏ tạo ra chất rắn màu đen.

Fe(r, bột đen) + S (r, bột vàng)  FeS (r, đen)

2.3. Thí nghiệm 3: Nhận biết kim loại nhôm, sắt

a. Dụng cụ, hóa chất

- Dụng cụ: ống nghiệm, kẹp gỗ.

- Hóa chất: nhôm, sắt, dung dịch NaOH.

b. Các bước tiến hành

- Lấy một ít kim loại nhôm, sắt vào 2 ống nghiệm (1) và (2).

- Nhỏ 4- 5 giọt dung dịch NaOH vào 2 ống nghiệm (1) và (2).

- Quan sát hiện tượng.

c. Hiện tượng

- Ống nghiệm 1 có sủi bọt khí là kim loại nhôm.

- Ống nghiệm 2 không có hiện tượng đó là sắt.

d. Giải thích

Nhôm có phản ứng với kiềm còn sắt không phản ứng với kiềm.

2Al + 2NaOH + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2

⇒ Ta nhận biết được lọ đựng kim loại nhôm và sắt dựa vào phản ứng với NaOH.

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Kĩ năng tiến hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng phản ứng, giải thích và rút ra kết luận về những tính chất hóa học của nhôm và sắt.
  • Cách nhận biết nhôm và sắt và các thí nghiệm tương tự.
  • Khẳng định tính đúng đắn về lý thuyết đã học.
  • Vận dụng vào giải thích các hiện tượng có liên quan.
  • Nâng cao kỹ năng thực hành thí nghiệm, rút kinh nghiệm cho lần sau.
Ngày:17/07/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM