Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ Ngữ văn 11

Nhằm giúp các em biết cách lập luận một vấn đề nghị luận bằng thao tác bác bỏ. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận. eLib đã biên soạn bài học Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ dưới đây một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ Ngữ văn 11

1. Ôn tập lý thuyết

1.1. Khái niệm, mục đích yêu cầu nghị luận bác bỏ

- Khái niệm:

+ Bác bỏ: bác đi, gạt đi, không chấp nhận ý kiến.

+ Phản bác:Gạt bỏ bằng lí lẽ ý kiến,quan điểm của người khác

→ Bác bỏ là dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác,...từ đó nêu lên ý kiến của mình để thuyết phục người nghe,người đọc

- Mục đích: Nhằm phê phán cái sai để bảo vệ chân lí của đời sống và chân lí nghệ thuật

- Yêu cầu

+ Chỉ ra cái sai hiển nhiên đó.

+ Dùng lí lẽ và dẫn chứng khách quan, trung thực để bác bỏ ý kiến, nhận định sai trái.

+ Cần có thái độ khách quan, đúng mực, có văn hóa tranh luận.

1.2. Bố cục bài văn nghị luận bác bỏ

+ Mở bài: Nêu rõ ý kiến sai lệch

+ Thân bài: Dùng dẫn chứng kết hợp lí lẽ để bác bỏ

+ Kết bài: Nêu ý kiến,quan điểm đúng hoặc rút ra bài học,việc làm cần thiết

1.3. Cách thức bác bỏ

+ Nêu và phân tích quan điểm và ý kiến sai lệch, dẫn chứng minh hoạ tác hại của sai lầm,dẫn chứng trái ngược để phủ nhận,hoặc dùng lí lẽ trực tiếp phê phán sai lầm

+ Khẳng định ý kiến,quan điểm đúng đắn của mình

- Giọng điệu của văn nghị luận bác bỏ

+ Rắn rỏi, dứt khoát

+ Mang tính chiến đấu,có tính thuyết phục cao

2. Luyện tập

Câu 1. Tìm thao tác bác bỏ trong đoạn văn của Nguyễn Đình Thi (Bài tập 1.a trong sách giáo khoa).

Gợi ý làm bài:

Đoạn văn này bác bỏ luận điểm : thơ là những lời đẹp, đề tài “đẹp”. Chỉ cần nêu ra những bài thơ hay mà có lời không đẹp, hay đề tài không đẹp là đủ bác bỏ luận điểm trên.

Câu 2. Có phải “Gần mực thì đen” ?

Gợi ý làm bài:

Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ. Phân tích rõ “mực” chỉ là hoàn cảnh bên ngoài. Kẻ gần mực có đen hay không còn phụ thuộc vào nhân cách, bản lĩnh. Do đó, xem đây là một tất yếu thì đã đánh giá thấp yếu tố chủ quan của con người, câu tục ngữ trên chỉ nêu một mặt của vấn đề

Câu 3. Viết một đoạn( một bài) văn ngắn để bàn về một vấn đề thường gặp trong học tập hay trong đời sống, trong đó có sử dụng thao tác lập luận bác bỏ?

Gợi ý làm bài:

"...Phải nhận rằng, trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, nhất là của tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời, mà do chưa kịp có từ tưong ứng trong tiếng Việt, nên buộc phải dùng thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói cũng như khi viết.

Song điều đáng nói là, đang có nhiều người cứ thích nói bằng tiếng Anh những từ hoàn toàn có thể diễn đạt được bằng tiếng Việt, và hãnh diện coi đó là thời thượng, là “sành điệu”.

Tiếng lai dạng này cũng xuất hiện trên nhiều mặt báo, bất chấp thực tế là nhiệm vụ góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của báo chí là điều đã được đưa vào bộ luật. Không ít báo vẫn thường viết “show” diễn, đi “shopping”, “hacker” máy tính, đài truyền hình cáp thông báo kênh này đang “test’,… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng sính dùng tiếng Anh để đặt tên, nếu có chứa thêm tiếng Việt thì cũng đặt ở vị trí phụ ; như Công ti điện gia dụng Robot, Công ti đồ nội thất Home Center, Công ti dịch vụ hành khách đường sắt Five Stars Express, Khu du lịch Vinpearl land,…

Có ý kiến cho rằng hiện tượng này nên khuyên khích, vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Một ý kiến thoạt nghe tưởng chừng rất có lí. Thế nhưng người học ngoại ngữ phải chăng có quyền coi thường tiếng mẹ đẻ, phải chăng không cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng nói Việt Nam ? Nói tiếng lai tỏ ra ta biết, ngoại ngữ nhưng biết đâu lại chẳng bộc lộ là mình kém tiếng Việt ? Nói tiếng lai có thể tăng sức nhớ một số từ nước ngoài, nhưng chưa hẳn đã có lợi cho việc học ngoại ngữ. Vì muốn hiểu sâu ngoại ngữ thì phải biết được từ đồng nghĩa hoặc từ tương ứng trong tiếng Việt; dùng từ tiếng nước ngoài mà không chuyển được thành tiếng Việt thì chưa chắc đã phải là nắm chắc tiếng nước ngoài. Đâu phải ngẫu nhiên mà những người giỏi tiếng nước ngoài rất ít khi dùng tiếng lai; còn những người sính dùng tiếng lai thì hoặc là cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn tả, hoặc là không thật sự hiểu sâu tiếng nước ngoài nên không dịch được sang tiếng Việt.

Muốn thực hành ngoại ngữ thì nên nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học; ở nước ta, điều này có thể áp dụng ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc trong những dịp được tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam. Còn khi đã nói và viết tiếng Việt thì nên tránh dùng tiếng lai, trừ trường họp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng’ và vẫn cho rằng, thà “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”."

(Theo Trần Đức Nguyên – Trần Việt Phương, Câu chuyện tiếng lai, báo điện tử Vietnamnet, ngày 3 – 3 2017

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Vận dụng thành thạo kiến thức đã học.

- Viết được một đoạn nghị luận theo thao tác lập luận bác bỏ

Ngày:12/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM