Thực hành về thành ngữ, điển cố Ngữ văn 11

eLib giới thiệu đến các bạn nội dung bài học đầy đủ và chi tiết nhất. Vận dụng những kiến thức đã học vào bài thực hành. Mời các em cùng tham khảo.

Thực hành về thành ngữ, điển cố Ngữ văn 11

1. Tóm tắt nội dung

1.1. Định nghĩa

- Thành ngữ: Thành ngữ là loại cụm từ cố định, đã hình thành từ trước, thuộc loại đơn vị có sẵn, chứ không phải sản phẩm nhất thời trong giao tiếp như cụm từ

- Điển cố: Điển cố chính là những sự việc trước đây, hay câu chữ trong sách thời trước được dẫn ra và sử dụng lồng ghét vào bài văn, vào lời nói để nói với những điều tương tự.

1.2. Đặc điểm

- Thành ngữ:

  • Tính hình tượng: Thành ngữ thường dùng cách nói có hình ảnh cụ thể, thông qua những hình ảnh cụ thể

  • Tính khái quát về nghĩa: có mục đích nói về những điều có tính khái quát cao, có chiều sâu và bề rộng. Nghĩa của thành ngữ thường mang tính triết lí sâu sắc, thâm thúy, hàm súc.

  • Tính biểu cảm: Mỗi thành ngữ thường có sắc thái biểu cảm, thể hiện cả thái độ đánh giá và tình cảm của con người

  • Tính cân đối, có nhịp và có thể có vần làm cho thành ngữ dễ đọc, dễ nhớ

- Điển cố:

  • Hình thức ngắn gọn

  • Nội dung, ý nghĩa hàm súc, thâm thúy

1.3. Tác dụng

  • Thành ngữ: Việc vận dụng thành ngữ tạo nên tính chất dân dã, mộc mạc, bình dị mà vẫn sâu sắc.

  • Điển cố: Việc sử dụng điển cố, điển tích tạo nên tính chất bác học, ước lệ tượng trưng, tính trang nhã, cổ kính cho những sáng tác thơ văn của tác giả.

2. Luyện tập

Câu 1: Tìm thành ngữ trong đoạn thơ sau, phân biệt với từ ngữ thông thường về cấu tạo và đặc điểm ý nghĩa.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

(Trần Tế Xuơng, Thương vợ)

Gợi ý trả lời:

Trong đoạn thơ có hai thành ngữ là một duyên hai nợ (vừa nuôi con, vừa nuôi chồng), năm nắng mười mưa (làm việc vất vả ngoài trời cả khi thời tiết khắc nghiệt). Dùng hai thành ngữ này, ý thơ hàm súc mà thi vị, vừa có tính hình tượng, vừa có tính biểu cảm. Ngoài ra, trong đoạn thơ còn có hai cụm từ cấu tạo từ ý của ca dao và gần gũi vói thành ngữ : lặn lội thân cỏ, eo sèo mặt nước.

Câu 2: Đọc lại chú thích về những điển cố in đậm ở hai câu thơ sau trong bài Khóc Dương Khuê và cho biết thế nào là điển cố.

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngấn ngơ tiếng đàn.

(Nguyễn Khuyến, Khóc Dương Khuê)

Gợi ý trả lời:

Trong câu thơ của Nguyễn Khuyên ở bài Khóc Dương Khuê có dùng hai điển cố : mỗi điển cố chỉ thể hiện bằng một từ (giường, đàn), nghĩa là chỉ nhắc đến một chi tiết trong mỗi sự việc (Trần Phồn thời Hậu Hán, người quý bạn thân là Từ Trĩ đến mức dành riêng cho bạn một chiếc giường để bạn ngồi khi đến chơi, lúc bạn về thì treo giường lên) và câu chuyện về tình bạn Bá Nha - Chung Tử Kì, Tử Kì là người hiểu rõ tâm tình của Bá Nha đến mức chỉ cần nghe tiếng đàn của bạn, nên khi Tử Kì mất thì Bá Nha đập bỏ đàn không chơi nữa vì cho rằng không còn ai hiểu tiếng đàn của mình). Cả hai điển cố đều ca ngợi tình bạn sâu sắc, cao cả.

Câu 3: Tìm thành ngữ được dùng trong các câu sau và phân tích giá trị nghệ thuật của chúng.

a) [...] Nó còn mê mình thì nó nói hươu nói vượn, lấy nó rồi, nó lại chán ngay đấy...

(Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ)

b) Pha kể đầu đuôi cái tai bay vạ gió mà mình vừa bị cho anh rể nghe.

(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)

c) Ba mày và tao chí thú tới vậy, bây giờ đầu hai thứ tóc vẫn sống nhờ đất nước, ông bà.

(Phan Tứ, Mẩn và tôi)

d) Công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi tay như mặt nạ.

(Nguyễn Du, Văn tế sống Trường Lưu nữ sĩ)

Gợi ý trả lời: 

a) Nói hươu nói vượn: nói nhiều và toàn chuyện ba hoa, không có thật.

Trong câu văn trích dẫn, ý nói khi yêu, anh chàng hay nói những điều hay ho, nhưng khoác lác, không đâu vào đâu.

b) Tai bay vạ gió : tai vạ xảy ra bất ngờ, không lường được.

c) Đầu hai thứ tóc: không còn trẻ nữa, trên đầu đã có tóc bạc xen tóc đen.

d)  Cốc mò cò ăn : uổng phí công lao, làm ra để kẻ khác hưởng.

So vói cách dùng từ ngữ thông thường (không phải thành ngữ), thì việc dùng thành ngữ ở các câu trên đều có một giá trị nghệ thuật nhất định, rõ nhất là tính hình tượng. Chẳng hạn, nếu dùng tuổi già ở vị trí đầu hai thứ tóc thì nghĩa cơ bản của câu không thay đổi nhưng mất đi giá trị hình tượng.

3. Kết luận

- Thành ngữ có tính hình tượng: Thành ngữ thường dùng cách nói có hình ảnh cụ thể, thông qua những hình ảnh cụ thể. Tính khái quát về nghĩa: có mục đích nói về những điều có tính khái quát cao, có chiều sâu và bề rộng. Nghĩa của thành ngữ thường mang tính triết lí sâu sắc, thâm thúy, hàm súc. Tính biểu cảm: Mỗi thành ngữ thường có sắc thái biểu cảm, thể hiện cả thái độ đánh giá và tình cảm của con người Tính cân đối, có nhịp và có thể có vần làm cho thành ngữ dễ đọc, dễ nhớ

- Điển cố: Hình thức ngắn gọn, nội dung, ý nghĩa

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM