Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân Ngữ Văn 11

Bài học giúp các em thấy được vai trò của ngôn ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói riêng của cá nhân. Từ đó, nâng cao năng lực sáng tạo và lĩnh hội từ ngữ trên cơ sở những quy tắc chung, giữ gìn và phát huy bản sắc ngôn ngữ dân tộc.

Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân Ngữ Văn 11

1. Ngôn ngữ - tài sản chung của xã hội

- Ngôn ngữ là tài sản chung, là phương tiện giao tiếp chung của xã hội và cộng đồng.

- Tính chung trong ngôn ngữ của cộng đồng được biểu hiện qua những phương diện như:

  • Các yếu tố ngôn ngữ chung (âm, thanh, âm tiết, từ và ngữ cố định).
  • Các quy tắc chung (qui tắc cấu tạo từ, cấu tạo ngữ, cấu tạo câu, đoạn, văn bản).
  • Các phương thức chung (phương thức chuyển nghĩa, chuyển loại từ).
  • Ngôn ngữ chung của xã hội là cơ sở để sản sinh và lĩnh hội lời nói cá nhân.

2. Lời nói - sản phẩm riêng của cá nhân

- Lời nói là sản phẩm được cá nhân tạo ra trên cơ sở vận dụng các yếu tố ngôn ngữ chung và tuân thủ các qui tắc chung.

- Tính riêng trong lời nói được thể hiện qua những phương diện như:

  • Giọng nói cá nhân
  • Vốn từ ngữ cá nhân
  • Việc chuyển đổi, sáng tạo khi sử dụng các từ ngữ chung, quen thuộc
  • Việc tạo ra từ mới
  • Việc vận dụng linh hoạt sáng tạo những qui tắc chung, phương thức chung

- Phong cách ngôn ngữ cá nhân thường gắn với các tác giả văn học nổi tiếng.

  • Lời nói cá nhân vừa có những biểu hiện của ngôn ngữ chung, vừa có những nét riêng. Hơn nữa, cá nhân có thể sáng tạo, góp phần làm biến đổi, phát triển ngôn ngữ chung.

3. Luyện tập

Câu 1: Nhận xét về cách sắp đặt từ ngữ trong hai câu thơ sau. Cách sắp đặt như thế tạo được hiệu quả giao tiếp như thế nào?

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

  (Hồ Xuân Hương, Tự tình- bài II)

Gợi ý làm bài

Hai câu thơ dùng toàn các từ ngữ quen thuộc với mọi người, nhưng sự phối hợp của chúng, trật tự sắp xếp của chúng thật khác thường, là cách sắp đặt của riêng Hồ Xuân Hương:

  • Các cụm danh từ (rêu từng đám, đá mấy hòn) đều sắp xếp danh từ trung tâm (rêu, đá) trước tổ hợp định từ + danh từ chỉ loại (từng đám, mấy hòn).
  • Các câu đều sắp xếp bộ phận vị ngữ (động từ + thành phần phụ: xiên ngang - mặt đất, đâm toạc - chân mây) đi trước bộ phận chủ ngữ (rêu trong đám, đá mấy hòn). Sự sắp xếp đó là cách phối hợp riêng của tác giả để tạo nên âm hưởng mạnh cho câu thơ và tô đậm các hình tượng thơ.

Câu 2: Hãy tìm hiểu xem tác giả đã sử dụng những yếu tố ngôn ngữ và những quy tắc ngôn ngữ nào để tạo câu?

"Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng"

 (Tổ Quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

Gợi ý làm bài

  • Các yếu tố chung của ngôn ngữ: Âm (nguyên âm, phụ âm); các thanh (ngang, huyền, hỏi, ngã, nặng); các tiếng; các từ, các ngữ...
  • Các quy tắc chung, phương thức chung: Quy tắc cấu tạo kiểu câu (câu đơn, câu ghép) và phương thức chuyển nghĩa của từ: Nghĩa gốc sang nghĩa bóng.

Câu 3: Trong hai câu thơ dưới đây, từ thôi in đậm đã được tác giả sử dụng với nghĩa như thế nào?

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

(Nguyễn Khuyến, Khóc Dương Khuê)

Gợi ý làm bài

Trong hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, không có từ nào là từ mới. Các từ đều quen thuộc với mọi cá nhân trong cộng đồng người Việt. Nhưng có từ thôi thứ hai được nhà thơ dùng với nghĩa mới. Thôi vốn có nghĩa chung là chấm dứt, kết thúc một hoạt động nào đó (nó thôi học, hoặc thôi ăn, thôi làm), ở đây Nguyễn Khuyến dùng từ thôi (thứ hai) trong bài thơ với nghĩa chấm dứt, kết thúc cuộc đời, cuộc sống. Đó là sự sáng tạo nghĩa mới cho từ thôi, thuộc về lời nói của cá nhân Nguyễn Khuyến.

Câu 4:

Cùng là từ mặt trời trong ngôn ngữ chung, nhưng mỗi tác giả trong những câu thơ sau đã có sáng tạo như thế nào khi sử dụng?

 

a. Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

(Huy Cận, Hoàn thuyền đánh cá)

b. Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,

Mặt trời chân lí chói qua tim.

(Tố Hữu, Từ ấy)

c. Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

Gợi ý làm bài

Cùng là từ mặt trời trong ngôn ngữ chung, nhưng mỗi tác giả sử dụng theo những cách khác nhau, tạo nên nhưng ý nghĩa riêng, khác nhau:

a. Trong câu thơ của Huy Cận, mặt trời dùng với nghĩa gốc (chỉ một thiên thể trong vũ trụ), nhưng dùng theo phép nhân hoá nên có thể xuống biển (hoạt động như người).

b. Trong câu thơ của Tố Hữu, từ mặt trời chỉ lí tưởng cách mạng.

c. Trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, từ mặt trời đầu dùng với nghĩa gốc, từ mặt trời thứ hai dùng với nghĩa ẩn dụ, chỉ đứa con.

4. Kết luận

Kết thúc bài học, các em cần:

  • Nắm được biểu hiện của cái chung trong ngôn ngữ của xã hội và cái riêng trong lời nói cá nhân cùng mối tương quan giữa chúng.

  • Có kỹ năng sáng tạo và lĩnh hội ngôn ngữ, phân tích được hiệu quả sử dụng từ ngữ qua một số bài luyện tập.
  • Có ý thức tôn trọng những qui tắc ngôn ngữ chung của xã hội, góp phần vào việc phát triển ngôn ngữ nước nhà.

 

Ngày:14/07/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM