Thương vợ Ngữ Văn 11

Giới thiệu đến các em bài Thương vợ của Tú Xương do eLib tổng hợp và biên soạn. Bài học mang đến cho các em những kiến thức cơ bản về tác giả, nội dung tác phẩm và giá trị nghệ thuật của bài thơ. Tin rằng, tài liệu hữu ích này sẽ giúp các em học tập tốt hơn. Cùng tham khảo nhé!

Thương vợ Ngữ Văn 11

1. Tác giả

1.1. Cuộc đời

- Trần Tế Xương ( 1870- 1907) tên thật là Trần Duy Uyên đến khi đi thi Hương mới đổi là Trần Tế Xương, sau đổi lại là Trần Cao Xương.

- Là người rất cá tính, ưa sống phóng túng, không thích khuôn sáo gò bó. Có lẽ vì vậy mà ông không thành công trên con đường khoa bảng.

- Tú Xương sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của chế độ thực dân nửa phong kiến, Nam Định- quê hương ông là bức tranh điển hình cho xã hội Việt Nam lúc giao thời, xuất hiện nhiều cảnh nhố nhăng, ô hợp.

1.2. Sự nghiệp 

- Thành tựu văn học:

  • Sáng tác của Tế Xương gồm hai mảng trào phúng và trữ tình.
  • Hiện còn khoảng 100 bài chủ yếu là thơ Nôm, văn tế và câu đối.

- Phong cách sáng tác:

  • Gồm hai mảng trữ tình và trào phúng nhưng trữ tình là cái gốc rễ còn trào phúng chỉ là cành lá.
  • Thơ bắt nguồn từ tâm huyết với dân, với nước, với đời sống.
  • Tú Xương cũng đã Việt hóa sâu sắc thể thơ Nôm Đường luật, hình ảnh ngôn từ bình dị, đậm sắc thái dân gian và nóng hổi hơi thở đời sống.

2. Tác phẩm

2.1. Xuất xứ

- Thương vợ là bài thơ cảm động nhất trong chùm thơ văn câu đối về đề tài bà Tú

- Thể loại: Thất ngôn bát cú đường luật.
- Chủ đề: Qua bài thơ, Trần Tế Xương bày tỏ sự tri ân, lòng trân trọng cũng như tình yêu thương và thái độ ăn năn của ông dành cho sự vất vả, hi sinh của vợ.

2.2. Bố cục

  • Phần 1 (4 câu đầu): Hình ảnh bà Tú tần tảo, chịu thương chịu khó hiện lên qua nỗi thương vợ của thi sĩ.
  • Phần 2 (còn lại): Tình cảm, thái độ của tác giả.

2.3. Đọc - hiểu văn bản

a. Hai câu đề

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

  • Câu thơ đầu nói lên hoàn cảnh buôn bán làm ăn của bà Tú - một hoàn cảnh vất vả, lam lũ đươc gợi lên qua cách nêu thời điểm, cách nói thời gian.
  • "Quanh năm" là suôt cả năm chứ không trừ ngày nào cả, dù mưa hay nắng, vẫn cứ tiếp tục ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm như vậy
  • "mom sông": là phần đất bờ sông nhô ra phía lòng sông gợi sự gian nan, chênh vênh, nguy hiểm của công việc cũng như thân phận người phụ nữ.
  • "nuôi đủ" thể hiện sự chịu thương chịu khó của bà Tú. Bời bà phải vất vả cực nhọc, làm lụng gánh vác, tất bạc ngược xuôi chỉ để nuôi đủ "năm con với một chồng"
  • Cụm từ "năm con với một chồng" không chỉ nói đến sự vất vả, tần tảo của bà Tú mà còn thể hiện phần nào nỗi niềm riêng, sự tự ý thức của nhà thơ.

⇒ Hai câu thơ gợi nên sự vất vả, gian truân của bà Tú, trong sự xót xa, ngậm ngùi của chính tác giả

b. Hai câu thực

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

  • Tác giả mượn hình ảnh "con cò" trong ca dao để nói về bà Tú. Nhưng con cò trong bài thơ không chỉ xuất hiện giữa cái rợn ngợp của không gian mà còn trong cái rợn ngợp của thời gian.
  • Cụm từ "khi quãng vắng" đã nói lên được cả thời gian, không gian heo hút, rợn ngợp chứa đầy lo âu, nguy hiểm. Và cách đảo ngữ đưa cụm từ "lặn lội" lên đầu câu nhấn mạnh nỗi vất vả gian truân của bà Tú đồng thời gợi nỗi đau thân phận.
  • Sự vất vả mưu sinh của bà Tu được tái hiện trong câu thơ "Eo sèo mặt nước buổi đò đông" - câu thơ gọi tả cảnh chen chúc, bươn chải trên sông nước của những người buôn bán nhỏ.

⇒ Hai câu thơ gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tần tảo, vất vả, gian nan, buôn bán ngược xuôi của bà Tú đồng thời cũng nói lên tấm lòng xót thương da diết của ông Tú.

c. Hai câu luận

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

  • Bà Tú là một người giàu đức hi sinh. Trong hai câu luận, Tú Xương một lần nữa cảm phục sự quên mình của vợ bởi "duyên" một mà "nợ" hai nhưng bà Tú không một lời phàn nàn, lặng lẽ chấp nhận sự vất vả vì chồng vì con.
  • Thành ngữ "năm nắng mười mưa" được vận dụng sáng tạo: "nắng, mưa" chỉ sự vất vả, còn "năm, mười" là số lượng phiếm chỉ chỉ nói số nhiều, được tách ra tạo thành một thành ngữ chéo vừa nói lên sự vất vả và gian truân, vừa thể hiện đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
  • Đức hi sinh của bà Tú được khắc đậm qua hai cụm từ "âu đành phận", "dám quản công". Dù cho phận mỏng duyên ôi, bà Tú vẫn chấp nhận, cam chịu, không lời oán thán.

⇒ Hai câu thơ cho ta thấy đức tính cao đẹp của bà Tú cả nỗi lòng và sự tinh tế của một người vợ.

d. Hai câu kết

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không

  • Lời chửi trong hai câu thơ kết mang ý nghĩa xã hội sâu sắc: thói đời bạc bẽo là nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú phải khổ.
  • Sự "hờ hững" của ông đối với vợ con cũng là một biểu hiện của "thói đời bạc bẽo". Câu thơ "Có chồng hờ hững cũng như không": Tú Xương tự rủa mát mình và cũng là tự phán xét, tự lên án bản thân mình.
  • Với cụm từ "thói đời", Tú Xương đã nguyền rủa cái nếp xấu chung của người đời, của xã hôi. Trong sự lên án ấy, ta thấy được chính ông cũng đã trách móc và lên án chính bản thân mình một cách thậm tệ. Xã hội xưa trọng nam khinh nữ, coi người phụ nữ là thân phận phụ thuộc, nhưng Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân với cuộc đời, dám tự nhận khiếm khuyết và tự phê phán mình một cách nghiêm ngặt. Đó cũng chính là biểu hiện của một nhân cách cao đẹp, một tấm chân tình chân thật mà ông dành cho vợ. 

⇒ Hai câu thơ đã khái quát nỗi lòng thương vợ của ông Tú.

2.4. Giá trị nội dung

- Với tình cảm thương yêu quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách chân thực xúc động hình ảnh người vợ tàn tảo, giàu đức hi sinh

2.5. Giá trị nghệ thuật

  • Cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị sâu sắc.
  • Sử dụng thành ngữ, hình quen thuộc.

3. Luyện tập

Câu 1: Bốn câu thơ cuối là lời của bà Tú hay của ông Tú? Cho biết ý nghĩa của những câu thơ này. Anh (chị) suy nghĩ gì về cách thể hiện tình cảm với người vợ của nhà thơ?

Gợi ý làm bài

  • Về hình thức, bốn câu thơ cuối là “giọng” của bà Tú do nhà thơ hư cấu. Lí do cần có sự hư cấu, “nói hộ” giọng của bà Tú là dễ hiểu : người vợ hiền thảo, chịu thương, chịu khó thường nhẫn nhịn, không than thở, kêu ca, hi sinh vì chồng con. Vì thế, cần nói hộ tâm tình sâu kín của người vợ. Bốn câu thơ cuối chính là lời của tác giả “bình luận” về người vợ, tiếp tục thể hiện niềm thương yêu, trân trọng người vợ.
  • Bốn câu thơ này có ý nghĩa như là sự đánh giá khách quan dành cho sự tần tảo, lam lũ, chấp nhận thân phận của người vợ. Duyên số đã đưa đẩy bà Tú gặp ông Tú, nhưng duyên số đó đối với bà, theo cách nhìn của tác giả, cũng lại là “nợ”. Nợ tức là trách nhiệm phải trang trải. Theo tác giả, người vợ gánh cả trách nhiệm nặng nề trên đôi vai nhưng không hề ta thán. Nắng mưa là hai hiện tượng thời tiết khá phổ biến trong ca dao, dân ca và văn học viết xưa (ví dụ Truyện Kiều) gọi nên sự gian khó, vì thế rất dễ tạo sự đồng cảm ở bạn đọc. Tiếng “chửi” thói đời bạc, sự hờ hững ở hai câu 7-8 tưởng như lời người vợ, nhưng thực chất là lời tác giả tự trách mình, tự phê phán mình, một cách thể hiện tình cảm rất đặc biệt của nhà thơ đối với người vợ.
  • Bốn câu thơ không có một lời ca ngợi trực tiếp nào nhưng ẩn dưới các hàng chữ là tình cảm thương yêu, là nỗi xót xa, day dứt của người chồng không làm được gì giúp cho người vợ. Cùng với bài thơ này, Tú Xương còn có nhiều bài thơ “tự trào”, đem bản thân ra làm đối tượng chế giễu, phê phán.

Câu 2: Nỗi niềm, tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ Tú Xương được thể hiện như thế nào qua bài thơ Thương vợ.

Gợi ý làm bài

a. Mở bài:

  • Giới thiệu chung về tác giả Trần Tế Xương và bài thơ Thương vợ.
  • Dẫn dắt vào vấn đề: Nỗi niềm, tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ Tú Xương qua bài thơ.

b. Thân bài:

  • Qua bài thơ Thương vợ, ta không chỉ thấy bức chân dung hiện thực qua hình ảnh bà Tú mà còn cả bức chân dung tinh thần của ông Tú. Đằng sau nụ cười trào phúng là cả một tấm lòng của ông Tú, không chỉ là thương mà ở đó còn có cả sự biết ơn chân thành của ông Tú đối với bà Tú.
  • Tú Xương đã trân trọng, yêu thương biết mấy đối với vợ của mình và tự trách bản thân mình, lên án "thói đời". Như vậy, ông không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm mà tự xem mình là cái nợ, là cái thiệt thòi mà vợ gánh chịu.
  • Dù xuất thân từ nho học nhưng Tú Xương không nhìn nhận thân phận người phụ nữ và vai trò người vợ theo quan điểm nhà nho cũ kĩ mà ông luôn nhìn nhận rất công bằng. Ông dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời khi dám nhận ra những khuyết điểm của mình để day dứt, lên án trong tiếng chửi "thói đời".

c. Kết bài:

  • Đánh giá và khẳng định vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của Tú Xương.
  • Nêu sự nhìn nhận, suy nghĩ riêng của cá nhân.

Câu 3: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ.

Gợi ý làm bài

a. Mở bài

  • Trình bày khái quát về hình tượng người phụ nữ trong thơ ca trung đại: Được nhiều tác giả nhắc đến với tấm lòng trân trọng và niềm cảm thương sâu sắc cho số phận như Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…
  • Thương vợ của Trần Tế Xương là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về hình tượng người phụ nữ. Bài thơ đã thể hiện thành công hình tượng bà Tú.

b) Thân bài

- Hình tượng bà Tú - một người phụ nữ vất vả lam lũ

+ Hoàn cảnh bà Tú:

  • Mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội “mom sông”.
  • Thời gian “quanh năm”: làm việc liên tục, không trừ ngày nào, hết năm này qua năm khác.
  • Địa điểm “mom sông”: phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.

=> Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định, bà không những phải nuôi con mà phải nuôi chồng.

- Sự vất vả, lam lũ, bươn chải khi làm việc:

  • "Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng.
  • Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn ⇒ gợi tả nỗi đau thân phận và mang tình khái quát.
  • “Khi quãng vắng”: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu.

⇒ Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua nghệ thuật ẩn dụ

  • Eo sèo… buổi đò đông: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc.
  • Buổi đò đông: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu.

- Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ, ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động khổ cực của bà Tú.⇒ Thực cảnh mưu sinh của bà Tú: Không gian, thời gian rợn ngợp, nguy hiểm đồng thời thể hiện lòng xót thương da diết của ông Tú.

- Năm nắng mười mưa: số từ phiếm chỉ số nhiều ⇒ Sự vất vả lam lũ, cực nhọc của Bà Tú.

⇒ Hình tượng bà Tú với những phẩm chất đáng quý, đáng trọng.

- Tuy hoàn cảnh éo le vất vả, nhưng bà Tú vẫn chu đáo với chồng con:

  •  “Nuôi”: chăm sóc hoàn toàn.
  •  “Đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu.

⇒ Bà Tú là người đảm đang, chu đáo với chồng con.

- Phẩm chất tốt đẹp của Bà Tú còn được thể hiện trong sự chăm chỉ, tần tảo đảm đang

  •  “Một duyên hai nợ”: ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên “âu đành phận”, không than vãn.
  • “dám quản công”: Đức hy sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.

⇒ Cuộc sống vất vả gian truân nhưng càng làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của bà Tú: đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú. Đó cũng là vẻ đẹp chung cho nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến

- Nghệ thuật thể hiện thành công hình tượng bà Tú:

  • Từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm.
  • Vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ của văn học dân gian.
  • Hình tượng nghệ thuật độc đáo.
  • Việt hóa thơ Đường.

c. Kết bài

  • Khẳng định lại những phẩm chất tốt đẹp của bà Tú.
  • Trình bày suy nghĩ bản thân.

4. Kết luận

Qua bài học, các em cần;

  • Nắm được một vài nét tiêu biểu về tác giả Tú Xương.
  • Cảm nhận được vẻ đẹp tần tảo, giàu đức hi sinh của bà Tú.
  • Cảm nhận được tình cảm thương yêu, quý trọng của ông Tú dành cho vợ.
  • Thấy được những nét nghệ thuật tiêu biểu: sử dụng thàng ngữ, hình ảnh dân gian, nghệ thuật đảo ngữ,... của bài thơ.
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM