Đây thôn Vĩ Dạ Ngữ văn 11

eLib xin giới thiệu đến các em bài học Đây thôn Vĩ Dạ trong chương trình Ngữ văn 11. Nội dung bài học này đã được biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất, mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Đây thôn Vĩ Dạ Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình

- Sớm mất cha sống với mẹ tại Quy Nhơn

- Năm 21 tuổi ông vào Sài Gòn lập nghiệp.

- Đi làm công chức thời gian ngắn rồi mắc bệnh.

- Là nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới “ Ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam”(Chế Lan Viên)

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác :Nằm trong tập “Gái quê”sáng tác năm 1938 được khơi nguồn từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc.

- Giá trị bài thơ: Lòng yêu cuộc sống, nỗi niềm trong dự cảm chia xa, niềm hi vọng mong manh về tình yêu hạnh phúc

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Bức tranh thôn Vĩ

- Nét đẹp phong cảnh thôn Vĩ trong khổ thơ đầu:

+ Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ “ nhưng thực ra là một lời trách móc nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ.

+ Cảnh nơi thôn Vĩ: Vĩ Dạ hừng Đông

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” :

+ Điệp từ nắng nhấn mạnh ánh nắng của buổi bình minh.

+ Nắng hàng cau nắng mới lên: gợi ánh nắng ấm áp trong trẻo và tinh khôi của buổi sớm mai.

“Vườn ai mát quá xanh như ngọc” :

+ Vườn ai: địa từ phiếm chỉ “ai” gợi cảm giác mơ hồ, bất định trong tâm hồn thi nhân.

+ Mướt quá: gợi sự tươi non, mượt mà của khu vườn thôn Vĩ.

+ Xanh như ngọc: nghệ thuật so sánh diễn tả sự xanh mướt được ánh nắng mặt trời của buổi sớm mai chiếu xuyên qua làm bừng sáng cả khu vườn nơi thôn Vĩ.

=> Thiên nhiên thôn Vĩ buổi sớm mai đẹp thanh khiết, trong trẻo, thơ mộng và tràn trề sức sống.

- Con người nơi thôn Vĩ: “Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”:

+ Mặt chữ điền: là biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành, trung thực.

+ Lá trúc chen ngang: lá trúc mảnh mai, gợi nét đẹp kín đáo, phúc hậu, dịu dàng của con người xứ Huế.

=> Bốn câu thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu người tha thiết cùng những niềm băn khoăn, day dứt của nhà thơ.

- Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai: Vĩ Dạ đêm trăng

- Không gian mênh mông có đủ gió, mây, sông, nước, trăng, hoa.

- “Gió theo lối gió mây đường mây”: cách ngắt nhịp 4/3 gợi tả không gian gió mây chia lìa như một nghịch cảnh đầy ám ảnh của sự chia lìa, xa cách.

- “Dòng nước buồn thiu”: nghệ thuật nhân hóa dòng sông trở thành một sinh thể mang tâm trạng gợi cảm giác u buồn. Dòng sông không thể tự buồn mà nhà thơ đã gửi nỗi buồn vào dòng sông.

- “Hoa bắp lay”: sự chuyển động rất nhẹ, “lay” gợi nỗi buồn hiu hắt, thưa vắng.

=>  Cảnh vật được nội tâm hóa bộc lộ nỗi đau thân phận, sự chia lìa xa cách.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”:

+ Sông trăng: hình ảnh lạ, đẹp, đầy thi vị. Dòng sông tràn ngập ánh trăng vàng. Con thuyền vốn là hình ảnh có thực được nhìn qua con mắt của thi nhân trở thành một hình ảnh mộng tưởng. Thuyền đậu trên bến sông trăng để trở trăng về một nơi nào đó trong mơ. Gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, tất cả đang đắm chìm trong bồng bềnh mơ mộng, như thực như ảo.

+ Đại từ phiếm chỉ “ai” gợi cảm giác mơ hồ, xa lạ, đầy ảo mộng.

-  Ở câu thơ “Có chở trăng về kịp tối nay?” : chúng ta thấy trong câu thơ có sử dụng câu hỏi tu từ thoảng thốt, băn khoăn, có gì đó khắc khoải, khẩn thiết. Chữ kịp khiến cho khoảng thời gian “tối nay” càng trở nên ngắn ngủi. Ta cảm nhận được sự lo sợ, một mặc cảm về hiện tại ngắn ngủi, hé mở cho ta thấy chủ thể như muốn chạy đua với thời gian.

=> Khổ thơ thứ hai đã vẽ nên một bức tranh sông Hương nên thơ, huyền ảo, phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ. Cảm xúc chuyển biến đột ngột từ niềm vui của hi vọng gặp gỡ sang trạng thái lo âu đau buồn thất vọng khi tác giả nhớ và mặc cảm về số phận bất hạnh của mình.

2.2. Tâm trạng của nhà thơ

- Tâm trạng của nhà thơ qua khổ thơ cuối:

“Mơ khách đường xa khách đường xa”:

+ Mơ: trạng thái vô thức, nhà thơ đang đắm chìm trong cõi mộng.

+ Điệp ngữ “khách đường xa”: nhấn mạnh khoảng cách xa rời, chỉ là khách trong mơ.

- Trong câu thơ “Áo em trắng quá nhìn không ra”: chúng ta thấy từ “quá” thể hiện sự thảng thốt; “nhìn không ra” cực tả sắc trắng, trắng một cách kì lạ, bất ngờ. Đây không còn là màu sắc thực nữa mà là màu trong tâm tưởng.

- “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”: câu thơ có thể hiểu theo hai nghĩa.

+ Về nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên nhiều sương khói và sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của xứ Huế.

+ Về nghĩa bóng, sương khói làm mờ ảo cả bóng người hay chính là tượng trưng cho một mối tình mong manh, xa vời, không trọn vẹn.

- “Ai biết tình ai có đậm đà”: đại từ phiếm chỉ “ai” mở ra hai lớp nghĩa:

+ Nhà thơ làm sao biết tình người xứ Huế có đậm đà với mình hay không hay cũng mờ ảo như làn khói kia.

+ Người xứ Huế có biết chăng tình cảm của nhà thơ với cảnh Huế, người Huế hết sức đậm đà, thắm thiết.

=> Câu thơ thể hiện nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời đã nhuốm màu đau thương, bất hạnh. Lời thơ bâng khuâng hư thực gợi nỗi buồn xót xa trách móc.

3. Tổng kết

Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

4. Luyện tập

Câu 1. Anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân qua tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Gợi ý làm bài:

Tác phẩm đã đem đến bài học sâu sắc cho người đọc. Đó là tình yêu thiên nhiên, cảnh sắc quê hương đất nước. Cao hơn, đó là nghị lực sống phi thường dù ở trong hoàn cảnh nào, cũng phải khao khát sống, niềm tin yêu dành cho cuộc đời. Có  ý nghĩa đối với lối sống cho thế hệ trẻ ngày nay: Cần sống có ý nghĩa, mãnh liệt, có niềm tin vào cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa,...

Câu 2. Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Gợi ý làm bài:

- Trí tưởng tượng phong phú.

- Nghệ thuật so sánh nhân hóa; thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ,..

- Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giũa thực và ảo.

- Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uổn khúc của nhà thơ.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Cảm nhận tình yêu đời, ham sồng mãnh liệt vầ đầy uổn khúc qua bức tranh phong cảnh xứ Huế.

- Nhận ra sự vận động của tứ thơ, của tâm trạng chủ thể và bút pháp tài hoa, độc đáo của Hàn Mặc Tử.

- Đọc hiểu bài thơ trữ tình theo đặc trưng thể loại.

Ngày:13/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM