Một thời đại trong thi ca Ngữ văn 11

eLib xin giới thiệu đến các em bài học Một thời đại trong thi ca trong chương trình Ngữ văn 11. Bài học này nhằm giúp các em phân biệt được thơ cũ và thơ mới. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Một thời đại trong thi ca Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hoài Thanh (1909-1982), tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên.

- Quê: Nghi Lộc- Nghệ An.

- Xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo yêu nước.

- Hoạt động chủ yếu trong ngành Văn hoá văn nghệ, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng.

- Trước cách mạng:

+ Tham gia các phong trào yêu nước ngay từ thời đi học và bị thực dân Pháp bắt giam.

+ Tham gia cách mạng tháng 8 và làm chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc ở Huế.

- Sau cách mạng tháng 8:

+ Chủ yếu hoạt động trong ngành Văn hóa – Nghệ thuật và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, Hội văn nghệ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam…

1.2. Tác phẩm

a. Xuất xứ - Hoàn cảnh ra đời

- Đoạn trích thuộc phần đầu của quyển “Thi Nhân Việt Nam”, là phần cuối của tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”

- Giá trị văn bản: tổng kết một cách sâu sắc toàn diện của phong trào thơ Mới.

b. Bố cục: 3 phần:

+ Phần 1 (Từ đầu ... "phải nhìn vào đại thể"): Nguyên tắc để xác định tinh thần thơ mới.

+ Phần 2 (Tiếp theo ... "rẻ rúng đến thế"): Tinh thần thơ mới: chữ tôi

+ Phần 3: Còn lại: Sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó.

2. Đọc - hiểu văn bản

- Vấn đề đoạn trích: Tinh thần thơ mới. Đây là nội dung bản chất, cốt lõi, chi phối toàn bộ thơ mới.

- Tác giả triển khai vấn đề bằng ba luận điểm:

+ Quan điểm của tác giả trong việc xác định tinh thần thơ mới.

+ Tinh thần thơ mới là ở cả chữ tôi.

+ Cách giải quyết bi kịch cái tôi thơ mới.

2.1. Quan điểm của tác giả trong việc xác định tinh thần Thơ mới

- Khó khăn: Thơ mới và thơ cũ không có sự phân biệt rạch ròi dễ nhận ra. Trong Thơ mới, Thơ cũ đều có những bài hay, bài dở, bài hay ít, bài dở nhiều. Đó là khó khăn phức tạp nhất.

- Quan điểm của Hoài Thanh:

+ Không căn cứ vào cục bộ và bài dở (Vì cái dở chẳng tiêu biểu cho cài gì hết).

+ Phải căn cứ vào đại thể (khái quát bản chất phổ biến nổi bật) và bài hay.

- Lí do: “Cái cũ và cái mới vẫn nối tiếp nhau thay đổi, thay thế nhau: Hôm nay phôi thai từ hôm qua, và trong cái mới vẫn còn rơi rớt ít nhiều cái cũ.”

- Nhận xét: Tác giả sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu. Nhưng không so sánh tỉ mỉ, vụn vặt, cá thể mà so sánh thời đại cùng thời đại và so sánh trên đại thể.

Đây là quan điểm đúng đắn, khoa học mà tác giả đặt ra ngay từ đầu để định hướng ngòi bút và định hướng sự tiếp nhận của người đọc.

2.2. Tinh thần Thơ mới là ở cả chữ Tôi

Hai luận cứ:

+ Cái Ta trong thơ cũ và cái Tôi trong thơ mới.

+ Bi kịch của cái Tôi trong thơ mới.

a. Cái Ta trong thơ cũ và cái Tôi trong thơ mới.

- Cái Ta- thơ cũ:

+ Ý thức đoàn thể.

+ Tác giả không dám dùng chữ Tôi, không tự xưng, ẩn mình sau chữ Ta- chữ chỉ chung cho nhiều người.

- Cái Tôi- thơ mới:

+ Ý thức cá nhân.

+ Xuất hiện trong thơ văn không biết từ lúc nào: bỡ ngỡ, lạc loài (vì quá mới mẻ, thể hiện quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân).

+ Trong văn học trung đại: Cái Tôi mờ nhạt, tương đối, chìm đắm trong cái chung như giọt nước chìm trong biển cả.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ, các nhà thơ đã vượt lên trên thời đại khẳng định cía Tôi cá nhân: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương…

+ Cái tôi với ý nghĩa cá nhân tuyệt đối xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam vào những năm 20 của thế kỉ XX (Tản Đà) thật bé nhỏ, tội nghiệp, bơ vơ, rên rỉ, thảm hại… mất hết cốt cách hiên ngang ngày trước.

- Nhận xét: Cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích thể hiện sự tự tin trong khám phá và kết luận khoa học. Biện pháp so sánh đối chiếu đã làm nổi bật cái ta trong thơ cũ và cái Tôi trong thơ mới, giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc toàn diện hơn.

b. Bi kịch của cái Tôi trong Thơ mới.

Đoạn văn: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi…cùng Huy Cận”.

- Đoạn văn khái quát chính xác, sâu sắc những biểu hiện chung, riêng, gần nhau và khác nhau của tinh thần thơ mới với phong cách- tư tưởng của các nhà thơ tiêu biểu

- Đặc sắc của đoạn văn: ngắn gọn, khái quát, cụ thể, không những chỉ ra ngưyên nhân mà còn thấy cả tiến trình và báo trước kết quả của tinh thần thơ mới.

- Lời văn sôi nổi với các từ “ta” (chúng ta, nhà nghiên cứu, người đọc…) như đang đồng hành, sáng tạo, đồng cảm cùng những nhà thơ mới tài hoa nhất.

- Cụ thể:

+ Cái chung: chữ Tôi. Nguyên nhân thực trạng: Mất bề rộng ⇒ Con đường vượt thoát: Tìm bề sâu ⇒ Kết quả: Bế tắc, càng đi sâu càng thấy lạnh.

+ Cái riêng: Mỗi nhà thơ một khác nhau trên con đường vượt thoát, kết quả cũng mang màu sắc khác nhau:

Thế Lữ lên tiên nhưng động tiên đã khép.

Lưu Trọng Lư: phiêu lưu trong trường tình nhưng tình yêu không bền.

Hàn Mặc Tử- Chế Lan Viên: điên cuồng rồi tỉnh.

Xuân Diệu: say đắm nhưng vẫn bơ vơ.

Huy Cận: ngẩn ngơ buồn và sầu.

⇒ Bi kich cái Tôi trong thơ mới: đáng thương, tội nghiệp, bơ vơ, lạc lõng trước cuộc đời. Nỗi buồn lan toả khắp trời đất, gieo khổ đau trong hồn người thanh niên.

- Nguyên nhân bi kịch:

+ Do hoàn cảnh xã hội đương thời không cho người thanh niên nhiều khát vọng quyền sống đúng nghĩa.

+ Do bản thân cái Tôi khi tách ra khỏi cái Ta đã mất đi điểm tựa vững chắc, trở nên bơ vơ, lạc lõng, thiếu tự tin…

- Nhận xét: Nhận định xá đáng, tinh tế, câu văn mềm mại uyển chuyển, giọng văn đồng cảm, chia sẻ. tác giả còn khắc hoạ bi kịch bằng hình ảnh so sánh mềm mại tinh tế. Việc chỉ ra bi kịch của cái Tôi thơ mới thể hiện đóng góp xã hội quan trọng của Hoài Thanh.

2.3. Cách giải quyết bi kịch

- Con đường:

+ Gửi cả vào tình yêu tiếng Việt- tiếng mẹ đẻ thân thương.

+ Tìm về dĩ vãng.

- Vì: Tiếng Việt là tấm lụa hứng vong hồn bao thế hệ người Việt trong qua khứ và hiện tại. Lớp thanh niên dùng tiếng Việt để bày tỏ tình yêu quê hương đất nước. Tiếng Việt bất diệtcũng như dân tộc Việt nam mãi mãi trường tồn.

- Nhận xét: Đó là con đường riêng của thơ mới, cũng có những tác dụng nhất định nhưng còn hạn chế trong hoàn cảnh đất nước còn nô lệ, phản ánh ý thức, tâm lí chủ quan của các nhà thơ mới. Tuy nhiên nó cũng rất đáng được lịch sử ghi nhận và trân trọng.

Hoài Thanh đã thể hiện tình cảm trân trọng thiết tha ấy qua hệ thống hình ảnh giàu cmả xúc: “gửi ca, yêu vô cùng, chia sẻ buồn vui, dồn tình yêu, hứng vong hồn…”

3. Tổng kết

- Chỉ ra được nội dung cốt lõi của tinh thần thơ mới: cái tôi và nói lên cái bi kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên hồi bấy giờ.

- Đánh giá được thơ mới trong cả ý nghĩa văn chương và xã hội.

- Kết hợp một cách hài hòa giữa tính khoa học và tính văn chương nghệ thuật.

- Luận điểm khoa học, chính xác, mới mẻ; kết cấu và triển khai hệ thống luận điểm cũng như nghệ thuật lập luận rất chặt chẽ, logic.

- Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng một cách khéo léo, tài tình có khả năng khơi gợi và tạo sức cuốn hút lớn....

4. Luyện tập

Câu 1. Những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật của đoạn trích "Một thời đại trong thi ca?

Gợi ý làm bài:

- Sự kết hợp hài hoà giữa tính khoa học và tính nghệ thuật:

+ Tính khoa học: Hệ thống luận điểm chuẩn xác, mới mẻ, sắp xếp mạch lạc. Dẫn chứng chọn lọc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Sử dụng biện pháp so sánh đối chiếu ở cấp độ phù hợp, mang lại hiệu quả.

+ Tính nghệ thuật: lời văn thấm đẫm cảm xúc, giọng điệu thay đổi linh hoạt, cảm xúc người viết nồng nhiệt, gây truyền cảm, đồng cảm cao.

⇒ Một cách viết văn nghị luận văn chương dễ hiểu mà rất tài hoa, tinh tế, hấp dẫn.

Câu 2. Có ý kiến cho rằng “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thòi đại mới”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?

Gợi ý làm bài:

 Đây là một nhận định về vai trò, vị trí quan trọng của thơ mới trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam.

–  Khẳng định “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới”, chúng ta không quên rằng trước đó đã có những tín hiệu, những thành tựu mở đầu với thơ của Tản Đà (Tản Đà được coi là gạch nối hai thời đại) hay Tinh già của Phan Khôi…

– Về nhận định cho rằng “với thơ mới, thi ca Việt Nam bước vào một thời đại mới”, nên chú ý mấy ý chính sau đây :

+ Xét về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ mới đi vào quỹ đạo mới, từ văn học trung đại sang văn học hiện đại.

+ Về nội dung, cảm hứng thơ mới có những đổi mới quan trọng như Hoài Thanh nói “ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi […] nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này : quan niệm cá nhân”, “Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và muôn thuở. Nhưng sống trên đất Việt Nam ở đầu thế kỉ hai mươi, những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại”, “Tình chúng ta đã đổi mói, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy. Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”…

(Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Hà Nội, 1943)

+ Về phương thức biểu hiện, đã có nhiều đổi mói về loại thể, về thi pháp, về nghệ thuật ngôn từ, sự cách tân về số câu, số chữ, về hình ảnh, về cách gieo vần, cách ngắt câu…

+ Thơ mới đã có được một đội ngũ nhà thơ tài năng khẳng định sự thắng thế của nó đối với thơ cũ. Các tên tuổi tiêu biểu : Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…

+ Thơ mới đã có được một lớp công chúng mới khẳng định sự thành công của nó trong đời sống văn học và xã hội.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được quan niệm của Hoài Thanh về “tinh thần thơ mới” trong ý nghĩa văn chương và xã hội

- Thấy rõ nghệ thuật nghị luận văn chương khoa học, chặt chẽ, thấu đáo và cách diễn đạt tài hoa, tinh tế, giàu cảm xúc của tác giả

- Phân tích được những nét đặc sắc trong phong cách nghị luận văn chương của Hoài Thanh

Ngày:17/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM