Vịnh khoa thi Hương Ngữ văn 11

Mời các em cùng tham khảo nội dung bài học Vịnh khoa thi Hương do eLib tổng hợp và biên soạn. Bài học cung cấp những kiến thức cơ bản về hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ. Chúc các em học tập hiệu quả.

Vịnh khoa thi Hương Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Thể loại

Thất ngôn bát cú đường luật

1.2. Chủ đề

Phản ánh hiện thực đất nước và thể hiện tấm lòng của tác gia đối với nước nhà

1.3. Bố cục

  • Hai câu thơ đầu: Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu.
  • Bốn câu thơ tiếp: Thực cảnh trường thi.
  • Hai câu thơ cuối: Thái độ, tâm trạng của tác giả.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu

Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà

  • Như thường lệ, ba năm mở một khoa thi để chọn nhân tài, nhưng năm nay cách tổ chức lại trái với thường lệ "Trường Nam thi lẫn với trường Hà". Với cách tổ chức thi cử như vậy, tác giả đã báo trước sự hỗn độn, ô hợp, nhốn nháo.
  • Hai chữ "nhà nước" đã nêu bật lên hiện thực của cảnh mất nước, mất chủ quyền.
  • Từ "thi lẫn" diễn tả sự hỗn độn của trường thi. Tác giả đã dùng hình ảnh trường thi khái quát cả một hiện thực xã hội bấy giờ.

2.2. Cảnh trường thi

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra.

- Những nhân vật chính của trường thi bộc lộ sự nhếch nhác, rỗng tuếch

  • Sĩ tử: lôi thôi, vai đeo lọ
  • Quan trường: ậm ọe, thét loa

- Không khí long trọng (lọng cắm rợp trời) lại để đón kẻ ngoại bang - kẻ quyết định số phận của trường thi, nền học vấn của nước nhà "quan sứ, mụ đầm" ⇒ châm biếm, đả kích.
- Thể hiện sự xót xa, mỉa mai (lọng cắm rợp trời >< váy lê quét đất) xen lẫn với xót xa, căm giận 

2.3. Thái độ, tâm trạng của tác giả

Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

  • Câu thơ "Nhân tài đất Bắc nào ai đó?" vừa là lời kêu gọi, vừa là lời nói thẳng về sự thật của đất nước đã thôi thúc, thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm của tầng lớp tri thức phong kiến bấy giờ
  • Sáu câu thơ trước, tác gỉ dùng giọng điệu mỉa mai, châm biếm nhưng đến hai câu thơ cuối, tác giả đã chuyển sang giọng điệu trữ tình để lay gọi, đánh thức lương tri mọi người → thấy sự nhục nhã của hoàn cảnh, của thân phận mà căm ghét bọn giặc ngoại bang. Nhắc nhở đừng quên nỗi nhục mất nước.

2.4. Giá trị nội dung

  • Bài thơ cho ta thấy thái độ trọng danh dự và tâm sự lo nước thương đời của tác giả trước tình trạng thi cử trong buổi đầu chế độ thuộc địa nửa phong kiến.

2.5. Giá trị nghệ thuật

  • Lựa chọn từ ngữ, âm thanh và nghệ thuật đảo trật tự cú pháp tinh tế, nhiều ý nghĩa.
  • Nhân vật trữ tình tự nhận thức, bộc lộ thái độ châm biếm, hài hước.

3. Luyện tập

Câu 1: Phân tích Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương.

Gợi ý làm bài

Mở Bài

- Giới thiệu về bài thơ

  • Là một trong mười ba bài thuộc đề tài "thi cử".
  • Mượn hình ảnh thi cử để nói về tình cảnh đất nước, bộc lộ tâm sự của mình.

Thân Bài

- Nội dung bài thơ: Bức tranh một kì thi Hương cuối triều Nguyễn với sự lố lăng, nhốn nháo, ô hợp với sự giám sát của bọn thực dân Pháp.
- Hai câu đầu: Giới thiệu về trường thi

  • Mở đầu bằng đặc điểm thường thấy trong quy cách thi cử xưa nay. Nhà nước mở khoa thi ba năm một lần.
  • Điều bất thường: Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
  • Trường Nam: Trường thi ở Nam Định, trường Hà: Trường thi ở Hà Nội
  • Lý do: Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở Hà Nội bị bãi bỏ ⇒ Sĩ tử hai trường phải thi chung một địa điểm.
  •  "Lẫn": chỉ sự nhốn nháo, ô hợp với sự trang trọng của kì thi hương.

- Hai câu thực:

+ Khung cảnh trường thi:

  • Khung cảnh nhốn nháo, sĩ tử, quan trường lẫn lộn với nhau.
  • "Sĩ tử": Người đi thi, phải trang trọng, nho nhã nhưng đây lại "lôi thôi".
  •  "Lôi thôi": Chỉ sự nhếch nhác, luộm thuộm

⇒ Đảo lên đầu câu để nhấn mạnh hình ảnh đám sĩ tử

  • "Lọ": chỉ lọ mực hoặc lọ đựng nước, lại phải đeo trên vai: sự xô lệch, gãy đổ, lếch thếch ⇒ Trụ cột của nước nhà mà trông thật nhếch nhác, xiêu vẹo. Kẻ sĩ không giữ được phong thái của chính mình.

 + "Quan trường": Những vị quan coi thi:

  • Miệng thét loa.
  • "Ậm ọe": Sáng tạo của Tú Xương, chỉ âm thanh không rõ, ú ớ, được gân lên => Sự phách lối của đám quan lại tay sai.

⇒ Đám quan lại mất đi cái phong thái tôn kính, trang nghiêm của kẻ làm quan
⇒ Hai câu thơ đối song song, cho thấy khung cảnh của trường thi thật hỗn tạp giống tình cảnh của đất nước lúc bấy giờ.
- Hai câu tiếp: Cảnh đón rước quan sứ và phu nhân

  • "Ông Tây bà đầm": Phản ánh thực tại của đất nước đang bị nắm bởi bọn thực dân.
  • Kẻ cướp nước lại được đón rước long trọng, kính cẩn.
  • Đặt vế đối song song "lọng - váy": thái độ mỉa mai.
  • Gọi "quan sứ" nhưng lại gọi "mụ đầm: Thái độ khinh bỉ, châm biếm (mụ: chỉ những người đàn bà không ra gì).

⇒ Tiếng cười sâu cay, cười trên nước mắt với nỗi đau mất nước.
- Hai câu cuối: Lời kêu gọi tới những kẻ sĩ:

  • Niềm đau xót bật ra.
  • "Đất Bắc": Chỉ kinh đô Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa, anh tài.
  • "Nhân tài": Từ phiếm chỉ, chỉ những người là kẻ sĩ trong xã hội, những người đã quay đầu, làm ngơ trước nhân tình thế thái.
  •  "Ngoảnh cổ": Nhìn lại.

⇒ Nỗi đau xót trước cảnh nước mất nhà tan của Tú Xương, tuy không quyết liệt nhưng cũng bộc lộ nỗi lòng của ông trước tình cảnh của đất nước.
- Kết luận chung:

  • Bài thơ được viết theo thể thơ Đương thất ngôn bát cú.
  • Miêu tả khung cảnh thi cử ở một kì thi hương nhưng lại vẽ ra một phần hiện thực đất nước thời bấy giờ.
  • Bộc lộ nỗi lòng sâu kín của tác giả.

Kết Bài

Khẳng định lại vẻ đẹp của bài thơ.

Câu 2: Nêu hoàn cảnh sáng tác và nội dung chính bài Vịnh khoa thi Hương.

Gợi ý làm bài

  • Hoàn cảnh lịch sử: Sau khi Pháp tiến hành cuộc xâm lược, văn hóa phương Tây tràn nhanh qua Việt Nam, Hán học đến thời kì suy tàn, các nho sĩ thi nhau đem vứt bút lông chuyển sang dùng bút sắt. Chính vì vậy, các kì thi truyền thống không còn giữ được sự nghiêm túc, khắt khe như trước, thay vào đó là sự bát nháo, hỗn độn.
  • Hoàn cảnh sáng tác Vịnh khoa thi Hương: Vào khoa thi năm 1897 (năm Đinh Dậu), kì thi Hương ba năm diễn ra một lần vốn từ xưa đều được tổ chức ở Hà Nội, nay bị Pháp bãi bỏ và tổ chức chung cho thí sinh ở trường Nam Định thi cùng với thí sinh trường Hà Nội. Chứng kiến hiện thực đầy bát nháo, đau xót đó, Tú Xương đã sáng tác bài thơ này.
  • Nội dung chính bài thơ: Tác giả đã phản ánh hiện thực nhốn nháo của khoa thi năm đó đồng thời thể hiện thái độ châm biếm, mỉa mai thói lố lăng, hợm hĩnh của bộ máy chính quyền Pháp lúc bấy giờ, đứng đầu là tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương - Đu-me ở trường thi. Qua đó, ông cũng bày tỏ thái độ đau đớn, chua xót trước cảnh suy thoái của các kì thi cũng như cảnh nước mất nhà tan.

4. Kết luận

Kết thúc bài học, các em cần:

  • Thấy được bức tranh sinh động và chân thực nhất về tình hình xã hội thi cử của nước ta buổi giao thời trong chế độ thực dân và phong kiến.
  • Thái độ mỉa mai, châm biếm đối với một kì thi lố lăng, trơ trẻn của nhà thơ; đồng thời bộc lộ nỗi nhục mất nước và niềm đau xót của một kẻ sĩ đương thời.
  • Nắm được những nét nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm.
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM