Phong cách ngôn ngữ chính luận Ngữ văn 11

Nhằm giúp các em phân biệt được ngôn ngữ chính luận với ngôn ngữ dùng trong các văn bản khác. eLib đã biên soạn bài học Phong cách ngôn ngữ dưới đây bám sát chương trình Ngữ văn 11. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt!

Phong cách ngôn ngữ chính luận Ngữ văn 11

1. Văn bản chính luận và ngôn ngữ chính luận

1.1. Khái niệm văn bản chính luận

- Văn bản chính luận là những văn bản trực tiếp bày tỏ lập trường, chính kiến, thái độ đối với những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, pháp luật…theo quan điểm chính trị nhất định.

- Thể loại : Văn bản chính luận

- Mục đích viết: Thuyết phục người đọc bằng lí lẽ và lập luận dựa trên quan điểm chính trị nhất định.

- Thái độ người viết : Người viết có thể bày tỏ thái độ khác nhau tuỳ theo nội dung, nhưng nhìn chung bao giờ cũng thể hiện thái độ dứt khoát trong cách lập luận để giữ vững quan điểm của mình.

- Quan điểm người viết: Dùng những lí lẽ và bằng chứng xác đáng để không ai có thể bác bỏ được → có sức thuyết phục lớn đối với người đọc.

1.2. Nhận xét chung về văn bản chính luận và ngôn ngữ chính luận

- Phạm vi sử dụng: Ngôn ngữ chính luận được dùng trong các văn bản chính luận và các loại tài liệu chính trị khác..Tồn tại ở cả dạng viết và dạng nói.

- Mục đích - đặc điểm: Ngôn ngữ chính luận chỉ xoay quanh việc trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá một sự kiện, một vấn đề chính trị, một chính sách, chủ trương về văn hoá xã hội theo một quan điểm chính trị nhất định.

- Phân biệt ngôn ngữ chính luận với ngôn ngữ dùng trong các văn bản khác:

+ Ngôn ngữ trong các văn bản khác là để bình luận về một vấn đề nào đó được quan tâm trong đời sống xã hội, trong văn học…dựa trên hình thức nghị luận( nghị luận xã hội, nghị luận văn học )

+ Ngôn ngữ chính luận: dùng trình bày một quan điểm chính trị đối với một vấn đề nào đó thuộc lĩnh vực chính trị.

2. Luyện tập

Câu 1. Căn cứ vào những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ chính luận, hãy kể tên những văn bản có thể được coi là văn bản chính luận mà anh (chị) đã được học, cho dù các vãn bản đó viết bằng chữ Hán hay chữ Việt, hoặc thuộc các thể loại khác nhau.

Gợi ý làm bài:

- Chiếu dời đô (Lí Công uẩn)

- Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo)

- Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi viết thay lòi Lê Lợi)

- Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm viết thay lời vua Quang Trung)

- Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh).

Câu 2. Phân tích tính hấp dẫn, thuyết phục của phong cách ngôn ngữ chính luận thể hiện trong đoạn văn sau :

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

(Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

Gợi ý làm bài:

Tính hấp dẫn, thuyết phục của đoạn văn được tạo nên ở cả hai phương diện :

- Về nội dung: Đoạn văn nói đến nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân đối với vận mệnh của đất nước, không phân biệt con người cụ thể, cũng không phụ thuộc vào phương tiện. Cái quan trọng là tinh thần yêu nước, chống giặc.

- Về hình thức ngôn ngữ: Dùng các phép tu từ đối, điệp, các phép hoà phối ngữ âm giữa các từ ngữ, phối hợp nhịp dài và nhịp ngắn một cách hài hoà. Ví dụ :

+ Đối và điệp : Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm.

+ Phối hợp nhịp ngắn và nhịp dài: Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.

+ Hoà phối ngữ âm tạo nên vần và nhịp cho câu văn xuôi: Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ…

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau đây:

- Hiểu được khái niệm, các loại văn bản và đặc điểm của phong cách ngôn ngữ chính luận.

- Rèn kỹ năng phân tích và viết bài văn nghị luận.

- Giáo dục, nâng cao ý thức học tập và rèn luyện văn học

Ngày:17/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM