Bài 2: Chức năng của tiền tệ

Cùng eLib tìm hiểu về phương tiện trao đổi, đơn vị đo lường giá trị hay đơn vị đánh giá, phương tiện dự trữ về mặt giá trị và chức năng tiền tệ thế giới thông qua bài giảng Bài 2: Chức năng của tiền tệ dưới đây nhé!

Bài 2: Chức năng của tiền tệ

Dù tiền là vỏ sò, vải, muối, vàng hoặc giấy nền kinh tế, tiền cũng có bôn chức năng cơ bản là:

  • Phương tiện trao đổi
  • Đơn vị đo lường giá trị
  • Phương tiện dự trữ về măt giá tri.
  • Tiền tệ thế giới

Trong các chức năng trên, ba chức năng đầu mang tính chất truyền thông, chức năng thứ tư xuất hiện trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.

1. Phương tiện trao đổi (Medium of Exchange)

  • Trong hầu hết các giao dịch trên thị trường trong nền kinh tế, tiền dưới dạng tiền mặt hoặc Séc là một phương tiện trao đổi; có nghĩa là nó được dùng để mua bán hàng hóa, dịch vụ, hoặc thanh toán các khoản nợ trong và ngoài nước.
  • Việc dùng tiền làm phương tiện trao đổi đã nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, bởi nó đã tiết kiệm được các chi phí quá lớn trong quá trình trao đổi trực tiếp (hàng đổi hàng). Thời gian tiêu hao khi gắng sức dùng để trao đổi hàng hóa dịch vụ được gọi là chi phí giao dịch (bao gồm chi phí thời gian và chi phí tài chính). Trong nền kinh tế trao đổi trực tiếp hàng đổi hàng, các chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí giao dịch thường rất cao. Bởi vì, người mua, người bán phải tim được những người trùng hợp về nhu cầu trao đổi, thời gian trao đổi, không gian trao đổi. Quá trình trao đổi chỉ được diễn ra khi có sự phù hợp đó. Người có hàng hóa bán lấy tiền, sau đó sẽ mua hàng mà họ cần. Bởi vậy, người ta coi tiền như một phương tiện cần thiết, tiện dụng, cho phép nền kinh tế hoạt động trôi chảy hơn, khuyến khích chuyên môn hóa và phân công lao động xã hội ngày một sâu rộng hơn.

Ví dụ: Một người nông dân muốn bán ngũ cốc và cần dụng cụ. Một thợ thủ công muôn đổi dụng cụ để lấy thịt. Giữa hai người này sẽ không bao giờ có một cuộc mua bán trao đối, vì ý định bán của người nông dân không phù hợp với ý định mua của người thợ thủ công. Cả hai người có thể phải tìm kiếm rất lâu cho đến khi gặp được một người có ý định giao dịch phù hợp. Khi có tiền làm phương tiện trao đổi quá trình này được đơn giản hóa đi rất nhiều: Người nông dân thứ nhất có thể bán ngũ cốc cho một người thứ ba và dùng tiền thu được để mua dụng cụ tại người thợ thủ công. Người thợ thủ công có thể dùng tiền thu được mua thịt tại một người thứ tư.

Việc dùng tiền làm một phương tiện trao đổi giúp đẩy mạnh hiệu quả của nền kinh tế, qua việc loại bỏ được nhiều thời gian dành cho việc đổi chác hàng hóa hay dịch vụ qua nhiều lần trao đổi trực tiếp hàng lấy hàng.

Để tiền làm tốt chức năng này tiền phải đạt được một số ưu điểm:

  • Phải được tạo ra hàng loạt một cách dễ dàng, có tính đồng nhất cao để thuận tiện cho việc xác định giá trị trong từng quốc gia.
  • Phải được chấp nhận một cách rộng rãi của những người trao đổi hàng hóa.
  • Có thể chia nhỏ được nhờ đó tạo thuận lợi cho người trao đổi.
  • Dễ chuyên chở, di chuyển.
  • Không bị hư hỏng một cách nhanh chóng do tác động của khí hậu, thời tiết, môi trường...

2. Đơn vị đo lường giá trị hay đơn vị đánh giá (Standard of Value)

  • Tiền tệ là đơn vị đo lường giá trị của hàng hóa, dịch vụ trước khi thực hiện trao đổi. Người ta đo giá trị của hàng hóa và dịch vụ bằng tiền giống như người ta đo trọng lượng của một vật bằng kilogram, đo chiều dài một vật bằng mét. Vì vậy, biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa chính là giá cả của hàng hóa đó.
  • Chức năng này là chức năng quan trọng của tiền tệ. Khi nền kinh tế có tiền tệ làm môi giới, thì người ta định giá bằng đơn vị tiền tệ cho tất cả các loại hàng hóa đem trao đổi trên thị trường. Trên thị trường có bao nhiêu hàng hóa đưa ra trao đổi thì có bấy nhiêu giá cả.
  • Chức năng này là chức năng quan trọng vì trong nền kinh tế có rất nhiều mặt hàng khác nhau, nếu không có chức năng này của tiền tệ, thì chúng ta phải trực tiếp định giá từng mặt hàng để trao đổi thứ này lấy thứ khác. Các nhà kinh tế Mỹ đã tính toán rằng nếu không có chức năng này của tiền tệ, thì với 10 mặt hàng chúng ta phải tính toán 45 giá để trao đổi một thứ hàng này với thứ hàng khác. Với 100 mặt hàng chúng ta cần phải tính toán được 4.950 giá, với 1.000 mặt hàng chúng ta cần tính 499.500 giá. (Ví dụ: 1 giờ lao động = 15 bánh mì; 1 giờ lao động = 01 cái áo; 1 giờ lao động = lkg thịt; 15 bánh mì = 01 cái áo; 01 cái áo = 1 kg thịt,...).

Công thức cho biết số giá ta cần khi ta có N mặt hàng giống như công thức tính số cặp khi có N phần tử:

\({N(N-1){} \over 2}\)

Thời gian dùng để tính toán và chi phí giao dịch sẽ rất lớn.

Khi đưa tiền vào nền kinh tế và định giá bằng đơn vị tiền cho tất cả các mặt hàng, chúng ta có thể định giá được tất cả các hàng hóa dịch vụ bằng đồng tiền. Bao nhiêu mặt hàng có bấy nhiêu giá chẳng hạn có 1.000 mặt hàng thì có 1.000 giá, thay vì là 499.500 giá như khi chưa có tiền. (Ví dụ: 5 đơn vị tiền = 1 giờ lao động = 15 bánh mì = 1 cái áo = 1 kg thịt =...), vì thế mà khi so sánh giá cả không còn phải tốn nhiều công sức nữa.

Bảng 1.1: So sánh các mức giá trong một nền kinh tế trao đổi với các mức giá trong một nền kinh tế dùng tiền

Từ bảng trên chúng ta có thể thấy rằng việc dùng tiền làm một đơn vị đánh giá giảm được chi phí thời gian để giao dịch trong nền kinh tế do giảm số giá cần phải xem xét.

Khi nền sản xuất xã hội càng phát triển thì lợi ích của chức năng đo lường giá trị của tiền tệ càng tăng lên. Ngày nay, người ta đo lường giá trị hàng hóa, dịch vụ không phải chỉ bằng tiền mặt mà còn đo lường giá trị hàng hóa dịch vụ bằng Séc, hối phiếu, kỳ phiếu hoặc là các chứng từ có giá khác.

3. Phương tiện dự trữ về mặt giá trị (Store of Value)

  • Một phương tiện trao đổi cần giữ được giá trị của nó. Vì thế, chỉ các loại hàng hóa không bị hư hỏng nhanh chóng mới làm phương tiện dự trữ về mặt giá trị. Nếu tiền không tồn tại, thì một người nông dân chỉ có khả năng trao đổi lương thực để lấy các hàng hóa khác cho đến khi lương thực này bị hư hỏng. Vì thế khi có tiền người nông dân có thể trao đổi lương thực để lấy tiền sớm hơn.
  • Tiền tệ làm phương tiện dự trữ về mặt giá trị, nghĩa là tiền tệ là nơi chứa giá trị; có nghĩa là nơi chứa sức mua hàng hóa trong một thời gian nhất định. Theo đó người ta có thể tách thời gian từ lúc có thu nhập đến lúc tiêu dùng. Chức năng này là quan trọng vì mọi người không muốn chi tiêu hết thu nhập của họ ngay khi nhận nó, mà dự trữ để sử dụng nó trong tương lai.
  • Tất nhiên, tiền không phải là vật duy nhất chứa đựng giá trị, mà các tài sản khác cũng là nơi chứa giá trị như cổ phiếu, thương phiếu bất động sản... Phần lớn trong số những loại tài sản này có lợi hơn so với tiền xét về mặt hàm chứa giá trị; trong tương lai chúng thường đem lại cho người chủ sở hữu chúng một lãi suất cao hơn lãi suất do tiền mang lại. Nhưng do tiền là tài sản có tính lỏng hay tính thanh khoản (liquidity) cao nhất. Nhờ vào đặc tính này một tài sản có thể chuyển đổi thành một phương tiện trao đổi và đấy là một tính chất nổi bật của tiền, tiền là phương tiện trao đổi, nó không cần phải chuyển đổi thành bất cứ cái gì khác với mục đích mua hàng hóa hoặc chi trả tiền dịch vụ và thanh toán các khoản nợ. Những tài sản khác đòi hỏi chi phí giao dịch khi cần chuyển sang tiền. Trong nền kinh tế hàng hóa, tiền đóng vai trò quan trọng do những tiện ích mà nó mang lại.

Ví dụ như khi ta bán nhà, thường phải trả cho người môi giới một khoản phí môi giới, và nếu lại cần tiền mặt ngay để trả cho một nhu cầu khẩn cấp có thể buộc lòng phải bán giá thấp hơn để bán nhanh ngôi nhà. Nhưng nếu ta giữ tiền mặt thì ta sẽ không mất khoản phí môi giới và cũng không phải bán ngôi nhà với giá thấp hơn.

  • Vì vậy tiền là một phương tiện dự trữ về mặt giá trị có nhiều ưu điểm trong nền kinh tế hàng hóa. Tuy vậy nó phải tùy thuộc vào mức giá vì giá trị của tiền được ấn định theo mức giá. Nếu các giá đều tăng gấp hai (lạm phát 100%) thì nghĩa là giá trị của tiền đã sụt một nửa, ngược lại nếu các giá giảm đi một nửa thì giá trị tiền sẽ tăng lên hai lần. Trong một cuộc lạm phát khi mức giá tăng lên nhanh chóng, tiền mất giá nhanh chóng dân chúng sẽ bất đắc dĩ mới giữ tiền. Điều này thể hiện rõ nhất trong thời kỳ siêu lạm phát. Trong nền kinh tế thị trường thì mức độ quan trọng của tiền cũng thay đổi, vì các hàng hóa của thị trường tài chính lại không phải là tiền mặt, mà là các chứng từ có giá như thương phiếu, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu v.v...
  • Vị thế của tiền (tiền mặt và các loại tiền khác) cũng là một phạm trù lịch sử, có thể thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế xã hội trong các giai đoạn khác nhau của xã hội loài người.

4. Chức năng tiền tệ thế giới

  • Khi trao đổi hàng hóa vượt qua khỏi biên giới quốc gia thì tiền làm chức năng tiền tệ thế giới. Tiền thế giới cũng thực hiện ba chức năng nêu trên.
  • Trong giai đoạn đầu của sự hình thành quan hệ kinh tế quốc tế, đồng tiền đóng vai trò là tiền tệ thế giới phải là vàng bạc. Sau này song song với chế độ thanh toán bằng vàng bạc (kim loại quý), tiền giấy được bảo lãnh bằng vàng cũng được dùng làm phương tiện thanh toán quốc tế. Cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, chế độ tiền giấy bảo lãnh bằng vàng bị xóa bỏ, nên một số đồng tiền quốc gia mạnh được công nhận là phương tiện thanh toán quốc tế. Nền kinh tế của một quốc gia càng phát triển, nhất là kinh tế đối ngoại, khả năng chuyển đổi của đồng tiền quốc gia đó càng cao. Những đồng tiền được sử dụng làm phương tiện thanh toán quốc tế ở phạm vi và mức độ thông dụng nhất định gọi là những đồng tiền có khả năng chuyển đổi.
  • Việc chuyển đổi tiền của nước này ra tiền của nước khác được hình thành thao tỷ giá hôi đoái. Đó là giá trị một đồng tiền của một quốc gia này bằng đồng tiền của một quốc gia khác.

Trên đây là nội dung bài giảng Bài 2: Chức năng của tiền tệ được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:13/11/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM