Công nghệ 8 Bài 37: Phân loại và số liệu kỹ thuật của đồ dùng điện

Các đồ dùng điện mà thường ngày gia đình các em hay sử dụng như: máy quạt, bàn là, đèn chiếu sáng,... Có bao giờ các em thử phân loại chúng chưa? Để giúp các em trả lời câu hỏi này eLib xin giới thiệu nội dung Bài 37: Phân loại và số liệu kỹ thuật của đồ dùng điện trong chương trình Công nghệ 8. Mời các em cùng tham khảo.

Công nghệ 8 Bài 37: Phân loại và số liệu kỹ thuật của đồ dùng điện

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Phân loại đồ dùng điện gia đình

- Đồ dùng điện gia đình đã và đang trở thành thiết bị không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

- Khi sử dụng, đồ dùng điện tiêu thụ điện năng và biến đổi điện năng thành các dạng năng lượng khác.

- Dựa vào nguyên lý biến đổi năng lượng, người ta phân ra 3 nhóm sau:

  • Đồ dùng điện loại điện – quang: Biến đổi điện năng thành quang năng dùng để chiếu sáng. Ví dụ: đèn sợi đốt, dèn huỳnh quang,...
  • Đồ dùng điện loại điện – nhiệt: Biến đổi điện năng thành nhiệt năng, dùng để đốt nóng, sưởi ấm, sấy, nấu cơm, đun nước nóng ...Ví dụ: nồi cơm điện, bàn là điện,...
  • Đồ dùng điện loại điện – cơ: Biến đổi điện năng thành cơ năng dùng để dẫn động, làm quay các máy như máy bơm nước, máy xay xát. Ví dụ: quạt điện, máy xay sinh tố,...

Một số đồ dùng điện gia đình

1.2. Các số liệu kỹ thuật 

Số liệu quan trọng của đồ dùng điện là các đại lượng điện định mức và các đại lượng đặc trưng cho chức năng của đồ dùng điện như dung tích của nồi, bình…

a. Các đại lượng điện định mức 

  • Điện áp định mức U – đơn vị là vôn (V)
  • Dòng điện định mức I – đơn vị là Ampe (A)
  • Công suất định mức P – đơn vị là oát (W)
  • Ví dụ: 

Nhãn của bình nước nóng

b. Ý nghĩa của số liệu kĩ thuật

- Các số liệu kĩ thuật giúp ta lựa chọn đồ dùng điện phù hợp và sử dụng đúng yêu cầu kĩ thuật 

- Để tránh hỏng đồ dùng điện khi sử dụng cần chú ý:

  • Đấu đồ dùng điện vào nguồn điện có điện áp bằng điện áp định mức của đồ dùng điện.
  • Không cho đồ dùng điện làm việc vượt quá công suất định mức, dòng điện vượt quá trị số định mức.

- Ví dụ: Nhà em sử dụng nguồn có điện áp 220V, em cần mua 1 bóng đèn cho bàn học, trong 3 bóng 220V – 40W, 110V – 40W và 220V – 300W, em chọn mua bóng đèn 220V – 40W vì điện áp định mức của bóng đèn 220V phù hợp với nguồn điện trong gia đình và công suất định mức 40W phù hợp với yêu cầu công suất đèn bàn học.

2. Luyện tập

Câu 1: Trên bóng đèn có ghi 220V, 60W, em hãy giải thích các số liệu đó

Gợi ý trả lời

- 220v: là điện áp định mức của bóng đèn

- 60W là công suất của bóng đèn

Câu 2: Em hãy cho biết công suất, điện áp, dòng điện, dung tích định mức của bình nước nóng dưới đây bằng bao nhiêu?

Gợi ý trả lời

- Công suất định mức 2000W

- Điện áp định mức 220V

- Dòng điện định mức 11.4 A

- Dung tích 15l

Câu 3: Khi dòng điện vượt quá trị số định mức, dây dẫn của đồ dùng điện sẽ bị ảnh hưởng gì?

Gợi ý trả lời

Khi dòng điện vượt quá trị số định mức dây dẫn sẽ bị nóng lên và làm việc liên tục sẽ bị cháy

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

- Biết được nguyên tắc làm việc và chức năng của một số đồ dùng điện.

- Nắm được ý nghĩa của các số liệu kĩ thuật của đồ dùng điện.

- Vận dụng được kiến thức và liên hệ được với thực tế.

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM