Thuốc điều chỉnh chức năng vận động và bài tiết của đường tiêu hóa

Đường tiêu hóa có chức năng vận động để hấp thu các chất dinh dưỡng, điện giải, nước và bài tiết các chất cặn bã. Khi rối loạn các chức năng này sẽ sinh ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, chướng bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy… Mời bạn đọc tìm hiểu những thông tin liên quan đến một số loại thuốc điều chỉnh chức năng vận động và bài tiết của đường tiêu hóa qua bài viết này nhé.

Thuốc điều chỉnh chức năng vận động và bài tiết của đường tiêu hóa

Đường tiêu hóa có chức năng vận động để hấp thu các chất dinh dưỡng, điện giải, nước và bài tiết các chất cặn bã. Khi rối loạn các chức năng này sẽ sinh ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, chướng bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy. Ngoài việc chữa triệu chứng, thầy thuốc cần tìm nguyên nhân để điều trị.

1. Thuốc kích thích và điều chỉnh vận động đường tiêu hóa

1.1 Thuốc gây nôn

Nôn là một phản xạ phức hợp, bao gồm co thắt hang - môn vị, mở tâm vị, co thắt cơ hoành và cơ bụng, kết quả là các chất chứa trong dạ dày bị tống ra ngoài qua đường miệng.

Trung tâm nôn nằm ở hành não, chịu sự chi phối của các trung tâm cao hơn là mê đạo và vùng nhận cảm hóa học ở sàn não thất 4 (area postrema) hay “trigger zone”

Có 3 loại thuốc gây nôn:

Thuốc gây nôn trung ương:

Là thuốc kích thích vùng nhận cảm hóa học “trigger”: apomorphin, ống 5 mg tiêm dưới da. Trẻ em dùng liều 1/20- 1/10 mg/ kg.

Thuốc gây nôn ngoại biên:

Là thuốc có tác dụng kích thích các ngọn dây thần kinh lưỡi, hầu và dây phế vị tại niêm mạc dạ dày.

Đồng sulfat 0,3 g/ 100mL nước, có thể uống thêm sau 10 - 20 phút.

Kẽm sulfat 0,6- 2 g/ 200 mL nước.

Thuốc gây nôn có cơ chế hỗn hợp:

Ipeca hoặc ipecacuanha: bột vàng sẫm đựng trong nang 1 - 2g, hoặc rượu thuốc 5 - 20 mL, hoặc siro 15 mL, có thể dùng nhắc lại từng 15 phút cho đến khi nôn.

Thuốc gây nôn được chỉ định trong các ngộ độc cấp tính qua đường tiêu hóa, nhưng trong thực hành thường rửa dạ dày sẽ tốt hơn.

Không dùng thuốc gây nôn cho người đã hôn mê hoặc nhiễm độc chất ăn da.

1.2 Thuốc làm tăng nhu động ruột

Thuốc nhuận tràng:

Là thuốc làm tăng nhu động chủ yếu ở ruột già, đẩy nhanh các chất chứa trong ruột già ra ngoài. Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi chắc chắn bị táo bón, tránh lạm dụng thuốc vì có thể gây hậu quả hạ kali máu và mất trương lực đại tràng. Hiếm khi cần điều trị táo bón kéo dài, trừ ở một số người cao tuổi.

Có thể phòng táo bón bằng chế độ ăn cân bằng, đủ nước và chất xơ, vận động hợp lý.

Theo cơ chế tác dụng, thuốc nhuận tràng được chia thành 5 nhóm chính. Một số thuốc nhuận tràng có cơ chế tác dụng hỗn hợp.

Thuốc nhuận tràng làm tăng khối lượng phân: methylcellulose.

Thuốc nhuận tràng kích thích: kích thích trực tiếp cơ trơn thành ruột làm tăng nhu động ruột, có thể gây co cứng bụng: bisacodyl, glycerin, nhóm anthraquinon, các thuốc cường phó giao cảm, docusat natri

Chất làm mềm phân: paraphin lỏng, dầu arachis.

Thuốc nhuận tràng thẩm thấu, có tác dụng giữ lại dịch trong lòng ruột: muối magnesi, lactulose, sorbitol, macrogol, glycerin

Dung dịch làm sạch ruột dùng trước khi phẫu thuật đại tràng, soi đại tràng hoặc chuẩn bị chiếu chụp X - quang đại tràng, không dùng điều trị táo bón.

Thuốc nhuận tràng Bisacodyl:

Bisacodyl làm tăng nhu động ruột do kích thích đám rối thần kinh trong thành ruột, đồng thời làm tăng tích lũy ion và dịch trong lòng đại tràng.

Chỉ định:

Táo bón do các nguyên nhân khác nhau.

Làm sạch ruột trước khi phẫu thuật.

Chuẩn bị chụp X- quang đại tràng.

Chống chỉ định:

Tắc ruột, viêm ruột thừa, chảy máu trực tràng, viêm dạ dày - ruột.

Tác dụng không mong muốn:

Thường gặp đau bụng, buồn nôn. Ít gặp kích ứng trực tràng khi đặt thuốc. Dùng dài ngày làm giảm trương lực đại tràng và hạ kali máu.

Liều dùng:

Táo bón: uống 5- 10 mg vào buổi tối hoặc đặt trực tràng viên đạn 10 mg vào buổi sáng .

Trẻ em dưới 10 tuổi uống 5 mg vào buổi tối hoặc đặt trực tràng viên đạn 5 mg  vào buổi sáng.

Chuẩn bị chụp X- quang đại tràng hoặc phẫu thuật: người lớn uống mỗi lần 10 mg lúc đi ngủ, trong 2 ngày liền trước khi chụp chiếu hoặc phẫu thuật. Trẻ em dùng nửa liều người lớn.

Lưu ý: dạng viên bao bisacodyl để phân rã ở ruột, do đó khô ng được nhai hoặc nghiền viên thuốc.

Không dùng thuốc quá 7 ngày, trừ khi có hướng dẫn của thầy thuốc.

Thuốc nhuận tràng Magnesi sulfat:

Là thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Do ít được hấp thu, magnesi sulfat làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, giữ nước, làm tăng thể tích lòng ruột, gây kích thích tăng nhu động ruột.

Uống magnesi sulfat liều thấp (5g) có tác dụng thông mật và nhuận tràng, liều cao (15 - 30g) có tác dụng tẩy.

Tiêm tĩnh mạch magnesi sulfat có tác dụng chống co giật trong sản khoa. Chống chỉ định: các bệnh cấp ở đường tiêu hóa.

Thận trọng: suy thận, suy gan, người cao tuổi, suy nhược.

Liều dùng nhuận tràng: người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10g; 6 - 11 tuổi: 5g; 2 - 5tuổi: 2,5g. Pha thuốc trong cốc nước đầy (ít nhất trong 240 ml) uống trước bữa ă n sáng. Thuốc tác dụng trong 2- 4 giờ.

Thuốc tẩy:

Là thuốc tác dụng ở cả ruột non và ruột già, dùng tống mọi chất chứa trong ruột ra ngoài (chất độc, giun sán) nên thường chỉ dùng 1 lần.

Thuốc tẩy muối:

Là các muối ít được hấp thu, làm tăng áp lực t hẩm thấu, giữ nước, làm tăng thể tích lòng ruột.

Thường dùng megnesi sulfat, natri sulfat uống 15 - 30g với nhiều nước.

Thuốc tẩy dầu:

Thường dùng dầu thầu dầu (ricin) có chứa triglycerid của acid ricinoleic. Dưới tác dụng của lipase tụy tạng, triglycerid bị thuỷ phân, giải phóng acid ricinoleic. Acid này có tác dụng kích thích niêm mạc ruột non làm tăng nhu động ruột và tăng xuất tiết. Mặt khác, khi acid ricinoleic chuyển thành natri ricinoleat, thì chất này không bị hấp thu, có tác dụng như thuốc tẩy muối. Liều lượng uống 15- 30g.

Dầu ricin có thể làm dễ dàng hấp thu một số thuốc qua ruột, gây ngộ độc: ví dụ khi dùng cùng với một số thuốc chống giun sán.

Khi điều trị ngộ độc thuốc cấp tính, thường dùng thuốc tẩy muối, không dùng thuốc tẩy dầu.

2. Thuốc điều hoà chức năng vận động đường tiêu hóa

Các thuốc loại này có tác dụng phục hồi lại nhu động đường tiêu hóa đã bị “ỳ”, dùng điều trị chứng đầy bụng, khó tiêu không do loét.

2.1 Thuốc kháng dopamin ngoại biên

Thuốc kháng dopamin ngoại biên Domperidon:

Domperidon là thuốc đối kháng với dopamin chỉ ở ngoại biên vì không qua được hàng rào máu - não. Vì vậy có tác dụng:

Chống nôn trung ương: ức chế các receptor dopamin ở vùng nhận cảm hóa học ở sàn não thất IV (nằm ngoài hàng rào máu- não).

Làm tăng tốc độ đẩy các chất chứa trong dạ dày xuống ruột do làm giãn vùng đáy dạ dày, tăng co hang vị, làm giãn rộng môn vị sau bữa ăn.

Tăng trương lực cơ thắt thực quản, chống trào ngược dạ dày - thực quản.

Tăng biên độ và tần số của nhu động tá tràng, điều hoà nhu động đường tiêu hóa.

Chỉ định: điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, đặc biệt ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc độc tế bào; chướng bụng, khó tiêu sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột.

Chống chỉ định: chảy máu đường tiêu hóa, tắc ruột cơ học, nôn sau khi mổ, trẻ em dưới 1 tuổi.

Tác dụng không mong muốn: nhức đầu, tăng prolactin máu (chảy sữa, rối loạn kinh nguyệt, đau tức vú).

Liều dùng: uống 10- 60 mg/ ngày, trước bữa ăn 15- 30 phút. Không dùng thường xuyên hoặc dài ngày.

Thuốc kháng dopamin ngoại biên Metoclopramid:

Khác với domperidon, metoclopramid phong bế receptor của dopamin, đối kháng với tác dụng của dopamin cả ở trung ương và ngoại biên do thuốc dễ dàng qua được hàng rào máu - não.

Ở ngoại biên, metoclopramid có tác dụng tương tự như domperidon. Do có tác dụng cả trên trung ương, metoclopramid có tác dụng an thần và có thể gây phản ứng loạn trương lực cơ cấp tính (co thắt cơ xương và cơ mặt, các cơn vận nhãn), thường xẩy ra ở người bệnh là nữ trẻ hoặc người rất già.

Chỉ định: chống nôn, chống trào ngược dạ dày - thực quản, đầy bụng khó tiêu, chuẩn bị chụp X- quang dạ dày hoặc đặt ống thông vào ruột non.

Chống chỉ định: động kinh, chảy máu đường tiêu hóa, tắc ruột cơ học hoặc thủng ruột.

Tác dụng không mong muốn: ỉa chảy, buồn ngủ, phản ứng ngoại tháp (loạn trương lực cơ cấp), mệt mỏi, yếu cơ.

Liều dùng: uống 5- 10mg/ lần, ngày 3 lần. Có thể dùng đường tiêm (bắp, tĩnh mạch) hoặc truyền tĩnh mạch nếu bệnh nặng.

2.2 Thuốc cường phó giao cảm đường tiêu hóa: Cisaprid

Cisaprid kích thích giải phóng ACh ở đầu tận cùng của đám rối thần kinh tạng, khôn g kích thích trực tiếp receptor M hoặc phong toả ChE nên tác dụng chỉ khu trú ở ruột, tạng. Khác với metoclopramid, cisaprid kích thích vận động tất cả các phần của đường tiêu hóa, kể cả thực quản và ruột già.

Tác dụng: tăng nhu động thực quản, tăng áp lực qua tâm vị. Tăng nhu động dạ dày- tá tràng nên làm  nhanh rỗng dạ dày. Tăng chuyển vận của dạ dày - ruột non- ruột già.

Chỉ định: Trào ngược dạ dày- thực quản. Chậm tiêu. Táo bón mạn tính.

Liều dùng: uống mỗi lần 5- 20mg, ngày 2- 4 lần, trước bữa ăn 30 phút.

2.3 Thuốc tác dụng trên hệ enkephalinergic tại ruột

Các receptor của hệ enkephalinergic tại ruột có tác dụng điều hòa nhu động: tác dụng kích thích trên cơ giảm vận động và tác dụng chống co thắt trên cơ tăng vận động

Trimebutin:

Kích thích receptor enkephalinergic ở ruột khi có rối loạn.

Chỉ định: hội chứng kích thích ruột/ liệt ruột sau mổ. Rối loạn chức năng tiêu hóa: đau bụng, chậm tiêu, tiêu chảy/ táo bón.

Liều dùng: uống mỗi lần 100- 200 mg, ngày 3 lần. Racecadotril

Chất ức chế enkephalinase có hồi phục tại ruột, làm giảm  tiết dịch ruột và điện giải của niêm mạc ruột khi bị viêm hoặc độc tố vi khuẩn kích thích. Không có tác dụng trên ruột bình thường và không ảnh hưởng đến nhu động ruột nên dùng trong tiêu chảy cấp.

Liều dùng: uống mỗi lần 100 mg, ngày 3 lần trước các bữa ăn.

Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Trên đây là một số thông tin về một số thuốc điều chỉnh chức năng vận động và bài tiết của đường tiêu hóa mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM