Thuốc kháng cholinesterase

Thuốc kháng cholinesterase thường được chỉ định trong các trường hợp: nhược cơ, giải độc thuốc liệt đối giao cảm, bệnh Alzheimer, lé mắt, giải độc curar. Để biết được tác dụng, phân loại thuốc của thuốc kháng cholinesterase, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây nhé.

Thuốc kháng cholinesterase

Cholinesterase là enzym thuỷ phân làm mất tác dụng của acetylcholin. Một phân tử acetylcholin sẽ gắn vào hai vị trí hoạt động của enzym; vị trí anion (anionic site) sẽ gắn với cation N + của acetylcholin, còn vị trí gắn este (esteratic site) gồm một nhóm base và một nhóm acid proton ( -Ġ-H) tạo nên một liên kết hai hóa trị với nguyên tử C của nhóm carboxyl của este:

1. Loại ức chế có hồi phục

Các thuốc loại này kết hợp với cholinesterase (edrophonium etraethylamoni)  hoặc chỉ ở một vị trí anion hoặc ở cả hai vị trí tác dụng của emzym (physostigmin, prostigmin), nhưng không tạo thành phức hợp bền, cuối cùng vẫn bị thủy phân và enzym được hoạt hóa trở lại. Phần lớn đều chứa carbamat. Vì là tác dụng gián tiếp làm bền vững acetylcholin nên không có tác dụng trên những cơ quan đã cắt bỏ thần kinh.

1.1 Physostigmin (physotigminum; eserin)

Độc, bảng A.

Là alcaloid của hạt cây Physostigma venenosum. Vì có amin bậc 3, nên dễ hấp thụ và thấm được cả vào thần kinh trung ương.

Dùng chữa tăng nhãn áp (nhỏ mắt dung dịch eserin sulfat hoặc salicylat 0,25 - 0,5%), hoặc kích thích nhu động ruột (tiêm dưới da, ống 0,1% - 1 mL, mỗi ngày 1- 3 ống).

Khi ngộ độc, dùng atropin liều cao.

1.2 Prostigmin (neostigmin, proserin)

Độc, bảng A.

Vì mang amin bậc 4 nên khác physostigmin là có ái lực mạnh hơn với cholinesterase, và không thấm được vào thần kinh trung ương. Tác dụng nhanh, ít tác dụng trên mắt, tim và huyết áp. Ngoài tác dụng phong toả cholinesterase, prostigmin còn kích thích trực tiếp cơ vân, tác dụng này không bị atropin đối kháng.

Áp dụng:

Chỉ định tốt trong bệnh nhược cơ bẩm sinh (myasthenia gravis) vì thiếu hụt acetylcholin ở bản vận động cơ vân. Còn được dùng trong các trường hợp teo cơ, liệt cơ.

Liệt ruột, bí đái sau khi mổ.

Nhỏ mắt chữa tăng nhãn áp.

Chữa ngộ độc cura loại tranh chấp với acetylcholin

Liều lượng, chế phẩm:

Tiêm dưới da mỗi ngày 0,5 - 2,0 mg.

Uống mỗi ngày 30 - 90 mg vì thuốc khó thấm qua dạ dày và dễ bị phá huỷ Ống 1 mL = 0,5 mg prostigmin methyl sulfat.

1.3 Edrophonium clorid (Tensilon)

Chất tổng hợp.

Tác dụng mạnh trên bản vận động cơ vân, là thuốc giải độc cura loại tranh chấp với acetylcholin. Tác dụng ngắn hơn prostigmin.

Trong bệnh nhược cơ, tiêm tĩnh mạch 2 - 5 mg; giải độc cura: 5 - 20 mg.

Ống 1 mL = 10 mg edrophonium clorid.

2. Loại ức chế không hồi phục hoặc rất khó hồi phục

2.1 Các hợp chất của phospho hữu cơ

Các chất này kết hợp với cholinesterase chỉ ở vị trí gắn este. Enzym bị phosphoryl hóa rất vững bền, khó được thuỷ phân để hồi phục trở lại, đòi hỏi cơ thể phải tổng hợp lại cholinesterase mới. Vì vậy làm tích luỹ nhiều acetylcholin ở toàn bộ hệ cholinergic từ vài ngày tới hàng tháng.

Ức chế mạnh cả cholinesterase thật cũng như giả. Trong lâm sàng, đánh giá tình trạng nhiễm độc bằng định lượng cholinesterase giả trong huyết tương.

Trong đó X có thể là halogen, cyanid (CN), thiocyanat, alkoxy, thiol, pyrophosphat...

Chỉ có DFP (di - isopropyl - fluo - phosphat) được dùng nhỏ mắt chữa bệnh tăng nhãn áp (dung dịch 0,01 - 0,05%). Các dẫn xuất khác được dùng làm thuốc trừ sâu (TEPP, parathion,...), hoặc sử dụng làm hơi độc chiến tranh (tabun, sarin, soman...).

2.2 Dấu hiệu nhiễm độc cấp

Các dấu hiệu nhiễm độc cấp phản ánh sự tràn ngập acetylcholin ở toàn bộ hệ cholinergic.

Dấu hiệu kích thích hệ M: co đồng tử, sung huyết giác mạc, chảy nước mũi, nước bọt, dịch khí quản, co khí quản, nôn, đau bụng, tiêu chảy, tim đập chậm, hạ huyết áp.

Dấu hiệu kích thích hệ N: mệt mỏi, giật cơ, cứng cơ, liệt và nguy hiểm hơn cả là liệt hô hấp.

Dấu hiệu kích thích thần kinh trung ương: lú lẫn, mất đồng tác, mất phản xạ, nhịp thở CheyneStokes, co giật toàn thân, hôn mê, liệt hô hấp, hạ huyết áp do trung tâm hành tuỷ bị ức chế.

Nguyên nhân dẫn tới tử vong là do suy hô hấp và tim mạch do cả 3 cơ chế kích thích hệ M, N và trung ương.

3. Điều trị nhiễm độc

Thuốc huỷ hệ M

Atropin sulfat liều rất cao. Tiêm tĩnh mạch liều 1 - 2 mg, cách 5 - 10 phút một lần cho đến khi hết triệu chứng kích thích hệ M, hoặc bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc atropin (giãn đồng tử). Ngày đầu có thể tiêm tới 200 mg.

Dùng thuốc hoạt hóa cholinesterase:

Một số chất ưa nhân (nucleophylic agents) như hydroxylamin (NH2OH), acid hydroxamic (R - CO - NHOH) và oxim (R - CH = NOH) có khả năng giải phóng được enzym bị phospho hữu cơ phong tỏa và hoạt hóa trở lại. Chất thường dùng là pralidoxim (2 - PAM) tác dụng lên ChE phosphoryl hóa, tạo oximphosphonat bị thải trừ và giải phóng cholinesterase.

Pralidoxim (2 - PAM): lọ 1g kèm ống nước 20 mL. Mới đầu, tiêm tĩnh mạch 1 - 2g, sau đó truyền nhỏ giọt tĩnh mạch mỗi giờ 0,5g.

Điều trị hỗ trợ:

Thay quần áo, rửa các vùng da có tiếp xúc với chất độc, rửa dạ dày nếu ngộ độc do đường uống. Hô hấp hỗ trợ, thở oxy. Chống co giật bằng diazepam (5 - 10 mg tiêm tĩnh mạch) hoặc natri thiopental (2,5% tiêm tĩnh mạch). Điều trị sốc.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về Thuốc kháng cholinesterase.

Ngày:09/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM