Địa lí 9 Bài 20: Vùng Đồng bằng sông Hồng

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về vùng đồng bằng sông Hồng trong chương trình Địa lí 9, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 20 Địa lí 9. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 9 Bài 20: Vùng Đồng bằng sông Hồng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vị trí địa lý và giới hạn lãnh thổ

  • Diện tích: 15.000 km2, (chiếm 4,5% diện tích cả nước)
  • Số dân 20.705,2 nghìn người (22,8% dân số cả nước- năm 2014).
  • Gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
  • Phía Bắc, Đông Bắc giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ
  • Phía Tây giáp Tây Bắc
  • Phía Nam giáp Bắc Trung Bộ
  • Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ
  • Ý nghĩa: thuận lợi cho lưu thông, trao đổi với các vùng khác và thế giới.

Lược đồ tự nhiên vùng Đồng bằng sông Hồng

1.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Đặc điểm

  • châu thổ sông Hồng bồi đắp, khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh, nguồn nước dồi dào, chủ yếu là đất phù sa, có Vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng.

- Thuận lợi: 

  • Đất phù sa màu mỡ, điều kiện khí hậu, thủy văn thuận lợi cho thâm canh lúa nước.
  • Thời tiết mùa đông thuận lợi cho việc trồng một số cây ưa lạnh. Phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.
  • Một số khoáng sản có giá trị đáng kể (sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên).
  • Vùng ven biển và biển thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch.

- Khó khăn

  • Thiên tai (bão, lũ lụt, thời tiết thất thường), ít tài nguyên khoáng sản.

1.3. Đặc điểm dân cư, xã hội

- Đặc điểm

  • Dân số đông, mật độ dân số cao nhất nước (1179 người/km2) nhiều lao động có kĩ thuật.

- Thuận lợi:

  • Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.
  • Người lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, có chuyên môn kĩ thuật.
  • Kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện nhất cả nước.
  • Có một số đô thị được hình thành từ lâu đời (Hà Nội và Hải Phòng).

- Khó khăn: 

  • Sức ép dân số đông đối với phát triển kinh tế – xã hội.
  • Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào hình 20.1 và kiến thức đã học, nêu ý nghĩa của sông Hồng đối với sự phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư.

Gợi ý làm bài

Ý nghĩa của sông Hồng đối với sự phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư:

- Cung cấp nguồn nước tưới cho phát triển sản xuất nông nghiệp (đặc biệt cây lúa nước).

- Bồi đắp phù sa, mở rộng diện tích về phía vịnh Bắc Bộ.

- Điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa và cung cấp nước vào mùa khô cho sản xuất, sinh hoạt.

- Ngoài ra còn phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường sông.

Câu 2: Quan sát hình 20.1, hãy kể tên và nêu sự phân bố các loại đất ở đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý làm bài

Đất ở đồng bằng sông Hồng có nhiều loại:

+ Đất phù sa có diện tích lớn nhất, là tài nguyên quý giá nhất của đồng bằng, phân bố tập trung ở vùng trung tâm, là địa bàn thâm canh nông nghiệp, sản xuất chủ yếu lương thực, thực phẩm của vùng.

+ Đất đỏ vàng (feralit đỏ vàng) và đất xám trên phù sa cổ có diện tích không lớn phân bố ở các vùng rìa phía bắc, phía tây và tây nam của đồng bằng, tuy độ phì lém nhưng có giá trị để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả.

+ Đất mặn, đất phèn có diện tích nhỏ, phân bố ở vùng ven biển, được sử dụng để trồng cói, nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng rừng phòng hộ ven biển (rừng ngập mặn).

+ Đất lấy thụt có diện tích khá lớn, phân bố ở các vùng trũng, tập trung ở phía nam đồng bằng (các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định), được cải tạo dần để trồng lúa, nuôi thủy sản.

Câu 3: Dựa vào hình 20.2, cho biết Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao gấp bao nhiêu lần mức trung bình của cả nước, của các vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên?

Gợi ý làm bài

Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao gấp  4,87 lần mức trung bình cả nước; gấp 10,3 lần Trung du miền núi Bắc Bộ và 14,6 lần Tây Nguyên.

Câu 4: Mật độ dân số cao ở đồng bằng sông Hồng có những thuận lợi và khó khăn gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội?

Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số trung bình là 1179 người/km2 (năm 2002), gấp 4,87 lần mức trung bình cả nước (242 người/km2).

- Thuận lợi:

+ Dân số đông, mang lại nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế, nhất là những ngành cần nhiều lao động.

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn.

+ Là cơ sở, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển, đặc biệt là dịch vụ tiêu dùng.

+ Thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

+ Người dân có trình độ thâm canh lúa nước, giỏi nghề thủ công, tỉ lệ lao động qua đào tạo tương đối cao, đội ngũ trí thức, kĩ thuật và công nghệ đông đảo.

- Khó khăn:

+ Dân số tăng quá nhanh trong khi nền kinh tế chưa phát triển mạnh, tạo sự kìm hãm phát triển kinh tế.

+ Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trở nên gay gắt, tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm tăng cao.

+ Gây sức ép lên các vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội, nhà ở…

+ Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.

3. Kết luận

- Nhận biết vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ và ý nghĩa của chúng đối với phát triển kinh tế .

- Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên của vùng và những thuận lợi khó khăn đối với sự phát triển kinh tế xã hội .

- Biết một số loại tài nguyên của vùng quan trọng nhất là đất , việc sử dụng đất tiết kiệm , hợp lí và bảo vệ đất khỏi bị ô nhiễm là một trong những vấn đề trọng tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng .

- Trình bày đặc điểm dân cư, xã hội của vùng và những thuận lợi khó khăn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Biết ảnh hưởng của mức độ tập trung dân cư đông đúc tới môi trường.

Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM