Địa lí 9 Bài 32: Vùng Đông Nam Bộ (tiếp theo)

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về tình hình phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ trong chương trình Địa lí 9, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 32 Địa lí 9. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 9 Bài 32: Vùng Đông Nam Bộ (tiếp theo)

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tình hình phát triển kinh tế

a. Công nghiệp

Cơ cấu kinh tế của Đông Nam Bộ và cả nước, năm 2002 (%)

  • Điều kiện phát triển:

- Thuận lợi:

   + Vị trí địa lí thuận lợi.

   + Lao động dồi dào có tay nghề cao.

   + Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, có chính sách tốt.

- Khó khăn:

   + Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất.

   + Môi trường ô nhiễm.

  • Tình hình phát triển:

- Trước 1975: phụ thuộc nước ngoài, chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ.

- Hiện nay:

   + Nền công nghiệp phát triển mạnh và toàn diện.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng nhanh, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GDP của vùng.

   + Có cơ cấu đa dạng, gồm: công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và chế biến lương thực thực phẩm. Một số ngành công nghiệp hiện đại đã hình thành và phát triển như: dấu khí, điện tử, công nghệ cao.

- Các trung tâm công nghiệp lớn nhất là: thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu.

   + TP.Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng.

   + Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm công nghiệp khai thác dầu khí.

b. Nông nghiệp

Một số cây công nghiệp lâu năm của vùng Đông Nam Bộ, năm 2002

  • Điều kiện phát triển

- Diện tích đất xám và đất badan rộng lớn và màu mỡ.

- Khí hậu cận xích đạo.

- Người dân có kinh nghiệm, gần cơ sở chế biến và thị trường ổn định.

  • Tình hình phát triển

- Trồng trọt:

   + Là vùng trọng điểm cây công nghiệp nhiệt đới của nước ta, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm. Các cây công nghiệp lâu năm quan trọng là: cao su, cà phê, tiêu, điều…

   + Cây công nghiệp hàng năm (lạc, đậu tương, mía, thuốc lá), cây ăn quả cũng được chú ý phát triển.

- Vấn đề thủy lợi có tầm quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh thâm canh cây công nghiệp trên diện tích ổn định và có giá trị hàng hóa cao.

- Lâm nghiệp: đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng ngập mặn.

- Chăn nuôi: gia súc, gia cầm được chú trọng theo hướng hướng áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp.

- Nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và đánh bắt thủy sản trên các ngư trường đem lại những nguồn lợi lớn.

Lược đồ kinh tế vùng Đông Nam Bộ

2. Luyện tập

Câu 1: Căn cứ vào bảng 32.1, nhận xét tỉ trọng công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước.

Gợi ý làm bài

Công nghiệp – xây dựng của Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất với 59,3 % (năm 2002) trong cơ cấu kinh tế của vùng.

Trong cơ cấu kinh tế cả nước, công nghiệp xây - dựng chiếm tỉ trọng cao bằng dịch vụ với 38,5% năm 2002.

→ Tỉ trọng công nghiệp - xây dựng của Đông Nam Bộ cao hơn nhiều so với cả nước.

Câu 2: Dựa vào hình 32.2, hãy nhận xét sự phân bố sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Bộ.

Gợi ý làm bài

Nhận xét sự phân bố sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Bộ:

- Sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Bộ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam lãnh thổ.

- Ba trung tâm công nghiệp lớn nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu.

+  Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp có quy mô rất lớn, cơ cấu ngành đa dạng nhất.

+ Biên Hòa và Vũng Tàu là hai trung tâm công nghiệp có quy mô lớn, cơ cấu ngành khá đa dạng, Vũng Tàu là trung tâm công nghiệp khai thác dầu khí.

+ Các trung tâm công nghiệp còn lại có quy mô vừa hoặc nhỏ, quan trọng nhất là Thủ Dầu Một.

Câu 3: Dựa vào bảng 32.2, nhận xét tình hình phân bố cây công nghiệp lâu năm ở Đông Nam Bộ. Vì sao cây cao su được trồng nhiều nhất ở vùng này?

Gợi ý làm bài

  • Tình hình phân bố cây công nghiệp lâu năm ở Đông Nam Bộ:

- Cây công nghiệp lâu năm phân bố ở hầu hết các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.

- Bao gồm: cao su, cà phê, hồ tiêu, điều.

+ Cao su là cây trồng quan trọng và chiếm diện tích lớn nhất. Phân bố chủ yếu ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai.

+ Tiếp đến là cây điều, phân bố chủ yếu ở  các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương.

+ Cà phê: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Hồ tiêu: Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai.

  • Cây cao su được trồng nhiều nhất ở vùng này vì:

-  Điều kiện tự nhiên:

+ Địa hình và đất: có diện tích lớn đất ba dan, đất xám phân bố tập trung thành vùng lớn trên địa hình thoải. 

+ Khí hậu nóng ẩm quanh năm, thời tiết ít biến động, ít gió mạnh thích hợp với điều kiện sinh thái của cây cao su.

+ Nguồn nước: thủy lợi đã được cải thiện, nổi bật là hồ Dầu Tiếng (hồ thủy lợi lớn nhất nước ta).

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

+ Nguồn lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su.

+ Có nhiều cơ sở chế biến sản phẩm cây cao su ở Biên Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh

+ Cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định (trong nước, nước ngoài)

+ Có chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước.

Câu 4: Quan sát hình 32.2, xác định vị trí hồ Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An.

Nêu vai trò của hai hồ chứa này đối với sự phát triển nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Gợi ý làm bài

  • Các hồ chứa nước:

- Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc tỉnh Tây Ninh.

- Hồ Trị An nằm trên hệ thống sông Đồng Nai, thuộc tỉnh Đồng Nai.

  • Vai trò của hai hồ chứa này đối với sự phát triển nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ:

- Hồ Dầu Tiếng:

+ Là hồ thủy lợi xây dựng trên sông Sài Gòn, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh rộng 270 km2, chứa 1,5 tỉ m3 nước, lớn nhất ở nước ta hiện nay.

+ Vai trò: Đảm bảo nước tưới vào mùa khô cho hơn 170 nghìn ha đất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Hồ Trị An:

+ Hồ thủy điện xây dựng trên sông Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), vai trò chính là cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An.

+ Góp phần cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, điều tiết chế độ nước sông Đồng Nai, giảm bớt ngập úng vào mùa mưa, xâm nhập mặn vào mùa khô ở phía hạ lưu sông Đồng Nai, giúp cho sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn.

3. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Hiểu được Đông Nam Bộ là vùng có cơ cấu phát triển kinh tế nhất cả nước . Công nghiệp chiếm tỉ lệ cao trong GDP. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng giữ vai trò quan trọng. Bên cạnh những thuận lợi các ngành này cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định.

- Trình bày được đặc điểm phát triển kinh tế của vùng.

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM