Chị em Thúy Kiều (trích truyện Kiều) Ngữ văn 9

Bài học Chị em Thúy Kiều của Nguyễn Du sẽ giúp các em hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của tác giả. Bài học này đã được eLib biên soạn một cách chi tiết nhất. Chúc các em học tốt!

Chị em Thúy Kiều (trích truyện Kiều) Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Du (1765 - 1820). Tên chữ: Tố Như, tên hiệu: Thanh Hiên.

- Quê: Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

- Gia đình:

+ Cha là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ từng làm chức tể tướng có tiếng là giỏi văn chương.

+ Mẹ: Trần Thị Tần một người nổi tiếng đẹp ở trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh). Các anh đều học giỏi, đỗ đạt làm quan to.

- Sinh ra trong một gia đình quý tộc, có truyền thống văn chương.

- Thời đại: Sống trong thời đại có nhiều biến động.

- Chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực.

- Phong trào khởi nghĩa nông dân nổi dậy ở khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩaTây Sơn.

→ Tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của tác giả, ông hướng ngòi bút vào hiện thực.

1.2. Tác phẩm

- Nằm ở phần đầu, giới thiệu về gia cảnh của Kiều.

- Bố cục:

+ Bốn câu đầu: Giới thiệu khái quát vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều.

+ Bốn câu tiếp: Vẻ đẹp của Thúy Vân.

+ Mười hai câu tiếp: Vẻ đẹp của Thúy Kiều.

+ Còn lại: Cuộc sống chung của hai chị em.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Chân dung hai chị em

- Tố nga: người con gái đẹp.

- “Mai cốt cách tuyết tinh thần”: dáng vẻ đẹp, thanh cao như cây mai, tinh thần trong trắng như tuyết.

- “Mai tuyết”: Ước lệ → vẻ đẹp thanh cao, duyên dáng, trong trắng.

- “Mười phân…” khái quát vẻ đẹp chung và vẻ đẹp riêng.

- “Mỗi người một vẻ” → Cách giới thiệu ngắn gọn nhưng nổi bật.

→ Bút pháp ước lệ tượng trưng: làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao trong trắng, hoàn mĩ nhưng không giống nhau của 2 chị em Thúy Kiều.

2.2. Vẻ đẹp của Thuý Vân

- “trang trọng” gợi cao sang, qúi phái.

- Các đường nét: khuôn mặt, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói → so sánh (hình ảnh ẩn dụ) với cao đẹp nhất của tự nhiên: Trăng, mây, hoa, tuyết, ngọc.

- Vẻ đẹp trung thực, phúc hậu, quý phái.

- Vẻ đẹp hài hoà êm đềm với xung quanh → Cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.

- Khuôn trăng đầy đặn: Khuôn mặt tròn trịa.

- Nét ngài nở nang: Lông mày đậm.

- Hoa cười ngọc thốt: miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc.

- Mây thua, tuyết nhường: tóc đẹp hơn mây, da trắng hơn tuyết.

- Miêu tả Thuý Vân, tác giả vẫn sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ với những hình tượng quen thuộc của thiên nhiên, với những thứ cao đẹp nhất như: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc,... Cụ thể trong bút pháp liệt kê: Khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói. Cụ thể ở việc sử dụng từ ngữ để làm nổi bật vẻ đẹp riêng của đối tượng miêu tả: Đầy đặn, nở nang, đoan trang; những biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ đều nhằm thể hiện vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quí phái của người thiếu nữ: khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn như mặt trăng, lông mày sắc nét, đậm như mày ngài, miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngà ngọc, mái tóc đen óng mềm mại như mây, làn da trắng mịn mà hơn tuyết... Chân dung Thuý Vân là chân dung mang tính cách, số phận, vẻ đẹp của Thuý Vân tạo sự hoà hợp êm đềm với xung quanh “ mây thua, tuyết nhường”, nên nàng sẽ có cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.

Vẻ đẹp của Thuý Vân sánh ngang với nét kiều diễm của hoa, lá, ngọc ngà, mây tuyết... toàn những báu vật tinh khôi, trong trẻo của trời đất. Đó là vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên, thiên nhiên sẵn sàng “thua, nhường”. Điều đó dự báo nàng sẽ có một cuộc sống bình yên, êm ả.

2.3. Vẻ đẹp của Kiều

- Khái quát đặc điểm nhân vật:

a. Nhan sắc:

- Sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn.

- Không miêu tả tỉ mỉ, chỉ tập trung đặc tả đôi mắt:

+ Làn thu thuỷ: đôi mắt đẹp trong sáng như nước mùa thu.

+ Nét xuân sơn” : lông mày đẹp, thanh thoát như nét núi mùa xuân.

+ “Một hai …thành”: điển cố (thành ngữ).

→ Vẻ đẹp của một tuyệt thế giai nhân, khiến thiên nhiên phải hờn ghen.

⇒ Bút pháp ư­ớc lệ, tượng trưng đặc tả vẻ đẹp của đôi mắt, cách dùng thành ngữ: Vẻ đẹp trẻ trung, tư­ơi tắn, đầy sức sống…

b. Tài năng:

- Cầm (đàn hay), kì (đánh cờ giỏi), thi (tài làm thơ), hoạ (tài vẽ tranh đẹp).

→ Đạt tới mức lí t­ưởng theo quan niệm phong kiến.

-  Sở trường, năng khiếu là tài đánh đàn và tự sáng tác nhạc vượt lên trên mọi người (ăn đứt) (Nghề riêng… một chương).

- “Thiên bạc mệnh”: do Kiều sáng tác → ghi lại tiếng lòng một trái tim đa sầu đa cảm.

⇒ Lựa chọn sử dụng ngôn ngữ tinh tế, tài tình cho ta thấy Kiều đẹp toàn diện cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn (Vẻ đẹp kết hợp cả sắc – tài – tình). Dự cảm  số phận éo le, đau khổ, bất hạnh.

2.4. Cuộc sống của hai chị em

- Những câu thơ cuối khái quát về cuộc sống đức hạnh của chị em Thúy Kiều:

"Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

- Đến tuổi cập kê, cuộc sống êm đềm, hoà hợp.

- Hai chị em sống trong  môi trường nề nếp, gia giáo, tránh xa những chuyện thị phi ong bướm ngoài đời.

- "Cuộc sống", "cấm cung" của các thiếu nữ được biểu hiện bằng môtíp quen thuộc: "trướng rủ", "màn che" khiến cho các trang nam tử phải "Du đông lân nhi lâu kì xử tử" (Trèo qua tường nhà phía Đông dụ dỗ gái nhà người - Mạnh Tử)

2.5. Cảm hứng nhân đạo của tác giả

- Trân trọng, đề cao giá trị con người; nhân phẩm, tài năng, khát vọng, ý thức về thân phận cá nhân.

- Tóm lại, bức chân dung Thúy Kiều hiện lên có đủ sắc-tài-tình-mệnh, tác giả dành lượng gấp 3 lần thơ để tả so với Thúy Vân , trời xanh phú cho nàng nhiều phẩm hạnh đẹp đẽ thì cũng đày đoạ nàng nhiều nỗi truân chuyên theo triết lí định mệnh phong kiến “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” hay như Nguyễn Du đã viết mở đầu “Chữ tài đi với chữ tai một vần”.

3. Tổng kết

3.1. Nội dung

- Trân trọng đề cao vẻ đẹp của con người.

- Chị em Thúy Kiều thể hiện tài năng nghệ thuật và cảm hứng nhân văn ca ngợi vẻ đẹp và tài năng của con người của tác giả Nguyễn Du.

3.2. Nghệ thuật

- Sử dụng những hình ảnh tượng trưng, ước lệ.

- Sử dụng nghệ thuật đòn bẩy.

- Lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ miêu tả tài tình.

4. Luyện tập

Câu 1. Qua đoạn trích Chị em Thuý Kiều, em có nhận xét gì về nghệ thuật tả người của Nguyễn Du ?

Gợi ý làm bài:

Khi miêu tả vẻ ngoài nhân vật, Nguyễn Du chú ý chọn cách thể hiện để làm nổi bật đặc điểm tính cách. Có khi tác giả chỉ dùng những nét khái quát, mang tính ước lệ tượng trưng để thể hiện ngoại hình nhân vật. Bút pháp nghệ thuật này ta bắt gặp trong chân dung chị em Thuý Kiều và chân dung Kim Trọng. Nguyễn Du chỉ đưa vài nét vẽ thoáng qua mà vẻ đẹp của Vân, của Kiều hiện lên thật sinh động, từ gương mặt, nụ cười đến làn da, mái tóc. Trước bức chân dung chị em Thuý Kiều, có người bắt bẻ : khuôn mặt thế này ("khuôn trăng đầy đặn"), nét ngài thế kia ("nét ngài nở nang") xem ra không hợp. Màu tóc ấy, làn da ấy là thế nào ? Khó có thể vẽ ra cụ thể... 

Câu 2. Trên cơ sở so sánh đoạn Chị em Thuý Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) với đoạn đọc thêm (trích Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) trong SGK, em hãy chỉ ra những nét khác nhau trong cách tả người của hai tác giả.

Gợi ý làm bài:

Đọc kĩ phần Đọc thêm (SGK, trang 84), đối sánh với đoạn thơ tả chị em Thuý Kiều của Nguyễn Du để thấy sự khác biệt. Lưu ý những khía cạnh sau :

- Nói về gia cảnh của gia đình họ Vương : Thanh Tâm Tài Nhân kể cụ thể, tỉ mỉ như thế nào, còn Nguyễn Du chỉ giới thiệu vắn tắt ra sao?

- Tả chị em Thuý Kiều: Thanh Tâm Tài Nhân có tả kĩ về vẻ đẹp của từng người hay chỉ kể, có gợi ra tính cách của mỗi người hay không? Còn Nguyễn Du tả dung nhan, vẻ đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều như thế nào, có gợi ra tính cách của mỗi nhân vật không?

- Trình tự tả: Sau khi giới thiệu về hai chị em, Nguyễn Du tả ai trước, ai sau? Còn đoạn văn của Thanh Tâm Tài Nhân thì giới thiệu về hai chị theo trình tự nào? Nhận xét về những điểm khác biệt nói trên, từ đó chỉ ra sự sáng tạo của Nguyễn Du và nét đặc sắc của đoạn thơ Chị em Thuý Kiều.

5. Kết luận

Qua bài học các em cần:

- Năm được bút pháp nghệ thuật tượng trưng, ước lệ của Nguyễn Du trong miêu tả nhân vật.

- Cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du: ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người qua một đoạn trích cụ thể.

- Đọc - hiểu một văn bản truyện thơ Nôm trong văn học trung đại.Theo dõi diễn biến sự việc trong tác phẩm truyện. Có liên hệ với văn bản liên quan để tìm hiểu về nhân vật.

- Phân tích được một số chi tiết nghệ thuật tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật cổ điển của Nguyễn Du trong văn bản.

Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM