Tổng kết từ vựng (tiếp theo) Ngữ văn 9

Bài học Tổng kết từ vựng (tiếp theo) Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em rèn luyện được kĩ năng phân tích các biện pháp tu từ. eLib đã biên soạn bài học này một cách chi tiết và đầy đủ nhất, bám sát nội dung chương trình SGK. Mời các em tham khảo. Chúc các em học tốt!

Tổng kết từ vựng (tiếp theo) Ngữ văn 9

1. Từ tượng hình và từ tượng thanh

- Từ tượng thanh: từ mô phỏng âm thanh của sự vật.

+ Từ tượng thanh mô phỏng tiếng ngưòi: léo nhéo, râm ran, bập bẹ, the thé, oang oang, ấp úng, bô bô, thỏ thẻ, thủ thỉ…

+ Từ tượng thanh mô phỏng tiếng gió thổi: ào ào, xào xạc, vi vu, rì rào, vu vu, vi vút…

+ Từ tượng thanh mô phỏng tiếng nước chảy: ồng ộc, róc rách, tồ tồ, ồ ồ, rào rào…

+ Từ tượng thanh mô phỏng tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, lệt sệt, loẹt quẹt…

- Từ tượng hình: tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật 

+ Từ tượng hình gợi tả dáng dấp, dáng vẻ của ngưòi: lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh, lặc lè, lòng khòng, lừ đừ, thất thểu…

+ Từ tượng hình gợi tả dáng dấp của sự vật: lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh, mấp mô, phập phồng…

+ Từ tượng hình gợi tả màu sắc: chon chót, bềnh bệch, sặc sỡ, loè loẹt, chói chang…

⇒ Từ tượng hình, từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao và thưòng được dùng trong văn miêu tả. Phần lớn từ tượng hình, từ tượng thanh là những từ láy; mỗi lần nó xuất hiện trong thơ thì vần thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ đầy ấn tượng, thi vị. Thơ nên hoạ, nên nhạc.

2. Một số phép tu từ từ vựng

- So sánh: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: Trẻ em như búp trên cành.

- Nhân hoá: là cách dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để miêu tả vật, dùng loại từ gọi người để gọi sự vật không phải là người làm cho sự vật, sự việc hiện lên sống động, gần gũi với con người. Ví dụ: Chú mèo đen nhà em rất đáng yêu.

-  Ẩn dụ: Là cách dùng sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

- Hoán dụ: Là cách dùng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét liên tưởng gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: Đầu bạc tiễn đầu xanh (Người già tiễn người trẻ: dựa vào dấu hiệu bên ngoài).

- Điệp ngữ: là từ ngữ (hoặc cả một câu) được lặp lại nhiều lần trong khi nói và viết nhằm nhấn mạnh, bộc lộ cảm xúc… Ví dụ: Võng mắc chông chênh đường xe chạy/Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

- Chơi chữ: là cách lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước. Ví dụ: Mênh mông muôn mẫu màu mưa/Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ.

- Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm. Ví dụ: Lỗ mũi mười tám gánh lông/Chồng khen chồng bảo râu rồng trời cho.

- Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự. Ví dụ: Bác Dương thôi đã thôi rồi/Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

3. Luyện tập

Câu 1. Hai câu thơ sau  sử dụng những biện pháp tu từ nào?

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Gợi ý làm bài:

Nhân hóa, so sánh.

Câu 2. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ từ vựng trong hai câu thơ sau:

"Ngày ngày mặt trờ đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trog lăng rất đỏ."

Gợi ý làm bài: Phép tu từ ẩn dụ: Mượn hình ảnh mặt trời để chỉ Bác Hồ.

Câu 3.  Phân tích phép tu từ nổi bật được dùng trong những đoạn trích sau

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công."

(Hồ Chí Minh)

"Tôi vội ra khoang trước nhìn. Xa xa từ vệt rừng đen, chim cất cánh tua tủa bay lên, giống hệt đàn kiến từ lòng đất chui ra, bò li ti đen ngòm lên da trời.

Càng đến gần, những đàn chim đen bay kín trời, cuốn theo sau những luồng gió vút làm tôi rối lên, hoa cả mắt. Mỗi lúc, tôi càng nghe rõ tiếng chim kêu náo động như tiếng xóc những rổ tiền đồng. Chim đậu chen nhau trắngxoá trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá. Cồng cộc đứng trong tổ vươn cánh như tượng những người vũ nữ bằng đồng đen đang vươn tay múa. Chim già đẫy, đầu hói như những ông thầy tu mặc áo xám, trầm tư rụt cổ nhìn xuống chân. Nhiều con chim rất lạ to như con ngỗng đậu đến quằn nhánh cây."

(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)

Gợi ý làm bài:

Trong những đoạn trích đã nêu ở bài tập, có những phép tu từ từ vựng sau được sử dụng : so sánh, điệp ngữ. Em cần xác định phép tu từ cụ thể được dùng trong từng trường hợp và phân tích giá trị nghệ thuật của nó.

Câu 4. Cho biết phép tu từ từ vựng nào đã được sử dụng trong câu ca dao được trích sau đây:

"Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho."

Gợi ý làm bài:

Sử dụng biện pháp tu từ nói quá.

4. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được các biện pháp tu từ và từ tượng hình tượng thanh.

- Biết nhận diện các biện pháp để phân tích giá trị nghệ thuật của một bài thơ hoặc một đoạn văn.

- Rèn luyện kĩ năng phân tích cảm nhận một tác phẩm theo hướng nghệ thuật.

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM