Nghĩa tường minh và hàm ý Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em phân biệt được nghĩa tường minh và hàm ý. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Nghĩa tường minh và hàm ý Ngữ văn 9

1. Phân biệt nghĩa tường minh và hàm ý

- Nghĩa tường minh là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu.

- Hàm ý là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp những có thể suy ra từ những từ ngữ ấy. Điều kiện sử dụng hàm ý:

+ Người nói (người viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu nói.

+ Người nghe (người đọc) có năng lực giải đoán hàm ý.

2. Luyện tập

Câu 1: Theo em, những ngữ liệu dưới đây phải hàm ý không? Nếu phải hãy chỉ ra hàm ý đó và nêu tác dụng:

a.

"Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây".

b.

"Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?".

Gợi ý trả lời:

a. Hai câu thơ trên được tác giả dân gian sử dụng hàm ý nhằm nói đến tình yêu đôi lứa, tình cảm của cô gái dành cho chàng trai nhưng không thành. Qua đó, cô gái cảm thấy vô cùng nuối tiếc.

b. Lời tỏ tình ý nhị, tình tứ của chàng trai khi mượn hình ảnh của “tre non” và hành động “đan sàng” để hỏi ý kiến của cô gái đang tới tuổi cập kê có đã muốn lấy chồng hay chưa.

Câu 2: Em hãy liệt kê những câu thơ có sử dụng hàm ý trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng:

"Thoắt trông nàng đã chào thưa:

Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!

Dễ dàng là thói hồng nhan

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu

Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca".

(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Gợi ý trả lời:

Đoạn trích nằm trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du:

- Câu thơ "Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây" nhằm nói đến những người cao quý như Hoạn Thư trong "Truyện Kiều" cũng có lúc phải tới đây nơi báo ân báo oán của Thúy Kiều (hàm ý mỉa mai, giễu cợt sự thất thế của Hoạn Thư).

- Câu thơ "Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều" nhằm nói đến tội ác mà Hoạn Thư gây ra cũng phải bị chừng phạt.

Câu 3: Em hãy chỉ ra nội dung hàm ý trong những câu tục ngữ dưới đây:

(1) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

(2) Ăn cháo đá bát.

(3) Đói cho sạch, rách cho thơm.

(4) Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

(5) Cái răng, cái tóc là góc con người.

Gợi ý trả lời:

(1) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

-> Hàm ý: nếu như ở gần môi trường sống tốt thì sẽ tốt theo và ngược lại nếu gần môi trường xấu thì sẽ xấu theo.

(2) Ăn cháo đá bát.

-> Hàm ý: nói đến những người vô ơn với người đã giúp đỡ mình.

(3) Đói cho sạch, rách cho thơm.

-> Hàm ý: nói đến việc dù nghèo khổ nhưng vẫn cần giữ phẩm chất tốt đẹp.

(4) Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

-> Hàm ý: nói đến cách nói năng trong cuộc sống, ứng xử một cách lịch sự hơn.

(5) Cái răng, cái tóc là góc con người.

-> Hàm ý: cái răng, cái tóc có thể đánh giá được một con người.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Xác định được nghĩa tường minh và hàm ý trong câu.

- Rèn luyện kĩ năng vận dụng nghĩa tường minh và hàm ý khi giao tiếp.

- Có ý thức sử dụng hàm ý phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Ngày:26/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM