Tiếng nói của văn nghệ Ngữ văn 9

Nội dung bài Tiếng nói của văn nghệ dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung của văn nghệ và sức mạnh kỳ diệu của nó đối với đời sống con người. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện thêm cách viết một văn bản nghị luận. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng nói của văn nghệ Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003): Quê ở Hà Nội.

- Hoạt động văn nghệ khá đa dạng: làm thơ, viết văn, soạn kịch, sáng tác nhạc, viết lý luận phê bình…

- Năm 1996 Ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh ra đời của tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ”: Viết năm 1948 - Trong thời kỳ chúng ta đang xây dựng một nền văn học nghệ thuật mới đậm đà tính dân tộc đại chúng, gắn bó với cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân: Kháng chiến chống Pháp.

- In trong cuốn “Mấy vấn đề văn học” (xuất bản năm 1956).

- Kiểu văn bản: Kiểu văn bản nghị luận về một vấn đề văn nghệ.

- Bố cục chia theo hệ thống luận điểm như sau:

+ Nội dung phản ánh của văn nghệ.

+ Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết đối với đời sống của con người, nhất là trong hoàn cảnh chiến đấu, sản xuất vô cùng gian khổ của dân tộc.

+ Văn nghệ có khả năng cảm hoá, sức mạnh lôi cuốn của nó thật là kỳ diệu, bởi đó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới mỗi con người qua những rung cảm sâu xa từ trái tim.

2. Đọc hiểu văn bản

2.1. Nội dung tiếng nói của văn nghệ

- Tác giả đã chỉ ra nội dung đầu tiên của tiếng nói văn nghệ chính là tái hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống hiện tại. Nghệ sĩ không tô thêm hiện thực "mà muốn nói một điều gì mới mẻ". Nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp, làm cho người đọc "rung động với cái đẹp". Câu thơ Kiều nói về cỏ xanh non và hoa lê "trắng điểm" mùa xuân đã làm cho chúng ta "rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi, trẻ mãi và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy".

- Nội dung của văn nghệ tiếp theo tác giả chỉ ra chính là sự sáng tạo độc đáo, phong phú, đa dạng rất nhiều về "hình ảnh đẹp đẽ", từ một ánh nắng, một lá cỏ, một tiếng chim, bao nhiêu bộ mặt con nguời, sự sống ở quanh ta, mà trước kia "ta chưa biết nhìn thấy", bỗng làm ta "ngạc nhiên tìm ra ngay trong tâm hồn" mình. Mỗi một tác phẩm văn nghệ lại "rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng" rất kì diệu, nó "làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ". Sứ mệnh của những nghệ sĩ lớn là đem tới cho cả thời đại họ "một cách sống của tâm hồn".

=> Các tác phẩm nghệ thuật sắc sảo, đa dạng và phong phú ấy đều được lấy từ chính hiện thực đời sống thường ngày của con người. Đó là những sự việc, những câu chuyện mà tác giả từng nghe hoặc chứng kiến, nhưng khi đưa vào tác phẩm, tác giả đã có sự lựa chọn, sắp xếp theo mục đích của mình chứ không phải là sự sao chép giản đơn, “chụp ảnh” nguyên xi thực tại ấy.

2.2. Con người cần đến tiếng nói của văn nghệ

- Con người rất cần đến tiếng nói văn nghệ trong đời sống hằng ngày, tiếng nói văn nghệ nhằm giúp con người vượt qua được cuộc sống khắc khổ hằng ngày, giữ cho đời cứ tươi. Tác phẩm văn nghệ giúp cho con người vui lên, biết rung cảm và ước mơ ngay trong hoàn cảnh vất vả, cực nhọc.

- Có thể nhận thấy rằng văn nghệ như một công cụ giải trí rất hữu ích cho con người giữa bộn bề cuộc sống đầy lo toan, vất vả, văn nghệ giúp con người vui lên, biết rung cảm và biết ước mơ trong cuộc đời còn vất vả cực nhọc (những người đàn bà nhà quê lam lũ, đầu tắt mặt tối... họ biến đổi khác hẳn khi hát ru con, hát ghẹo nhau bằng câu ca dao, hay khi say sưa xem buổi chèo...).

=> Có thể khẳng định rằng văn nghệ làm cho cuộc sống của con người vui tươi hơn, làm vơi đi những nỗi buồn đau trong cuộc sống, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng… làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”.

2.3. Con đường văn nghệ đến với người đọc

- Văn nghệ có một bản chất thực sự vô cùng đơn giản chính là những cảm xúc, tình cảm của con người trong đời sống thường ngày. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng “tình yêu ghét, niềm vui buồn” của con người chúng ta trong đời sống thường ngày. “Nghệ thuật còn nói nhiều với tư tưởng” nhưng là tư tưởng không khô khan, trừu tượng mà lắng sâu, thấm vào những cảm xúc, những nỗi niềm.

- Con đường đến với người tiếp nhận, tạo nên sức mạnh kì diệu của văn nghệ:

+ Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc,đi vào nhận thức, tâm hồn chúng ta qua con đường tình cảm…

+ Tác phẩm văn nghệ mang đến cho chúng ta những cảm xúc đa dạng, phong phú, cảm xúc ấy có thể là bắt nguồn từ được yêu, ghét, vui, buồn, đợi chờ… cùng các nhân vật và người nghệ sĩ “nghệ sĩ không không đến mở một cuộc thảo luận lộ liễu và khô khan...nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy”.

=> Văn nghệ giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình. Như vậy văn nghệ thực hiện các chức năng của nó một cách tự nhiên có hiệu quả lâu bền và sâu sắc.

3. Tổng kết

a. Về nội dung: Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình.

b. Về nghệ thuật:

- Bố cục chặt chẽ, hợp lý.

- Cách viết giàu hình ảnh, nhiều dẫn chứng về thơ văn và về đời sống thực tế.

- Giọng văn toát lên lòng chân thành, niềm say sưa, đặc biệt hứng dâng cao ở phần cuối.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy nêu ý nghĩa của những tác phẩm văn nghệ đối với con người.

Gợi ý trả lời:

- Chính những tác động về nội dung và hình thức của tiếng nói văn nghệ mà Nguyễn Đình Thi đã khẳng định rằng tác phẩm văn nghệ góp phần giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình. Như vậy là văn nghệ đã thực hiện các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của nó một cách tự nhiên, có hiệu quả lâu bền, sâu sắc: Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được “Sự sống cho tâm hồn người”.

- Chính những tác phẩm văn nghệ giúp con người ngày càng thoải mái mở rộng lòng mình với mọi người xung quanh hơn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn.

- Những tác phẩm văn nghệ như một công cụ giúp con người tự hoàn thiện bản thân, sống tươi mới mỗi ngày, nói tóm lại rằng đó là nghệ thuật xây dựng con người, hay nói cho đúng hơn, làm cho con người tự xây dựng được. Trên nền tảng cuộc sống của xã hội, nghệ thuật xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội.

Câu 2: Em hãy chỉ ra những thành công về mặt nghệ thuật mà tác giả Nguyễn Đình Thi đã sử dụng trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ".

Gợi ý trả lời:

- Bài tiểu luận của Nguyễn Đình Thi mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tiếng nói của văn nghệ và thành công trước tiên do bố cục hết sức chặt chẽ, hợp lí và cách dẫn dắt vấn đề rất tự nhiên.

- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng bằng thơ văn, bằng câu chuyện thực tế để khẳng định và tăng sức thuyết phục, sức hấp dẫn cho bài viết.

- Giọng văn toát lên thái độ chân thành, say sưa, giàu nhiệt huyết của tác giả. 

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được nội dung của văn nghệ và sức mạnh kỳ diệu của nó đối với đời sống con người.

- Hiểu thêm cách viết bài văn nghị luận qua tác phẩm nghị luận ngắn gọn, chặt chẽ và giàu hình ảnh của Nguyễn Đình Thi.

- Rèn kỹ năng đọc, hiểu và phân tích văn bản nghị luận.

- Rèn luyện thêm cách viết một văn bản nghị luận.

- Thể hiện những suy nghĩ, tình cảm về một tác phẩm văn nghệ.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM