Sang thu Ngữ văn 9

Bài học "Sang thu" dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được không khí của đất trời khi chuyển từ cuối hạ sang đầu thu. Hy vọng rằng bài học này sẽ hữu ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Sang thu Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: Hữu Thỉnh:

- Sinh năm: 1942.

- Quê: Tam Dương - Vĩnh Phúc.

- Năm 1963 ông nhập ngũ và bắt đầu sáng tác thơ.

- Ông tham gia Ban chấp hành hội nhà văn khóa III, IV, V.

- Từ năm 2000 là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.

b. Tác phẩm:

- Bài thơ “Sang thu” là một trong những bài thơ hay của nhà thơ, được rút từ tập thơ “Từ chiến hào về thành phố”.

- Bố cục bài thơ:

+ Hai khổ thơ đầu: Sự biến đổi của đất trời sang thu.

+ Khổ thơ cuối: Cảm nhận của nhà thơ lúc sang thu.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Sự biến đổi của đất trời sang thu

- Dấu hiệu giao mùa từ hạ sang thu được tác giả liệt kê có hương ổi lan tỏa vào không gian, những cơn gió mùa hè đã chuyển sang man mác se lạnh, sương giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm, nước trên sông không còn đục ngầu và cuồn cuộn chảy mà lững lờ trôi, những cánh chim bắt đầu vội vã ở những buổi hoàng hôn.

- Mọi hiện tượng đó của đất trời khi chuyển từ hạ sang thu đều rất quen thuộc, gần gũi, ai cũng đều biết, đều quen. Nhưng qua miêu tả của nhà thơ giúp ta cảm nhận được đầy đủ vẻ đep êm ả, thanh bình của nó.

=> Dấu hiệu mùa thu rất riêng của vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.

2.2. Cảm nhận của nhà thơ lúc sang thu

- Nhà thơ đã cảm nhận một cách tinh tế những thay đổi của thiên nhiên khi đất trời sang thu, đầu tiên nhà thơ cảm nhận mùa thu nhờ tín hiệu của sự chuyển mùa là làn gió se nhè nhẹ mang theo hương ổi chín lan vào không gian, một mùi hương đặc biệt của mùa thu ở nông thôn Việt Nam.

- "Bỗng": Ngạc nhiên, bâng khuâng.

- "Phả vào": hương thơm bốc mạnh tỏa ra thành luồng, chứ không thoang thoảng. Nhà thơ vừa thấy hương ổi, vừa cảm nhận được cái se lạnh của gió đầu thu.

- "Chùng chình": nhân hóa, có ý vừa nhởn nhơ, chậm chạp vương vất bên ngõ xóm đường làng.

- "Hình như": Mùa thu về chưa thật rõ ràng, thu về đột ngột nhưng thật nhẹ nhàng làm cho nhà thơ chưa dám tin, chưa dám chắc.

- Tác giả đã có sự thay đổi trong cách nhìn đối với không gian xung quanh khi có sự chuyển mùa của mùa thu, bài thơ đã tạo nên những cái nhìn tinh tế của tác giả đó là sự chuyển đổi tầm nhìn từ trong vườn ra ngoài ngõ rồi mở rộng ra không gian bao la bên ngoài với sông với bầu trời bao la và khép lại sự nghiền ngẫm giá trị sống trong cõi đời.

-> Có thể nhận thấy những hình ảnh tác giả sử dụng đều có sự ngập ngừng, nửa lưng chừng, dùng dằng mãi không thôi. Dòng sông dường như cố ý trôi một cách chậm chạp, thanh thản, nhẹ nhàng gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh mùa thu. 

- Đồng thời tác giả còn sử dụng một hình ảnh mang tính chất tác động mạnh đó là hình ảnh thiên nhiên sấ, sấm chính là những âm thanh vang động bất thường của ngoại cảnh, đã bớt đi sự bất ngờ đối với những người từng trải - hàng cây. Đây là sự suy ngẫm của tác giả về nhân sinh, về quy luật của cuộc sống, nhân lúc nói về cảnh thiên nhiên, đất trời sang thu.

=> Tác giả Hữu Thỉnh đã làm nên một bức tranh mùa thu tràn đầy sức sống, sự cảm nhận của tác giả khi đất trời sang thu vô cùng tinh tế. Nhà thơ đã lấy không gian để miêu tả thời gian. Do đó câu thơ diễn tả cảm giác lúc giao mùa tinh tế, sống động hơn.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Đất trời từ cuối hạ sang thu có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Nhà thơ đã cảm nhận hình ảnh mùa thu bằng sự cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm.

- Về nghệ thuật:

+ Thể thơ 5 chữ.

+ Bài thơ giàu hình ảnh.

+ Sử dụng thành công các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ.

4. Luyện tập

Câu 1: Trình bày những suy nghĩ của em về hai câu thơ cuối.

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã khắc họa hình ảnh những cái cây trong hai câu thơ cuối, những cái cây ấy được tác giả mặc định như những nhân chứng đang quan sát và lắng nghe sự chuyển mình của vạn vật xung quanh nó và hình ảnh này cũng là những suy ngẫm mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ.

- Âm thanh của tiếng sấm khiến người ta phải giật mình, một âm thanh lay động được vạn vật xung quanh, hàng cây đứng tuổi trước tiếng sấm ấy là hình ảnh những người đã từng trải. Khi con người đã từng trải, đã đi qua mùa giông bão thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

-> Muốn hiểu hết ý nghĩa của hai câu thơ cuối thì chúng ta phải đặt chúng vào hoàn cảnh thực tế xã hội nước ta lúc đó. Nó khẳng định bản lĩnh cứng cỏi sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Sang thu".

Gợi ý trả lời:

Có thể nhận thấy trong văn học Việt Nam có rất nhiều nhà văn, nhà thơ yêu chuộng và rất thích viết về mùa thu cùng những cảm nhận thật tinh tế và sắc sảo. Có rất nhiều nhà thơ viết về mùa thu Việt Nam và mỗi người đều có một cảm nhận riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Với Nguyễn Khuyến mùa thu là bầu trời thu xanh ngắt, ngõ trúc quanh co… Với Xuân Diệu mùa thu là dáng liễu buồn, là màu áo mơ phai… Với Lưu Trọng Lư mùa thu là “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô”. Và Hữu Thỉnh, một nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ đã góp vào tuyển tập những bài thơ thu Việt Nam một ấn tượng mới mẻ về mùa thu qua bài thơ “Sang thu”. Bài thơ đã đem lại cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng trước sự biến chuyển nhẹ nhàng của đất trời lúc giao mùa hạ - thu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ qua sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Phân tích những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự biến đổi của thiên nhiên, đất trời từ cuối hạ đầu thu.

- Rèn kĩ năng cảm thụ thơ ca.

- Giáo dục tình yêu thiên nhiên, trân trọng giá trị của thiên nhiên.

Ngày:25/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM