Soạn bài Bài thơ tiểu đội xe không kính Ngữ văn 9 đầy đủ

Hình ảnh người lính luôn là đề tài muôn thuở của các nhà văn, nhà thơ. Nếu như người lính trong Đồng chí của Chính Hữu thật thà chất phác cùng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thì người lính trong thơ của Tiến Duật hiện lại lên chất ngang tàng, lạc quan "Chỉ cần trong xe có một trái tim". Để hiểu rõ hơn về người lính trong thơ Phạm Tiến Duật Các em hãy cùng tham khảo bài soạn dưới đây nhé! eLib chúc các em học tốt!

Soạn bài Bài thơ tiểu đội xe không kính Ngữ văn 9 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 133 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Bài thơ có một nhan đề rất độc đáo: Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Độc đáo trước hết bởi tên rất dài. Mới đầu tưởng như thừa cụm từ “bài thơ về”, và tác giả quá ư cẩn thận, tỉ mỉ, rườm rà. Trong văn học xưa nay, những nhan đề thường rất cô đúc, ngắn gọn, gợi nét chính nhất trong nội dung chủ đề tấc phẩm, Phạm Tiến Duật dùng cả một cấu trúc câu. Nét độc đáo của ông chính là ở đó. Nếu để tên bài thơ là “Tiểu đội xe không kính” thôi, chắc chắn người đọc không thể nhận ra nét duyên dáng, hóm hỉnh rất đậm đà của Phạm Tiến Duật. Đọc lên, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh những chiếc xe không kính và hiểu rằng tác giả không khai thác khía cạnh hiện thực khốc liệt của hình ảnh đó mà trái lại, tìm ra cái thơ, cái đẹp toát lên từ hiện thực. Không phải là quá đáng khi chúng ta nói rằng bài thơ đã “thơ” ngay từ cái tiêu đề.

- Trong bài thơ chúng ta gặp hình ảnh những chiếc xe không có kính. Đó là một hình ảnh thực nhưng phải có con mắt quan sát tinh tế mới có thể tìm thấy nét thơ ở hình ảnh này; đó là chất thơ của tư thế hiên ngang, bất khuất trước khó khăn; của tâm hồn trẻ trung, phơi phới của người lính. Hình ảnh này rất lạ, chưa từng gặp trong văn học. Phạm Tiến Duật với con mắt hóm hỉnh và tài năng của mình đã phú cho nó một sắc thái thú vị bất ngờ.

2. Soạn câu 2 trang 133 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Tứ thơ được gợi từ hình ảnh những chiếc xe không kính. Mỗi khổ thơ là một phát hiện của ông về những “kết quả” tất yếu của việc xe không có kính. Gió làm cay mắt, “bụi phun tóc trắng như người già”; ướt áo, “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”… Đó là những khó khăn, vất vả do việc thiếu thốn phương tiện gây ra. Nhưng tác giả không xoáy sâu vào đó. Bằng con mắt lạc quan, ông đã biến nó thành cái cớ rất hợp lí để thể hiện vẻ đẹp của người lính lái xe. Họ là những con ngưòi tinh nghịch, trẻ trung, sôi nổi. Dường như chưa có ai ngoài Phạm Tiến Duật đưa được tiếng cười “ha ha” sảng khoái, hồn nhiên như thế này vào tác phẩm:

+ Người lính lái xé trong thơ Phạm Tiến Duật có một tư thế rất hiên ngang, bất khuất:

"Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

… Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời …

Võng mắc chông chênh đường xe chạy."

+ Trong cái nhìn “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” của người lính cảm tưởng như chứa chất tất cả sức mạnh, sự ngang tàng của tuổi trẻ, cả lòng dũng cảm, quyết liệt nơi người chiến sĩ. Tư thế ấy đẹp quá, có thể gọi là một tượng đài dành riêng cho người lính lái xe.

+ Hình ảnh bếp Hoàng cầm giữa trời và cánh võng tròng trành mắc vội trên đường không hiểu sao cũng gợi mở về nếp sống rất phóng khoáng, một tâm thế rất vững vàng. Trên con đường mòn Hồ Chí Minh đầy bom đạn, dưới bầu trời Trường Sơn không ngớt bóng máy bay, sao, con người ta có thế an bình, thanh thản đến thế? Phải chăng đó là nhờ có sức mạnh của lòng dũng cảm? Chính nó chứ không phải lí do nào khác đã giải thoát con người ta khỏi những nỗi sợ hãi để mà tận hưởng niềm vui, vẻ đẹp của cuộc đời. Đến đây, rất dễ dàng để hiểu tại sao, những khó khăn vì xe không có kính được người lính nhìn một cách thi vị và lạc quan đến vậy.

- Cùng chung dòng mạch thơ văn viết về người chiến sĩ, Phạm Tiến Duật cũng khai thác thể hiện tình đồng chí, đồng đội của họ. Ông viết về nét đẹp ấy một cách bình dị:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy."

- Tình đồng chí xuất phát từ sự đồng cảnh ngộ, nảy nở giữa chiến trường bom đạn ấy vừa có nét trẻ trung của những người đồng trang lứa (bắt tay…), vừa có cái đằm thắm thương yêu của tình cảm gia đình ruột thịt (chung bát đũa…). Nét độc đáo nhất trong hình tượng người lính ở bài thơ này là sự lãng mạn, tinh tế. Ngồi trong buồng lái không có kính, người chiến sĩ cảm giác như con đường chạy thẳng vào tim. Cảm giác đó rất thực nhưng phải tinh tế mới nhận thấy. Thêm vào đó, anh còn nhận ra:

"Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái."

- Hình ảnh thơ tuyệt đẹp bởi con mắt nhìn bay bổng và lãng mạn. Cũng chính với tâm hồn ấy, người lính đi giữa đạn bom vẫn luôn nhìn thấy màu xanh của hi vọng, của sự sống đang ngời lên phía trước:

"Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Đây chính là cái lãng mạn, hồn nhiên mà hơn một lần Phạm Tiến Duật thể hiện trong thơ:

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…

… Em xuống núi nắng vàng rực rỡ

Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư."

- Tất nhiên, đã là người lính, hẳn không thể không mang trong tim tình yêu đất nước quê hương, thứ tình cảm thiêng liêng khiến họ sẵn sàng hiến tặng cả cuộc đời mình. Viết về tình yêu đó, Phạm Tiến Duật gói rất gọn vào mấy câu thơ cuối:

"Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim."

- Bằng cách đối lập rất nhiều cái “không” với một cái “có” ở cuối cùng, tác giả đã làm nên thế đối sánh đầy hiệu quả. Người lính có thể vượt qua tất cả những khó khăn trên kia nhờ sức mạnh của tình yêu hướng tới miền Nam ruột thịt. Bao gồm trong hai chữ “trái tim” ấy là bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu hi sinh, bao nhiêu máu thịt… Nhà thơ kết thúc tác phẩm ở đó, không nói thêm gì nữa, dồn sức nặng vào hai tiếng cuối cùng, một sức nặng tỊiiêng liêng, khơi gợi sự xúc động trong lòng người đọc. Cũng chính ỏ khổ thơ này, giọng thơ nghiêm lại, trầm lắng, không còn vẻ bông đùa như những khổ trên nữa, khiến bài thơ mang thêm sắc thái thiêt tha.

⇒ Như vậy, từ tứ thơ: những chiếc xe không kính đang băng băng trên đương ra trận, Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ rất đậm, rất đẹp hình tượng những người lính lái xe thời chống Mĩ: vui vẻ, lạc quan, trẻ trung, lãng mạn, dũng cảm, hiên ngang và chan chứa yêu thương.

3. Soạn câu 3 trang 133 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Trong bài thơ này, Phạm Tiến Duật dùng những từ ngữ rất giản dị, rất sông, đầy sức gợi. Đó là những khẩu ngữ (ừ thì, mau thôi, nghĩa là,…); đó là những từ láy đan xen rất biểu cảm (ung dung, đột ngột, phì phèo, chông chênh). Những hư từ, liên hệ từ cũng được sử dụng rất nhiều: như, và rồi,… trong những cấu trúc kéo dài câu thơ theo xu hướng câu văn xuôi. Đó là vì tác giả đã thêm vào thơ mình rất nhiều yếu tố tranh biện:

"Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi…

… Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy…"

- Đặc điểm ngôn ngữ, giọng điệu này giúp nhà thơ vẽ chân dung người lính rất chân thực và sinh động. Đọc lên, chúng ta có lúc quên mất cả câu thơ mà tưởng như đang đối diện trực tiếp với hình tượng. Ngôn ngữ giản dị, trẻ trung, có phần tếu táo đúng là cách nói của những người lính trẻ. Giọng điệu cũng đúng là giọng điệu của họ, với những nét tính cách đa dạng, phong phú của họ: lúc trầm tư suy nghĩ, lúc mơ màng lãng mạn, khi tếu táo bông đùa, có lúc lại tha thiết, say sưa. Dường như tác giả đã đưa được hơi thở ấm nóng của lớp lính trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày nào, gìn giữ trong câu thơ mình cho đến tận hôm nay.

4. Soạn câu 4 trang 133 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn gian khổ hiểm nguy và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. Đó là lòng yêu nước của những người chiến sĩ lái xe và của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

- Nếu như những người lính trong thơ Chính Hữu vốn xuất thân từ nông dân, mộc mạc, giản dị, mang nặng hình bóng quê nhà “nước mặn đồng chua”, chịu nhiều thiếu thốn về cả điều kiện sinh hoạt (áo rách vai, quần vá, chân không giày…) thì anh lính thời chống Mĩ mà Phạm Tiến Duật thể hiện đã rất khác. Họ cũng thiếu thốn, gian khổ đấy nhưng cuộc chiến đấu của họ đã có xe tăng, máy bay, ô tô tải đạn, tải thương… chứ không còn thô sơ như thế hệ cha anh thuở trước. Ở họ toát lên nét trẻ trung, sôi nổi của tuổi trẻ. Họ đã được thở bầu không khí thời đại mới, mang trong mình một tâm thế mới. Từ anh lính lãng mạn thấy “đầu súng trăng treo” đến anh chiến sĩ lái xe “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim – Như sa như ùa vào buồng lái” đã là một khoảng cách khá xa. Đó là sự cách biệt về mặt thời đại. Trước kia, trong kháng chiến chống Pháp, quân ta còn non yếu, vũ khí trang bị còn thô sơ, quân lính chủ yếu xuất thân từ tầng lớp nông dân… Còn trong kháng chiến chống Mĩ, ta đã ở vào một vị thế mới: vũ khí, phương tiện được trang bị nhiều hơn, kiến thức, văn hoá cũng được nâng cao. Quan trọng nhất là đồng thời vối việc dồn sức cho miền Nam đánh Mĩ thì miền Bắc đang hối hả vươn mình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với một hậu phương vững chắc ở sau lưng, thế hệ trẻ bước vào cuộc chiến đấu dường như tự tin hơn, vững vàng hơn và vẫn giữ vẹn nguyên “con mắt” tươi xanh, lạc quan cho một tương lai tươi sáng. Cái tài của Phạm Tiến Duật là ở chỗ đã tái hiện được hơi thở ấm nóng thòi đại, không khí rộn rã, cả nước ra quân trong bài thơ rất độc đáo của mình.

5. Soạn câu 1 luyện tập trang 133 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

Khổ thơ thứ hai tràn ngập những hình ảnh gió, con đường, sao trời, cánh chim. Đó là những khó khăn phía trước, nhưng mọi thứ đều thật nhỏ bé trước lòng quyết tâm không lùi của những chiến sĩ trẻ. Lại thêm hình ảnh lãng mạn Thấy sao trời và đột ngột cánh chim – Như sa như ùa vào buồng lái làm cho chặng đường trở nên vui tươi, nhẹ nhàng hơn. Những cảm giác, ấn tượng của người lái xe trong chiếc xe không kính trên đường ra trận đã được tác giả diễn tả rất cụ thể, sinh động. Không có kính chắn, người lính lái xe trên đường ra mặt trận đa có những cảm giác, ấn tượng rất đặc biệt, thể hiện rõ nét qua khổ thơ thứ hai. Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng: gió trên đường đi ùa vào buồng lái, khiến đôi mắt người chiến sĩ trở nên cay. Tác giả sử dụng từ “đắng” để diễn tả cảm giác ấy, khiến cảm giác cay vì gió ở mắt được vị giác hóa, chân thực hơn. Thấy con đường chạy thẳng vào tim, sao trời và đột ngột cánh chim như sa như ùa vào buồng lái: Giữa người lính lái xe và những sự vật, khung cảnh trên đường không có rào cản. Mọi thứ trở nên gần hơn, rõ nét hơn. Phép phóng đại, ẩn dụ: chạy thẳng vào tim, như sa như ùa vào buồng lái khiến không gian trong xe và ngoài xe như hòa vào làm một, người lính và chiếc xe không kính có thêm những người bạn đồng hành.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM