Soạn bài Con cò Ngữ văn 9 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa hình tượng con cò trong những câu hát ru xưa qua cách khai thác của nhà thơ Chế Lan Viên. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Soạn bài Con cò Ngữ văn 9 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

Bài thơ phát triển từ một hình tượng bao trùm là hình tượng con cò quen thuộc trong những câu hát ru truyền thống:

- Hình ảnh biểu tượng con cò được sử dụng rất nhiều trong văn, thơ từ xưa đến nay, đây là hình ảnh giàu giá trị biểu cảm cao. Con cò là tượng trưng cho hình ảnh người nông dân, người phụ nữ trong một cuộc sống đầy vất vả, lo toan, nhọc nhằn và gian khó nhưng vẫn luôn thể hiện được những đức tính tốt đẹp và niềm vui sống lạc quan.

- Riêng trong bài thơ này, hình tượng con cò biểu trưng cho tầm lòng người mẹ và những lời hát ru quen thuộc.

2. Soạn câu 2 trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

Nhận xét bố cục bài thơ:

- Phần 1: Con cò trong những lời hát ru của mẹ.

- Phần 2: Con cò đi vào trong tiềm thức của tuổi thơ, gần gũi và sẽ theo con người đi suốt cuộc đời.

- Phần 3: hình ảnh con cò, nhà thơ suy ngẫm triết lý về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

-> Hình ảnh con cò là một biểu tượng vô cùng độc đáo trong văn học Việt Nam và hình ảnh con cò mà nhà thơ Chế Lan Viên sử dụng có sự phát triển rất rõ ràng, chúng ta thấy con cò trong lời ru trở thành con cò mang tấm lòng của mẹ. Hình ảnh con cò nâng đỡ con, đồng hành với con suốt đời với tình yêu thiêng liêng, cao cả.

3. Soạn câu 3 trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

Trong đoạn đầu bài thơ, những câu ca dao được vận dụng là:

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ, bay ra cánh đồng

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng

- Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

-> Có thể nhận thấy nhà thơ Chế Lan Viên đã vận dụng hình ảnh con cò bằng cách lấy tư liệu từ những bài ca dao xưa, cụ thể là chúng ta thấy tác giả chỉ lấy vài chữ trong mỗi câu ca dao nhằm gợi nhớ chứ không lấy nguyên vẹn. Cách vận dụng ấy ít nhiều thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của “con cò”.

4. Soạn câu 4 trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Trong bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên thì hình ảnh con cò tượng trưng cho những tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình, cụ thể con cò là biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, trìu mến của người mẹ. Thấu hiểu điều này, nhà thơ đã khái quát một quy luật của tình mẹ con có ý nghĩa vững bền, rộng lớn và sâu sắc:

"Con dù Lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

- Bốn câu thơ còn lại vừa mang âm hưởng lời ru vừa đúc kết ý nghĩa thiên vị và sâu sắc của hình tượng con cò:

“Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi”

-> Cánh cò như hình ảnh người mẹ dang tay rộng che chở cho đứa con thơ của mình. Hình ảnh con cò vì thế trở nên gợi hình, gợi cảm và đẹp một cách thơ mộng, có ý nghĩa sâu xa. Cánh cò vỗ qua nôi chẳng khác chi dáng mẹ nghiêng xuống nôi con chở che thì thầm những lời tha thiết của tình mẹ muôn đời dịu ngọt.

5. Soạn câu 5 trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Chế Lan Viên đã vô cùng tinh tế và tài tình khi vận dụng hình ảnh con cò trong những bài ca dao quen thuộc xưa thành một hình ảnh biểu tượng đầy sáng tạo. Đó cũng chính là điểm tựa cho những liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo mớ rộng của nhà thơ. 

- Thể thơ tự do nhưng các đoạn thường bắt đầu bằng những câu thơ ngắn có cấu trúc giống nhau, nhiều chỗ lặp lại gợi được âm hưởng lời ru.

- Giọng điệu suy ngẫm triết lí.

=> Thể hiện cảm xúc đa dạng, nhất quán, sáng tạo.

6. Soạn câu 1 luyện tập trang 48 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

Vận dụng của bài thơ "Khúc hát ru những em bé lên trên lưng mẹ" và bài thơ "Con cò" là:

- Khúc hát ru những em bé lên trên lưng mẹ:

+ Đó là những tiếng ru thân thương của người mẹ hát cho con của mình được giấc ngủ ngon lành, tình cảm thiêng liêng. Tình yêu này được chuyển hóa, đồng nhất với những tình cảm lớn lao, như tình đồng bào (mẹ thương bộ đội, mẹ thương làng đói), tình yêu quê hương đất nước (mẹ thương đất nước).

+ Lời ru xuất hiện đan xen với những đoạn thơ khác trong tác phẩm.

- Con cò:

+ Lời ru này cho thấy tình cảm mẫu tử thiêng liêng mà người mẹ dành cho đứa con của mình nhưng đó còn là lời ru thể hiện sự cực khổ, gian nan của người mẹ, vất vả để chăm lo cho con thơ. Những nỗi vất vả ấy mẹ âm thầm chịu đựng để con có được những giấc ngủ an lành, không phân vân.

+ Lời ru xuất hiện ở Đoạn 1 của bài thơ.

7. Soạn câu 2 luyện tập trang 49 SGK Ngữ văn 9 đầy đủ

- Viết đoạn văn bình về những câu thơ đã cho: Chúng ta có thể nhận thấy những câu thơ trên mnag đến cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc, thấm thía về tình mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng. Tình mẹ được nhà thơ đặt trong tương quan so sánh với hình ảnh cò, cánh cò. "Cò sẽ tìm con", "cò mãi yêu con" cũng như tấm lòng bao la của mẹ dù con ở đâu, dù là lúc nào, dù con làm gì mẹ vẫn luôn ở cạnh bên và trao cho con tình cảm yêu thương không gì có thể thay thế được. Tình yêu của mẹ như cánh cò chở che cho con trước những khó khăn, giông bão của cuộc đời. Hai câu thơ cuối cùng là lời khái quát vừa sâu sắc, lại vừa chân thành của nhà thơ về triết lý của tình mẫu tử. Đối với mẹ, con lúc nào cũng bé nhỏ và cần được nâng đỡ, chở che. Cuộc sống dù có biến chuyển, đối thay như thế nào thì tình yêu thương của mẹ vẫn nồng ấm, đong đầy, chữa lành những vết thương lòng cho con, nâng bước con trên những chặng đường dài. Đoạn thơ với những phép lặp cấu trúc "dù ở", hình ảnh "cò" mang tính biểu tượng cao được lặp lại hai lần, cùng với những câu văn có dung lượng ngắn, nhịp thơ nhanh, đã góp phần thể hiện thành công, cảm động triết lý về tình mẫu tử của nhà thơ.

Ngày:26/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM