Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 Ngữ văn 9 đầy đủ

Bài soạn viết bài tập làm văn số 3 Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em nắm được cách làm một bài văn tự sự. eLib đã biên soạn nội dung bài này bám sát chương trình Ngữ văn 9. Mời các em tham khảo bài soạn dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 Ngữ văn 9 đầy đủ

1. Đề số 1

Cuộc đời của mỗi con người chắc hẳn đã từng trải qua những kỉ niệm đáng nhớ. Đó có thể là những kỉ niệm vui, buồn nhưng đều in dấu trong kí ức. Và với em cũng vậy, đó là lần em trót xem trộm nhật kí của bạn. Kỉ niệm đó đã để lại cho em một bài học khó quên.

Em còn nhớ hôm đấy là một buổi chiều thứ bảy đẹp trời. Như thường lệ, em sang nhà Tú Anh để học bài cùng bạn. Tú Anh là người bạn thân của em từ khi chúng em mới bước vào lớp Một. Buổi học đầu tiên, vì còn lạ lẫm với mọi thứ nên em đã òa khóc nức nở khi thấy mẹ đi về. Khi ấy Tú Anh đã đến làm quen với em, động viên em rồi dẫn em vào chỗ trống cạnh bạn. Từ đó chúng em là đôi bạn gắn bó với nhau như hình với bóng, hai đứa thường sang nhà nhau để học bài, tâm sự những câu chuyện thầm kín. Gia cảnh nhà Tú Anh không được khá giả, mẹ bạn mất sớm, bố lại ốm yếu nên chỉ trông chờ vào cửa hàng tạp hóa nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng Tú Anh học rất giỏi, ngoan ngoãn, hiếu thảo. Bạn đã đi làm thêm vài công việc nhỏ để có thể phụ giúp bố. Đó cũng là lý do làm em luôn yêu mến, khâm phục cô bạn nhỏ bé của mình.

Hôm đó, hai đứa đang cùng nhau giải bài tập thì bố bạn có việc nên đi ra ngoài. Tú Anh phải ra trông cửa hàng giúp bố, còn em thì ngồi lại ở phòng, làm nốt bài tập. Giải xong bài tập toán, em dừng tay và lấy quyển sách trên giá sách của Tú Anh để đọc, thì bất ngờ một quyển sổ nhỏ rơi xuống. Quyển sổ in hình Totoro, nhân vật hoạt hình mà bạn yêu thích và có khóa bằng số nên em đoán là sổ nhật kí. Em hơi ngạc nhiên và có chút không vui vì Tú Anh có điều giấu mình. Tuy vậy lúc đầu em vẫn có ý định đặt quyển sổ lại chỗ cũ vì nghĩ ai cũng có bí mật không thể chia sẻ, hơn nữa Tú Anh lại là bạn thân của em, em cần phải tôn trọng sự riêng tư của bạn ấy. Nhưng sự tò mò và lòng ích kỷ của bản thân lại xui khiến em làm việc sai trái. Em thầm nghĩ: “Mình sẽ thử mở xem sao. Nếu không được thì mình sẽ cất lại chỗ cũ, còn nếu được thì mình sẽ đọc một vài trang thôi. Dù sao thì bác đã nói là đi có việc hơi lâu một chút, nên Tú Anh chắc chưa vào phòng sớm như vậy đâu”. Nghĩ rồi, em bắt đầu thử mở khóa quyển sổ. Ban đầu em thử ngày sinh nhật của bạn, rồi đến ngày sinh nhật bố mẹ bạn, nhưng đều không được. “Có khi nào là ngày sinh của mình không nhỉ? Chắc không đâu, ngày sinh của bố mẹ bạn ấy còn không được cơ mà”. Nghĩ thế nhưng em vẫn cố thử. Và thật ngạc nhiên khi con số ngày sinh nhật của em lại đúng:

- Tú Anh thật là dễ thương quá đi – Em mỉm cười và lẩm bẩm một mình.

Em bắt đầu lật dở từng trang một. Em đã tự hứa với lòng là sẽ chỉ đọc một vài trang thôi, ấy vậy mà đôi bàn tay đáng trách kia cứ lật hết trang này đến trang nọ.

- Toàn là những câu chuyện ở lớp, ở trường và những câu chuyện bạn ấy đã kể với mình – Em thầm nghĩ.

Nhưng rồi bàn tay em bất giác dừng lại ở một bài viết cách đây đã năm tháng. Dòng trên cùng ghi ngày tháng như bao bài khác.

“30/01/2012

Hôm nay bố đã mua cho mình một chiếc xe đạp. Chiếc xe cũ thôi nhưng đối với mình nó quý giá biết chừng nào. Mình biết bố đã nói dối mình, bố đi ra ngoài nhưng thực chất là đi làm khuân vác. Công việc vất vả lắm nên mỗi lần về nhà, mặt mũi bố lại tái nhợt. Thỉnh thoảng, căn bệnh tái phát khiến bố đau bụng liên hồi. Mỗi lúc như vậy, mình thương bố lắm. Mình định nói cho bố là chuyện bố đi làm mình đã biết. Nhưng mình vẫn chưa đủ can đảm, hơn nữa, nói ra mình sợ bố buồn. Chiếc xe đạp bố mua cho mình có lẽ là tháng lương đầu tiên bố nhận được. Bố sợ đứa con gái nhỏ bé của bố thua kém các bạn nên bố luôn bù đắp cho mình bằng tất cả những gì bố có. Nhưng bố ơi, bố là báu vật trên đời của con. Con không cần điều gì cả, chỉ cần bố luôn bên cạnh con, để con có thể yêu thương và báo hiếu bố, thế là đủ rồi”

Em thấy cay cay nơi sống mũi rồi nước mắt bất giác lăn dài trên hai gò má. Em thấy thương Tú Anh biết bao nhiêu và vô cùng cảm động trước tình yêu thương của bạn dành cho bố. Tú Anh không may mắn như mọi người, nhưng lúc nào bạn cũng luôn lạc quan, vui vẻ. Chơi với nhau chín năm trời, vậy mà em đã vô tâm, không nghĩ bạn là một người sâu sắc như vậy. Đáng lẽ, em nên bên cạnh bạn nhiều hơn, chia sẻ với bạn nhiều hơn. Em còn thấy xấu hổ chính bản thân mình khi sống trong một gia đình khá giả mà không biết phấn đấu, chỉ đòi hỏi bố mẹ phải chiều theo sở thích của mình. Em đã nằng nặc đòi bố mua cho chiếc xe đạp để có thể đi chơi với bạn bè mà không nghĩ rằng bố đã làm việc vất vả bởi đồng tiền không dễ dàng kiếm ra được.

Em lại giở tiếp những trang tiếp theo

“12/02/2012

Hôm nay mình đã nhận được tháng lương đầu tiên và mình đã mua cho bố một chiếc áo mới. Bố vui lắm nhưng trong nụ cười vẫn có nước mắt. Bố ôm mình nghẹn ngào nói: “Bố cảm ơn con gái bố nhiều lắm và bố cũng muốn xin lỗi con vì không cho con được đầy đủ những thứ con muốn”. Mình đã nói với bố những điều mình suy nghĩ hôm trước và cả việc mình đã biết bố giấu mình đi làm. Bố đã hứa sẽ không đi nữa và sẽ luôn ở bên đứa con gái nhỏ bé của mình. Hôm nay quả thật là một ngày vui”

Càng đọc em càng cảm động trước câu chuyện của hai bố con Tú Anh bao nhiêu, em càng cảm thấy có lỗi với bố mình bấy nhiêu. Em cứ khóc và nghĩ đến những ngày tháng đã làm cho bố buồn lòng. Thế rồi, Tú Anh đi vào phòng, em chạy vội đến bên bạn, gục đầu vào vai bạn mà khóc.

- Mình xin lỗi, cho mình xin lỗi.

Nhìn thấy quyển sổ đang mở trên bàn, có lẽ bạn đã hiểu được phần nào:

- Thôi không sao, cậu đừng khóc nữa.

- Mình thấy thật xấu hổ. Càng nghĩ đến cậu, mình càng thấy hối hận vì những gì mình làm. Mình thấy thương bố mình quá, và thương cả cậu nữa.

Tú Anh nhẹ nhàng mỉm cười;

- Nếu cậu làm sai điều gì thì nên chuộc lại lỗi lầm, khóc như vậy đâu phải là cô gái mạnh mẽ mà mình biết. Đúng không nào?

Em lau nước mắt rồi cầm lấy bàn tay nhỏ bé của Tú Anh:

- Cậu là người bạn tốt, cậu đã giúp mình hiểu ra được nhiều bài học đáng quý trong cuộc sống. Cậu có hứa là sẽ làm bạn mình mãi mãi không?

- Mình hứa.

Câu chuyện đã qua đi từ lâu. Dù bây giờ học tập ở hai ngôi trường khác nhau nhưng chúng em vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi. Kỉ niệm đọc trộm nhật kí năm nào mãi mãi không bao giờ phai trong tâm trí em, vì nó giúp em nhận ra được nhiều giá trị đáng quý trong cuộc sống.

2. Đề số 2

Trong bài giảng văn trên lớp buổi sáng, chúng tôi được học “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ chiến sĩ Phạm Tiến Duật. Buổi tối, khi ngồi học bài khuya, tôi ngủ thiếp đi trên bàn học. Trong giấc mơ, tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe của tiểu đội xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong mơ, tôi thấy mình lạc vào khung cảnh núi rừng hoang vu, hùng vĩ với những dãy núi chập chùng, những tán cây cổ thụ rậm rạp và cao vút. Phía trước mặt tôi là con đường đất đỏ trải dài tít tắp. Lòng đường khá rộng, đây đó còn xót lại dấu tích của một vài hố bom sâu hoắm. Tôi nhận ra đây chính là dãy núi Trường Sơn với con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là con đường huyết mạch mà quân ta dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí, quân trang, quân phục chi viện cho chiến trường miền Nam. Vũng bởi đây là một tuyến đường vô cùng quan trọng nên kẻ thù liên tiếp cho bom đoạn cày xới hòng chặt đứat con đường huyết mạch ấy.

Đang đứng bên lề đường, tôi chợt nhìn thấy đoàn xe đang ầm ầm tiến đến. Nhìn thấy tôi đứng bên đường, một chiếc xe trong số đám xe dừng lại. Từ trên xe bước xuống một chiến sĩ trong bộ quân phục màu xanh lá, chiếc mũ cối nghiêm trang trên đầu, gương mặt trẻ trung, ánh lên nét tinh anh và quả cảm. Ánh mắt anh chiến sĩ sáng ngời như sao sa, toát lên một sự thân thiện và hóm hỉnh. Nụ cười tươi tắn trông thật hồn nhiên. Anh chiến sĩ bước tới, nở nụ cười và cất giọng hỏi tôi:

- Em đi đâu mà lại lạc đến khu rừng này?

Tôi trả lời:

- Em cũng không biết nữa. Anh có thể cho em đi nhờ được không?

Anh chiến sĩ mỉm cười và gật đầu:

- Em lên xe đi!

Tôi trèo lên xe cùng với anh. Và lúc này tôi mới nhận ra là cabin của anh không có kính. Tôi hỏi:

- Anh ơi! Tại sao chiếc xe này lại không có kính?

Anh chiến sĩ cười hóm hỉnh giải thích:

- Ban đầu chiếc xe này cũng giống như những chiếc xe khác, đều được lắp kính. Nhưng sau nhiều lần trở hàng ra tiền tuyến, bom đạn của giặc Mỹ đã làm cho kính vỡ mất rồi em ạ!

Lời giải thích ngắn gọn và gương mặt bình thản của anh chiến sĩ khiến tôi hiểu được bao điều: “Chiến trường thật ác liệt và những người lính lái xe như anh đã phải đối mặt với bao hiểm nguy.” Tôi nhìn anh rồi lại hỏi:

- Ngồi trên chiếc xe không kính, chắc anh gặp rất nhiều khó khăn phải không ạ?

Anh gật đầu:

- Đúng đây em nhỏ ạ! Những ngày nắng thì bụi mù mịt, bụi phun vào cabin làm gương mặt lấm lem, mái tóc đen nhánh của tụi anh bỗng chốc biến thành những mái đầu hoa râm của những cụ già lớn tuổi. Ngày mưa thì càng khắc nghiệt. Có khi mưa tuôn, mưa xối ngay vào mặt. Mưa hắt vào trong xe khiến cho quần áo các anh ướt sạch cả. Nhưng chẳng hề gì đâu em, đối với các anh thì điều đó chẳng đáng bận tâm.

Ngắm nhìn gương mặt vô tư, nụ cười hồn nhiên và dáng ngồi ung dung của anh chiến sĩ, tôi vô cùng cảm phục. Anh kể về những khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính với một giọng điệu nhẹ nhõm, thản nhiên như đang kể một câu chuyện vui. Anh nói tiếp, giọng thủ thỉ như tâm sự:

- Nhiều khi xe không có kính mà lại thú vị đấy em ạ! Thiên nhiên trở nên gần gũi với mình hơn. Vui nhất là những lúc bọn anh được gặp nhau. Chẳng cần mở cửa xe, chỉ cần đưa tay qua cửa kính đã vỡ là có thể bắt tay nhau được rồi.

Tôi hỏi anh:

- Vậy các anh có hay được gặp gỡ đồng đội của mình không ạ?

Anh chiến sĩ gật đầu:

- Cũng ít thôi em ạ. Bởi vì tiểu đội anh thường xuyên phải chở hàng ra tiền tuyến, bất kể ngày hay đem. Chính vì vậy mà những giây phút ấy rất có ý nghĩa đối với tụi anh. Đi kháng chiến xa nhà, xa gia đình, chỉ có những người đồng chí đồng đội luôn kề vai sát cánh cùng nhau, cùng nhau vào sinh ra tử. Những chặng đường nghỉ chân gặp nhau thì chung nhau bát đũa, cùng nhau nhóm bếp lửa Hoàng Cầm giữa đất trời của Tổ Quốc mà thôi cơm em ạ. Những kỉ niệm đó có lẽ là những kỉ niệm sẽ theo tụi anh đến suốt cuộc đời. Như thế, và tụi anh đã trở thành những người thân ruột thịt của nhau trong đại gia đình của những người lính lái xe.

Sợ tôi đói và mệt, anh chiến sĩ dừng xe bảo tôi lấy chút lương khô để ăn. Lúc nafym tôi mới có dịp quan sát chiếc xe. Thì ra chiếc xe không chỉ không có kính mà còn không có đèn, không có mui xe, thùng xe thì có nhiều vết xước. Nhìn chiếc xe mang trên mình biết bao thương tích, tôi có thể hình dung được sự khốc liệt của chiến trường. Người lính lái xe như hiểu được suy nghĩ của tôi, giọng anh trầm xuống:

- Chiến tranh không thể nào tránh khỏi những mất mát hi sinh. Rất nhiều đồng đội của anh đã ngã xuống khi đang lái xe để tiếp tế lương thực và khí giới cho tiền tuyến. Nhưng dù kẻ thù có trút xuống hàng ngàn, hàng vạn tấn bom thì chúng cũng không thể nào ngăn được bước tiến của đoàn xe không kính. Vì miền Nam ruột thịt thân yêu, vì sự thống nhất đất nước, các anh có thể vượt qua tất acr dù phải hi sinh.

Lời nói của anh chiến sĩ lái xe khiến tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Các anh thật dũng cảm, kiên cường mà cũng rất lạc quan, yêu đời. Tôi hiểu rằng cũng chính trái tim yêu quê hương đất nước và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của các anh là nguồn cội sức mạnh giúp các anh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Với ý chỉ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần chiến đấu của các anh, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay vô cùng biết ơn và cảm phục những người đã hi sinh máu xương của mình để “ làm nên đất nước”, để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc thân yêu.

Tiếng mẹ gọi làm tôi bừng tỉnh. Nằm trong chăn ấm mà hình ảnh người chiến sĩ lái xe không kính vẫn còn hiện lên trong tâm trí tôi. Giấc mơ được gặp gỡ cùng người lính lái xe quả cảm đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên.

3. Đề số 3

Trong quãng thời gian tuổi học trò, ai cũng có những kỉ niệm bạn bè, thầy cô. Dù rằng những kỉ niệm ấy vui hay buồn thì nó đều là hành trang của tuổi học trò giúp ta khôn lớn, trưởng thành. Đối với tôi - kỉ niệm về thầy Khánh - người thầy giáo cũ năm lớp 9 mãi mãi không bao giờ tôi quên. Đó là kỉ niệm buồn về một lần tôi đã nghĩ sai về thầy.
Thầy Khánh thực ra không phải chủ nhiệm lớp tôi. Cô chủ nhiệm đi công tác một tuần nên Nhà trường phân công thầy phụ trách môn văn lớp tôi. Lớp tôi có lẽ rất ít bạn biết thầy Khánh và tôi cũng chưa thấy thầy bao giờ. Tôi nhớ đó là buổi học đầu tiên thầy đến dạy lớp tôi.
Trong giờ ra chơi, cả lớp tôi nháo nhào cả lên, lộn xộn! Chúng nó đều đang đoán già đoán non thầy giáo mới như thế nào. Và tôi cũng không ngoại lệ. Không biết thầy mới như thế nào nhỉ? Chắc thầy vui tính, tâm lí lắm đây. Nhưng trái ngược với những gì tôi nghĩ, khi trống điểm tiết bốn, thầy bước vào lớp trong con mắt ngạc nhiên của chính tôi: thầy đã đứng tuổi, nước da ngăm đen sạm lại. Điều tôi chú ý nhất chính là mái tóc đã điểm những sợi bạc cố gắng che đi vết sẹo dài bên tai. Thầy nở nụ cười nhìn chúng tôi. Và bằng một giọng khàn khàn mà trầm đến lạ, thầy nói:
- Xin chào cả lớp. Thầy là Nguyễn Văn Khánh - người trực tiếp phụ trách bộ môn Ngữ Văn lớp ta trong tuần này khi cô Mi có lịch đi công tác.
Cả lớp im lặng. Thầy lại tiếp lời:

- Hi vọng lớp chúng ta sẽ có những giờ học đáng nhớ.

Tôi nghe thầy giới thiệu. Vì sao tôi không có chút thích thú nào?

Tiết học bắt đầu với tiếng loạt xoạt mở sách vở. Thầy ghi lên bảng dòng chữ to: "Truyện ngắn Chiếc lược ngà -Nguyễn Quang Sáng". Thầy giảng rất say sưa. Cả lớp chăm chú nghe thầy giảng. Nhưng không biết hôm nay tôi làm sao mà không nhập tâm vào bài học được. Giọng nói khản đặc của thầy cứ ù ù bên tai tôi một cách khó chịu. Tôi đã rất cố gắng, cố gắng để tiếp tục học, nhưng sao...

Thầy hỏi chúng tôi có hiểu bài không, song tôi lại im lặng lúc đó mà không có ý kiến gì. Song song với việc giảng bài, thầy viết sơ đồ tư duy lên bảng. Giọng thầy run run một cách kì lạ, ngập ngừng như nghẹn lại cái gì ở cổ. Thầy sao vậy? Thầy có chuyện gì sao? Cả lớp nổi lên một vài tiếng động khe khẽ rồi lại im lặng khi thầy viết bảng. Thầy viết một cách chậm chậm, từ từ mà sao dòng chữ kia khó đọc quá. Cái nét chữ run run, xô lệch nhau tưởng chừng như sắp ngã. Tôi bắt đầu thấy khó chịu. Tôi thì thầm với thằng Nhân bên cạnh:

- Mày ơi, thầy viết gì kia? Dạy gì mà trầm, chẳng sôi nổi như cô Mi. Sao tao chán học văn.

Rồi tôi quay xuống bàn cái Hân:

- Mày hiểu không? Thầy giảng khó nghe quá.

Tôi học mà kiến thức cứ trôi tuột đi đâu. Giọng thầy thì khản đặc, chữ thầy thì bé cộng với trời ngoài kia mịt mù như sắp đổ mưa lớn khiến tôi càng không thiết tha với lời giảng.

Thầy vẫn giảng, lớp vẫn chăm chú, tôi ngồi nghe lấy lệ. Cơn khó chịu nổi lên đỉnh điểm, tôi giơ tay nói:

- Thầy nói to hơn được không ạ? Chữ thầy nhỏ quá em cũng không hiểu được ạ.

Tôi ngồi phịch xuống. Thằng An lên tiếng trước thầy:

- Mày có chịu nghe, chịu học đâu mà nhiều chuyện vậy? Cả lớp đang học say sưa mà mày thì ngọ nguậy rồi thưa này thưa nọ.

Tôi quay sang lườm nguýt nó một cái.

Thầy ho như muốn phá vỡ cái nghẹn trong cổ, quay xuống lớp nhìn chúng tôi với ánh mắt hiền mà ấm áp:

- Thầy sẽ cố gắng. Em chưa hiểu chỗ nào thầy sẽ giảng lại nhé.

Tôi im lặng chẳng nói gì, cũng chẳng cúi đầu làm như mình sai mà nhận lỗi. Cả lớp đổ dồn ánh mắt vào tôi, tôi mặc kệ.

Trở lại tiết học, thầy thầy tiếp tục giảng và ghi. Tôi chỉ mong trống báo hết giờ sớm điểm. Rồi "Tùng!... Tùng!... Tùng!... " - tiếng trống vang lên làm tôi như mở cờ trong bụng. Thầy nói:

- Hết giờ rồi, chúng ta dừng tại đây. Các em về ôn bài để mai chúng ta tiếp tục học. Cả lớp thu xếp sách vở và ra về. Còn thầy thì vẫn ngồi trên bàn giáo viên. Tất nhiên với một đứa hóng về như tôi thì tôi sẽ là đứa ra về đầu tiên. Nhưng đến lán xe, tôi mới nhớ mình để quên mũ trên lớp. Vội vàng chạy lên, vừa sợ bị về sau các bạn, vừa sợ trời mưa. Bước tới cửa lớp, tôi sững người khi thấy thầy đang ngồi thoa thuốc lên vết sẹo dài kia.

- Em... em chào thầy ạ! - Tôi lí nhí, ấp úng. Thầy không nói gì, mỉm cười, bình thản.

- Thầy làm sao vậy ạ? - Tôi bất ngờ hỏi. Thầy đến bên tôi, ngồi vào cạnh ghế tôi, ôn tồn:

- Ngày xưa thầy đi bộ đội. Ra chiến trường khói lửa, thầy bị đạn của địch bắn vào,  lâu ngày thành sẹo. Mỗi khi trái gió trở trời như hôm nay là nó lại làm thầy đau đầu, nhức nhối.
Tôi lặng người đi. Thì ra thầy viết nguệch ngoạc là vậy... Lòng tôi trào dâng một niềm xúc động nghẹn ngào. Tôi cầm thuốc thoa lên vết sẹo và nói trong tiếng khóc:

- Thầy ơi, em xin lỗi, em đã nghĩ sai về thầy mà vô lễ với thầy. Thầy xoa đầu tôi, mỉm cười và khẽ lắc đầu:

- Không sao mà em! Cố gắng học tập tốt là thầy cô vui lòng rồi. Ngồi nói chuyện với thầy một lúc lâu, tôi chào thầy ra về. Trời u ám mây đen nhưng lòng tôi nghẹn ngào đến lạ. Tôi không đạp nhanh, không lo chạy mưa mà chỉ nghĩ đến thầy Khánh - sợ thầy về trong cơn mưa bất chợt. Cảm ơn những người lính anh dũng như thầy - nhờ thầy chúng con được như ngày hôm nay.

4. Đề số 4

Nhân ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Năm 22/12, trường em tổ chức cho học sinh gặp gỡ và giao lưu cùng các chú bộ đội của đơn vị thành phố.

Hôm đó là một ngày Chủ nhật đẹp trời. Bầu trời cao, trong và sáng. Không khí trong lành và mát mẻ. Học sinh toàn trường tập trung ở trước cửa doanh trại nơi các chú bộ đội của Thành phố đang rèn luyện và học tập. Đúng bảy giờ ba mươi phút, đoàn học sinh của trường em đã ổn định tổ chức trong sân doanh trại để chuẩn bị dự phần lễ của cuộc giao lưu.

Nơi đóng quân của các chú bộ đội là một doanh trại lớn nằm trên một khu đất rộng cách xa trung tâm thành phố. Doanh trại được chia làm hai khu, một khu kí túc xá của các chú bộ đội, một khu hành chính làm việc của lãnh đạo. Đó là hai dãy nhà ba tầng khang trang sạch sẽ được sơn màu vàng dịu nhẹ. Giữa hai dãy nhà là một khoảng sân rộng lớn, có nhiều cây bóng mát.  Sau lưng doanh trại là một khoảng đất lớn là nơi để các chú bộ đội tập luyện các thao tác chiến trường.

Trong phần lễ của buổi giao lưu, chú chỉ huy của đơn vị và cô hiệu trưởng lên phát biểu và tuyên bố lí do, sau đó đến phần giao lưu văn nghệ. Các chú bộ đội không chỉ là những anh lính dũng cảm trên chiến trường với những bước đi khỏe khoắn, vững chãi mà còn là những nghệ sĩ rất tài hoa với đủ mọi thứ tài lẻ như ca hát, đánh đàn, nhảy, múa kiếm, võ thuật,… các tiết mục văn nghệ của các chú bộ đội và các tiết mục do học sinh và giáo viên nhà trường tổ chức được trình bày xem kẽ nhau, tạo thành một buổi giao lưu cực kì hấp dẫn. Đặc biệt là tiết mục kể chuyện cười của chú Lam. Chú Lam có dáng người cao, nước da tráng kiện và gương mặt chữ điền láu lỉnh với nụ cười rạng rỡ như mùa thu tỏa nắng. Trong tiết mục biểu diễn của mình, chú Lam kể rất nhiều những câu chuyện hài lí thú hấp dẫn đám học sinh chúng em. Có những câu chuyện lần đầu tiên chúng em được biết, có những câu chuyện mọi người đều đã biết nhưng qua cách kể chuyện hóm hỉnh và tài ba của chú lam, tất cả đều trở nên li kì và thú vị hơn bao giờ hết. Tiết mục kết thúc trong một tràng pháo tay vang rội như tiếng pháo, làm náo động cả doanh trại.

Kết thúc phần giao lưu văn nghệ, chúng em được chia nhau đi thăm quan nơi ở và tập luyện của các chú bộ đội. Mỗi nhóm học sinh sẽ được chính các chú dẫn đi thăm quan khuôn viên của doanh trại và giới thiệu về lịch sử của đơn vị cũng như nói về cuộc sống tập luyện hàng ngày. Tất cả mọi người đều rất vui vì tấm lòng cởi mở, thân thiện và hiếu khách của các chú. Nhóm chúng em may mắn được chú Lam làm “hướng dẫn viên”. Suốt buổi thăm quan, chú giới thiệu rất hay về cuộc sống hàng ngày trong quân đội. Theo lời kể của chú, chúng em được biết rằng mỗi ngày các chú phải thức dậy lúc bốn giờ năm mươi lăm phút sáng , vệ sinh cá nhân trong năm phút và đúng năm giờ phải có mặt trong hàng để điểm danh. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt kỉ luật, hạ thi đua và dọn vệ sinh trong một tuần. Sau đó toàn đơn vị sẽ tập kết ra khoảng đất trống sau doanh trại và bắt đầu tập luyện. Thỉnh thoáng trong câu chuyện của mình, chú Lam lại nói đùa một vài câu làm cả đám cười khúc khích. Việc tập luyện trong quân ngũ là một việc hết sức khó khăn và khắc nghiệt. Chú Lam kể ngày đầu mới vào quân đội, với cường độ tập luyện nghiêm ngặt, đã có lúc chú và các bạn của mình muốn từ bỏ, nhưng nghĩ đến quê hương đất nước, nghĩ đến nghĩa vụ công dân và lịch sử vẻ vang của dân tộc, các chú lại cố gắng kiên trì tập luyện. Trong lời kể của chú Lam, em cảm nhận được những khó khăn mà các chú đã gặp phải nhưng còn nhiều hươn thế là niềm tự hào và hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt và trong nụ cười.

Sau khi được tham quan và trò chuyện cùng các chú bộ đội, chúng em được thưởng thức một “bữa trưa quân ngũ”. Mọi người cùng nhau ăn uống rất vui vẻ, các chú bộ đội rất nhiệt tình và thân thiện. Trong bữa ăn, chúng em đã học hỏi được một điều rằng phải ăn hết phần đồ ăn của mình và tự rửa chén bát sau bữa ăn. Quả là một cuộc sống với kỉ luật thép!

Cuối cùng của buổi giao lưu là phần hội. Chúng em được tham gia các trò chơi cùng các chú bộ đội như: kéo co, bịp mắt bắp dê,… Quả là một ngày đáng nhớ. Cuối cùng và có lẽ cũng là phần mà lũ học sinh mong được nhất trong ngày là được các chú bộ đội hướng dẫn cách tháo lắp súng và các tư thế vận động trên chiến trường. Nhìn các chú bộ đội tháo lắp súng và thực hiên các thao tác mới chuyên nghiệp làm sao! Chúng em rất vui và tự hào vì được gặp gỡ và giao lưu với các chú bộ đội.

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM