Xét nghiệm Homocysteine - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Homocysteine là một phân tử gồm 20 amino acid (amino acid là các phân tử cần để cơ thể tổng hợp tất cả protein). Vậy xét nghiệm Homocysteine để làm gì? Cần lưu ý những gì trong quá trình thực hiện xét nghiệm? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Xét nghiệm Homocysteine - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm Homocysteine

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: máu

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm homocysteine là gì?

Homocysteine là một phân tử gồm 20 amino acid (amino acid là các phân tử cần để cơ thể tổng hợp tất cả protein). Vì homocysteine không thể được lấy từ thức ăn nên nó phải được tổng hợp từ các amino acid khác, chẳng hạn như methionine (có trong thịt, cá và các chế phẩm từ sữa). Vitamin B6 (pyridoxine), vitamin B12 và folic acid cũng cần để giúp các phản ứng này xảy ra.

Tăng nồng độ homocysteine trong máu có liên quan với nhồi máu cơ tim, đột quỵ và sự tạo thành huyết khối (cục máu đông). Nếu bạn bị một trong những bệnh này và không có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol hoặc đái tháo đường, bác sĩ của bạn thường sẽ đi tìm những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ít gặp hơn, bao gồm kiểm tra nồng độ homocysteine trong máu.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm homocysteine?

Máu và nước tiểu của trẻ sơ sinh thường được kiểm tra xem có tăng nồng độ homocysteine không nếu chúng có tiền căn gia đình mắc bệnh, hoặc nếu chúng có một số bệnh lý như lệch thủy tinh thể (là tình trạng thể thủy tinh trong mắt bạn bị lệch ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường do sự đứt một phần của các dây chằng cố định thể thủy tinh), thân hình bất thường (trong hội chứng Marfan,  một rối loạn về tổ chức liên kết mang tính di truyền gây tổn thương ở tim, mạch máu, phổi, mắt, xương và dây chằng), chậm phát triển tâm thần hay có dấu hiệu của đột quỵ.

Bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc huyết khối thường được tầm soát các rối loạn đông máu, kể cả xét nghiệm homocysteine máu.

Nồng độ homocysteine cũng còn được đo khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ mà không có yếu tố nguy cơ bệnh (hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol, tiểu đường).

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm homocysteine?

Có thể tiến hành xét nghiệm nước tiểu để giúp phát hiện và theo dõi lượng homocysteine niệu. Tuy nhiên xét nghiệm máu chính xác hơn.

Nếu một người có tiền căn gia đình bị xơ vữa động mạch sớm hoặc có thành viên trong gia đình được chẩn đoán có homocysteine trong nước tiểu, người này nên được kiểm tra tìm những đột biến gen đã xuất hiện ở những thành viên gia đình mắc bệnh.

Nồng độ homocysteine có thể tăng theo tuổi, khi bạn hút thuốc và khi sử dụng thuốc chẳng hạn như carbamazepine, phenyltoin (hai loại thuốc chống động kinh) và methotrexate (thuốc ức chế miễn dịch và điều trị ung thư).

Nồng độ homocysteine ở nữ thấp hơn nam. Nồng độ homocystein ở nữ tăng lên sau khi mãn kinh, khả năng là do sự giảm sản xuất estrogen.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm homocysteine?

Đừng ăn uống bất kỳ thứ gì (trừ uống nước) trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi xét nghiệm.

Nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nói với bác sĩ về tất cả những loại thuốc không kê đơn và kê đơn mà bạn đang dùng.

Hãy nói với bác sĩ về bất cứ mối lo ngại nào bạn có, bao gồm tính cần thiết của xét nghiệm này, nguy cơ của nó, cách thực hiện và ý nghĩa của kết quả.

Quy trình thực hiện xét nghiệm homocysteine là gì?

Khi thực hiện xét nghiệm homocysteine, chuyên viên y tế lấy máu sẽ:

Quấn một dải băng quanh tay bạn để làm ngưng máu lưu thông; Sát trùng chỗ lấy máu bằng cồn; Đâm kim tiêm vào tĩnh mạch. Có thể nhiều hơn một lần nếu cần thiết; Gắn một cái ống để đựng máu chảy ra; Tháo dải băng quanh tay bạn sau khi lấy đủ máu; Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm; Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm homocysteine?

Có rất ít nguy cơ có thể xảy ra với việc lấy máu tĩnh mạch.

Bạn có thể bị một vết bầm nhỏ tại chỗ lấy máu. Bạn có thể tránh điều này bằng cách đè giữ lên vùng tiêm trong vài phút sau lấy máu.

Trong những trường hợp hiếm, tĩnh mạch có thể trở nên sưng lên sau khi lấy máu. Vấn đề này được gọi là viêm tĩnh mạch. Bạn có thể được đắp ấm lên vùng tĩnh mạch này trong vài ngày để điều trị viêm tĩnh mạch.

Chảy máu có thể là vấn đề với những người có những rối loạn về máu. Một vài loại thuốc giảm đông máu như Aspirin, Warfarin cũng có thể gây ra chảy máu. Nếu bạn có bệnh lý về máu, hoặc đang sử dụng những loại thuốc chống đông máu, hãy nói điều này với bác sĩ của bạn trước khi thực hiện xét nghiệm.

Bạn có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường sau khi làm xét nghiệm. Bạn sẽ được hẹn lịch để lấy kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm có ý nghĩa như thế nào. Bạn nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Giá trị bình thường được liệt kê ở đây – gọi là khoảng tham chiếu – chỉ có giá trị hướng dẫn. Các khoảng này thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm, và phòng xét nghiệm của bạn có thể có khoảng giá trị bình thường khác với những nơi khác. Bảng kết quả của phòng xét nghiệm sẽ có ghi khoảng giá trị bình thường mà ở đó sử dụng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả của bạn dựa trên tình trạng bệnh và các yếu tố nguy cơ khác. Điều này có nghĩa là nếu một giá trị rơi ra ngoài khoảng tham chiếu vẫn có thể là bình thường đối với bạn hoặc phòng xét nghiệm khác.

Kết quả bình thường

Giá trị bình thường của xét nghiệm này trong khoảng 0.54-2.3 mg/l hoặc 4-17 micromol/l.

Nhiều tình trạng có thể ảnh hưởng đến nồng độ homocysteine. Bác sĩ sẽ thảo luận các kết quả bất thường rõ rệt với bạn khi xem xét tương quan với các triệu chứng và tiền căn của bạn.

Giá trị cao

Nồng độ homocysteine cao có thể gây ra do:

Không đủ folic acid, vitamin B6 hoặc vitamin B12 trong chế độ ăn. Các bệnh lý khác, chẳng hạn như homocysteine niệu, bệnh thận, suy giáp, bệnh Alzheimer hoặc một số loại ung thư. Uống quá nhiều rượu. Giới tính của bạn. Nồng độ homocysteine ở nam giới thường cao hơn nữ. Tuổi tác: nồng độ homocysteine tăng lên khi bạn già đi.

Giá trị thấp

Nồng độ homocysteine thấp có thể gây ra một số thuốc hoặc vitamin như folic acid, vitamin B12 hoặc niacin (vitamin B3).

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm Homocysteine, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và thực hiện xét nghiệm!

Ngày:12/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM