Bệnh u trung thất - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

U trung thất là các khối u phát sinh ở vùng trung thất. Hầu hết trường hợp u trung thất cần được phẫu thuật. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh u trung thất - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

U trung thất là các khối u nguyên phát hoặc thứ phát, lành tính hay ác tính phát sinh ở vùng trung thất. Vùng trung thất là khu vực ở ngực, được bao quanh bởi xương ức ở phía trước, đốt sống ngực ở phía sau, hai bên là màng phổi trung thất, mặt dưới là cơ hoành, mặt trên là nền cổ. Trung thất chứa tim, động mạch chủ, thực quản, tuyến ức, khí quản, hạch bạch huyết và dây thần kinh.

Trong các bệnh lý trung thất thì u trung thất chiếm phần lớn (khoảng 90% các bệnh của trung thất).

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u trung thất là gì?

Gần 40% người mắc khối u trung thất không biểu hiện triệu chứng. Hầu hết các khối u trung thất thường vô tình được phát hiện trên phim chụp X-quang ngực trong chẩn đoán bệnh lý khác.

Các triệu chứng thường xuất phát từ áp lực của các khối u lên cấu trúc xung quanh chẳng hạn như tủy sống, tim hoặc màng ngoài tim (niêm mạc của tim). Ngoài ra còn có:

  • Ho;
  • Khó thở, thở khò khè, thở rít;
  • Mệt mỏi;
  • Đau thắt ngực (khá hiếm);
  • Mặt bừng đỏ;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Ho ra máu;
  • Khàn tiếng;
  • Khó nuốt, nuốt sặc;
  • Nấc;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Viêm hạch bạch huyết (sưng hạch hoặc đau hạch, hạch to vùng cổ và vùng trên đòn);
  • Các vấn đề về mắt (sụp mí mắt, co đồng tử) ở một bên của khuôn mặt;
  • Rối loạn nhịp thở, tăng huyết áp, tăng tiết nước bọt;
  • Hội chứng Pierre Marie: ngón tay dùi trống, dầy cốt mạc đầu chi, đau các khớp cổ chân, bàn chân, bàn tay…

3. Nguyên nhân

Một số loại u trung thất có liên quan đến vị trí chúng hình thành trong trung thất.

Trung thất trước

  • Lymphoma (u lympho ác tính): Có 2 loại lymphoma phổ biến là u lympho Hodgkin (trước đây gọi là bệnh Hodgkin) và u lympho không Hodgkin;
  • U tuyến ức và u nang tuyến ức: Phần lớn các u tuyến ức là lành tính và được bao quanh bởi một nang sợi. Tuy nhiên, khoảng 30% trong số này có thể tiến triển ác tính vào các mô khác.
  • Tế bào mầm: Phần lớn các khối u tế bào mầm (60-70%) là lành tính, có thể phát triển ở cả nam giới và nữ giới.
  • U tuyến giáp: U dạng lành tính như bướu cổ.

Trung thất giữa

  • U nang phế quản: U dạng lành tính có nguồn gốc từ hệ hô hấp.
  • U hạch bạch huyết: Do các hạch bạch huyết phát triển phì đại.
  • U nang màng ngoài tim: U do tăng trưởng lành tính của màng ngoài tim;
  •  U khí quản, u thực quản: U dạng này có thể là lành tính hoặc ác tính.
  • Bất thường thực quản: Bao gồm co thắt thực quản (achalasia), túi thừa và thoát vị hoành (thoát vị gián đoạn).
  • Bất thường mạch máu: Bao gồm phình động mạch chủ và bóc tách động mạch chủ.

Trung thất sau

  • Các khối u thần kinh: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây u trung thất sau. Khoảng 70% các khối u thần kinh là lành tính.
  • U hạch bạch huyết: Do các hạch bạch huyết phát triển phì đại.
  • Tạo máu ngoài tủy: Một nguyên nhân hiếm gặp của khối u hình thành từ tủy xương phì đại, gây thiếu máu nghiêm trọng.
  • Nang thần kinh ruột: U hiếm gặp, liên quan đến cả các yếu tố thần kinh và hệ tiêu hóa.
  • Bất thường cột sống: Bao gồm các tình trạng nhiễm trùng, u ác tính và chấn thương đốt sống ngực.
  • Bất thường mạch máu, chẳng hạn như phình động mạch chủ.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán u trung thất?

Các xét nghiệm thường được sử dụng nhất để chẩn đoán và đánh giá tình trạng u trung thất bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) ngực;
  • Siêu âm;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) có tiêm thuốc tương phản đường tĩnh mạch;
  • Xét nghiệm máu;
  • Sinh thiết dùng kim hoặc chọc hút, có thể có kèm chụp X-quang ngực ;
  • Nội soi thực quản có thể giúp chẩn đoán phân biệt u trung thất và u thực quản Nội soi phế quản để chẩn đoán phân biệt u trung thất và u phế quản, đồng thời có thể sinh thiết khối u (sinh thiết phế quản hoặc xuyên thành phế quản) để xét nghiệm mô học Nội soi trung thất kết hợp sinh thiết.

Những phương pháp điều trị u trung thất

Mọi khối u trung thất nếu không có chống chỉ định tuyệt đối thì đều nên được chỉ định phẫu thuật sớm. Phẫu thuật vừa là phương pháp điều trị vừa là phương pháp giúp chẩn đoán xác định khối u về vị trí, giai đoạn tiến triển và mô bệnh học, từ đó xác định đường hướng điều trị bổ sung sau mổ (dùng hóa chất, chiếu xạ…).

  • U tuyến ức: Tất cả các u tuyến ức đều có chỉ định điều trị ngoại khoa. Nếu người bệnh có kèm theo triệu chứng nhược cơ nặng thì phải điều trị nội khoa trước. Tùy theo giai đoạn bệnh và bản chất mô bệnh học của khối u, phẫu thuật có thể đạt kết quả tốt đến 95%.
  • U thần kinh: Các u thần kinh thường ở trung thất sau nên bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật qua đường mở ngực sau và gây mê nội khí quản hoặc nội soi lồng ngực. Nhiều trường hợp u thần kinh ác tính xâm lấn mạnh các cơ quan xung quanh và vào tủy sống thì phẫu thuật có thể chỉ loại bỏ được một phần khối u.
  • U quái: U quái thường ở trung thất, về cơ bản là u lành tính nhưng u quái có thể bám dính nhiều vào các cơ quan xung quanh, gây khó khăn cho phẫu thuật, dễ làm tổn thương các cơ quan có ảnh hưởng.
  • Bướu giáp trong lồng ngực: Có 2 loại là bướu giáp cổ trung thất và bướu giáp trong trung thất. Bướu giáp cổ trung thất là khi bướu có một phần vẫn sờ thấy được ở vùng cổ nên không hoàn toàn là u trung thất. Khi này người bệnh có thể được phẫu thuật mổ cắt bỏ bướu giáp qua đường mổ ở cổ. Bướu giáp trong trung thất thì ít gặp hơn. Toàn bộ bướu giáp nằm lạc chỗ vào trong trung thất. Người bệnh cần được phẫu thuật mở xương ức theo đường giữa để cắt được bướu một cách triệt để và an toàn.

Một số khối u nang nếu không phải là ung thư và không gây ra vấn đề thì người bệnh thường được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ tình trạng u thay vì phẫu thuật ngay.

5. Biến chứng

U trung thất cả 2 dạng u lành tính và ác tính đều cần được theo dõi, điều trị.

Khi các khối u lành tính phát triển, chúng sẽ chèn ép các cơ quan và mô xung quanh, có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan đó. Đối với u ác tính, chúng có thể di căn sang các khu vực khác của cơ thể. Nếu u phát triển ảnh hưởng đến tim hoặc các mạch máu của tim thì có thể dẫn đến tử vong. U trung thất cũng có thể xâm lấn cột sống, dẫn đến chèn ép tủy sống.

Phác đồ điều trị áp dụng hóa trị và xạ trị có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Thay đổi khẩu vị;
  • Xuất huyết ;
  • Thiếu máu;
  • Táo bón;
  • Tiêu chảy;
  • Mệt mỏi;
  • Rụng tóc;
  • Nhiễm trùng;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Đau ;
  • Sưng tấy.

Bức xạ cũng có thể gây ra những thay đổi trên da chẳng hạn như:

  • Khô da;
  • Ngứa da;
  • Da bị bong tróc;
  • Da nổi bóng nước, phồng rộp.

6. Phòng ngừa

Các khối u trung thất không có biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có thể cải thiện cơ hội điều trị bằng cách phát hiện khối u sớm. Nếu bị khó thở, ho hoặc xuất hiện các triệu chứng như đã nêu kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh cần đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Mỗi loại khối u đều khác nhau và có thể là cả u lành hoặc u ác tính. Do đó, người bệnh cần theo dõi tiến triển bệnh theo thời gian để bảo đảm sức khỏe.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh U trung thất, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM