Tiếng Việt lớp 5 bài 1A: Lời khuyên của Bác

Nội dung bài học Lời khuyên của Bác giúp các em hiểu được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường. Bên cạnh đó các các em còn phân biệt được từ đồng nghĩa. eLib mời các em tham khảo nội dung bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 1A: Lời khuyên của Bác

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 3 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Câu hỏi:

a. Quan sát bức tranh minh hoạ cho chủ điểm Việt Nam - Tổ quốc em.

b. Nghe thầy cô giới thiệu để hiểu bức tranh cho ta biết điều gì về Tổ quốc Việt Nam.

Hướng dẫn giải:

a. Bức tranh minh hoạ cho chủ điểm Việt Nam - Tổ quốc em có hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới, Bác Hồ cùng các em thiếu nhi từ nhiều dân tộc khác nhau.

b. Bức tranh cho ta biết được rằng: Ngày 2-9-1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là một đất nước có nhiều anh em dân tộc khác nhau nhưng đoàn kết và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

1.2. Văn bản "Thư gửi các học sinh"

Thư gửi các học sinh

(Trích)

"Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu. "

Hồ Chí Minh

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung của bài tập đọc "Thư gửi các học sinh" là bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh thân gửi các em học sinh thân yêu nhân ngày khai trường đầu tiên sau khi đất nước giành được chủ quyền. Bác nhắc nhở các bạn học sinh về sự hi sinh của nhiều người mới có nền độc lập, các bạn cần cố gắng học tập vì tương lai đất nước nằm trong tay các bạn.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Việt Nam dân chủ Cộng hoà: tên nước ta từ năm 1945 đến năm 1976.

- Bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường: ý nói những sự kiện lớn từ giữa năm 1945 đến ngày khai giảng, nổi bật là cuộc Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- 80 năm giời nô lệ: 80 năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ.

- Cơ đồ: sự nghiệp lớn; ở đây có nghĩa là đất nước, giang sơn.

- Hoàn cầu: thế giới.

- Kiến thiết: xây dựng.

- Các cường quốc năm châu: các nước giàu mạnh trên thế giới.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu hỏi: 

1. Ngày khai trường tháng 9 năm 1945 có gi đặc biệt so với những ngày khai trường trước đó?

2. Sau Cách mạng tháng Tám, nhiệm vụ của toàn dân là gì?

3. Theo Bác Hồ, vì sao học sinh phải siêng năng học tập, rèn luyện?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Vì đó là việc làm để bắt buộc đối với mỗi học sinh.

b. Vì đó là việc làm giúp nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

c. Vì đó là việc làm giúp nước nhà thoát khỏi cảnh yếu hèn sau hơn 80 năm trời nô lệ.

Hướng dẫn giải:

1. Ngày khai trường tháng 9 năm 1945 đặc biệt so với những ngày khai trường khác bởi đây là ngày khai giảng đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, là ngày khai trường đầu tiên sau 80 năm làm nô lệ, và đây cũng là ngày khai giảng đầu tiên để mở ra một nên giáo dục mới cho các em học sinh.

2. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhiệm vụ của toàn dân là xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ông cha ta đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước toàn cầu.

3. Theo Bác Hồ, học sinh phải siêng năng học tập, rèn luyện vì: 

Đáp án:

b. Vì đó là việc làm giúp nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

1.6. Tìm hiểu từ đồng nghĩa

Câu hỏi: 

So sánh nghĩa của hai cặp từ sau để hiểu thế nào là từ đồng nghĩa:

a. học sinh - học trò

Nghĩa của hai từ học sinh, học trò có điểm nào giông nhau?

b. Khiêng - vác

Nghĩa của hai từ khiêng - vác có điểm nào giống nhau, có điểm nào khác nhau?

Hướng dẫn trả lời:

a. Hai từ học sinh, học trò cùng chỉ người theo học ở trường.

b. Nghĩa của hai từ khiêng, vác có điểm:

  • Giống nhau: nâng và chuyển vật nặng hoặc cồng kềnh.
  • Khác nhau: thao tác bằng sức của hai hay nhiều người hợp lại (khiêng); thao tác bằng cách đặt lên vai (vác). 

2. Hoạt động thực hành

Câu 1. Xếp 6 từ in đậm trong đoạn sau thành ba cặp từ đồng nghĩa:

"Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em."

HỒ CHÍ MINH

Hướng dẫn giải:

Ba cặp từ đồng nghĩa trong đoạn văn trên là:

  • Cặp 1: Nước nhà và non sông
  • Cặp 2: Xây dựng và kiến thiết
  • Cặp 3: Hoàn cầu và năm châu

Câu 2. Viết từ đồng nghĩa với mỗi từ sau đây: đẹp, to, học tập.

Hướng dẫn giải:

Từ đồng nghĩa với đẹp, to và học tập là:

  • Đồng nghĩa với từ đẹp là: xinh, xinh đẹp, xinh xắn, tươi đẹp, xinh tươi, đẹp đẽ...
  • Đồng nghĩa với từ to lớn là: vĩ đại, khổng lồ, hùng vĩ, to tướng, ...
  • Đồng nghĩa với từ học tập là: học, học hỏi, học hành, học việc,...

Câu 3. Đặt câu với một từ đồng nghĩa em vừa tìm được ở hoạt động 2 và viết vào vở.

Hướng dẫn giải:

  • Bạn Ngọc rất xinh đẹp
  • Những nụ cười của các bạn nhỏ rất xinh tươi.
  • Quê hương em có rất nhiều bức tượng đá khổng lồ.
  • Em luôn cố gắng học hỏi từ mọi người xung quanh.
  • Nhiệm vụ lớn nhất của các bạn nhỏ là chăm ngoan, học tốt.

Câu 4. Nghe thầy cô đọc và viết vào vở " Việt Nam thân yêu".

Hướng dẫn giải:

VIỆT NAM THÂN YÊU

"Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả dập dờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cùng một áo nâu nhuộm bùn

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa."

Câu 5. Điền tiếng thích hợp vào mỗi ô trống để hoàn chỉnh các đoạn văn viết về ngày độc lập. Biết rằng:

  • (1) chứa tiếng bắt đầu bằng ng hoặc ngh
  • (2) chứa tiếng bắt đầu bằng g hoặc gh
  • (3) chứa tiếng bắt đầu bằng c hoặc k

Ngày độc lập

"Mùng 2 tháng 9 năm 1945 - một (1) ... đáng (2) ... nhớ. Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát (1)... cờ, đèn, hoa và biểu (1)... Các nhà máy đều (1)... việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động sản xuất, buôn bán của thành phố tạm ngừng. Già, trẻ, (2)..., trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần có mặt trong (1)... hội lớn của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng triệu đồng bào. Lời của vị lãnh tụ điềm đạm, ấm áp, khúc chiết, rõ ràng; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người...

Buổi lễ (3)... thúc bằng những lời thề độc lập. Đó là ý chí (3)... toàn dân Việt Nam (3)... quyết thực hiện lời Hồ Chủ tịch trong bản Tuyên ngôn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Lịch sử đã sang trang. Một kỉ nguyên mới bắt đầu: (3)... nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc."

Theo VÕ NGUYÊN GIÁP 

Hướng dẫn giải:

Ngày độc lập

"Mùng 2 tháng 9 năm 1945 - một ngày đáng ghi nhớ. Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn, hoa và biểu ngữ. Các nhà máy đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động sản xuất, buôn bán của thành phố tạm ngừng. Già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần có mặt trong ngày hội lớn của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng triệu đồng bào. Lời của vị lãnh tụ điềm đạm, ấm áp, khúc chiết, rõ ràng; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người...

Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập. Đó là ý chí của toàn dân Việt Nam kiên quyết thực hiện lời Hồ Chủ tịch trong bản Tuyên ngôn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Lịch sử đã sang trang. Một kỉ nguyên mới bắt đầu: kỉ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc."

Theo VÕ NGUYÊN GIÁP 

Câu 6. Điền chữ thích hợp với mỗi ô trống:

- Âm đầu (Âm "cờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là .............

+ Đứng trước các âm còn lại viết là ............

- Âm đầu (Âm "gờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là .............

+ Đứng trước các âm còn lại viết là .............

- Âm đầu (Âm "ngờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là .............

+ Đứng trước các âm còn lại viết là .............

Hướng dẫn giải:

- Âm đầu (Âm "cờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là .....k........

+ Đứng trước các âm còn lại viết là .....c........

- Âm đầu (Âm "gờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là ......gh........

+ Đứng trước các âm còn lại viết là .......g......

- Âm đầu (Âm "ngờ")

+ Đứng trước i, ê, e viết là ......ngh........

+ Đứng trước các âm còn lại viết là ....ng.........

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Chia sẻ với người thân những điều em biết về Tổ quốc qua bức tranh chủ điểm Việt Nam - Tổ quốc em. (Em nói về ý nghĩa của những hình ảnh trong bức tranh: lá cờ Tổ quốc, đường cong hình chữ S, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, các bạn nhỏ đeo khăn quàng với những bộ trang phục khác nhau của các dân tộc).

Hướng dẫn giải:

Dải lãnh thổ Việt Nam trải dài từ bắc đến nam có dáng cong như hình chữ S. Qua nhiều thế kỉ không ngừng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, với tinh thần bất khuất, sự dũng cảm và lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã giành được độc lập. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, non sông liền một dải. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Màu đỏ của lá cờ tượng trưng cho cách mạng, ngôi sao màu vàng tượng trưng cho dân tộc da vàng, năm cánh ngôi sao là biểu tượng cho sự đoàn kết của các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh (người trí thức, người nông dân, người công nhân, người buôn bán và quân đội). Sự hoà bình và thịnh vượng ngày hôm nay đã mang đến hạnh phúc cho các bạn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Dù trang phục có khác nhau của các dân tộc anh em nhưng các bạn đều vui vẻ, phấn khởi tung tăng đến trường với chiếc khăn quàng đỏ trên vai.

4. Tổng kết 

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung bài Tập đọc: Thư gửi các học sinh.

- Phân biệt được từ đồng nghĩa, và vận dụng giải bài tập SGK.

Ngày:05/11/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM