Tiếng Việt lớp 5 bài 26A: Nhớ ơn thầy cô

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình cảm thầy trò sâu nặng của thầy Chu Văn An. Từ đó, các em có thái độ trân trọng, yêu quý thầy cô của mình hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 26A: Nhớ ơn thầy cô

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 86 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát bức tranh sau và trả lời câu hỏi: Người trong tranh là ai và họ đang làm gì?

Hướng dẫn giải:

Tranh vẽ lại cảnh vào ngày mừng thọ của cụ giáo Chu Văn An, cụ Chu đã dẫn các học trò của mình tới bái lạy người thầy đã dạy cụ từ thuở vỡ lòng.

1.2. Văn bản "Nghĩa thầy trò"

Nghĩa thầy trò

Từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước sân nhà cụ giáo Chu để mừng thọ thầy. Cụ giáo đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thâm ngồi trên sập. Mấy học trò cũ từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý. Cụ giáo hỏi thăm công việc của từng người, bảo ban các học trò nhỏ, rồi nói:

- Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ, nhân có đông đủ môn sinh, thầy muốn mời tất cả các anh theo thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.

Các môn sinh đồng thanh dạ ran. Thế là cụ giáo Chu đi trước, học trò theo sau. Các anh có tuổi đi sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, cuối cùng là mấy chú tóc để trái đào. Cụ giáo Chu dẫn học trò đi về cuối làng, sang tận thôn Đoài, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ mà sáng sủa, ấm cúng. Ở hiên trước, một cụ già trên tám mươi tuổi râu tóc bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ giáo Chu bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói ta:

- Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy.

Cụ già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Cụ đã nặng tai. Thầy giáo Chu lại nói to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thì ra đây là cụ đồ xưa kia đã dạy vỡ lòng cho thầy.

Tiếp sau cụ giáo Chu, các môn sinh của cụ lần lượt theo lứa tuổi vái tạ cụ đồ già. Ngày mừng thọ thầy Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò.

Theo HÀ ÂN

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Nghĩa thầy trò" mang đến cho người đọc một câu chuyện cảm động về tình thầy trò của cụ giáo Chu, tức cụ Chu Văn An. Tình cảm thầy trò ấy của cụ giáo Chu thật đáng trân trọng và noi gương theo. Các học trò đến mừng thọ thầy, nhưng thầy lại đưa tất cả học trò đến vái lạy thầy giáo của mình, một cụ già đã dạy thầy từ thuở vỡ lòng. Tình nghĩa thầy trò, uống nước nhớ nguồn từ cụ giáo Chu truyền cho thế hệ sau này.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Cụ giáo Chu: tức Chu Văn An (1292 - 1370), một nhà giáo nổi tiếng đời Trần.

- Môn sinh: học trò của cùng một thầy giáo.

- Áo dài thâm: áo dài màu đen.

- Sập: giường gỗ, mặt liền với chân, xung quanh có diềm.

- Vái: Chắp tay giơ lên hạ xuống, đồng thời cúi đầu, để tỏ lòng cung kính.

- Tạ: cảm ơn hoặc xin lỗi một cách kính cẩn.

- Cụ đồ: Người dạy chữ Nho thờ trước.

- Vỡ lòng: Bắt đầu học (chữ).

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy giáo để làm gì?

Hướng dẫn giải:

Trong văn bản tác giả đã cho người đọc thấy rất rõ mục đích các môn sinh đến nhà của cụ giáo Chu từ sáng sớm để mừng thọ thầy, đây là một hành động về nghĩa thầy trò rất đáng để ca ngợi, đồng thời từ hành động mừng thọ này ta cũng thấy được các học trò rất yêu quý và kính trọng thầy - người đã dìu dắt, dạy dỗ họ trưởng thành.

Câu 2: Tìm những chi tiết cho thấy:

- Các học trò rất tôn kính cụ giáo Chu.

- Cụ giáo Chu tôn kính thầy giáo cũ của mình.

Hướng dẫn giải:

- Những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu đó là:

+ "Ngay từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước nhà thầy giáo Chu để mừng thọ thầy".

+ "Họ dâng biếu thầy những cuốn sách quý".

+ "Khi nghe thầy bảo cùng với thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng thì tất cả đều đồng thanh dạ ran".

+ "Họ kính cẩn đi theo thầy theo thứ tự trước sau".

- Những chi tiết trong bài biểu hiện tình cảm tôn tính của cụ giáo Chu đối với thầy giáo đã dạy mình từ thuở nhỏ:

+ "Dù đã nhiều năm nhưng thầy vẫn luôn coi người thầy đã dạy mình từ thuở nhỏ là người mà mình mang ơn rất nặng".

+ "Vào ngày mừng thọ của mình khi các môn sinh đã tề tựu bên mình điều mà cụ muốn làm nhất lại là cùng các môn sinh đến thăm thầy giáo cũ của mình".

+ "Thầy chắp tay cung kính vái cụ đồ".

+ "Thầy cung kính thưa với cụ: Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy”.

+ "Cụ đồ nặng tai nghe không rõ thầy giáo Chu không ngại cung kính thưa với cụ lần nữa".

Câu 3: Những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu?

a. Tiên học lễ, hậu học văn

b. Uống nước nhớ nguồn

c. Tôn sư trọng đạo

d. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Hướng dẫn giải:

Những thành ngữ, tục ngữ nói lên bài học mà các môn sinh nhận trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu đó là:

- Uống nước nhớ nguồn.

- Tôn sư trọng đạo.

- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, xếp các từ trong ngoặc đơn thành ba nhóm:

(truyền thống, truyền bá, truyền nghề, truyền tin, truyền máu, truyền hình, truyền nhiễm, truyền ngôi, truyền tụng)

a. Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau).

b. Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết.

c. Truyền có nghĩa là nhập vào hoặc đưa vào cơ thể người.

Hướng dẫn giải:

- Truyền (trao lại cho người khác, thường thuộc thế hệ sau): truyền nghề, truyền ngôi, truyền thống.

- Truyền (lan rộng hoặc làm lan rộng cho nhiều người biết): truyền bá, truyền hình, truyền tin, truyền tụng.

- Truyền (nhập vào, đưa vào cơ thể người): truyền máu, truyền nhiễm.

Câu 2: Tìm trong đoạn văn sau những từ ngữ chỉ người và sự vật gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc:

Tôi đã có dịp đi nhiều miền đất nước, nhìn thấy tận mắt bao nhiêu dấu tích của tổ tiên để lại, từ nắm tro bếp của thuở các vua Hùng dựng nước, mũi tên đồng Cổ Loa, con dao cắt rốn bằng đá của cậu bé làng Gióng nơi vườn cà bên sông Hồng, đến thanh gươm giữ thành Hà Nội của Hoàng Diệu, cả đến chiếc hốt đại thần của Phan Thanh Giản... Ý thức cội nguồn, chân lí lịch sử và lòng biết ơn tố tiên truyền đạt qua những di tích, di vật nhìn thấy được là một niềm hạnh phúc vô hạn nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý nơi mỗi con người. Tất cả những di tích này của truyền thống đều xuất phát từ những sự kiện có ý nghĩa diễn ra trong quá khứ, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đạo sống của những thế hệ mai sau.

Theo HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Hướng dẫn giải:

- Những từ ngữ chỉ người gợi nhớ đến truyền thống dân tộc: Các vua Hùng, cậu bé làng Gióng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản...

- Những từ ngữ chỉ sự vật gợi nhớ đến lịch sử và truyền thống dân tộc: Nắm tro bếp thuở các vua Hùng dựng nước, mũi tên đồng cổ Loa, con dao cắt rốn bằng đá cùa cậu bé làng Gióng, Vườn cà bên sông Hồng, thanh gươm giữ thành Hà Nội của Hoàng Diệu, chiếc hốt đại thần của Phan Thanh Giản.

Câu 3: Tìm các tên riêng trong bài sau và cho biết các tên riêng đó được viết hoa như thế nào?

Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động

Ngày 1-5-1886, công nhân thành phố Chi-ca-gô, nước Mĩ, xuống đường biểu tình đòi làm việc theo chế độ 8 giờ một ngày. Từ Chi-ca-gô, làn sóng bãi công lan nhanh ra các thành phố Niu Y-oóc, Ban-ti-mo, Pít-sbơ-nơ,... Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Đặc biệt, ở Chi-ca-gô, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hàng trăm người chết và bị thương. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 1-5 hằng năm đã được chọn làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Hướng dẫn giải:

- Các tên riêng có trong bài đó là: Chi-ca-gô, Mĩ, Niu Y-oóc, Ban-ti-mo, Pít-sbơ-nơ.

- Cách viết hoa:

+ Viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận của tên. Giữa các tiếng trong một bộ phận của tên được ngăn cách bằng dấu gạch nối.

+ Viết hoa chữ cái đầu vì đây là tên riêng nước ngoài nhưng đọc theo âm Hán Việt.

Câu 4: Nghe thầy cô đọc và viết vào vở đoạn văn sau:

Tác giả bài Quốc tế ca

Ơ-gien Pô-chi-ê sinh trưởng trong một gia đinh công nhân nghèo ở Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Thuở nhỏ, ông không có điều kiện đi học. Năm 15 tuổi, ông theo cha làm thợ đóng gói, rồi chạy việc cho một hiệu bán giày. Mãi về sau, ông mới học đọc, học viết và làm thợ in hoa trên vải.

Tháng 3-1871, Pô-chi-ê tham gia Công xã Pa-ri, Công xã thất bại, ông bị truy nã gắt gao, phải trốn trong nhà một người bạn. Chính trong giờ phút khó khăn này, nhớ lại những ngày chiến đấu hào hùng, ông đã sáng tác bài thơ Quốc tế ca. Bài thơ được nhạc sĩ Pi-e Đơ-gây-tê phổ nhạc năm 1888, nhanh chóng truyền đi khắp nơi và trở thành bài ca của giai cấp công nhân thế giới.

Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!

Vùng lên, hỡi ai cực khổ, bần hàn!

Lời ca hùng tráng vang lên trong các cuộc đấu tranh sục sôi của người lao động có sức mạnh kì lạ, lay động hàng triệu con tim, thôi thúc những người bị áp bức, bóc lột siết chặt hàng ngũ phấn đấu cho một ngày mai tươi sáng, môt thế giới công bằng.

NGUYỄN HOÀNG

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa tên riêng như: Ơ-gien Pô-chi-ê, Pa-ri, Pháp,...

- Đặt dấu câu phù hợp.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Kể cho người thân nghe một kỉ niệm của em về cô giáo/ thầy giáo cũ.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

“Tạm biết gấu misa nhé, tạm biệt thỏ trắng xinh, mai tôi vào lớp 1 rồi", những câu hát đó vẫn mãi vang vọng trong lòng chúng ta. Kỉ niệm về những năm học đầu đời thật sự khó quên. Đặc biệt là kỉ niệm năm lớp một của em.

Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết. Đến cuối buổi học, cô Nhung trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: "Bạn Trang hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều." Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: "Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?" Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: "Tuy vậy, bạn Trang vẫn quên. Cô phê bình Trang trong buổi học ngày hôm nay." Rồi cô nhìn thẳng em và nói: "Cô hi vọng Trang sẽ nhớ lời cô dặn." Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. "Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn." - Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng. Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp.

Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Tôi 14 tuổi. Cái tuổi này chưa phải là lớn nhưng cũng không còn bé nữa. Tôi đã đủ lớn để nhận thức được đúng – sai. Tôi đã biết khóc trước những mảnh đời bất hạnh, biết cười khi thấy người khác vui. Tôi đã biết cúi xuống nhặt mảnh chai dưới đường để bảo vệ chân mình và chân những người đi sau. Tôi cũng đã biết biết ơn những người có ơn với tôi nữa. Tất cả những điều ấy đều là do thầy đã dạy tôi.

Tôi vẫn thường được nhìn thấy thầy vào mỗi buổi sớm mai, khi mà thầy đi dạy qua nhà tôi. Tôi vẫn thường cảm thấy lòng bồi hồi nhớ lại quãng thời gian trước đây vào lúc đó ngoài ra thì lại không (!?). Hôm nay thì lại khác. Tôi nghe một đoạn quảng cáo:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng

Là gì? Em biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi.

Câu hát này. sao nó thân quen quá! Cố lục tìm những mảng kí ức bừa bộn, tôi cố tìm những gì liên quan đến câu hát đó.

A! Phải rồi! Nó đây rồi!

Thầy của tôi vẫn để nhạc chuông điện thoại là bài hát này. Thầy hay nói với chúng tôi là thầy rất thích bài hát này, nó ý nghĩa. Thầy nói, sống trên đời là phải biết giữ lại những gì tốt đẹp, quên đi những gì đáng quên. Và đặc biệt là phải biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Như là để gió cuốn đi. .

Thế đấy! Thầy đã dạy chúng tôi phải sống như thế đấy! Vậy mà, bây giờ tôi mới thấm thía. Còm hồi lớp 4, cái thời điểm thầy dạy thì tôi chỉ vâng dạ cho xong chuyện.

Bạn bảo tôi kể về kỉ niệm đáng nhớ về thầy giáo ư? Nhiều lắm, không kể nổi đâu! Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng chính thầy cũng là một kỉ niệm đáng nhớ với tôi rồi!

Tôi vẫn luôn thấy tiếc vì thời gian chúng tôi học với thầy quá ít ỏi. Đến nỗi, tôi cứ cảm thấy áy náy vì chưa làm được cho thầy điều gì cả. Thầy đã dạy dỗ 12 đứa học sinh chúng tôi rất chu đáo. Thầy dạy chúng tôi mẹo làm toán nhanh, dạy cả cách làm một bài văn thế nào cho đúng yêu cầu nữa. Thầy có hẳn một kho tàng truyện cười, tôi nghĩ thế, nên cứ lúc nào chúng tôi mệt là thầy lại kể cho chúng tôi nghe. Học với thầy, chúng tôi luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái.

Nhà thầy ở xa trường hơn 20 cây số, thế mà dù nắng hay mưa, thầy luôn đến lớp đúng giờ. Thầy đến, mang cho chúng tôi bao nhiêu là điều mới lạ. Thầy như cơn gió thổi vào lòng những đứa học sinh lam lũ của mình những luồng gió mới. Thầy như tia nắng ban mai thắp sáng ước mơ tôi, gieo cho chúng tôi bao nhiêu ước mơ và hoài bão.

Thầy vẫn bảo: “Nếu chỉ được một lần duy nhất đi trên con đường đầy hoa, các con sẽ chọn bông hoa nào?”. Giờ thì, con đã hiểu thầy nói gì rồi, thầy ạ. Con sẽ chọn cho con “bông hoa” cơ hội nào đẹp nhất. Thầy cũng bảo thầy không có con, thế nên thầy xem chúng tôi như con của mình vậy. Thầy đối xử với tôi rất tốt. Thế nên chúng tôi vẫn cố gắng làm thầy vui, như cách những đứa con đang báo hiếu cho cha mình vậy.

Thầy trò chúng tôi đã gắn bó với nhau như thế đấy. Ấy vậy mà, sự thật thật trớ trêu. Giữa học kỳ II lớp 4, thầy phải chuyển trường. Khi nghe thầy hiệu phó nói, chúng tôi như không tin vào tai mình. Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy. Đó là thứ 2, ngày 21, tháng 2. Chúng tôi đã khóc rất nhiều. Thầy của tôi sắp phải xa chúng tôi rồi! Phải làm thế nào đây? Thầy cũng đã rơi nước mắt đấy. Thầy trò chúng tôi cứ nhìn nhau mà khóc suốt. Thầy dặn chúng tôi: “Các con ở lại nhớ nghe lời thầy giáo mới, phải chịu khó mà học hành. Cơ hội đến với người ta không nhiều, thế nên các con phải biết nắm bắt. Chúc các con sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Thôi, chào các con ở lại, thầy đi đây! “Chúng tôi đã khóc nhiều lắm. Tôi còn ngây thơ hỏi: “Thầy đi thì bao giờ về ạ?”. Tôi đã từng nghĩ, thầy giờ đã không còn là thầy của tôi nữa rồi!

Nhưng mà không phải vậy đâu, thầy vẫn mãi là thầy của chúng tôi chứ. Bây giờ, mỗi sớm mai thấy thầy, tôi vẫn không quên chào thầy. Và, thật vui, thầy vẫn nhận ra tôi, thầy còn cười với tôi nữa. Tôi cũng rất tự hào vì đến giờ tôi vẫn làm theo lời thầy dạy: Biết tôn sư trọng đạo, biết ơn người có ơn với mình. Hạnh phúc hơn là, hồi lớp 7, khi tôi viết truyện về thầy, truyện của tôi được giải ba đấy. Thầy ơi, thầy có biết không, con viết về thầy được giải ba đấy, thầy ạ !

Đã hơn 4 năm rồi nhưng tôi vẫn không quên được thầy. Có lẽ vì thầy là kỉ niệm khó quên trong lòng tôi. Tuy xa thầy rồi, nhưng những bài học thầy dạy tôi vẫn chưa quên. Thầy ơi, tuy hôm nay đã là 26/11 rồi, nhưng con vẫn nhân ngày nhà giáo Việt Nam, con chúc thầy mạnh khỏe, có một cuộc sống hạnh phúc. Đặc biệt là thành công trong sự nghiệp trồng người cao quý của mình. Và. thầy hãy chờ xem con thực hiện ước mơ của mình như thế nào, thầy nhé!

Sưu tầm

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Nghĩa thầy trò".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Nâng cao kĩ năng Nghe - viết một văn bản.

Ngày:24/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM