Tiếng Việt lớp 5 bài 20A: Gương sáng người xưa

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về vị Thái sư Trần Thủ Độ - một người công tư rõ ràng. Đồng thời, bài học này còn giúp các em mở rộng vốn từ về "công dân". Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 20A: Gương sáng người xưa

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 16 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát tranh minh hoạ cho nội dung bài đọc Thái sư Trần Thủ Độ và trả lời câu hỏi:

a. Bức tranh vẽ cảnh gì?

b. Em biết gì về ông Trần Thủ Độ.

Hướng dẫn giải:

a. Bức tranh vẽ cảnh người làm của Linh Từ Quốc Mẫu mang vàng bạc đến đút lót để xin chức câu đương, Trần Thủ Độ không vì tình cảm vợ chồng mà nhận lời, ông đưa tay từ chối.

b. Trần Thủ Độ là một nhà chính trị của Đại Việt, ông sống vào thời cuối triều Lý đầu triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, thu phục các thế lực phản loạn và trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất.

1.2. Văn bản "Thái sư Trần Thủ Độ"

Thái sư Trần Thủ Độ

Trần Thủ Độ là người có công lập nên nhà Trần, lại là chú của vua và đứng đầu trăm quan, nhưng không vì thế mà tự cho phép mình vượt qua phép nước.

Có lần, Linh Từ Quốc  Mẫu, vợ ông, muốn xin chức câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì vậy phải chặt một ngón chân để phân biệt.

Người ấy kêu van mãi, ông mới tha cho.

Một lần khác, Linh Từ Quốc Mẫu ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà khóc:

- Tôi là vợ thái sư mà bị kẻ dưới khinh nhờn.

Ông cho bắt người quân hiệu đến. Người này nghĩ là phải chết. Nhưng khi nghe anh ta kể rõ ngọn ngành, ông bảo:

- Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa.

Nói rồi, lấy vàng, lụa thưởng cho.

Trần Thủ Độ có công lớn, vua cũng phải nể. Có viên quan nhân lúc vào chầu vua, ứa nước mắt tâu:

- Bệ hạ còn trẻ mà thái sư chuyên quyền, không biết rồi xã tắc sẽ ra sao. Hạ thần lấy làm lo lắm.

Vua đem viên quan đến gặp Trần Thủ Độ và nói:

- Kẻ nào dám tâu xằng với trẫm là Thượng phụ chuyên quyền, nguy cho xã tắc.

Trần Thủ Độ trầm ngâm suy nghĩ rồi tâu:

- Quả có chuyện như vậy. Xin bệ hạ quở trách thần và ban thưởng cho người nói thật.

Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Thái sư Trần Thủ Độ" mang đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng ý nghĩa về một vị Thái sư của thời Trần. Cụ thể, văn bản đã nói về đức hạnh và tấm lòng của Thái sư Trần Thủ Độ đối với vua Trần và đất nước. Ông phân biệt công tư rõ ràng, không chuyên quyền. Ông răn đe kẻ dưới, thưởng phạt công minh, luôn lo lắng cho đất nước.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Thái sư: Chức quan đầu triều thời xưa.

- Câu đương: Một chức vụ nhỏ ở xã, giữ việc bắt bớ, áp giải người có tội.

- Kiệu: Một phương tiện đi lại thời xưa gồm một chiếc ghế ngồi có mái che và đôi đòn khiêng, thường do bốn người khiêng.

- Quân hiệu: Chức quan võ nhỏ.

- Xã tắc: Đất nước, nhà nước.

- Thượng phụ: Từ xưng hô để tỏ ý tôn kính Trần Thủ Độ (Thượng: bề trên, phụ: cha).

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đã làm gì?

Hướng dẫn giải:

Câu chuyện mở đầu bằng việc xin chức câu đương của một người họ hàng vị Thái sư. Người muốn được làm câu đương vốn là "người nhà" của Linh Từ Quốc Mẫu. Anh ta chắc mẩm trong bụng thế nào mọi việc cũng sẽ xong xuôi tốt đẹp. Nào ngờ khi nghe Trần Thủ Độ nói "phải chặt một ngón chân" để phân biệt với những câu đương khác, thì anh ta "kêu van mãi" mới được Thái sư tha cho! Có lẽ vì thế trong dân gian mới có lời vè châm biếm:

Câu đương ăn nhặn gì đâu,

Ngón chân bị chặt thì đau vô cùng!

Qua đó, ta thấy Trần Thủ Độ là vị quan to đầu triều mà rất chí công và cương trực. Có lẽ ông là người đầu tiên ở nước ta kiên quyết chống lại chuyện chạy chức chạy quyền của bọn hám danh trục lợi trong xã hội!

Câu 2: Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí ra sao?

Hướng dẫn giải:

Câu chuyện về người quân hiệu càng cho thấy nhân cách cao đẹp, cách hành xử phân minh của Thái sư Trần Thủ Độ. Cụ thể câu chuyện kể về người quân hiệu đã vì phép nước mà dám ngăn lại không cho kiệu của Linh Từ Quốc Mẫu - vợ quan Thái sư "đi qua chỗ thềm cấm". Khi bị bắt, anh ta nghĩ "phải chết". Sau khi nghe người quân hiệu "kể rõ ngọn ngành", Trần Thủ Độ không những không bắt tội mà còn lấy vàng lụa thưởng cho anh ta. Câu nói: "Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa!" đã cho thấy vị Thái sư rất chí công, coi trọng phép nước, đặt phép nước lên trên tình riêng.

Câu 3: Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền, Trần Thủ Độ nói thế nào?

Hướng dẫn giải:

Thái sư Trần Thủ Độ cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm khi biết có viên quan trình báo lại với vua rằng bản thân mình đã chuyên quyền, Trần Thủ Độ đã tâu với vua một cách mạnh mẽ rằng: "Quả có chuyện như vậy. Xin bệ hạ quở trách thần và ban thưởng cho người nói thật". Cách ứng xử ấy của vị Thái sư rất đàng hoàng và trung thực.

Câu 4: Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người như thế nào?

Hướng dẫn giải:

Văn bản Thái sư Trần Thủ Độ cho ta thấy lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ đã thể hiện một nhân cách đẹp của vị quan công chính liêm minh, trung thực, cương trực, chí công vô tư. Vì thế, các vua nhà Trần đã cung kính tôn vinh ông là Thượng phụ.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Dòng nào sau đây nêu đúng nghĩa của từ công dân?

a. Người làm việc trong cơ quan nhà nước.

b. Người dân của một nước, có nghĩa vụ và quyền lợi với đất nước.

c. Người lao động chân tay làm công ăn lương.

Hướng dẫn giải:

Chọn đáp án: b: Người dân của một nước, có nghĩa vụ và quyền lợi với đất nước.

Câu 2: Xếp nhanh các thẻ từ chứa tiếng công dưới đây thành ba nhóm:

a. Công có nghĩa là “của nhà nước, của chung”.

b. Công có nghĩa là “không thiên vị”.

c. Công có nghĩa là “thợ, khéo tay”.

(công dân, công nhân, công bằng, công cộng, công lí, công nghiệp, công chúng, công minh, công tâm)

Hướng dẫn giải:

- Công có nghĩa là “của nhà nước, của chung”: công dân, công cộng, công chúng.

- Công có nghĩa là “không thiên vị”: công bằng, công lí, công tâm.

- Công có nghĩa là “thợ, khéo tay”: công nhân, công nghiệp.

Câu 3: Chọn ba từ dưới đây đồng nghĩa với từ công dân và viết và vở: đồng bào, nhân dân, dân chúng, dân tộc, dân, nông dân, công chúng.

Hướng dẫn giải:

Những từ đồng nghĩa với từ công dân đó là:

- Nhân dân.

- Dân chúng.

- Dân.

Câu 4: Vì sao không thể thay từ công dân trong câu nói dưới đây của nhân vật Thành bằng các từ đồng nghĩa em đã tìm ở hoạt động 3?

Làm thân nô lệ mà muốn xóa bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ  cho người ta…

Hướng dẫn giải:

Trong câu đã nêu, không thể thay thế từ công dân bằng những từ đồng nghĩa. Vì từ công dân có hàm ý “người dân một nước độc lập”, khác với các từ nhân dân, dân chúng, dân. Hàm ý này của từ công dân ngược lại với ý của từ nô lệ.

Câu 5: Nghe thầy cô đọc rồi viết vào vở:

Cánh cam lạc mẹ

Cánh cam đi lạc mẹ

Gió xô vào vườn hoang

Giữa bao nhiêu gai góc

Lũ ve sầu kêu ran.

 

Chiều nhạt nắng trắng sương

Trời rộng xanh như bể

Tiếng cánh cam gọi mẹ

Khản đặc trên lối mòn.

 

Bọ dừa dừng nấu cơm

Cào cào ngừng giã gạo

Xén tóc thôi cắt áo

Đều báo nhau đi tìm.

 

Khu vườn hoang lặng im

Bỗng râm ran khắp lối

Có điều ai cũng nói

Cánh cam về nhà tôi.

NGÂN VỊNH

Hướng dẫn giải:

- Viết đúng chính tả, trình bày đúng bài thơ Cánh cam lạc mẹ (thơ 5 tiếng).

- Chú ý viết đúng những chữ các em dễ viết sai chính tả (xô vào, khản đặc, râm ran...).

Câu 6:

a. Chọn r, d hay gi phù hợp với mỗi chỗ trống trong câu chuyện sau:

Giữa cơn hoạn nạn

Một chiếc thuyền (1) ...a đến (2) ...ữa ...òng sông thì bị (4) ...ò. Chỉ trong nháy mắt, thuyền đã ngập nước.

Hành khách nhốn nháo, hoảng hốt, ai nấy (5) ...a sức tát nước, cứu thuyền (6) ...uy chỉ có một anh chàng vẫn thản nhiên, coi như không có chuyện gì xảy (7) ...a. Một người khách thấy vậy, không (8) ...ấu nổi tức (9) ...ận, bảo:

- Thuyền sắp chìm xuống đáy sông (10) ...ồi, sao anh vẫn thản nhiên vậy?

Anh chàng nọ trả lời:

- Việc gì phải lo nhỉ? Thuyền này đâu có phải của tôi!

TRUYỆN VUI DÂN GIAN

b. Chọn o hay ô (thêm dấu thanh thích hợp)?

Cánh rừng mùa đông

Cánh rừng mùa (1) đ...ng trơ trụi. Những thân cây khẳng khiu vươn nhánh cành (2) kh... xác trên nền trời xám xịt. Trong (3) h...c cây, mấy gia đình chim hoạ mi, chim (4) g... kiến ẩn náu. Con nào con nấy gầy xơ xác, (5) l... đầu ra nhìn trời bằng những cặp mắt ngơ ngác buồn. Bác gấu đen nằm co quắp (6) tr...ng hang. (7) H...i cuối thu, bác ta béo núng nính, lông mượt, da căng (8) tr...n như (9) m...t trái sim chín, vậy mà bây giờ teo tóp, lông lởm chởm trông thật tội nghiệp.

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Hướng dẫn giải:

a. Điền từ phù hợp:

Giữa cơn hoạn nạn

Một chiếc thuyền ra đến giữa dòng sông thì bị rò. Chỉ trong nháy mắt, thuyền đã ngập nước.

Hành khách nhốn nháo, hoảng hốt, ai nấy ra sức tát nước, cứu thuyền. Duy chỉ có một anh chàng vẫn thản nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra. Một người khách thấy vậy, không giấu nổi tức giận, bảo:

- Thuyền sắp chìm xuống đáy sông rồi, sao anh vẫn thản nhiên vậy?

Anh chàng nọ trả lời :

- Việc gì phải lo nhỉ? Thuyền này đâu có phải của tôi!

TRUYỆN VUI DÂN GIAN

b. Điền dấu thanh thích hợp:

Cánh rừng mùa đông

Cánh rừng mùa đông trơ trụi. Những thân cây khẳng khiu vươn nhánh cành khô xác trên nền trời xám xịt. Trong hốc cây, mấy gia đình chim hoạ mi, chim gõ kiến ẩn náu. Con nào con nấy gầy xơ xác, ló đầu ra nhìn trời bằng những cặp mắt ngơ ngác buồn. Bác gấu đen nằm co quắp trong hang. Hồi cuối thu, bác ta béo núng nính, lông mượt, da căng tròn như một trái sim chín, vậy mà bây giờ teo tóp, lông lởm chởm trông thật tội nghiệp.

TRẦN HOÀI DƯƠNG

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Trao đổi với người thân về ý nghĩa câu chuyện Thái sư Trần Thủ Độ.

Hướng dẫn giải:

Văn bản "Thái sư Trần Thủ Độ" mang đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng ý nghĩa về vấn đề công tư phân minh trong việc nước. Văn bản đã ngợi ca Thái sư Trần Thủ Độ - một người cư xử gương mẫu, nghiêm minh, không vì tình riêng mà làm sai phép nước.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Thái sư Trần Thủ Độ".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Nâng cao kĩ năng Nghe - viết một văn bản cụ thể.

- Biết cách kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM