Tiếng Việt lớp 5 bài 21C: Luyện viết văn tả người

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nhận diện và phân tích được quan hệ từ trong một văn bản cụ thể. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ ngữ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 21C: Luyện viết văn tả người

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Cùng chơi: Ghép vế câu: Lấy bộ thẻ bìa ở thư viện lớp học. Mỗi thẻ bìa ghi một vế câu ghép được với một vế câu trong một thẻ bìa khác. Các nhóm nhanh chóng ghép các vế câu tạo thành câu ghép. Yêu cầu phải ghép hết các vế câu. Nhóm nào ghép đúng và nhanh thì thắng.

Hướng dẫn giải: 

Một số câu có thể được ghép như sau:

- Nếu trời nắng - thì tôi sẽ đi chơi.

- Bởi vì Long siêng năng, cần cù lại thông minh - nên bạn ấy học rất giỏi.

- Buổi tối bố xem đá bóng - mẹ soạn bài.

- Anh lười biếng - em thì chăm chỉ.

Câu 2: Các vế câu trong mỗi câu ghép sau được nối với nhau bằng những quan hệ từ nào?

a. Trời mưa nên Lan không đi chơi.

b. Vì voi rất khỏe nền người ta đã huấn luyện voi kéo gỗ.

Hướng dẫn giải: 

a. Trời mưa / nên Lan không đi chơi.

-> Hai vế câu được nối với nhau bởi quan hệ từ: nên.

b. Vì voi rất khỏe / nên người ta đã huấn luyện voi kéo gỗ.

-> Hai vế câu được nối với nhau bởi cặp quan hệ từ: vì - nên.

Câu 3: Chọn quan hệ từ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi chỗ trống: (tại, vì, nhờ):

a. .....thời tiết thuận lợi nên lúa tốt

b. ..... thời tiết không thuận lợi nên lúa xấu

c. Lúa gạo quý ..... ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được.

Hướng dẫn giải: 

a. Nhờ thời tiết thuận nên lúa tốt.

-> Ta sử dụng từ nhờ là bởi vì từ này biểu thị điều sắp nói ra là nguyên nhân dẫn tới một kết quả khả quan được nói tới. Trong câu a thì thời tiết là một nguyên nhân dẫn tới một kết quả tốt là lúa tốt.

b. Tại thời tiết không thuận nên lúa xấu.

-> Ta sử dụng từ tại là bởi vì từ này biểu thị điều sắp nói ra là nguyên nhân dẫn tới một kết quả không hay được nói tới. Trong câu b thì thời tiết lại là một nguyên nhân dẫn tới một kết quả không hay là lúa xấu.

c. Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được.

-> Ta sử dụng từ vì là bởi vì từ này biểu thị sự giải thích cho ý vì sao lúa gạo quý.

Câu 4: Chọn cặp quan hệ từ thích hợp điền vào chỗ trống trong hai câu sau:

a. ... con khỉ này rất nghịch ... các anh bảo vệ thường phải cột dây.

b. ... mỏ chim bói cá rất dài ... chúng bắt cá rất dễ dàng.

Hướng dẫn giải: 

a. Vì con khỉ này rất nghịch nên các anh bảo vệ thường phải cột dây.

b. Nhờ mỏ chim bói cá rất dài nên chúng bắt cá rất dễ dàng.

Câu 5: Thêm vào chỗ trống một quan hệ từ và vế câu thích hợp để tạo thành câu ghép:

a. Vì bạn Dũng không thuộc bài ...

b. Do nó chủ quan ...

c. ... nên Bích Vân đã có nhiều tiến bộ trong học tập.

Hướng dẫn giải: 

a. Vì bạn Dũng không thuộc bài nên bạn ấy bị điểm kém.

b. Do nó chủ quan nên ngôi nhà mới bị cháy.

c. Nhờ cô giáo động viên nên Bích Vân đã có nhiều tiến bộ trong học tập.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Rút kinh nghiệm viết bài văn tả người. Đọc lời nhận xét của thầy cô giáo, đọc lại bài văn tả người của em để trả lời các câu hỏi sau:

- Bài văn của em có mấy đoạn? Ý mỗi đoạn là gì? Các đoạn có được sắp xếp theo trình tự hợp lí không?

- Diễn đạt trong từng đoạn văn như thế nào? Có rõ ràng, mạch lạc không? Có sai lỗi chính tả không?

- Bài văn có thể hiện được cảm xúc của em với người được tả không?

Hướng dẫn giải: 

- Các em đọc kĩ bài văn của mình và trả lời cho các câu hỏi đã nêu.

- Khi đọc cần ghi chú lại những ý quan trọng để chữa bài.

Câu 2: Chọn viết lại một đoạn văn trong bài văn của em.

Hướng dẫn giải: 

- Một đoạn tả ngoại hình hoặc tả tính tình, hoạt động của người được tả.

- Đoạn mở bài hoặc kết bài viết theo kiểu khác với đoạn mở bài, kết bài em đã viết.

- Trao đổi đoạn văn viết lại của em với các bạn trong nhóm.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Đọc bài văn và đoạn văn em đã viết ở lớp cho người thân nghe. Nghe góp ý của người thân.

Hướng dẫn giải: 

- Khi đọc, các em cần chú ý phát âm chuẩn, ngắt, nghỉ phù hợp.

- Lắng nghe nhận xét từ người thân và chữa lại cho bài văn hay hơn.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nhận diện và phân tích được quan hệ từ trong một văn bản cụ thể.

- Sử dụng quan hệ từ một cách phù hợp.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM