Tiếng Việt lớp 5 bài 29C: Ai chăm, ai lười?

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách sử dụng dấu câu một cách thích hợp. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ ngữ phong phú cho mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 29C: Ai chăm, ai lười?

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Tìm dấu câu thích hợp với mỗi chỗ trống:

Tùng bảo Vinh:

- Chơi cờ ca-rô đi...

- Để tớ thua à... Cậu cao thủ lắm...

- A... Tớ cho cậu xem cái này ... Hay lắm...

Vừa nói, Tùng vừa mở tủ lấy quyển ảnh lưu niệm gia đình đưa cho Vinh xem...

- Ảnh chụp cậu lúc lên mấy mà nom ngộ thế...

- Cậu nhầm to rồi... Tớ đâu mà tớ... ông tớ đấy...

- Ông cậu...

- Ừ...Ông tớ ngày còn bé mà.... Ai cũng bảo tớ giống ông nhất nhà...

 Theo HẢI HỒ

Hướng dẫn giải:

Tùng bảo Vinh:

- Chơi cờ ca rô đi!

- Để tớ thua à? Cậu cao thủ lắm!

- A! Tớ cho cậu xem cái này. Hay lắm!

Vừa nói, Tùng vừa mở tủ lấy ra quyển ảnh lưu niệm gia đình đưa cho Vinh xem.

- Ảnh chụp cậu lúc lên mấy mà nom ngộ thế?

- Cậu nhầm to rồi! Tớ đâu mà tớ! Ông tớ đấy!

- Ông cậu?

- Ừ! Ông tớ ngày còn bé mà. Ai cũng bảo tớ giống ông nhất nhà.

Câu 2: Chỉ ra 4 dấu câu bị dùng sai trong mẩu chuyện vui dưới đây, chữa lại cho đúng và giải thích vì sao dùng dấu câu như vậy bị xem là sai:

Lười

Nam: - Tớ vừa bị mẹ mắng vì toàn để chị phải giặt giúp quần áo.

Hùng: - Thế à? Tớ thì chẳng bao giờ nhờ chị giặt quần áo.

Nam: - Chà. Cậu tự giặt lấy cơ à! Giỏi thật đấy?

Hùng: - Không? Tớ không có chị, đành nhờ... anh tớ giặt giúp!

Nam: !!! 

MINH CHÂU sưu tầm

Hướng dẫn giải:

Các câu văn có dấu câu dùng sai là:

- Chà! (Đây là câu cảm nên phải thay dấu chấm bằng dấu chấm than).

- Cậu tự giặt lấy cơ à? (Đây là câu hỏi nên phải thay dấu chấm than bằng dấu hỏi chấm).

- Giỏi thật đấy! (Đây là câu cảm nên phải thay dấu hỏi chấm bằng dấu chấm than).

- Không! (Đây là câu cảm phải thay dấu hỏi bằng dấu chấm than).

- Tớ không có chị, đành nhờ... anh tớ giặt giúp. (Đây là câu kể thay dấu chấm than bằng dấu chấm).

Câu 3: Viết vào vở 4 câu với các nội dung sau đây, chú ý dùng dấu câu thích hợp:

a. Nhờ em (hoặc anh, chị) mở hộ cửa sổ.

b. Hỏi bố em mấy giờ hai bố con đi thăm ông bà.

c. Thể hiện sự thán phục trước thành tích của bạn.

d. Thể hiện sự ngạc nhiên, vui mừng khi được mẹ tặng cho một món quà mà em ao ước đã lâu.

Hướng dẫn giải:

a. Anh mở cửa sổ giúp em với!

b. Bố ơi, mấy giờ thì hai bố con mình đi thăm ông bà?

c. Cậu đạt được thành tích thật tuyệt vời!

d. Ô, búp bê đẹp quá!

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Đọc lại bài văn tả cây cối của em và lời nhận xét của thầy cô, tự đánh giá lại bài làm của mình.

Hướng dẫn giải:

Khi đánh giá các em cần lưu ý:

- Bố cục của bài làm.

- Cách dùng từ, đặt câu.

- Các chi tiết miêu tả trong bài làm.

Câu 2: Sửa lỗi trong bài làm.

Hướng dẫn giải:

- Sửa lại các lỗi chính tả, các từ, câu sai.

- Sửa lại những chi tiết chưa chính xác.

- Viết thêm những nội dung còn thiếu.

- Trao đổi với bạn để cùng hoàn chỉnh bài văn.

Câu 3: Chọn một đoạn văn trong bài làm của em, nêu các gợi ý viết lại theo cách khác cho hay hơn.

Hướng dẫn giải:

Các đoạn văn có thể viết là:

- Đoạn mở bài: Viết theo đoạn mở bài khác với đoạn mở bài em đã viết.

- Đoạn thân bài: Nếu viết lại đoạn tả các bộ phận cây cối, em lưu ý sử dụng phép so sánh hoặc nhân hoá cho hay hơn, sinh động hơn.

- Đoạn kết bài: Nếu em đã viết kết bài theo kiểu không mở rộng thì viết lại kết bài theo kiểu mở rộng.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Đọc cho người thân nghe đoạn văn em đã viết lại ở lớp.

Hướng dẫn giải:

Khi đọc các em cần chú ý:

- Đọc đúng đoạn văn em đã viết.

- Đọc to, rõ ràng và rành mạch.

- Ngắt, nghỉ phù hợp.

Câu 2: Kể cho người thân nghe về một mẩu chuyện vui.

Hướng dẫn giải:

Mẹ ơi hôm nay con đọc được một câu chuyện rất thú vị về hai chàng lười. Để con kể cho mẹ nghe nhé.

Nam và Hùng trò chuyện với nhau về việc giặt quần áo khi ở nhà:

Nam: - Tớ vừa bị mẹ mắng vì toàn để chị phải giặt giúp quần áo.

Hùng: - Thế à ? Tớ thì chẳng bao giờ nhờ chị giặt quần áo.

Nam: - Chà. Cậu tự giặt lấy cơ à ! Giỏi thật đấy?

Hùng: - Không? Tớ không có chị, đành nhờ... anh tớ giặt giúp!

Nam: !!! 

Hai anh chàng trong truyện thật là lười biếng đúng không mẹ. Việc của mình không tự giác làm lại luôn ỉ lại vào người khác. Đọc xong câu chuyện con cũng tự hứa với mình rằng phải tự giác làm những việc của mình. Không để bố mẹ phải vất vả và lo lắng quá nhiều về con.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách sử dụng dấu câu một cách thích hợp.

- Biết cách kể một câu chuyện vui.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM