Tiếng Việt lớp 5 bài 5B: Đấu tranh vì hòa bình

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung cơ bản bài Tập đọc: "Ê - mi - li, con ...". eLib đã biên soạn nội dung bài này một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Mời các em tham khảo, chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 5B: Đấu tranh vì hòa bình

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 52 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Quan sát ảnh và đọc lời giới thiệu về chú Mo-ro-xơn dưới đây:

Ngày 2 – 11 – 1965, một công nhân Mĩ tên là Mo-ri-xơn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ở Việt Nam. Xúc động trước hành động của anh, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Ê-mi-li, con…

Bài thơ gợi lại hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là bé Ê-mi-li 18 tháng tuổi tới trụ sở Bộ Quốc phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hoà bình ở Việt Nam.

1.2. Văn bản "Ê -mi - li, con ..."

Ê - mi - li, con ...

(Trích)

Ngày 2-11-1965, một công dân Mĩ tên là Mo-ri-xơn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ở Việt Nam. Xúc động trước hành động của anh, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Ê-mi-li, con... Bài thơ gợi lại hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là bé Ê-mi-li 18 tháng tuổi đến trụ sở Bộ Quốc Phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hòa bình ở Việt Nam.

Ê - mi - li, con đi cùng cha

Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc ...

- Đi đâu cha?

- Ra bờ sông Pô-tô-mác.

- Xem gì cha?

- Không, con ơi, chỉ có Lầu Ngũ Giác.

 

Giôn - xơn!

Tội ác bay chồng chất

Nhân danh ai

Bay mang những B.52

Những napan, hơi độc

Đến Việt Nam

Để đốt những nhà thương, trường học

Giết những con người chỉ biết yêu thương

Giết những trẻ em chỉ biết đến trường

Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá

Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa?

 

Ê - mi - li con ôi!

Trời sắp tối rồi...

Cha không bế con về được nữa!

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con

Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn

Cho cha nhé

Và con sẽ nói giùm với mẹ:

Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!

 

Oa-sinh-tơn 

Buổi hoàng hôn

Ôi những linh hồn

Còn, mất?

Đã đến phút lòng ta sáng nhất!

Ta đốt thân ta, cho ngọn lửa sáng lòa

Sự thật.

TỐ HỮU

 

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài thơ "Ê-mi-li, con" thể hiện nội dung chính là: Nói về câu chuyện người công dân Mĩ Mo-ri-xơn đã tự thiêu để phản đối chính quyền Mĩ xâm lược Việt Nam. Đoạn trích lên án chiến tranh, ca ngợi hòa bình, chân lí, và là tình cảm xúc động nhà thơ dành cho Mo-ri-xơn. Đồng thời bài thơ "Ê-mi-li, con" của tác giả Tố Hữu gợi lại hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là Ê-mi-li 18 tháng tuổi tới trụ sở của Bộ Quốc phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hòa bình ở Việt Nam. Từ hành động tự thiêu tác giả thông qua đó để ngợi ca hành động dũng cảm của một công dân Mĩ tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Lầu Ngũ Giác (Lầu Năm Góc): toà nhà hình 5 góc, trụ sở Bộ Quốc Phòng Mĩ.

- Giôn-xơn: tổng thống Mĩ từ năm 1963 đến năm 1968

- Nhân danh: lấy danh nghĩa để làm một việc gì đó.

- B.52: máy bay ném bom khổng lồ của Mĩ.

- Na pan: bom dùng chất xăng đặc để gây cháy, bỏng.

- Oa-sinh-tơn: thủ đô của nước Mĩ.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Vì sao chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ?

Hướng dẫn giải:

Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ vì:

- Giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa.

- Mang B.52, Na pan đến Việt Nam để đốt nhà thương, trường học.

- Đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô nhân đạo, không nhân danh ai. Chúng ném bom na pan, B.52, và dùng hơi độc để đốt bệnh viện, trường học, giết những trẻ em vô tội, giết những cánh đồng xanh, “giết những dòng sông của thơ ca nhạc họa”, hủy diệt sự sống của một đất nước.

Câu 2. Chú Mo-ri-xơn nói với con điều gì khi từ biệt?

Hướng dẫn giải:

Chú Mo-ri-xơn nói với con: “Trời sắp tốì rồi, cha không bế con về được nữa. Đêm nay mẹ sẽ đến tìm con, hãy ôm hôn mẹ cho cha và nói với mẹ cha đi vui, xin mẹ đừng buồn”.

Câu 3. 

Phát biểu ý kiến trước lớp

Em có suy nghĩ gì về hành động của chú Mo-ri-xơn?

Hướng dẫn giải:

- Chú Mo-ri-xơn mong muốn ngọn lửa tự thiêu mà mình đốt lên sẽ thức tỉnh mọi người làm mọi người nhận ra chiến tranh tại Việt Nam là phi nghĩa để cùng nhau hợp sức ngăn chặn.

- Hành động tự thiêu để phản đối chiến tranh ở Việt Nam của chú Mo-ri-xơn là một hành động dũng cảm, cao đẹp đầy khâm phục, dám xả thân vì nghĩa.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1. Nhớ lại số sách báo em có và thống kê theo các loại sau:

a) Sách học các môn học ở trường

b) Sách truyện thiếu nhi

c) Các loại sách khác

Hướng dẫn giải:

a) Sách học các môn học ở trường: 19 quyển

b) Sách truyện thiếu nhi: 17 quyển

c) Các loại sách khác: 22 quyển

Câu 2

Thống kê số buổi nghỉ học của các bạn trong tổ theo mẫu

- Từng em nhớ lại và báo cáo với tổ trưởng số buổi nghỉ học từ tuần 1 đến tuần 4 của mình.

- Tổ trưởng ghi số buổi nghỉ học của các thành viên trong tổ vào bảng thông kê dưới đây:

Bảng thống kê số buổi nghỉ học của tổ …

Hướng dẫn giải:

Câu 3.

a. Tìm câu chuyện (đã nghe, đã đọc) ca ngợi hoà bình, chống chiến tranh

b. Kể lại câu chuyện đó

Hướng dẫn giải:

a. 

- Những câu chuyện về cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược (như truyện Anh bộ đội Cụ Hồ gốc Bỉ em vừa học ở bài 4A)

- Những câu chuyện về ước vọng hoà binh (như truyện Những con sếu bằng giấy em được học ở bài 4B)

- Những câu chuyện về cuộc sống yên vui, hạnh phúc trong hoà bình.

- Những câu chuyện về ý thức cảnh giác, những hoạt động đấu tranh bảo vệ cuộc sống hoà bình..

- Những câu chuyện về truyền thống yêu chuộng hoà bình, giữ quan hệ tốt với các nước láng giềng của dân tộc ta.

- Cách kể chuyện:

+ Giới thiệu câu chuyện (đọc ở đâu hoặc nghe ai kể, tên câu chuyện là gì, câu chuyện nói về ai, về việc gì,…)

+ Kể câu chuyện theo diễn biến các sự việc (nên tập trung vào những tình tiết thể hiện ước vọng hoà bình, tinh thần chống chiến tranh)

+ Nêu cảm nghĩ của bản thân về câu chuyện

b.

Phan Đình Giót là một người anh hùng gan dạ, dũng cảm, xả thân vì nước.

Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng Phan Đình Giót vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.

Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều. Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu.

Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót hy sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.

Phan Đình Giót như một hòn núi lớn

Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai.

Câu 4. Thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện?

Hướng dẫn giải:

Qua câu chuyện trên em thấy: Gương hi sinh anh dũng, quả cảm của Phan Đình Giót đã được cả thế giới biết đến với chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Là một học sinh được sinh ra trong thời kì hòa bình, em luôn cảm phục, trân trọng và ghi nhớ công ơn của của các vị anh hùng đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

3. Hoạt động ứng dụng

Đọc thuộc lòng khổ thơ 3, 4 trong bài Ê-mi-li, con…

Giôn - xơn! Tội ác bay chồng chất

Nhân danh ai

Bay mang những B52

Những napan, hơi độc

Đến Việt Nam

Để đốt những nhà thương, trường học

Giết những con người chỉ biết yêu thương

Giết những trẻ em chỉ biết đến trường

Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá

Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa?

 

Ê - mi - li con ôi!

Trời sắp tối rồi...

Cha không bế con về được nữa!

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con

Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn

Cho cha nhé

Và con sẽ nói giùm với mẹ:

Cha vui đi, xin mẹ đừng buồn!

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung cơ bản bài Tập đọc: "Ê - mi - li, con ..."

- Giải được câu hỏi SGK một cách nhanh chóng.

Ngày:10/11/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM