Tiếng Việt lớp 5 bài 32C: Viết bài văn tả cảnh

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách đặt dấu câu phù hợp. Đồng thời, bài học này còn giúp các em nắm được một số quyền quan trọng của trẻ em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 32C: Viết bài văn tả cảnh

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Thi điền nhanh dấu câu vào đoạn hội thoại sau:

Đợi ô tô qua

Tan học, thấy cu Tí chần chừ mãi không đi về (1) một chị lớp 5 hỏi (2)

- Sao em chưa về (3)

- Bà dặn em khi nào thấy ô tô qua mới được sang đường (4)

- Cổng trường mình có bao giờ ô tô chạy qua đâu (5)

Tí rân rấn nước mắt (6)

- Chính vì thế nên em không về được (7)  

Theo Chuyện vui trường học

Hướng dẫn giải:

Đợi ô tô qua

Tan học, thấy cu Tí chần chừ mãi không đi về (,) một chị lớp 5 hỏi (:)

- Sao em chưa về (?)

- Bà dặn em khi nào thấy ô tô qua mới được sang đường (.)

- Cổng trường mình có bao giờ ô tô chạy qua đâu (.)

Tí rân rấn nước mắt (:)

- Chính vì thế nên em không về được (.)

Câu 2: Đọc thầm những kiến thức cần ghi nhớ về dấu hai chấm và trả lời câu hỏi bên dưới:

- Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật hoặc là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

- Khi báo hiệu lời nói của nhân vật, dấu hai chấm được dùng phối hợp với dấu ngoặc kép hay dấu gạch đầu dòng.

- Viết vào vở tác dụng của dấu hai chấm trong mỗi trường hợp dưới đây:

+ Một chú công an vỗ vai em: Cháu quả là chàng gác rừng dũng cảm!

+ Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Hướng dẫn giải:

- Trường hợp 1: Dấu hai chấm đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp nhân vật.

- Trường hợp 2: Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 3: Cần điền dấu hai chấm vào chỗ nào trong các khổ thơ, câu văn dưới đây:

a. Đoạn thơ:

Trận đánh đã bắt đầu

Quân ta ào lên trước

Một tên giặc ngã nhào

Chết rồi, không dậy được.

Chết là không nhúc nhích

Sao nó cứ lồm cồm?

Tính ăn gian chẳng thích

Chơi thật thà vui hơn.

Thằng giặc cuống cả chân

Nhăn nhó kêu rối rít

- Đồng ý là tao chết

Nhưng đây... tổ kiến vàng!

Theo Định Hải

b. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin "Bay đi, diều ơi! Bay đi!".

Theo Tạ Duy Anh

c. Từ Đèo Ngang nhìn về hướng nam, ta bắt gặp một phong cảnh thiên nhiên kì vĩ phía tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía đông là biển cả bao la, ở giữa là một vùng đồng bằng biếc xanh màu lục diệp.

Theo Văn Nhĩ

Hướng dẫn giải:

a. Đặt dấu chấm vào đoạn thơ như sau:

Trận đánh đã bắt đầu

Quân ta ào lên trước

Một tên giặc ngã nhào

Chết rồi, không dậy được.

Chết là không nhúc nhích

Sao nó cứ lồm cồm?

Tính ăn gian chẳng thích

Chơi thật thà vui hơn.

Thằng giặc cuống cả chân,

Nhăn nhó kêu rối rít:

- Đồng ý là tao chết

Nhưng đây... tổ kiến vàng!

⟶ Dấu hai chấm dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

b. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi... khi tha thiết cầu xin: “Bay đi, diều ơi! Bay đi!”.

⟶ Dấu hai chấm dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

c. Từ Đèo Ngang nhìn về hướng nam, ta bắt gặp một phong cảnh thiên nhiên kì vĩ: phía tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía đông là...

⟶ Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 4: Đọc mẩu chuyện vui dưới đây và trả lời câu hỏi bên dưới:

Chỉ vì quên một dấu câu

Có ông khách nọ đến cửa hàng đặt vòng hoa viếng bạn. Ông dặn ngưòi bán hàng ghi lên băng tang: "Kính viếng bác X." Nhưng về đến nhà, nghĩ lại, thấy lời phúng còn đơn giản quá, ông bèn sai con chuyển cho người bán hàng một tin nhắn, lời lẽ như sau: "Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng."

Lúc vòng hoa được đem tới đám tang, ông khách mới giật mình. Trên vòng hoa cài một dải băng đen với dòng chữ thật là nắn nót: "Kính viếng bác X. Nếu còn chỗ, linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng".

Theo Tạp chí NGÔN NGỮ

- Trong mẩu chuyện vui trên, người bán hàng hiểu lầm ý của khách như thế nào?

- Để người bán hàng khỏi hiểu lầm, ông khách cần thêm dấu gì vào tin nhắn của mình. Dấu đó đặt sau chữ nào?

Hướng dẫn giải:

- Tin nhắn của ông khách: Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng (hiểu là nếu còn chỗ viết trên băng tang).

- Người bán hàng hiểu lầm ý của khách nên ghi trên dải băng tang: Kính viếng bác X. Nếu còn chỗ, linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng.

- Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ: linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng.

2. Hoạt động thực hành

Câu hỏi: Viết bài văn tả cảnh theo một số đề bài sau:

a. Một ngày mới bắt đầu ở quê em.

b. Một khu vui chơi, giải trí mà em thích.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em

Nghỉ hè vừa qua, em được về quê ngoại và được thưởng thức một buổi bình minh rực rỡ trên quê hương yêu dấu. Buổi sớm hôm ấy thật là đẹp!

Trời vừa sớm nhưng em đã thức dậy đi dạo quanh làng. Tiếng gà gáy râm ran khắp xóm. Khi trời mát mẻ, không gian thoáng đãng. Một làn gió thoảng qua làm xao động cành lá để lộ ra những hạt sương sớm long lanh. Bầu trời cao, rộng mênh mông, đây đó một vài đám mây trắng lững lờ trôi. Từ các mái bếp, những làn khói nghi ngút bay lên hoà quyện với sương sớm tạo thành những dải lụa mềm uốn lượn trên bầu trời. Ngoài đồng những bông lúa ngả đầu vào nhau thì thầm trò chuyện. Nhìn từ xa, cánh đồng trông như một tấm thảm màu xanh pha vàng trải rộng mênh mông. Đây đó trên cánh đồng lác đác một vài bác nông dân ra thăm ruộng. Từ các ngõ xóm, trên đường làng, các bà các chị gánh những gánh hàng, rau tươi su hào, cải bắp … mang ra chợ bán. Các em bé xúng xính trong những bộ quần áo sặc sỡ lon ton theo mẹ ra chợ. Những chú lợn eng éc đòi ăn, những chú kêu ăng ẳng, mọi người ý ới gọi nhau đi làm. Đằng đông, mặt trời tròn xoe, ửng hồng đang từ từ nhô lên sau bụi tre, chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đất, xua tan màn sương sớm, nhuộm vàng những bông lúa làm cả xóm làng như sáng bừng lên giữa ánh bình minh. Bầu trời lúc này như trong và sáng hơn, mây trắng hiền hoà, từng đàn chim bay lượn thật là đẹp. Trên các cành cây, những chú chim hót líu lo chào ngày mới. Ngoài đường, xe cộ đi lại nườm nượp, các bạn học sinh vui vẻ đến trường. Tất cả các màu sắc, cảnh vật, âm thanh đó như hoà quện với nhau tạo nên phong cảnh làng quê thật trù phú , tươi vui.

Em rất yêu quê hương em, một làng quê thanh bình và trù phú. Em tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để mai sau xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp ấm no hơn.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Tả một khu vui chơi, giải trí mà em thích

Hè năm ngoái em được bố mẹ thưởng cho một chuyến du lịch Hạ Long. Em được đi tham quan rất nhiều địa điểm đẹp như vịnh, các hang động, nhà bè... nhưng điểm đến em thích nhất là khu vui chơi giải trí Tuần Châu.

Tuần Châu là khu vui chơi giải trí nổi tiếng ở Hạ Long. Khu vui chơi nằm trong một quần thể rộng bao gồm nhiều loại hình giải trí khác nhau rất hấp dẫn. Mở ra lối vào thiên đường giải trí này là một chiếc cổng chào rất lớn có những dòng chữ màu nhấp nháy: “Chào mừng đến với Tuần Châu”. Một con đường rộng và dài với những luống hoa dẫn em vào trong khu vui chơi. Đến đây em bị choáng ngợp bởi màu sắc sặc sỡ và hình khối khổng lồ của những trò chơi cảm giác mạnh. Nào là những vòng xoay được gắn với cái trục rất cao đưa người lên cao dần rồi bất ngờ rơi xuống. Nào là đoàn tàu lượn siêu tốc với đường ray ngoằn nghèo được phóng đi với tốc độ nhanh là một thử thách khó nhằn đối với cả những người gan dạ nhất. Tuy những trò chơi mạo hiểm rất thú vị nhưng em bị lôi cuốn hơn với những nhà phao nhà bóng và những vòng đu quay hình thú cưng ngộ nghĩnh. Em chọn ngồi lên một con ngựa thật đẹp trong vòng quay ngựa gỗ. Chú ngựa nhấp nhô trong bản nhạc vui tai khiến cho em có cảm giác như mình đang phiêu lưu trong thế giới cổ tích vậy. Ở đó còn có nhiều bức tượng nhân vật hoạt hình to bằng kích cỡ người thật vô cùng đáng yêu. Nhiều bạn nhỏ rất thích thú chụp tấm ảnh kỉ niệm với những bức tượng này.

Sau khi chơi thỏa thích, em được bố mẹ dẫn tới câu lạc bộ biểu diễn cá sấu và xiếc thú. Nơi đây gồm một tòa nhà được chia thành nhiều khu vực khác nhau để khách du lịch có thể chọn xem tiết mục xiếc mà mình thích. Em thót tim khi thấy các nghệ sĩ xiếc hôn cá sấu, cho đầu mình vào miệng cá sấu hay nhặt đồ từ miệng cá sấu. Tạm biệt những chú cá sấu có bộ da sần sùi, em lại được xem màn trình diễn vui nhộn của chú khỉ bé tí teo mà có thể đi được xe đạp và chú chó lông xù biết làm toán. Đi thêm một đoạn ngắn nữa em bắt gặp một căn phòng lớn tràn ngập màu xanh là nơi biểu diễn xiếc cá heo. Dưới làn nước xanh trong, cá heo vụt lên nhào lộn rất điêu luyện. Chúng còn biết lắc vòng, vẽ tranh và giao lưu với khán giả. Đôi mắt xám của chúng long lanh đầy vẻ biết ơn khi được thưởng cho một con cá tươi hay khi khi được đến với gần khán giả. Những con vật đáng yêu này khiến cho em vô cùng thích thú.

Khu vui chơi giải trí Tuần Châu đã cho em một trải nghiệm đáng nhớ và làm cho kì nghỉ hè của em thêm hứng thú. Em rất thích khu vui chơi này và nhất định em sẽ quay lại đây nhiều lần nữa.

Sưu tầm

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Đọc hoặc kể cho người thân nghe một mẩu chuyện cười em đã học hoặc sưu tầm.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Trượt hay đỗ

Trong một kỳ thi vượt cấp, cô giáo nói với học sinh:

- Đề bài văn của các em hôm nay là: 'Em hãy tả hay viết về khả năng đặc biệt của em mà em cho là tuyệt nhất'.

Các học sinh cắm cúi làm bài. Sau 5 phút, Tèo lên nộp bài với nội dung là: 'Em có khả năng là đoán trước được tương lai, em đoán là kỳ thi này em sẽ trượt'.

Cô giáo nhận được bài của Tèo xong liền hỏi:

- Tèo, bài làm của em có vậy thôi sao?- Vâng, thưa cô! - Tèo liền gật đầu.

Sáng hôm sau, cô giáo liền lên văn phòng tìm gặp thầy hiệu trưởng, rồi cô hỏi:- Thầy đã xem bài làm của học trò Tèo chưa ạ?

Thầy hiệu trưởng thở dài đáp:- Rồi cô ạ! Nhưng tôi chả biết chấm điểm như thế nào cả. Nếu như cho Tèo trượt thì bài văn của em ấy đúng, mà bài văn đúng thì phải cho em ấy đỗ. Mà cho em ấy đỗ thì bài văn của em ấy sai, một bài văn sai thì làm sao cho đỗ được. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Giờ tôi chả biết làm như thế nào cả cô ạ! Tôi đau đầu hôm qua đến giờ vì việc này đây.

Cô giáo nghe xong cũng chóng mặt.

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Không chép hết

Trong giờ trả bài kiểm tra , thầy giáo nói với Hoa

- Thầy: Hoa, em đã chép bài của Hằng phải không?

- Hoa (đỏ mặt, đứng dậy): Dạ, em có chép nhưng không phải chép hết ạ.

- Thầy: thế chỗ nào em không chép ?

- Hoa: Dạ tên bạn ấy em không chép ạ.

- Thầy: ???

Câu 2: Hỏi người thân về quyền trẻ em.

Hướng dẫn giải:

Tài liệu tham khảo: Về quyền của trẻ em, có 25 quyền:

1. Quyền sống, Luật quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

2. Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

3. Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

4. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

5. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, Luật quy định:

Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

6. Quyền vui chơi, giải trí: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

7. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc

Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình.

Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

9. Quyền về tài sản: Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

10. Quyền bí mật đời sống riêng tư

Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

11. Quyền được sống chung với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

12. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

13. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

14. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

15. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

17. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

18. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy: Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính: Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

20. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang: Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

21. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

22. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội: Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

23. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng.

24. Quyền của trẻ em khuyết tật: Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

25. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn: Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách đặt dấu câu một cách thích hợp.

- Rèn luyện kĩ năng viết bài văn tả cảnh.

- Nắm được một số quyền của trẻ em.

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM