Tiếng Việt lớp 5 bài 9B: Tình người với đất

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Đất Cà Mau". eLib đã biên soạn nội dung bài này bám sát chương trình Tiếng Việt VNEN 5. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 9B: Tình người với đất

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 95 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Chơi trò chơi: "Giải ô chữ bí mật " Du lịch Việt Nam".

Điền chữ cái vào mỗi ô trống để tìm các địa danh ở hàng ngang và địa danh ở hàng dọc màu xanh.

1) Tên một tỉnh miền núi phía bắc, có hang Pác Bó, suối Lê-nin.

2) Tên thủ đô của nước ta.

3) Tên một thành phố biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh.

4) Tên một thành phố của tỉnh Quảng Nam, có phố cổ được công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

5) Tên một con sông có chín nhánh chảy ra biển ở miền Nam nước ta.

Hướng dẫn giải:

Ô chữ ở hàng dọc là: CÀ MAU

1.2. Văn bản "Đất Cà Mau"

Đất Cà Mau

Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.

Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước...

Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông "sấu cản mũi thuyền", trên cạn "hổ rình xem hát" này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.

Theo MAI VĂN TẠO

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài đọc giới thiệu về thiên nhiên và con người Cà Mau. Nơi đây mưa nắng thất thường nên cây cối mọc thành rặng. Con người nơi đây cũng giàu nghị lực, thông minh, can đảm.

1.4. Giải thích các cụm từ khó

- Phũ (phũ phàng): dữ dội, thô bạo đến mức tàn nhẫn.

- Phập phều: trôi nổi, phồng lên rồi lại xẹp xuống.

- Cơn thịnh nộ: cơn giận dữ ghê gớm.

- Hằng hà sa số: nhiều vô kể, đếm không xuể.

- Sấu: cá sấu.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1.

a) Nối từ ngữ ở cột A với nghĩa thích hợp ở cột B

b) Thay nhau đọc từ ngữ và nghĩa của chúng.

Hướng dẫn giải:

a-2

b-1

c-5

d-3

e-4

Câu 2. Mưa ở Cà Mau như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Mưa thường tới nhanh và đột ngột:

+ Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng dó, mưa đổ ngay xuống đó.

+ Mưa hối hả, không  kịp chạy vào nhà.

- Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh

- Trong cơn mưa thường nổi cơn dông.

Câu 3. Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?

Hướng dẫn giải:

Cây cối ở Cà Mau mọc thành chòm, thành rặng; rễ dài, cắm sâu vào lòng đất để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Câu 4. Người Cà Mau dựng nhà như thế nào?

Hướng dẫn giải:

Cách người Cà Mau dựng nhà: Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước….

Câu 5. Vì sao người Cà Mau phải kiên cường, giàu nghị lực?

Hướng dẫn giải:

Người Cà Mau phải kiên cường và giàu nghị lực bởi vì chỉ có những phẩm chất này thì họ mới có thể tồn tại được trên một mảnh đất khí hậu khắc nghiệt và nhiều thú dữ luôn rình rập tới như thế.

Câu 6. 

Chọn một tên dưới đây cho từng đoạn trong bài:

1) Mưa ở Cà Mau

2) Cây cối, nhà cửa ở Cà Mau

3) Muông thú ở Cà Mau

4) Con người ở Cà Mau

Hướng dẫn giải:

- Đoạn 1 (Từ đầu đến “… nổi cơn dông”): Mưa ở Cà Mau

- Đoạn 2 (Tiếp đến “…bằng thân cây đước): Cây cối, nhà cửa ở Cà Mau

- Đoạn 3 (câu 1): Muông thú ở Cà Mau

- Đoạn 3: Con người ở Cà Mau

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Đọc lại bài Cái gì quý nhất?

Cái gì quý nhất?

Một hôm, trên đường đi học về, Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.

Hùng nói: "Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?"

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước. Quý vội reo lên: "Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì! Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!"

Nam vội tiếp ngay: "Quý nhất là thì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc!"

Cuộc tranh luận thật sôi nổi, người nào cũng có lí, không ai chịu ai. Hôm sau, ba bạn đến nhờ thầy giáo phân giải.

Nghe xong, thầy mỉm cười rồi nói:

- Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua thì không ai lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.

TRỊNH MẠNH

Câu 2.

Cùng nhau hỏi – đáp theo các câu hỏi dưới đây:

1) Các bạn Hùng, Quý, Nam tranh luận về vấn đề gì? Mỗi bạn nêu ý kiến thế nào?

M: - Hùng nói rằng quý nhất là ... vì ...

2) Thầy giáo muốn thuyết phục Quý, Hùng, Nam công nhận điều gì? Thầy đã giải thích như thế nào?

3) Cách nói của thầy thể hiện thái độ tranh luận thế nào?

Hướng dẫn giải:

1) Hùng, Quý, Nam tranh luận về vấn đề: Cái gì quý nhất?

- Hùng cho rằng lúa gạo là quý nhất vì có lúa gạo, có thứ để ăn thì mới sống được.

- Quý cho rằng vàng là quý nhất, vì mọi người thường nói quý như vàng, có vàng là có tiền, có tiền thì sẽ mua được lúa gạo.

- Nam cho rằng quý nhất là thì giờ, vì thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng, có thì giờ thì mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc

2) - Thầy giáo muốn thuyết phục Hùng, Quý, Nam công nhận rằng: Người lao động là quý nhất

- Thầy đã lập luận như sau:

Lúa gạo, vàng, thì giờ đều quý nhưng chưa phải là quý nhất. Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua vô vị.

3) Cách nói của thầy giáo thể hiện thái độ tranh luận rất tôn trọng người đối thoại và đưa ra lập luận vừa có tình lại vừa có lí:

- Khẳng định cái đúng của ba HS (Lập luận có tình – tôn trọng ý kiến người đối thoại): Lúa, gạo, vàng, thì giờ đều rất quý, nhưng chưa phải là quý nhất.

- Nêu ra ý kiến mới sâu sắc hơn (lập luận có lí): Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị. Vì vậy, người lao động là quý nhất.

Câu 3.

Tập thuyết trình, tranh luận:

Hãy đóng vai một trong ba bạn (Hùng, Quý, Nam) nêu ý kiến tranh luận bằng cách mở rộng thêm lí lẽ và dẫn chứng để lời tranh luận thêm sức thuyết phục.

M: (Hùng) Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Lúa gạo quý như vàng. Trong bài Hạt gạo làng ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi hạt gạo là “hạt vàng làng ta”. Lúa gạo nuôi sống tất cả mọi người. Có ai trong chúng ta không ăn mà sống được đâu?...

Hướng dẫn giải:

- Hùng: Theo mình cái quý nhất trên đời là lúa gạo. Ông cha mình thường nói “Có thực mới vực được đạo”, không có lúa gạo con người sẽ bị cái đói hành hạ đến chết, cuối cùng sẽ chẳng làm được gì, cũng không để lại được điều gì ý nghĩa cho đời.

- Quý: Điều Hùng nói rất có lý, lúa gạo đúng là rất quý nhưng vẫn chưa phải quý nhất. Theo mình vàng mới là quý nhất. Người xưa từng nói “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo, chẳng phải lo chết đói. Lại có thể mua được rất nhiều thứ khác mình mong muốn và làm được rất nhiều việc khác.

- Nam: Theo tớ thì quý nhất là thì giờ. Hôm nay cậu chăm chỉ, cần cù cậu có thể làm ra lúa gạo. Nếu cậu biết buôn bán cậu sẽ có tiền, có vàng. Nhưng cậu thử nghĩ mà xem, thì giờ mới là thứ đáng quý nhất. Có thì giờ thì cậu mới có thể làm ra lúa gạo, vàng bạc. Lúa gạo, vàng bạc mất đi rồi sẽ lại có lại nhưng thì giờ thì không, cậu đã bỏ lỡ thì sẽ mất.

Câu 4.

Trao đổi với bạn: Ở thành phố hay ở nông thôn thích hơn? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

- Chọn thành phố: Ở thành phố thích hơn bởi vì ở thành phố mọi thứ đều phát triển, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin tiến bộ hiện đại. Môi trường học cũng tốt hơn ở nông thôn. Ở thành phố còn có nhiều khu vui chơi giải trí giúp chúng ta giảm căng thẳng vui vẻ hơn.

- Chọn nông thôn: Ở nông thôn cuộc sống yên ả, thanh bình, chúng ta sẽ có cuộc sống lành mạnh, hoà mình cũng với thiên nhiên. Có nhiều cơ hội được tìm hiểu, khám phá nhiều kiến thức thực tế từ trong đời sống thường ngày.

3. Hoạt động ứng dụng

Đề bài

Tìm hiểu về cây cối, nhà cửa ở địa phương em:

1) Loại cây nào được mọc nhiều nhất? Chúng được mọc thế nào hoặc được trồng như thế nào?

2) Nhà cửa ở địa phương em được xây dựng như thế nào?

Hướng dẫn giải:

1) Loại cây được trồng nhiều nhất ở quê em là cây lúa. Chúng được mọc trên những đồng ruộng. Người dân hằng ngày vẫn phải vất vả một nắng hai sương để chăm sóc từng bông lúa. Từ việc gieo mạ, cấy lúa, tát nước, bón phân, bắt sâu. Tới vụ mùa lại vất vả đi gặp lúa, đem lúa về, tuốt lúa, phơi thóc mới cho ra được những hạt gạo quý như những hạt ngọc.

2) Nhà cửa ở địa phương em không được to và cao như những toà nhà trên thành phố nhưng cũng khang trang và đẹp. Cuộc sống ngày càng phát triển đời sống ở quê em cũng ngày một đi lên. Những mái nhà tranh vách đất giờ đây đã được thay đổi hoàn toàn bởi những ngôi nhà mới thơm mùi xi măng vô vữa. Mái tôn tươi sắc. Nhà cửa to đẹp và sạch sẽ.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Ôn tập lại bài Tập đọc "Cái gì quý nhất?"

- Nắm được nội dung bài Tập đọc "Đất Cà Mau"

- Vận dụng giải bài tập SGK một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM