Bệnh viêm quầng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm quầng là một bệnh nhiễm khuẩn ở da, thường do các vi khuẩn streptococcus nhóm A gây ra. Các biểu hiện là da đỏ, phù nề và nóng da. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm quầng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm quầng là gì?

Viêm quầng (erysipelas) là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở lớp trên của da. Chúng khá tương đồng với một bệnh lý ở da khác có tên là viêm mô tế bào (cellulitis) nhưng không nhiễm sâu xuống lớp dưới của da. Cả hai căn bệnh này đều có những triệu chứng tương tự nhau và được điều trị theo cùng một cách.

Viêm quầng thường do vi khuẩn streptococcus nhóm A gây ra, cùng một loại vi khuẩn gây viêm họng do liên cầu khuẩn. Tình trạnh viêm nhiễm này ảnh hưởng đến lớp thượng bì và trung bì, lan đến mạch bạch huyết ở bề mặt da.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm quầng

Ban đầu, tình trạng này xuất hiện dưới dạng những tổn thương khu trú tại một số vùng da gây đau và đỏ. Các tổn thương sau đó nhanh chóng tiến triển thành màu đỏ tươi, sáng hơn và lan rộng ra xung quanh. Bạn có thể cảm thấy đau, ấm nóng ở vùng da này và nhìn trông giống như vỏ cam.

Các đặc trưng khác của tổn thương da trong viêm quầng gồm:

  • Vùng da bị ảnh hưởng có một đường viền rõ ràng, nổi bật;
  • Vùng da bị nhiễm khuẩn có thể phồng rộp, phù nề trong trường hợp nghiêm trọng có khả năng bị hoại tử;
  • Chảy máu dưới da gây ra các nốt ban xuất huyết.

Viêm mô tế bào thường không có triệu chứng sưng, phồng rộp như trên nhưng có những đặc điểm tương đồng khác với viêm quầng, chẳng hạn như đau và ấm, nóng ở vùng da bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác đi kèm gồm:

  • Sốt cao;
  • Ớn lạnh;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn;
  • Khó chịu nói chung.

Ở trẻ sơ sinh, tổn thương có thể xuất hiện trên bụng do nhiễm trùng ở dây rốn hay ở vùng quấn tã. Ở trẻ em và người lớn, tình trạng này thường xảy ra ở chân, tay và mặt (có thể tạo thành hình dạng giống con bướm, tổn thương da lan rộng ở hai bên má). Đôi khi, tổn thương da có thể xuất hiện tại vị trí bị chấn thương hoặc trải qua tiểu phẫu hoặc có thể liên quan đến tắc nghẽn mạch bạch huyết.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm quầng là gì?

Vi khuẩn streptococcus nhóm A chính là tác nhân gây ra bệnh lý này, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

Một số vấn đề có thể tạo điều kiện cho tình trạng nhiễm khuẩn này phát triển, như:

  • Có vết thương hở trên da;
  • Có vấn đề trong quá trình dẫn lưu qua tĩnh mạch hoặc hệ bạch huyết;
  • Lở loét ở da.

Những đối tượng dễ bị viêm quầng

Căn bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi nhưng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Các yếu tố nguy cơ cũng tương tự như yếu tố nguy cơ của các dạng viêm mô tế bào khác, bao gồm:

  • Có tiền sử bị viêm quầng trước đây Hàng rào bảo vệ của da bị phá vỡ do bị côn trùng cắn, lở loét da và các bệnh ở da như vẩy nến, chàm (eczema) và nấm da chân;
  • Có các vết thương (do chấn thương, vết thương do phẫu thuật, xạ trị);
  • Bị phơi nhiễm ở dây rốn và tổn thương tại vị trí tiêm chủng ở trẻ sơ sinh;
  • Nhiễm trùng mũi họng;
  • Có các bệnh liên quan đến tĩnh mạch và phù mạch bạch huyết;
  • Có hệ miễn dịch suy yếu do một số vấn đề sức khỏe như bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, béo phì, nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV);
  • Hội chứng thận hư;
  • Mang thai.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm quầng?

Bác sĩ thường chẩn đoán được bệnh lý này nhờ vào các triệu chứng tổn thương đặc trưng trên da và hỏi về các chấn thương gần đây của bạn, như có một nhiễm trùng khác hay có vết thương trên da. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da đang bị sưng, đỏ và sờ vào thấy ấm trên mặt và chân.

Lấy mẫu để sinh thiết da thường không cần thiết trong việc chẩn đoán.

Những phương pháp điều trị viêm quầng

Hầu hết người bệnh có thể điều trị tình trạng nhiễm khuẩn da này tại nhà nhưng một số ít trường hợp cần nhập viện để theo dõi và điều trị. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, các lựa chọn điều trị có thể gồm biện pháp tại nhà, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Bạn có thể thử áp dụng các biện pháp tại nhà sau để giảm bớt triệu chứng và giúp vết thương mau lành:

  • Chườm lạnh hoặc bôi thuốc giảm đau tại chỗ để giảm bớt khó chịu ở vùng da bị ảnh hưởng;
  • Nâng cao khu vực bị tổn thương lên cao để giảm bớt sưng;
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể;
  • Chăm sóc vết thương trên da thường xuyên bằng nước muối.

Sử dụng thuốc

Thuốc kháng sinh (như penicillin) là lựa chọn điều trị phổ biến nhất khi bị viêm quầng. Bạn có thể uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu tổn thương nhẹ. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 10–14 ngày.

Trường hợp bệnh nghiêm trọng hơn bạn có thể được yêu cầu ở lại bệnh viện để theo dõi. Khi đó, thuốc kháng sinh có khả năng được dùng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Nếu vi khuẩn không bị kháng sinh được chỉ định tiêu diệt, bác sĩ sẽ phải thay thế bằng một loại thuốc khác. Ví dụ như vancomycin thường dùng cho trường hợp nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).

Thuốc giảm đau, hạ sốt đôi khi cũng được dùng để điều trị các triệu chứng. Nếu nguyên nhân dẫn đến viêm quầng liên quan đến nấm da chân, bạn sẽ cần sử dụng thuốc chống nấm.

Phẫu thuật

Rất hiếm khi có trường hợp cần phải phẫu thuật để điều trị, chỉ khi các tổn thương tiến triển quá nhanh khiến cho nhiều mô khỏe mạnh chết đi. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các mô chết đi.

5. Phòng ngừa

Bạn có thể phòng ngừa bệnh viêm quầng như thế nào?

Bạn có thể giảm bớt rủi ro gặp phải tình trạng này bằng cách:

  • Luôn vệ sinh cẩn thận các vết thương ngoài da ;
  • Điều trị nấm da chân nếu có ;
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm da để ngăn ngừa khô và nứt nẻ da ;
  • Cố gắng không làm trầy xước da;
  • Hãy cố gắng điều trị tốt các bệnh về da nếu có, như bệnh chàm.

6. Tiên lượng

Tiên lượng ở người bệnh viêm quầng sẽ ra sao?

Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng bệnh không thể biến mất trong vòng 1–2 ngày nhưng những thay đổi trên da có thể được điều trị khỏi hoàn toàn sau vài tuần. Đa số trường hợp đều không để lại sẹo.

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị dự phòng lâu dài bằng penicillin để phòng ngừa nhiễm khuẩn tái phát.

Nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng khác, như:

  • Áp xe;
  • Hình thành cục máu đông;
  • Hoại thư;
  • Nhiễm trùng vào máu;
  • Viêm nhiễm van tim;
  • Nhiễm trùng khớp và xương.

Tình trạng nhiễm khuẩn này có khả năng lan đến não nếu bạn bị viêm quầng ở gần mắt.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh viêm quầng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM