Bệnh ung thư da - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư da là tình trạng phát triển không kiểm soát được của các tế bào da bất thường. Ung thư da có 3 loại, bao gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u ác tính. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh ung thư da - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Ung thư da là bệnh gì?

Ung thư da là tình trạng phát triển không kiểm soát được của các tế bào da bất thường. Bệnh xảy ra khi tổn thương gây thiệt hại cấu trúc cho phân tử ADN tác động lên tế bào da, gây ra đột biến hoặc các khiếm khuyết về gen, làm cho tế bào da nhân lên nhanh chóng và hình thành các khối u ác tính. Ung thư da có 3 loại, bao gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u ác tính.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư da?

Ung thư da phát triển ở phần da tiếp xúc ánh nắng, bao gồm da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và chân ở phụ nữ. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện trên khu vực hiếm thấy như lòng bàn tay, bên dưới móng tay hoặc móng chân và vùng sinh dục.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể bao gồm:

Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xảy ra tại các khu vực cơ thể tiếp xúc ánh nắng, chẳng hạn như cổ hoặc mặt. Dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào đáy là một vết sưng hình ngọc trai, sáp hoặc vết sẹo bằng phẳng, có màu da hoặc màu nâu; Ung thư biểu mô tế bào vảy thường xảy ra trên vùng cơ thể tiếp xúc ánh nắng, chẳng hạn như mặt, tai và tay. Những người da sẫm màu hơn có nhiều khả năng mắc ung thư biểu mô tế bào vảy ở những vùng không thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời. Triệu chứng của bệnh bao gồm: nốt đỏ hoặc vết thương có bề mặt bị đóng vảy; U ác tính phát triển ở bất cứ nơi nào trên cơ thể hoặc có thể xuất hiện ở nốt ruồi. Dấu hiệu khối u ác tính bao gồm đốm nâu sẫm màu; nốt ruồi thay đổi về màu sắc, kích thước hoặc chảy máu; vết thương nhỏ bất thường và nơi có màu đỏ, trắng, xanh hoặc màu xanh-đen; vết thương có màu tối trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngón tay, ngón chân hoặc trên màng nhầy trong miệng, mũi, âm đạo hay hậu môn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy có bất kỳ những thay đổi gì trên làn da mà khiến bạn lo lắng. Không phải tất cả các thay đổi trên da đều gây ra bởi ung thư da. Bác sĩ sẽ kiểm tra những thay đổi trên da để xác định nguyên nhân.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra ung thư da?

Ung thư da xảy ra khi có lỗi (đột biến) trong ADN của các tế bào da. Những đột biến này gây ra sự phát triển không thể kiểm soát được của các tế bào và tạo thành tế bào ung thư.

Phần lớn các thiệt hại của ADN trong tế bào da là kết quả từ bức xạ tia cực tím (UV) trong ánh nắng mặt trời và ánh sáng được sử dụng trong giường tắm nắng. Tuy nhiên, phơi nắng, không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không có nghĩa là sẽ dẫn đến ung thư da, điều này có nghĩa là các yếu tố khác có thể góp phần gây ra bệnh ung thư da, ví dụ như tiếp xúc với các chất độc hại hoặc có tình trạng bị suy yếu hệ thống miễn dịch.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh ung thư da?

Ung thư da là tình trạng rất phổ biến. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

 Những yếu tố nào làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da, chẳng hạn như:

Màu da: bất cứ ai, bất kể màu da, đều có thể bị ung thư da. Tuy nhiên, ít sắc tố (melanin) trong da sẽ khiến da ít được bảo vệ khỏi tia UV gây hại. Nếu bạn tóc vàng hoặc tóc đỏ, mắt màu sáng và có tàn nhang hoặc dễ bị cháy nắng, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư da hơn người có làn da sẫm màu hơn; Tiền sử bị cháy nắng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da ở người lớn. Cháy nắng ở tuổi trưởng thành cũng là một yếu tố nguy cơ; Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể bị ung thư da khi bạn dành nhiều thời gian hoạt động dưới ánh mặt trời, đặc biệt là nếu da không được bảo vệ bằng kem chống nắng hoặc quần áo. Nhuộm màu da, bao gồm cả việc tiếp xúc với đèn và giường phơi nắng cũng đặt bạn vào nguy cơ mắc bệnh. Nhuộm màu da là phản ứng chấn thương của làn da với bức xạ tia cực tím quá nhiều; Khí hậu nóng hoặc vùng cao: Những người sống dưới nắng, khí hậu ấm áp được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn so với những người sống ở vùng khí hậu lạnh. Sống ở độ cao cao hơn, nơi ánh sáng mặt trời mạnh nhất, cũng khiến bạn tiếp xúc với nhiều bức xạ hơn; Nốt ruồi: những người có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi bất thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn. Những nốt ruồi bất thường và lớn hơn so với nốt ruồi bình thường – có nhiều khả năng trở thành ung thư. Nếu bạn có nốt ruồi bất thường như vậy thì hãy theo dõi chúng thường xuyên; Vết thương tiền ung thư da như dày sừng quang hóa có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Các vết thương này thường phát triển thành các vảy thô ráp có màu sắc dao động từ nâu sẫm đến màu hồng. Các vảy này thường xuất hiện trên mặt, cánh tay dưới và bàn tay của những người bị cháy nắng; Bệnh sử gia đình bị ung thư da: nếu cha mẹ hoặc anh chị em đã bị ung thư da, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao; Bệnh sử cá nhân: nếu đã mắc ung thư da một lần, bạn có nguy cơ mắc bệnh một lần nữa; Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ phát triển ung thư da, bao gồm những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi ghép tạng; Tiếp xúc với bức xạ: những người điều trị bức xạ đối với các tình trạng về da như chàm và mụn trứng cá có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào đáy; Tiếp xúc với một số chất như asen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư da?

Để chẩn đoán bệnh ung thư da, bác sĩ có thể:

Kiểm tra làn da để xác định liệu những thay đổi trên làn da có nhiều khả năng bị ung thư da hay không. Bác sĩ sẽ tiếp tục các xét nghiệm để chẩn đoán nếu cần; Sinh thiết vùng da bị nghi ngờ mắc bệnh để chẩn đoán: bác sĩ có thể sinh thiết vùng da bị nghi ngờ mắc bệnh để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết có thể xác định xem bạn có bị ung thư da hay không, nếu có thì là loại ung thư da nào.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư da?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể khuyên bạn nên điều trị bằng thuốc và/hoặc bằng liệu pháp bổ sung:

  • Thuốc. Phương pháp điều trị tại chỗ và các loại thuốc được tiêm hoặc uống;
  • Liệu pháp. Phẫu thuật, laser và phương pháp điều trị dựa trên ánh sáng và bức xạ trị liệu.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư da?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Tránh ánh nắng mặt trời trong thời gian giữa ngày, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; Thường xuyên bôi kem chống nắng; Thường xuyên mặc quần áo bảo hộ khi đi ra ngoài; Tránh nhuộm màu da; Kiểm tra da thường xuyên và báo với bác sĩ những thay đổi bất thường của da.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ung thư da, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Khi có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào bất thường trên da, các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM