Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Giải bài tập SGK Địa lí 12 bài 25 được eLib sưu tầm và tổng hợp dưới đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Địa lí 12. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 25: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

1. Giải bài 1 trang 111 SGK Địa lí 12

Hãy lấy ví dụ chứng minh rằng các điều kiện tự nhiên tạo ra nền chung của sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp, còn các nhân tố kinh tế - xã hội làm phong phú thêm và làm biến đổi sự phân hóa đó.

Phương pháp giải

Cần nắm rõ các điều kiện tự nhiên tạo ra nền chung của sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp như nhóm đất, khí hậu và vai trò của các nhân tố kinh tế - xã hội để chứng minh câu hỏi ở đề bài.

Gợi ý trả lời

Các điều kiện tự nhiên tạo ra nền chung của sự phân hóa lãnh thổ nông nghiệp :

- Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào các nhân tố tự nhiên, đặc biêt là đất và khí hậu. Vì vậy, trong điều kiện sản xuất bình thường, các nhân tố này chi phối và tạo nên sự phân hóa lãnh thổ rõ nét ở nước ta.

+ Nước ta có hai nhóm đất chính là feralit ở miền núi thích hợp trồng cây công nghiệp lâu năm và đất phù sa ở đồng bằng thích hợp trồng cây lương thực, thực phẩm. Vì vậy trên cả nước đã hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung du miền núi Bắc Bộ và hai vùng trọng điểm sản xuất lương thực là ĐBSH và ĐBSCL.

 + Khí hậu nước ta sự phân hóa đa dạng, tạo nên sự phân hóa mùa vụ giữa các vùng và đa dạng về cơ cấu cây trồng.

Ví dụ: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên khí hậu cận xích đạo, nắng nóng có thế mạnh là cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, điều..) và hoa quả nhiệt đới  (sầu riêng, măng cụt, chôm chôm..).

 Trung du miền núi Bắc Bộ có mùa đông lạnh nên thế mạnh là cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới (chè, sở, hồi, quế…), hoa quả ôn đới (táo, lê, đào).

- Các nhân tố kinh tế - xã hội làm phong phú thêm và biến đổi sự phân hóa đó:

+ Các nhân tố kinh tế - xã hội tạo ra sự phân hóa thực tế sản xuất nông nghiệp của từng vùng. Việc du nhập thêm các giống cây trồng vật nuôi mới (nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vốn đầu tư) đã làm phong phú thêm các giống cây trồng, vật nuôi vốn đã có ở nước ta.

Ví dụ: Phía núi Tây Nghệ An và Điện Biên được áp dụng trồng cây cà phê bước đầu đã mang lại năng suất nhất định cho vùng.

Thành tựu khoa học kĩ thuật tạo ra nhiều giống lúa mới chịu lạnh, chịu hán, chống sâu bệnh làm phong phú thêm mùa vụ ở nước ta.

+ Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, làm thay đổi phân bố sản xuất. Khi đã trở thành nền nông nghiệp hàng hóa, thì các nhân tố kinh tế - xã hội tác động rất mạnh, làm cho sự chuyển biến thêm rõ nét.

Ví dụ: Trước đây, các cơ sở chế biến chỉ phân bố xa các vùng canh tác cây trồng, hiện nay các cơ sở chế biến đã phân bố gần các vùng  chuyên canh, thuận lợi cho khâu thu hoạch sản xuất và bảo quản.

2. Giải bài 2 trang 111 SGK Địa lí 12

Hãy tìm sự khác nhau trong chuyên môn hoá nông nghiệp giữa:

- Trung du và miền núi Bắc Bộ với Tây Nguyên

- Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Thử tìm các giải thích nguyên nhân của sự khác nhau đó.

Phương pháp giải

- Dựa vào đặc điểm chuyên môn hóa sản xuất của Trung du và miền núi Bắc Bộ với Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long tìm ra sự khác nhau để so sánh.

- Phân tích sự khác nhau về điều kiện tự nhiên cũng như các điêu kiện kinh tế - xã hội để giải thích nguyên nhân của sự khác nhau đó.

Gợi ý trả lời

Nguyên nhân: Do sự khác nhau về điều kiện tự nhiên cũng như các điêu kiện kinh tế - xã hội:

- Tây nguyên có địa hình cao nguyên rộng lớn, khí hậu mang tính chất cận xích đạo, đất đỏ badan rất thích hợp để phát triển các loại cây nhiệt đới như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều.

- Trung du miền núi Bắc Bộ có địa hình đồi núi thấp, đất feralit đỏ vàng, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa phân hóa đa dạng (cận nhiệt đới, ôn đới trên núi, có mùa đông lạnh) thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả cận nhiệt, ôn đới.

- Đồng bằng sông Hồng có khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh nên thuận lợi để trồng rau cao cấp vụ đông; nhiều thành phố lớn dân cư đông đúc nên nhu cầu về thịt lợn, thịt bò, trứng, sữa rất lớn phát; tiếp giáp biển với các vùng cửa sông cùng mạng lưới ao hồ là điều kiện phát triển thủy sản.

- Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp, diện tích đất mặn đất phèn lớn, khí hậu cận xích đạo thích hợp cho các loại cây đay cói...phát triển; hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt và nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn nên chăn nuôi gia cầm phát triển; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước (70%) với các bãi triều đầm phá, rừng ngập mặn…nên ngành thủy sản đặc biệt ngành nuôi trồng phát triển nhất cả nước.

3. Giải bài 3 trang 111 SGK Địa lí 12

Tại sao việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Phương pháp giải

Để giải thích ý nghĩa quan trọng của việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp kết hợp với công nghiệp đối với tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ta phâm tích các lợi ích như:

- Tạo điều kiện khai thác hợp lí tiềm năng của từng vùng, tăng cường chuyên môn hóa sản xuất.

- Đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội

Gợi ý trả lời

Việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp kết hợp công nghiệp chế biến có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và phát triển kinh tế -  xã hội nông thôn vì:

- Tạo điều kiện khai thác hợp lí tiềm năng của từng vùng, tăng cường chuyên môn hóa sản xuất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.

- Đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội:

+ Gắn chặt các vùng chuyên canh với công nghiệp chế biến trước hết nhằm mục đích đưa công nghiệp phục vụ đắc lực cho nông nghiệp, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, đưa nông thôn xích lại gần thành thị.

+ Giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu từ nơi sản xuất đến nơi chế biến, giảm thời gian vận chuyển.

+ Nâng cao chất lượng nguyên liệu từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập.

+ Thu hút lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân, giảm tính mùa vụ trong nông nghiệp.

→  Mô hình nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là thực hiện liên kết nông – công nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp tạo ra nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, công nghiệp chế biến lại làm tăng giá trị của nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM