Bệnh ấu dâm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ấu dâm là gì và tại sao lại được phân loại là bệnh? Có phải người bệnh ấu dâm nào cũng sẽ thực hiện các hành vi dâm ô trẻ em hay không? Mời các bạn cùng eLib tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh ấu dâm - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh ấu dâm là gì?

Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục, người bệnh ấu dâm có những ham muốn dâm ô trẻ em dưới tuổi vị thành niên – khoảng dưới 14 tuổi. Thông thường, người  mắc bệnh ấu dâm là người ít nhất 16 tuổi và lớn hơn trẻ bị hại ít nhất 5 tuổi.

Dưới sự ảnh hưởng của truyền thông đại chúng, ấu dâm được hiểu là các hành động lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, định nghĩa này là không chính xác và phản ánh sai tình hình chung của những người mắc bệnh ấu dâm, làm cho căn bệnh này càng khó nghiên cứu và thu thập số liệu.

Cần ghi nhớ đây là bệnh, không phải là tội ấu dâm và người mắc bệnh cũng không phải tội phạm ấu dâm. Không phải người bệnh ấu dâm nào cũng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, cũng như người có hành vi giao cấu với trẻ em cũng không chắc chắn là mắc bệnh ấu dâm.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ấu dâm là gì?

Ấu dâm thường được người bệnh tự phát hiện khi qua khỏi tuổi dậy thì, khi xu hướng tình dục của họ vẫn tập trung vào đối tượng trẻ em mà không có có cảm xúc về giới tính với người trạc tuổi.

Người bệnh không thể lựa chọn xu hướng tình dục của bản thân và thường cảm thấy sợ hãi vì cảm xúc của mình. Sự kỳ thị của xã hội cũng làm người bệnh không dám đối diện, cảm thấy tách biệt, khó hòa nhập với người khác. Đây cũng là một lý do khiến người bệnh cảm thấy hấp dẫn bởi trẻ em vì trẻ em dễ gần và không phán xét như người lớn.

Đi cùng với tiến bộ xã hội, giới khoa học cũng dần có sự chú ý hơn đến các vấn đề tâm lý. Vì vậy, nhiều người bệnh ấu dâm cũng cởi mở hơn khi nói về bản thân nhằm mục đích khoa học. Người bệnh thường cảm thấy tự ti và khác biệt với xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Ngoài ra, người bệnh còn bị trầm cảm, luôn lo sợ người khác biết về xu hướng tình dục của mình vì vậy điểm chung là họ thường tránh giao tiếp.

Người bệnh ấu dâm cũng ý thức được “ý thích” của mình là sai trái và nếu họ hành động để thỏa mãn nhu cầu thì sẽ phạm luật pháp. Vì vậy, người bệnh luôn kiểm soát bản thân và tìm cách an toàn để thỏa mãn.

Một số trường hợp có hành động bạo hành trẻ em thường do đi kèm bệnh tâm thần hay nhận thức lệch lạc. Cũng có trường hợp tội phạm xâm hại trẻ em lại không có bệnh ấu dâm nhưng có thể mắc các bệnh tâm thần khác như lo âu, trầm cảm nặng, rối loạn tâm trạng và lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có những dấu hiệu và triệu chứng đã được liệt kê ở bên trên hay có người trong gia đình bị những triệu chứng này thì hãy đến gặp bác sĩ. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh ấu dâm là gì?

Hiện nay, nguyên nhân bệnh ấu dâm vẫn chưa được biết chính xác. Các bệnh về tâm lý là lĩnh vực còn trừu tượng và cũng khó nghiên cứu do tính cách và hoàn cảnh mỗi người đều khác nhau.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng tình trạng này có liên quan đến các nhân tố tâm lý xã hội chứ không phải các nhân tố sinh học. Nhiều bác sĩ tin rằng một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng từ tính cách những người xung quanh, người bệnh có vấn đề về sự gắn bó hoặc phụ thuộc vào gia cảnh bất thường. Bị quấy rối tình dục khi còn nhỏ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ấu dâm. Tuy nhiên, con số này là không nhiều và cũng không chắc chắn sẽ hình thành bệnh.

Từ năm 2002, một số nghiên cứu về yếu tố sinh học gây ra bệnh ấu dâm đã được tiến hành. Các yếu tố được nghiên cứu và giả thuyết đưa ra là:

  • Chỉ số IQ và trí nhớ kém;
  • Ít chất trắng trong não bộ hơn;
  • Ít hormone testosterone;
  • Các vấn đề trong não bộ.

Trong số các yếu tố trên, các vấn đề về não bộ được nhiều người đồng tình nhất. Ở người thường, khi nhìn thấy trẻ em, não bộ tự phát ra các tín hiệu thần kinh làm trỗi dậy bản năng bảo vệ và che chở. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh ấu dâm, các tín hiệu này bị nhiễu, khiến người bệnh cảm thấy có hứng thú tình dục với trẻ nhỏ.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải ấu dâm?

Hầu hết người có xu hướng ấu dâm là nam giới (ấu dâm nam) nhưng cũng có những trường hợp người bệnh là nữ giới. Tuy nhiên vẫn chưa thu thập được dữ liệu chính xác vì đa số những người bệnh đều lẩn tránh xã hội.

Các nghiên cứu thu thập được từ bệnh ấu dâm phần nhiều là từ những đối tượng có hành động dâm ô trẻ em và đã cấu thành tội. Vì vậy, kết quả nghiên cứu có thể không đảm bảo được độ chính xác.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ấu dâm là gì?

Ấu dâm là bệnh bẩm sinh nên chưa thể xác định được yếu tố tăng nguy cơ bệnh.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh ấu dâm

Việc chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn vì đa số người bệnh ấu dâm không bộc lộ nhiều về cảm xúc của họ, kể cả khi được bác sĩ hỏi trực tiếp. Vì vậy, khai thác đầy đủ thông tin từ người bệnh là bước rất quan trọng trong chẩn đoán.

Bác sĩ thường thu thập thêm thông tin khác từ các thành viên trong gia đình người bệnh, những người có thể là nạn nhân của người bệnh hoặc các tổ chức pháp lý – xã hội. Tuy vậy, kể cả những bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng không thể chẩn đoán được bệnh ấu dâm trong tất cả mọi trường hợp.

Một số bác sĩ dùng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI và một số thiết bị theo dõi sóng não, đo điện não đồ để theo dõi hoạt động não bộ. Kết quả sóng thu lại sẽ thể hiện người bệnh bị kích thích bởi những hình ảnh nào, từ đó có thể chẩn đoán bệnh.

Những phương pháp dùng để điều trị bệnh ấu dâm

Ấu dâm là một bệnh mạn tính. Việc điều trị nên tập trung vào thay đổi hành vi trong thời gian dài. Liệu pháp điều trị là theo dõi và đoán trước các trường hợp có thể xảy ra hành động sai lầm để phòng tránh. Ngoài ra, người bệnh cần tham gia các nhóm điều trị và có bác sĩ tâm lý hỗ trợ.

Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để làm giảm ham muốn tình dục, như thuốc medroxyprogesterone, thuốc làm giảm testosterone và các chất ức chế tái hấp thu serotonin. Đồng thời người bệnh cần điều trị các tình trạng như nghiện rượu hoặc nghiện chất kích thích nếu có.

Đối với việc điều trị cho trẻ em bị lạm dụng hay xâm hại tình dục, mục đích quan trọng nhất là bảo vệ trẻ khỏi việc bị lạm dụng thêm. Nhiều trường hợp nạn nhân của bệnh ấu dâm cần phải nhập viện để điều trị tâm lý.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ấu dâm?

Nếu bạn cho rằng mình mắc bệnh ấu dâm, cách tốt nhất là nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn tâm lý để có biện pháp ngăn ngừa xảy ra các hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể đảm bảo cuộc sống tương đối bình thường.

Khi bạn phát hiện hoặc nghi ngờ một người mắc bệnh ấu dâm, cần giữ bình tĩnh và phán đoán khả năng trở thành tội phạm ấu dâm của người đó. Một số người thuộc vào nhóm “nguy cơ thấp” vẫn có thể sống hòa nhập với xã hội.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh ấu dâm sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị.

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM