Bệnh đau ngực - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo về hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm thế nào để điều trị hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh đau ngực - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hiện tượng đau ngực là một trong những lý do phổ biến khiến bạn phải tìm gặp bác sĩ. Tùy vào nguyên nhân gây nên mà tính chất cơn đau ở mỗi người sẽ không giống nhau. Cụ thể hơn, chúng có thể khác nhau về:

Cường độ (đau thắt ngực, đau nhói, đau âm ỉ…) Vị trí đau (giữa ngực, ngực trái, ngực phải…) Thời gian đau (kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc ngắt quãng…)

Hầu hết trường hợp, dấu hiệu đau ngực cảnh báo về một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang diễn ra. Do đó, tìm hiểu về triệu chứng này có khả năng giúp bạn sớm có biện pháp đối phó ngay từ đầu, đồng thời hạn chế phát sinh biến chứng nguy hiểm hơn. 

1. Đau ngực là bệnh gì, có những triệu chứng nào kèm theo?

Một người bị đau ngực thường có cảm giác lồng ngực bị bóp chặt, chèn ép hoặc nóng rát. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bắt gặp những triệu chứng kèm theo như: 

Nặng ngực Phạm vi đau nhức lan rộng đến cổ, hàm, lưng, vai và cánh tay, chủ yếu là tay trái Thời gian đau ngực thường kéo dài trong vài phút rồi tự khỏi, sau đó đột ngột tái phát Cường độ đau trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn hít sâu, ho hoặc hoạt động thể chất  Gặp khó khăn trong việc hít thở và nuốt, kể cả nuốt chất lỏng Đổ mồ hôi lạnh Chóng mặt buồn nôn Cảm giác suy nhược cơ thể Ợ chua Đổi tư thế đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến cơn đau ngực Cảm giác đau khi ấn vào ngực

Đây chỉ là những biểu hiện thường thấy nhất. Trong vài trường hợp, bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập như trên. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bất thường đang diễn ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

2. Đau ngực là biểu hiện của bệnh gì?

Triệu chứng đau ngực liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Các bệnh lý này được phân loại thành 4 nhóm chính gồm:

Đau ngực do các bệnh tim mạch

Phần lớn trường hợp, những cơn đau tức ngực có mối liên hệ mật thiết với các bệnh về tim. Chúng có thể kể đến như:

  • Bệnh cơ tim phì đại: một dạng rối loạn cơ tim mang tính di truyền, có thể dẫn đến những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, chóng mặt và dễ ngất xỉu ;
  • Hở van hai lá: thường không thể hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển nghiêm trọng, người bệnh có thể bị chóng mặt, đánh trống ngực và đau ngực trái.
  • Viêm màng ngoài tim: trong trường hợp này, đau tức ngực trái là điều khó tránh khỏi. Các cơn đau thắt ngực sẽ càng trở nặng khi bạn nằm nghỉ hoặc hít thở sâu. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có thể bị đau vùng ngực phải.
  • Đau tim: sự xuất hiện của một cơn đau tim không chỉ kéo theo cảm giác đau tức ngực mà còn có khả năng gây ra nhiều vấn đề khác như hụt hơi, mê sảng, đau cổ vai gáy, lưng, cánh tay…
  • Viêm cơ tim: tình trạng này có thể dẫn đến cơn đau giữa ngực và dần lan rộng sang hai bên, kèm theo những biểu hiện tim đập nhanh, khó thở, sốt… 
  • Nhồi máu cơ tim: tình trạng huyết khối hình thành trong mao mạch gây cản trở máu chảy về tim có khả năng gây nên các cơn đau thắt ngực trái, kèm theo đó là triệu chứng rối loạn nhịp tim, đổ nhiều mồ hôi, mệt mỏi…
  • Bóc tách động mạch chủ: người bệnh có thể cảm thấy đau dữ dội ở vùng dưới xương ức, thở gấp, lú lẫn… do thiếu máu cục bộ bởi sự tách rời của các lớp mô tại động mạch chủ. Tình trạng này có rủi ro cao trực tiếp dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.  

Mối liên hệ giữa các bệnh về hô hấp và cơn đau thắt ngực

Bên cạnh tim, những vấn đề phát sinh ở hệ hô hấp, chủ yếu là phổi, cũng có khả năng ảnh hưởng đến lồng ngực. Các bệnh lý này có thể gồm:

  • Hen suyễn;
  • Xẹp phổi;
  • Lao phổi;
  • Viêm phổi và viêm màng phổi;
  • Thuyên tắc phổi;
  • Tăng áp động mạch phổi.

Đau tức ngực khó thở là triệu chứng điển hình cho trường hợp này. Vị trí đau có thể xuất phát từ giữa ngực và nhanh chóng mở rộng sang một hoặc cả hai bên. Ngoài ra, cơn đau thắt ngực thường sẽ đi chung với một số biểu hiện phổ biến khác như nhịp tim đập nhanh, ho nhiều (có thể có đờm hoặc ho ra máu), sốt, ớn lạnh… 

Ảnh hưởng của bệnh cơ xương khớp đối với ngực

Căng cơ hoặc viêm gân quanh xương sườn rất dễ kéo theo tình trạng đau tức ngực dai dẳng. Ngoài ra, sự hiện diện của cơn đau tại đây còn có khả năng đến từ vấn đề ở xương sườn, bao gồm cả nứt và gãy xương. 

Mặt khác, nhiều bác sĩ cho rằng tình trạng đau nhói ngực phải do viêm khớp sụn sườn và đau ngực do bệnh lý tim mạch có phần tương đồng nên dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, dù tác nhân đứng sau là gì, người bệnh vẫn nên sớm đến bệnh viện kiểm tra nhằm hạn chế phát sinh biến chứng ngoài ý muốn. 

Đau ngực cũng có thể cảnh báo bệnh tiêu hóa

Thông thường, những vấn đề sức khỏe ở cơ quan tiêu hóa chỉ gây đau ở bụng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, phạm vi đau nhức có thể mở rộng đến cả lồng ngực. Viêm loét dạ dày là tình trạng phổ biến nhất. Bên cạnh đó, những thương tổn ở thực quản và tụy cũng có khả năng gây đau tức ngực, ví dụ như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ;
  • Rối loạn co thắt thực quản ;
  • Viêm tụy.

Một số bệnh lý tiềm ẩn khác

Đôi khi, cảm giác ngực bị đau còn bắt nguồn từ bệnh zona thần kinh (giời leo). Trong trường hợp này, cơn đau có thể xuất hiện dọc theo ngực hoặc lưng trước khi người bệnh nổi ban.

Mặt khác, sự xuất hiện đột ngột của các cơn hoảng loạn (panic attack) cũng dễ kéo theo hàng loạt triệu chứng khó chịu như đau ngực, đau bụng, tăng nhịp tim, ớn lạnh, run rẩy, hụt hơi…

3. Triệu chứng đau ngực có nguy hiểm không?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị đau ngực, đặc biệt là người cao tuổi và những đối tượng có nhiều thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc lá, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà cả cuộc sống của người bệnh cũng phải gánh chịu tác động nặng nề.

Ngoài ra, có quá nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến triệu chứng đau ngực. Vì vậy, bác sĩ khuyến nghị mọi người nên mau chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, thậm chí là cấp cứu nếu cơ thể bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào như sau: 

Xương ức bị đè nén đột ngột gây tức ngực khó thở Ngực đau dữ dội Cơn đau lan nhanh đến xương hàm, lưng và chi trên Đau tức ngực khó thở, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi Loạn nhịp tim, bao gồm cả tim đập nhanh hoặc nhịp tim rất chậm Thở gấp Tinh thần đờ đẫn, không tỉnh táo Sắc mặt tái xanh Đổ nhiều mồ hôi dù không vận động mạnh Chỉ số huyết áp hạ bất thường 

Bên cạnh đó, khi cơn đau thắt ngực đột ngột phát sinh không rõ nguyên nhân, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Vì cơ địa mỗi người là khác nhau, nên việc tham vấn y khoa có thể giúp bạn lựa chọn giải pháp đối phó phù hợp nhất. 

4. Chẩn đoán nguyên nhân đau ngực diễn ra như thế nào?

Trước tiên, các chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát, đồng thời đặt câu hỏi chi tiết về những cơn đau ở vùng ngực mà bạn gặp phải, chẳng hạn như vị trí đau, cường độ đau, thời gian kéo dài… Sau đó, họ sẽ chỉ định một số xét nghiệm y khoa để hỗ trợ chẩn đoán. Chúng có thể gồm: 

  • Điện tâm đồ (ECG): ghi lại hoạt động của tim dưới dạng tín hiệu điện thông qua điện cực gắn trên da, thường dành cho những trường hợp nghi ngờ bệnh về tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.
  • Xét nghiệm máu: định lượng nồng độ của một số enzyme trong cơ tim.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang ngực: kiểm tra kích thước của phổi, tim và các mao mạch, đồng thời tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
  • Chụp CT: kiểm tra sự hiện diện của huyết khối, tình trạng sức khỏe của động mạch chủ và tìm kiếm dấu hiệu canxi lắng đọng tại đây.
  • Siêu âm tim: tái tạo hình ảnh của tim bằng sóng âm thanh. Thủ thuật này có thể giúp bác sĩ quan sát rõ hơn một số khu vực ở tim mà những xét nghiệm hình ảnh khác không mô phỏng được.
  • Chụp động mạch vành: kiểm tra liệu động mạch cung cấp máu cho tim có hẹp hoặc tắc nghẽn hay không.
  • Xét nghiệm tim gắng sức: kiểm tra khả năng đáp ứng của hệ tim mạch đối với tình trạng vận động mạnh, đồng thời hỗ trợ xác định bệnh tim mạch cụ thể khiến ngực đau nhức khó chịu.

5. Cần làm gì khi bị đau ngực?

Triệu chứng ngực bị đau cho thấy bạn đang cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Vì vậy, lúc này bạn nên mau chóng đến bệnh viện và tiếp nhận điều trị. Tùy vào nguyên nhân gây đau mà bác sĩ có thể đề xuất một hoặc nhiều liệu trình điều trị khác nhau cho từng trường hợp. 

Trong đó, những lựa chọn thường gặp nhất là: 

Sử dụng thuốc

Trong trường hợp này, các chuyên gia thường chỉ định người bệnh dùng:

Aspirin

Loại thuốc trên có khả năng nhanh chóng đẩy lui triệu chứng đau nhức khó tả ở ngực, thường dành cho tình trạng ngực đau liên quan đến bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng aspirin có nguy cơ gây tác dụng phụ (tổn thương dạ dày, gan, thận…) nếu dùng quá liều. Do đó, hãy đảm bảo luôn tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi uống thuốc. 

Thuốc giãn mạch

Nitroglycerin được dùng theo cách ngậm dưới lưỡi, mang lại hiệu quả làm giãn nở mao mạch, từ đó giúp máu có thể lưu thông dễ dàng qua các không gian hẹp. Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có tác dụng giãn mạch máu.

Thuốc tiêu sợi huyết

Trong trường hợp đau ngực do nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc tiêu sợi huyết với mục đích làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mao mạch.

Thuốc kháng đông

Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự hình thành hoặc phát triển lớn hơn của những huyết khối (cục máu đông) trong động mạch tim hoặc phổi. 

Thuốc ức chế axit dịch vị

Đối với tình trạng đau ngực do trào ngược axit dạ dày thực quản, bạn sẽ cần uống một vài loại thuốc làm giảm nồng độ axit trong dạ dày, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton (PPIs) hay antacid (trung hòa axit)…

Thuốc chống trầm cảm

Nếu nguyên nhân gây đau đến từ cơn hoảng loạn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm nhằm hỗ trợ người bệnh kiểm soát triệu chứng đang diễn ra. 

Phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh lý gây đau ngực trở nặng, bạn có thể cần thực hiện phẫu thuật kết hợp với một số thủ thuật y tế khác (nếu cần thiết) để điều trị. Những loại phẫu thuật thường được áp dụng gồm: 

Nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành

Thủ thuật y tế này chủ yếu dùng cho trường hợp đau thắt ngực do tắc nghẽn động mạch tim. Bác sĩ sẽ chèn ống nhỏ vào trong mạch máu lớn ở đùi và luồn nó đến khu vực tắc nghẽn, từ đó nới rộng mao mạch bằng cách bơm phồng quả bóng ở đầu ống thông. Đôi khi, lưới thép nhỏ cũng sẽ được đặt vào nhằm ngăn chặn động mạch hẹp lại. 

Đối với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, bác sĩ sẽ “xây dựng” con đường giúp lưu lượng hồng cầu vượt qua khu vực tắc nghẽn bằng cách sử dụng một nhánh mao mạch khác trong cơ thể. 

Phẫu thuật sửa chữa động mạch bị bóc tách

Loại phẫu thuật này đặc biệt cần thiết với người mắc bệnh bóc tách động mạch chủ. Đây là tình trạng sức khỏe nguy hiểm, có nguy cơ gây vỡ động mạch chủ và trực tiếp dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp lúc. 

Phẫu thuật làm nở phổi

Nếu các túi khí nhỏ trong phổi bị xẹp, các chuyên gia sẽ chèn ống vào ngực để làm chúng giãn nở trở lại. 

6. Làm sao để hạn chế tình trạng đau ngực?

Nhìn chung, những vấn đề sức khỏe trên có thể được phòng ngừa bằng cách cải thiện lối sống hàng ngày. Sự thay đổi này có thể bao gồm: 

Rèn luyện thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với nhiều rau củ quả và trái cây, hạn chế dầu mỡ cũng như ăn mặn Hạn chế hoặc tránh xa bia rượu Bỏ thuốc lá

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về bệnh đau ngực sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:13/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM