Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 1: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại)

Mời các em học sinh cùng tham khảo nội dung giải bài 1 SGK được eLib biên soạn và tổng hợp dưới đây. Tài liệu gồm 3 bài tập trang 5,6 có phương pháp giải và đáp án đi kèm sẽ giúp các em học tập thật tốt chương trình môn Lịch sử 7. Chúc các em học giỏi!

Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 1: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu (Thời sơ - trung kì trung đại)

1. Giải bài 1 trang 5 SGK Lịch sử 7

Xã hội phong kiến châu Âu đã được hình thành như thế nào?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung mục 1 bài 1 SGK Lịch sử 7 trang 3 để trả lời.

Xã hội phong kiến châu Âu hình thành với 2 giai cấp Lãnh chúa và nông nô.

- Người Giéc-man chiếm ruộng đất → giai cấp lãnh chúa

- Nô lệ và nông dân không có ruộng đất → giai cấp nông nô.

Hướng dẫn giải

- Cuối thế kỉ V, các quốc gia cổ đại phương Tây tan rã do người Giéc-man xâm chiếm và tiêu diệt.

- Người Giéc-man chiếm ruộng đất hình thành giai cấp lãnh chúa phong kiến.

- Nô lệ và nông dân không có ruộng đất phải làm việc cho lãnh chúa hình thành giai cấp nông nô.

→ Xã hội phong kiến châu Âu được hình thành với 2 giai cấp đặc trưng: Lãnh chúa và nông nô.

2. Giải bài 2 trang 5 SGK Lịch sử 7

Thế nào là lãnh địa phong kiến? Em hãy nêu những đặc điểm chính của nền kinh tế lãnh địa.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung mục 2 bài 1 SGK Lịch sử 7 trang 3-4 để phân tích và trả lời.

Lãnh địa phong kiến

Lâu đài của lãnh chúa

Hướng dẫn giải

- Lãnh địa phong kiến là:

+ Những vùng đất đai rộng lớn mà các quý tộc chiếm đoạt được, họ biến thành khu đất riêng của mình.

+ Mỗi lãnh chúa phong kiến đều có một lãnh địa riêng của mình.

+ Lãnh địa là đơn vị chính trị và kinh tế cơ bản trong thời kì phong kiến phân quyền ở châu Âu.

- Đặc điểm chính của nền kinh tế lãnh địa: là cơ sở kinh tế đóng kín, mang tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc, không có sự trao đổi buôn bán với bên ngoài.

3. Giải bài 3 trang 5 SGK Lịch sử 7

Vì sao xuất hiện thành thị trung đại? Nền kinh tế trong các thành thị có điểm gì khác với nền kinh tế trong lãnh địa?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở mục 3 SGK Lịch sử 7 trang 4, 5 để trả lời.

So sánh kinh tế lãnh địa và kinh tế thành thị trên các phương diện: sản xuất kinh tế, tính chất và vai trò

Hướng dẫn giải

- Do hàng thủ công sản xuất ra ngày càng nhiều, một số thợ thủ công đã đưa hàng hóa của mình đến những nơi đông người qua lại để buôn bán và lập xưởng sản xuất. Từ đó họ lập ra các thị trấn, sau trở thành các thành phố lớn – thành thị trung đại xuất hiện.

- Nền kinh tế trong các thành thị có điểm khác với nền kinh tế lãnh địa:

- Kinh tế lãnh địa

+ Sản xuất chủ yếu: Nông nghiệp

+ Tính chất: Tự nhiên, tự cấp, tự túc. Nông nô tự sản xuất ra mọi vật dụng và tiêu dùng những thứ do mình làm ra, không có sự trao đổi, buôn bán với bên ngoài.

+ Vai trò: Kìm hãm sự phát triển của xã hội phong kiến

- Kinh tế thành thị

+ Sản xuất chủ yếu: Thủ công nghiệp

+ Tính chất: Nền kinh tế hàng hóa. Người thợ thủ công chỉ sản xuất một mặt hàng rồi đem trao đổi, mua bán lấy những thứ cần thiết để sử dụng.

+ Vai trò: Tạo điều kiện cho xã hội phong kiến phát triển.

Ngày:20/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM