Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 22: Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỉ XVI - XVIII)

Nội dung giải bài tập trang 106, 108 SGK môn Lịch sử 7 được eLib biên soạn và tổng hợp bên dưới đây sẽ giúp các em tổng hợp lại kiến thức đã học, rèn luyện kĩ năng giải bài tập, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập. Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 22: Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỉ XVI - XVIII)

1. Giải bài 1 trang 106 SGK Lịch sử 7

Nguyên nhân dẫn đến phong trào khởi nghĩa của nông dân ở đầu thế kỉ XVI là gì?

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung chính ở mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 105 để suy luận trả lời.

- Chính trị rối loạn.

- Kinh tế kiệt quệ.

- Xã hội bất ổn, đời sống nhân dân cực khổ.

Hướng dẫn giải

Nguyên nhân dẫn đến bùng nổ các phong trào khởi nghĩa của nông dân ở đầu thế kỉ XVI là:

- Chính trị rối loạn: Vua, quan ăn chơi, không quan tâm đến triều chính.

- Kinh tế: không được nhà nước quan tâm nên dần dần kiệt quệ.

- Xã hội: bất ổn, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, cực khổ.

→ Mâu thuẫn giai cấp ngày càng trở nên gay gắt đến mức không thể điều hòa được nhân dân nổi dậy đấu tranh, khởi nghĩa.

2. Giải bài 2 trang 106 SGK Lịch sử 7

Hãy nêu ý nghĩa của phong trào nông dân đầu thế kỉ XVI.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học kết hợp với nội dung mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 106 để trả lời.

- Thúc đẩy quá trình sụp đổ của nhà Lê.

- Thể hiện tình trạng mâu thuẫn xã hội gay gắt.

Hướng dẫn giải

Các cuộc khởi nghĩa trước sau đều bị dập tắt nhưng đã có ý nghĩa:

- Góp phần thúc đẩy quá trình sụp đổ của nhà Lê diễn ra nhanh chóng.

- Thể hiện ý chí đấu tranh của nhân dân chống lại một nhà nước phong kiến đã khủng hoảng, suy yếu. Thể hiện tình trạng mâu thuẫn xã hội gay gắt ở đầu thế kỉ XVI.

3. Giải bài 1 trang 108 SGK Lịch sử 7

Hãy nêu lên hậu quả của cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều và sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở SGK trang 107, 109 để trả lời.

- Hậu quả của chiến tranh Nam - Bắc triều: làng mạc, gia đình li tán, nhân dân phải sống trong cảnh đất nước chiến tranh hỗn loạn, sản xuất đình trệ, thiên tai lớn.

- Hậu quả của sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài: tổn hại cho sự phát triển của đất nước.

Hướng dẫn giải

* Hậu quả của chiến tranh Nam - Bắc triều:

- Làng mạc, gia đình li tán, người chết rất nhiều, hàng vạn người bắt đi lính, đi phu.

- Nhân dân phải sống trong cảnh đất nước chiến tranh hỗn loạn, suốt một vùng từ Thanh - Nghệ ra Bắc đều là chiến trường suốt hơn 50 năm.

- Sản xuất nông nghiệp đình trệ, mùa màng bị tàn phá nặng nề, nhất là những năm có thiên tai lớn.

- Chế độ binh dịch ngày càng đè nặng lên đời sống nhân dân.

* Hậu quả của sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài:

- Sự chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt hai thế kỉ đã gây bao đau thương cho dân tộc và tổn hại cho sự phát triển của đất nước.

4. Giải bài 2 trang 108 SGK Lịch sử 7

Em có nhận xét gì về tình hình chính trị, xã hội nước ta ở các thế kỉ XVI - XVII?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức cả bài để nhận xét, đánh giá. 

- Chính trị: Triều đình Lê sơ suy yếu, đất nước bất ổn định, chiến tranh liên miên. 

- Xã hội: nhân dân đói khổ, lầm than, mâu thuẫn xã hội gay gắt.

Hướng dẫn giải

Tình hình chính trị, xã hội nước ta ở các thế kỉ XVI - XVII vô cùng hỗn loạn:

- Chính trị: Triều đình Lê sơ suy yếu, đất nước luôn trong tình trạng bất ổn định, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lực, chiến tranh liên miên. Đất nước bị chia cắt kéo dài.

- Xã hội: chiến tranh phong kiến làm cho đời sống nhân dân đói khổ, lầm than, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Dẫn đến bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân.

→ Tình trạng này kéo dài đến cuối thế kỉ XVIII, gây ra bao đau thương cho dân tộc và tổn hại cho sự phát triển của đất nước.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM