Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 20: Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1527)

Nội dung giải bài tập SGK trang 96,99,101,103 môn Lịch sử 7 được eLib biên soạn và tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em làm làm quen, luyện tập các dạng bài tập liên quan đến Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1527). Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 20: Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1527)

1. Giải bài 1 trang 96 SGK Lịch sử 7

Em hãy trình bày và vẽ sơ đồ tổ chức bộ máy chính quyền thời Lê sơ.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung chính ở mục 1 SGK Lịch sử 7 trang 94 để trả lời.

- Vua đứng đầu nhà nước nắm mọi quyền hành.

- Giúp việc cho vua là các quan đại thần.

- Triều đình có 6 bộ: Bộ lại, bộ hộ, bộ lễ, bộ binh, bộ hình, bộ công.

- Ngoài ra còn có 1 số cơ quan chuyên môn: Hàn lâm viện, quốc sử viện, Ngự sử đài.

- Địa phương: Chia thành các đạo, đứng đầu đạo là 3 ti: Đô ti, thừa ti, hiến ti.

- Dưới đạo có phủ, Châu, huyện xã

Hướng dẫn giải

* Tổ chức bộ máy chính quyền thời Lê sơ: được hoàn thiện dần và đến thời vua Lê Thánh Tông là hoàn chỉnh nhất.

- Ở trung ương:

+ Đứng đầu triều đình là vua.

+ Để tập trung quyền lực vào vua, vua Lê Thánh Tông bãi bỏ các chức vụ cao cấp nhất như: tướng quốc, đại tổng quản, đại hành khiển. Vua trực tiếp nắm mọi quyền hành, kể cả chức Tổng chỉ huy quân đội.

+ Giúp việc cho vua có các quan đại thần.

+ Ở triều đình có 6 bộ và các cơ quan chuyên môn. 6 bộ là: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư; các cơ quan chuyên môn gồm Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Ngự sử đài.

- Ở địa phương:

+ Thời vua Lê Thái Tổ và vua Lê Nhân Tông, cả nước chia làm 5 đạo. Dưới đạo là phủ, huyện (châu), xã.

+ Thời vua Lê Thánh Tông, đổi chia 5 đạo thành 13 đạo thừa tuyên, đứng đầu mỗi đạo là 3 ti phụ trách 3 mặt khác nhau (đô ti, thừa ti và hiến ti). Dưới đạo thừa tuyên là phủ, châu, huyện, xã.

* Sơ đồ tổ chức bộ máy chính quyền thời Lê sơ:

2. Giải bài 2 trang 96 SGK Lịch sử 7

Em thử trình bày vài nét về những đóng góp của vua Lê Thánh Tông trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và luật pháp.

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức cả bài 20: Nước Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1527), tìm hiểu thêm qua sách, báo, internet để trả lời.

- Xây dựng một bộ máy nhà nước thống nhất.

- Ban hành luật Hồng Đức.

- Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số...

Hướng dẫn giải

Những đóng góp của vua Lê Thánh Tông trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và luật pháp:

* Bộ máy nhà nước:

- Xây dựng một bộ máy nhà nước thống nhất, khá gọn gàng, tinh giản và hoạt động có hiệu lực, đảm bảo sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương → Tăng cường tính chuyên chế của triều đình trung ương.

* Luật pháp:

- Vua Lê Thánh Tông đã đóng góp vào lịch sử dân tộc một bộ luật tiến bộ mang tên Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức).

- Bộ luật Hồng Đức được coi là bộ luật nổi bật nhất, quan trọng nhất và có vai trò rất đặc biệt trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam.

- Mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng bộ luật Hồng Đức lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tì, người cô quả, người tàn tật,… Đặc biệt là một số quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, điều này phản ánh truyền thống nhân đạo, truyền thống tôn trọng phụ nữ, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, lấy làng xã làm nền tảng của quốc gia,…

3. Giải bài 1 trang 99 SGK Lịch sử 7

Hãy trình bày những nét chính về tình hình kinh tế thời Lê sơ.

Phương pháp giải

Dựa vào các kiến thức đã học và nội dung chính ở mục II. Tình hình kinh tế xã hội SGK Lịch sử 7 trang 97, 98 để trả lời.

- Nông nghiệp: được phục hồi và phát triển nhanh

- Thủ công nghiệp: phát triển, nhiều làng thủ công chuyên nghiệp ra đời

- Thương nghiệp: chợ búa được khuyến khích mở rộng

Hướng dẫn giải

Nhờ những biện pháp tích cực, tiến bộ của nhà Lê mà nền kinh tế Đại Việt được phục hồi nhanh chóng và tiếp tục phát triển. Đây là biểu hiện sự thịnh vượng của thời Lê sơ.

- Nông nghiệp: được phục hồi và phát triển nhanh chóng nhờ những chính sách tích cực của nhà nước.

- Thủ công nghiệp: phát triển với những nghề thủ công truyền thống, nhiều làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời, nhất là Thăng Long.

- Thương nghiệp: chợ búa được khuyến khích mở để lưu thông hàng hóa trong nước và nước ngoài.

4. Giải bài 2 trang 99 SGK Lịch sử 7

Thời Lê sơ, xã hội có những giai cấp và tầng lớp nào?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính mục II.2 SGK Lịch sử 7 trang 98 để trả lời.

- Giai cấp thống trị: bao gồm vua, quan, quý tộc, địa chủ phong kiến.

- Giai cấp bị trị: bào gồm nông dân, thương nhân, thợ thủ công, nô tì.

Hướng dẫn giải

Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thời Lê sơ:

- Giai cấp thống trị: bao gồm vua, quan, quý tộc, địa chủ phong kiến.

+ Vua: đứng đầu đất nước, có quyền lực cao nhất.

+ Giai cấp địa chủ, quan lại, quý tộc: có nhiều ruộng đất, là giai cấp bóc lột trong xã hội.

- Giai cấp bị trị:

+ Giai cấp nông dân: chiếm tuyệt đại đa số, là giai cấp bị bóc lột, nghèo khổ trong xã hội.

+ Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công: ngày càng đông đảo, họ phải nộp thuế cho nhà nước và không được xã hội coi trọng.

+ Nô tì: là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, bao gồm cả người Việt, người Hoa và dân tộc ít người.

5. Giải bài 1 trang 101 SGK Lịch sử 7

Em hãy nêu những thành tựu chủ yếu về văn hóa, giáo dục của Đại Việt thời Lê sơ.

Phương pháp giải

Từ hiểu biết của bản thân và dựa vào nội dung mục III SGK Lịch sử 7 trang 99, 100, 101 để trả lời.

- Những thành tựu về văn hóa:

+ Văn học: chữ Hán và chữ Nôm đều phát triển

+ Sử học: Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư,...

+ Địa lí: có Hồng Đức bản đồ, Dư địa chí,...

+ Y học: có Bản thảo thực vật toát yếu.

+ Toán học: có Đại thành toán pháp, Lập thành toán pháp.

+ Nghệ thuật sân khấu như ca, múa, nhạc...phát triển

+ Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc: mang nhiều nét đặc sắc.

- Những thành tựu về giáo dục, khoa cử: Nội dung thi cử là các sách của đạo Nho.

Hướng dẫn giải

* Những thành tựu về văn hóa:

- Văn học:

+ Văn học chữ Hán và chữ Nôm đều phát triển. Có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập,…

+ Văn thơ thời Lê sơ có nội dung yêu nước sâu sắc, thể hiện niềm tự hào dân tộc, khí phách anh hùng và tinh thần bất khuất của dân tộc.

- Sử học: có nhiều tác phẩm như: Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư, Lam Sơn thực lục,…

- Địa lí: có Hồng Đức bản đồ, Dư địa chí, An Nam hình thăng đồ.

- Y học: có Bản thảo thực vật toát yếu.

- Toán học: có Đại thành toán pháp, Lập thành toán pháp.

- Nghệ thuật sân khấu như ca, múa, nhạc, chèo, tuồng được phục hồi nhanh chóng và phát triển, nhất là chèo, tuồng.

- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc: mang nhiều nét đặc sắc. Biểu hiện ở các công trình lăng tẩm, cung điện tại Lam Kinh (Thanh Hóa). Điêu khắc thời Lê Sơ có phong cách khối đồ sộ, kĩ thuật điêu luyện.

* Những thành tựu về giáo dục, khoa cử:

- Nội dung thi cử là các sách của đạo Nho.

Dựng lại Quốc Tử Giám, mở nhiều trường học, mở khoa thi. Nội dung học tập thi cử là sách của đạo Nho. Một năm tổ chức ba kì thi: Hương - Hội - Đình.

→ Giáo dục phát triển đào tạo được nhiều nhân tài.

6. Giải bài 2 trang 101 SGK Lịch sử 7

Vì sao quốc gia Đại Việt lại đạt được thành tựu nói trên?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức cả bài, suy luận để trả lời.

- Đất nước thái bình

- Các biện pháp tích cực của Nhà nước

- Giáo dục, khoa cử phát triển.

Hướng dẫn giải

Quốc gia Đại Việt thời Lê sơ đạt được nhiều thành tựu về văn hóa, giáo dục do:

- Đất nước thái bình, yên ổn, không còn chiến tranh.

- Những chính sách, biện pháp quan tâm tích cực của Nhà nước đã khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa, giáo dục phát triển.

- Giáo dục, khoa cử phát triển nên đào tạo được nhiều nhân tài giúp nước.

- Nhân dân ta có truyền thống thông minh, hiếu học.

7. Giải bài 1 trang 103 SGK Lịch sử 7

Những cống hiến của Nguyễn Trãi đối với sự nghiệp của nước Đại Việt.

Phương pháp giải

Dựa vào sách, báo, internet để trả lời.

Nguyễn Trãi

Một số tác phẩm tiêu biểu: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú...

Hướng dẫn giải

- Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, quân sự tài ba, đóng góp của ông chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

- Nguyễn Trãi còn đóng góp những tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực văn học, sử học, địa lí như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Quốc âm thi tập, Dư địa chí,... Tất cả nội dung ông viết đều chung tư tưởng nhân đạo, yêu nước và thương dân.

→ Những đóng góp của ông đã làm cho tên tuổi Nguyễn Trãi rạng rỡ trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

8. Giải bài 2 trang 103 SGK Lịch sử 7

Em biết gì về vua Lê Thánh Tông.

Phương pháp giải

Từ hiểu biết của bản thân và dựa vào sách, báo, internet để trả lời.

Vua Lê Thánh Tông

- Là một vị vua anh minh, tài năng.

- Một nhà văn lớn, nổi tiếng.

- Sáng lập ra Hội Tao đàn...

Hướng dẫn giải

Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497):

- Là một vị vua anh minh, tài năng, suất sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Ông còn là một nhà văn lớn, nổi tiếng của dân tộc ở thế kỉ XV.

- Là người sáng lập ra Hội Tao đàn và nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm, chữ Hán có giá trị cao.

- Là một vị vua hết mực thương dân, chăm lo cho đời sống nhân dân. Quan tâm phát triển nông nghiệp, công thương nghiệp và văn hóa, giáo dục.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM